Những vấn đề phải giải quyết khi một nhà máy điện hạt nhân kết thúc hoạt động

Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế IAEA, ông Yukiya Amano, cho biết, việc kết thúc hoạt động và tháo dỡ nhà máy điện hạt nhân đang trở thành một vấn đề nổi cộm, đòi hỏi tốn nhiều kinh phí cũng như nhân lực kỹ thuật cấp cao và nhiều biện pháp công nghệ, các nước đều hết sức quan tâm vấn đề này.


Hoạt động tháo dỡ tại nhà máy điện hạt nhân Dounreay, Scotland.

Điện hạt nhân đang phát triển mạnh trên toàn thế giới. Báo cáo của ông Yukiya Amano, Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế IAEA tại Hội nghị Ban Giám đốc IAEA ngày 6/6/2016 cho biết:

Trong năm 2015 đã có 10 lò phản ứng hạt nhân (LPƯHN) phát điện lên lưới. Hiện nay toàn thế giới có 444 LPƯHN đang vận hành tại 30 nước và 65 lò đang được xây dựng, trong đó 2/3 ở châu Á. Có 157 lò đã tắt vĩnh viễn, hầu hết số lò này đang kết thúc hoạt động và tháo dỡ (KTHĐ&TD)

Ông Amano nhấn mạnh: KTHĐ&TD nhà máy điện hạt nhân (NMĐHN) đang trở thành một vấn đề nổi cộm, đòi hỏi tốn nhiều kinh phí cũng như nhân lực kỹ thuật cấp cao và nhiều biện pháp công nghệ, các nước đều hết sức quan tâm vấn đề này. Tháng 9/1973, IAEA lần đầu tiên nêu ra vấn đề KTHĐ&TD các NMĐHN. Tháng 5/2016 tại Madrit, IAEA đã tổ chức cuộc Hội thảo quốc tế đẩy mạnh thực thi trên toàn cầu các chương trình KTHĐ&TD và xử lý môi trường đối với NMĐHN. Hơn 500 đại biểu từ 54 nước và 4 tổ chức quốc tế đã tới dự Hội thảo này. Tây Ban Nha là một trong vài nước có kinh nghiệm kết thúc hoạt động và tháo dỡ NMĐHN.

Niên giám 2012 của Cơ quan Môi trường LHQ công bố hồi tháng 2/2012 cho biết: Trong 10 năm tới, các LPƯHN thế hệ 1 sẽ hết thời hạn tuổi đời theo thiết kế, vì thế sẽ có 80 LPƯHN dân dụng phải tắt lò (shutdown) và chuyển sang giai đoạn KTHĐ&TD. Số lượng LPƯHN đến hạn vận hành đang tăng lên không ngừng đã trở thành nỗi lo của toàn thế giới.

Nếu coi nhà máy điện Obninsk ra đời năm 1954 ở Liên Xô cũ là NMĐHN đầu tiên trên thế giới thì tới nay điện hạt nhân đã có lịch sử tồn tại hơn 60 năm, nghĩa là đến nay có không ít NMĐHN hết thời hạn vận hành, cần phải ngừng hoạt động và chuyển sang giai đoạn KTHĐ&TD. Trong giai đoạn này, NMĐHN vẫn có thể gây nguy hiểm đối với con người.

Sơ đồ dưới đây của IAEA cho thấy tổng thời gian cuộc đời của NMĐHN vào khoảng 75 đến 155 năm, trong đó tổng thời gian từ lúc tắt LPƯHN cho tới lúc mặt bằng nhà máy có thể an toàn sử dụng vào mục đích khác – tức thời gian KTHĐ&TD (decommissioning) – là vào khoảng 35 đến 80 năm, tương đương một nửa toàn bộ vòng đời nhà máy. Thời gian KTHĐ&TD bao lâu còn tùy thuộc vào loại công nghệ LPƯHN và các yếu tố khác.

Thí dụ NMĐHN Dodewaard (dùng lò nước sôi BWR) ở Hà Lan năm 1997 ngừng hoạt động, theo kế hoạch phải đến năm 2047 (50 năm!) mới hoàn tất KTHĐ&TD. Quá trình KTHĐ&TD LPƯHN loại PHWR 600 MW ở Canada kéo dài ít nhất 32 năm và chi phí 238 triệu USD. Lò AGR 2×660 MW ở Anh cần 99 năm (ngót một thế kỷ!) và 993 triệu USD… 

KTHĐ&TD các NMĐHN là công việc cực kỳ phức tạp, rất tốn kém kinh phí và nhân lực, giải pháp công nghệ, lại kéo dài hàng chục năm và rất ít quốc gia tích lũy được nhiều kinh nghiệm. Khó khăn chính là ở chỗ hoạt động này đòi hỏi nhiều khoản chi lớn chưa thể lường trước và cả khâu xử lý chất thải hạt nhân

Không chỉ riêng NMĐHN mà bất cứ nhà máy  sản xuất trong lĩnh vực nào cũng sẽ đến ngày phải ngừng hoạt động vì hết thời hạn sử dụng theo thiết kế, hoặc vì những nguyên nhân khác như không còn đảm bảo an toàn do công nghệ lạc hậu, do xảy ra sự cố, thiên tai. Các nhà máy điện phi hạt nhân sau khi ngừng hoạt động là có thể “khai tử” và tháo dỡ ngay các công trình và thiết bị, phục hồi mặt bằng nhà máy trở về tình trạng trước khi xây dựng nhà máy để có thể sử dụng mặt bằng vào mục đích khác.

Tuy nhiên với NMĐHN thì không thể làm như vậy. Sau khi tắt LPƯHN, phải chuyển nhà máy sang giai đoạn tiến hành xử lý các chất phóng xạ còn tồn tại (như ngâm thanh nhiên liệu vào trong bể nước chờ nhiều năm cho hết phóng xạ, chở đi nơi khác để xử lý, xây dựng hệ thống bao che LPƯHN v.v…) nhằm đảm bảo người của nhà máy và dân chúng xung quanh tránh được các nguy hiểm gây ra bởi tác dụng phóng xạ dư rớt và bởi các rủi ro tiềm ẩn khác.

Quá trình KTHĐ&TD là cần thiết và phải được lên kế hoạch, lên dự toán ngay từ khâu thiết kế nhà máy và khâu tính toán giá thành điện của NMĐHN. Đây là vấn đề rất khó, vì không thể lường trước trong thời gian dài như thế, nhà máy có thể xảy ra những rắc rối gì. 

Trong quá trình KTHĐ&TD, NMĐHN tuy không làm ra sản phẩm nhưng lại tiêu tốn rất nhiều nhân lực, vật lực và có thể còn gây nguy hiểm. Trong thời gian nhà máy ngừng hoạt động phải cấp kinh phí để “nuôi” nhà máy tiếp tục tồn tại tuy nó không còn hữu ích, nếu “nuôi” không tốt thì nó còn có thể gây tai họa.

Niên giám 2012 của Cơ quan Môi trường LHQ cho biết: Năm 2001, dự toán kinh phí KTHĐ&TD NMĐHN Brennilis ở Pháp ước tính chiếm 26% đầu tư ban đầu của nhà máy, nhưng đến năm 2008 tỷ lệ này tăng lên tới 59%, con số tuyệt đối gấp 20 lần con số ban đầu. Chính phủ Anh năm 1970 dự tính chi 2 triệu bảng Anh cho việc KTHĐ&TD NMĐHN, năm 1990 tăng lên 9,5 tỷ Bảng, năm 2011 lên tới 53,7 tỷ Bảng.

Với công nghệ điện hạt nhân hiện nay, nói chung chi phí KTHĐ&TD các NMĐHN cỡ 1 triệu kW chiếm 10 đến 15% đầu tư ban đầu, tức là vào khoảng 300 đến 500 triệu USD.

Sau thảm họa hạt nhân Fukushima ở Nhật (3/2011), CHLB Đức quyết định đến năm 2022 sẽ đóng cửa toàn bộ 17 NMĐHN của họ (hiện nay đã đóng cửa 7 nhà máy). Lý do là nhằm tránh rủi ro tai họa hạt nhân do NMĐHN gây ra. Nhưng những người phản đối quyết định trên nói việc đóng cửa sớm NMĐHN như vậy sẽ làm mất đi một nguồn cung cấp điện rẻ tiền mà vẫn không đạt mục đích bảo đảm an toàn, vì trong hàng chục năm nữa các NMĐHN đã “nghỉ hưu” ấy vẫn có thể gây ra tai họa hạt nhân, nhà nước vẫn phải tốn kém cực nhiều vào việc KTHĐ&TD chúng.

Tóm lại, KTHĐ&TD các NMĐHN là một vấn đề cực kỳ phức tạp và chưa có nhiều kinh nghiệm xử lý. Vì thế khi nghiên cứu lập kế hoạch tiến hành các dự án điện hạt nhân, nhà chức trách cần đặc biệt quan tâm xem xét, tính toán hết sức chi tiết vấn đề này, nếu không, dự án sẽ không đem lại lợi ích kinh tế xã hội mong muốn, thậm chí gây thiệt hại lớn, để lại gánh nặng cho các thế hệ sau.

Nguyễn Hải Hoành tổng hợp
Cao Chi hiệu đính

Nguồn tham khảo:

– https://www.iaea.org/newscenter/statements/introductory-statement-to-the-board-of-governors-june-2016  Introductory Statement to the Board of Governors.

– Decommissioning and remediation: enhancing safety of the public and the environment. By Yukiya Amano.    https://www.iaea.org/sites/default/files/5710101-foreword.pdf

– IAEA Bulletin, April 2016:  Decommissioning and environmental remediation: an overview. By Irena Chatzis

– https://www.iaea.org/sites/default/files/5712627-trends.pdf  Current trends in decommissioning and environmental remediation of nuclear facilities. By Juan José Zaballa Gómez

– 核电站退役难题:资金不足及核废料处理困难   http://www.sina.com.cn     2012年08月06日 

Tác giả