Sai một ly đi một…hàm!

Cái răng cái tóc là gốc con người. Chắc chắn nhiều độc giả sẽ nhăn mặt vì biết rồi nói mãi. Đồng ý là ai ai cũng hiểu về vai trò quan trọng của hàm răng. Cũng nhất trí là không mấy ai không biết ít nhiều về giá trị của biện pháp vệ sinh răng miệng. Ấy thế mà theo các nhà nghiên cứu về răng miệng của tập đoàn Colgate, lại có đến 90% người tiêu dùng vẫn chưa hiểu đúng về biện pháp bảo vệ hàm răng, mặc dầu quảng cáo về kem đánh răng hầu như không vắng mặt giờ nào trên màn ảnh truyền hình! Dưới đây là 10 điểm hiểu lầm thường gặp nhất dựa trên kết quả cuộc thăm dò với hơn 1400 thân chủ của nhiều nha sĩ trên khắp nước Đức.

Chỉ cần một phút đánh răng là đủ: Sai trầm trọng vì hai lý do. Trước hết, cần đánh răng nhiều lần trong ngày mới có hy vọng làm sạch chân răng và kẽ răng. Hàm răng không chỉ có hai mặt trước sau mà còn nhiều nơi “uẩn khúc”. Kế đến, dù có nhanh tay đến mấy cũng phải cần tối thiểu 3 phút mới làm sạch nổi cả 2 hàm trên dưới. Thêm vào đó, lần đánh răng quan trọng nhất là trước khi đi ngủ vì nhiều loại vi trùng chực chờ trong hầu họng, trên nướu răng, chỉ chờ lúc gia chủ say giấc nồng để ra tay đánh lén.

Cần đổi bàn chải đánh răng khi lông bàn chải bị tòe: Quá muộn, vì khả năng “thanh lý” của bàn chải đã suy giảm rất nhiều trước khi đầu lông bị tòe hoàn toàn. Đừng dùng bàn chải lâu hơn 2 tháng. Đừng tiếc, nên đổi bàn chải mới sau cơn cảm cúm, viêm họng hay lở môi do vi khuẩn Herpes. Tiền mua bàn chải mới bao giờ cũng rẻ hơn tiền thuốc.

Không cần dùng chỉ nha khoa (chải khe răng) nếu đánh răng thường xuyên: Sai bét. Bàn chải, dù có được quảng cáo khéo bao nhiêu về hình dáng, về độ cong… vẫn không thể chải sạch kẽ răng. Đó lại là điểm yếu của hàm răng! Đừng quên, diện tích của toàn bộ khe răng chiếm gần 30% mặt bằng tổng cộng của hàm răng. Nên tập thói quen dùng chỉ nha khoa hay que (có hình dạng giống bàn chải rửa chai lọ) để dọn sạch chân răng sau mỗi bữa ăn.

Muốn bảo vệ răng phải đánh răng thường xuyên: Đúng nhưng chưa chính xác hoàn toàn. Chỉ tác động từ bên ngoài thì răng không thể nào đủ mạnh. Răng chỉ khỏe khi, bên cạnh biện pháp vệ sinh đúng cách, đồng thời được cung ứng đầy đủ khoáng tố như vôi, fluor, silicium… thông qua chế độ dinh dưỡng với tri thức về dưỡng chất.

Nhai kẹo cao su cũng tốt như đánh răng: Phiến diện! Cho dù không hẳn sai, vì kẹo cao su đúng là một biện pháp bổ sung cho mục tiêu vệ sinh răng miệng, nhờ làm tăng hoạt động của tuyến nước bọt với công năng thanh trùng cục bộ. Cũng đúng là một số hoạt chất trong kẹo cao su như xylit, tinh dầu thực vật… có tác dụng ngăn ngừa sự hình thành cao răng, nhưng cho dù có dùng kẹo cao su với hoạt chất được quảng cáo nghe êm tai như trắng răng, thơm miệng, sát trùng… thì kẹo vẫn không thể thay thế tác dụng cơ học của bàn chải.

Tác hại của việc hút thuốc chỉ là nám răng: Ngụy biện mà thôi. Tác hại nghiêm trọng của thuốc lá chính là tình trạng viêm nướu răng với tỷ lệ nhiễm bệnh cao gấp 4 lần nếu so với nhóm đối chứng không hút thuốc, theo kết quả nghiên cứu ở Hoa Kỳ. Hậu quả này đương nhiên tỷ lệ thuận với số điếu thuốc đốt mỗi ngày. Thêm vào đó, nướu răng ở người hút thuốc một khi đã viêm sẽ khó lành hơn ở người không hút thuốc. Nha sĩ ở Wurzburg, Đức, đã chứng minh là thuốc lá gây thiếu máu và thiếu dưỡng khí ở nướu răng. Không những thế, sức đề kháng của người hút thuốc cũng suy giảm rõ rệt do thuốc lá là nguồn tiêu hao các loại sinh tố và khoáng tố cần thiết cho hoạt động của hệ miễn nhiễm như  sinh tố C, E, D, kẽm, selen, magnesium…

Chải răng bằng tay tốt hơn dùng bàn chải điện: Không! Biết là hàng thủ công bao giờ cũng cao giá nhưng chuyện gì cũng có ngoại lệ. Đánh răng bằng bàn chải điện có lợi hơn với bàn chải tay nhờ cường độ ổn định.

Răng sữa đằng nào cũng rụng: Chỉ là định kiến thiếu cơ sở khoa học. Răng sữa, dù rồi sẽ mất, vẫn cần được chăm sóc kỹ lưỡng như răng khác vì thương tổn ở răng sữa, đặc biệt ở chân răng, sẽ để lại hậu quả trên nướu răng và xương hàm khiến răng trưởng thành sau đó khó giữ được nét khỏe mạnh như mong muốn.

Cạo cao răng chỉ có giá trị thẩm mỹ: Sai to! Cao răng là môi trường thuận lợi cho hoạt động phá hoại men răng và gây mùi hôi của vi trùng trong vòm miệng. Quan trọng hơn nữa, sự hình thành của cao răng là dấu hiệu cho thấy có điểm nào đó trục trặc trong quy trình biến dưỡng của người “sưu tầm” cao ở kẽ răng.

Khám nha sĩ khi đau răng: Đúng nhưng chưa hay. Dĩ nhiên không ai vui gì khi phải đến nha sĩ, nhất là phải nghe tiếng máy khoan đến êm ẩm người. Nhưng nếu đợi đến khi ôm hàm kêu trời mới nhớ đến nha sĩ thì e quá muộn. Khám răng định kỳ, dù không đau răng, cần được quan niệm như một biện pháp thiết yếu để dự phòng không chỉ bệnh răng miệng, mà còn để kịp thời lưu ý nhiều bệnh chứng khác nghiêm trọng hơn răng đau. Xem răng để nhổ răng thì có gì lạ?! Nhìn răng mà đoán ra bệnh nơi khác mới thật khéo!

Không ai muốn mất gốc. Chẳng ai muốn thiếu răng. Nhưng muốn giữ răng cho đẹp, cho khỏe mà hiểu sai về cách bảo vệ hàm răng thì sớm muộn cũng đến lúc lấy thêm tên Tây: Hăng-rết!

P.V

Tác giả