Sức mạnh vô hình và sự bất lực của khoa học đầu thế kỷ XX

Những chiếc bàn bay lên khỏi mặt đất, bóng ma xuất hiện, dịch chuyển đồ vật từ xa...đầu thế kỷ XX, khả năng "kỳ diệu" còn được gọi là thuật thông linh này cuốn hút cả Châu Âu. Nhiều nhà bác học như Pierre Curie, Camille Flammarion và Édouard Branly đã nhập cuộc để tìm ra cơ sở khoa học của các khả năng này.

Cuối thế kỷ XIX, sự hâm mộ của người Mỹ đối với thuật thông linh đã lan sang Châu Âu. Tại Luân Đôn, Paris, nhiều nhiếp ảnh gia “thông linh” làm xuất hiện các hình ảnh ma quái. Người dân đổ xô đi xem, còn các nhà bác học bắt đầu bán tín bán nghi. Nhà thiên văn học Camille Flammarion tin rằng “thuật thông linh không phải là một tôn giáo mà là một khoa học, khoa học mà chúng ta mới chỉ biết rất ít”. Còn Pierre Curie năm 1894 đã viết cho vợ mình là Marie Curie như thế này: “Anh phải thú nhận rằng các hiện tượng này kích thích anh rất nhiều. Anh tin rằng trong đó có các vấn đề liên quan chặt chẽ đến vật lý. Có một tác nhân vô hình chưa biết trong các hiện tượng này”.

Sự xuất hiện dải sáng giữa tay của Eva C có thể là kết quả của một kỹ xảo nhiếp ảnh.

Để phân biệt những người tham gia và những đồ vật trong bóng tối, nhiếp ảnh gia Sven Turck, tại Đan Mạch, đã dán các dải lân quang lên trán và cổ tay của người điều khiển cũng như lên bàn.

Pierre Curie không phải là người duy nhất đặt ra câu hỏi. Năm 1905, ông tham gia Nhóm nghiên cứu các hiện tượng tâm thần, do Émile Duclaux, giám đốc Viện Pasteur, đứng đầu. Nhóm này tập hợp Arsène d’Arsonval và Étienne Jules Marey (các thành viên của Viện hàn lâm khoa học), triết gia Henri Bergson, và cả nhà vật lý học Édouard Branly. Mục đích của nhóm nghiên cứu là “khám phá cái vùng nằm ở rìa của tâm lý, sinh lý, vật lý, ở đó người ta đã tin là đã nhận thấy các biểu hiện sức mạnh còn chưa được xác định”, trong khuôn khổ một “nghiên cứu hoàn toàn khoa học, không có định kiến khẳng định hay phủ định”.
Các nhà khoa học Pháp đặc biệt quan tâm đến các hiện tượng vật lý của thuật thông linh: các đồ vật được nhấc bổng khỏi mặt đất và chuyển động, những ánh sáng lờ mờ và những bàn tay xuất hiện… Người ta có thể ngạc nhiên về sự quan tâm này. Trên thực tế, vào thời kỳ đó có rất nhiều hiện tượng vật lý mà khoa học chưa giải thích nổi. Ống catot cho thấy một “vật chất bức xạ” không nhận dạng được. Một muối rađi bức xạ liên tục một ánh sáng mạnh mà không mất vật chất. Các tia X cho phép cái mà thời đó người ta gọi là “ảnh của vô hình” nhưng bản chất của chúng vẫn chưa được làm sáng tỏ… Các bức xạ này phá vỡ tất cả các nguyên tắc bất di bất dịch điều chỉnh vật chất và năng lượng.

Lật tẩy các trò bịp
Để có thể tìm ra cơ sở khoa học hoặc lật tẩy được các trò lừa bịp, nhà vật lý học người Anh Oliver Lodge đã nghĩ đến một loạt các dụng cụ đo đếm nhằm “vật hóa” các hiện tượng dùng ý chí để điều khiển đồ vật: cân, máy ghi, bàn có chân được kiểm soát bằng điện, máy chụp ảnh điều khiển từ xa, nguồn phát tia cực tím… Việc sử dụng chúng được cụ thể hóa tại Pháp, trong khuôn khổ của Nhóm nghiên cứu các hiện tượng tâm lý. Các nhà tổ chức đã xây dựng một “kế hoạch nghiên cứu tổng quát” nhằm làm sáng tỏ các tác dụng cơ học, nhiệt học, điện hoặc từ tính… có khả năng được sinh ra. Các công tắc điện, nằm dưới bàn, ngăn không cho người điều khiển dùng chân mình đẩy vào chân bàn. Tất cả các hiệu ứng ánh sáng đều được máy ảnh ghi lại. Cuối cùng, bản thân người điều khiển đồ vật cũng được nghiên cứu trên góc độ tâm sinh lý: tuần hoàn máu và huyết áp, thế điện… tất cả đều được ghi lại cẩn thận.


Eusapia Palladino trong một lần điều khiển đồ vật trong phòng của Camille Flammarion, có sự tham dự của Charles Richet và Paul Sabatier.

Các dụng cụ đo đếm được các nhà khoa học sử dụng để đo các hiện tượng do những người dùng ý chí điều khiển đồ vật tạo ra.

Một trong những biện pháp để kiểm tra sức mạnh tinh thần là cấm mọi tiếp xúc giữa người điều khiển và chiếc bàn được điều khiển.

Tuy nhiên, phương pháp khoa học này đã không được áp dụng đầy đủ. Bởi theo những người dùng ý chí điều khiển đồ vật, để điều khiển từ xa các vật bay lên và chuyển động, cần phải rất thận trọng: tuân thủ các điều kiện vật chất (như bóng tối) và tâm lý (sự thành tâm của những người quan sát). Hơn nữa, các hiệu ứng không phải lúc nào cũng xảy ra, ngay cả khi các điều kiện là đồng nhất và thuận lợi. Cuối cùng, các hiệu ứng này có thể chỉ thoáng qua, cần phải bắt giữ chúng ngay khi chúng thoáng xuất hiện, và phải chấp nhận tính “đồng bóng” của chúng.
Theo nhà thiên văn học người Ý Giovanni Schiaparelli, không thể áp dụng phương pháp khoa học, vì những người điều khiển nhất định khăng khăng với các điều kiện của mình. “Cần phải sử dụng một phương pháp khác táo bạo hơn, giống như phương pháp điều tra của cảnh sát”. Đó là điều mà các nhà sử học hiện nay gọi là “phương pháp dấu hiệu”. Phương pháp này dựa trên không phải một biến thiên các điều kiện của thực nghiệm mà dựa trên quan sát, phân tích các dấu hiệu và đối chiếu lời khai. Vậy là Nhóm nghiên cứu lại áp dụng phương pháp mới đòi hỏi khả năng tốc ký chính xác và các kỹ thuật đo đếm hiện đại. Các nhà khoa học dần dần nhận thấy rằng họ phải có các dụng cụ mới. Vì thiếu thực nghiệm, họ phải chấp nhận quay trở lại quan sát, nhân chứng và lời khia, nền tảng của bằng chứng khoa học thế kỷ XVII.

Không thể nghi ngờ được nữa
Từ 1905-1907, Nhóm nghiên cứu các hiện tượng tâm lý tổ chức hơn bốn mươi cuộc nghiên cứu với Eusapia Palladino, một phụ nữ nổi tiếng sống ở miền Nam nước Ý. “Dù bị trói chặt trên một chiếc ghế hoặc bị những người tham dự giữ chặt, nhưng Eusapia vẫn hút được về phía mình các đồ vật xung quanh, nhấc chúng lên và giữ chúng lơ lửng trên không”. Chứng kiến khả năng của Eusapia, nhà tâm thần học người Ý Cesare Lombroso, mặc dù ban đầu rất hoài nghi đã thừa nhận khả năng điều khiển đồ vật bằng ý chí.
Vài ngày trước khi đột ngột qua đời, Pierre Curie còn ghi trong cuốn sổ tay của mình: “Kết quả, đó là các hiện tượng tồn tại thật và tôi giờ không thể nghi ngờ được nữa”. Trên thực tế, hầu hết những người tham gia vào các buổi thực nghiệm, dù họ có là nhà khoa học hay không, đều tin vào cái họ nhìn thấy. Tuy nhiên, báo cáo cuối cùng được công bố năm 1908 lại tỏ ra thận trọng hơn nhiều. Báo cáo thừa nhận không thể giải thích một số hiện tượng và yêu cầu tiến hành các thực nghiệm mới. Sau đó vì những lý do huyền bí như chính những hiện tượng này, các nghiên cứu đã rơi vào quên lãng và dần biến khỏi sân khấu khoa học.

Phước Vĩnh 
Nguồn tin: Theo La Recherche

Tác giả