Tiềm năng nhiên liệu sinh học ở Việt Nam rất lớn

Giá xăng dầu tăng vọt, không khí đô thị ngày một ô nhiễm, điều đó khiến xu hướng sử dụng nhiên liệu sinh học ngày càng tăng. Ở Việt Nam đã có những cơ sở sản xuất nhiên liệu sinh học, tuy nhiên đều ở quy mô nhỏ lẻ. Cần làm gì để phát triển nhiên liệu sinh học ở quy mô công nghiệp? Tia Sáng đã có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Xuân Quang, hiện đang nghiên cứu về nhiên liệu sinh học ở Viện Công nghệ Hóa học, trường ĐH Công nghệ Viên - Áo (Institute of Chemical Engineering, Vienna University of Technology), về vấn đề này.

Là người nghiên cứu về nhiên liệu sinh học đã lâu, xin ông cho biết tiềm năng của nhiên liệu sinh học ở Việt Nam?
Trước hết ta phải hiểu một cách rõ ràng về nhiên liệu sinh học (biofuel). Nó là những nhiên liệu có nguồn gốc từ các vật liệu sinh khối (biomass) như củi, gỗ, rơm, trấu, phân và mỡ động vật… nhưng đây chỉ là những dạng nhiên liệu thô. Nhiên liệu sinh khối vẫn được sử dụng ở Việt Nam và các nước khác trên thế giới từ ngàn xưa nhưng chỉ với quy mô nhỏ, mang tính chất gia đình cho các hoạt động đun nấu hoặc cũng có thể có trong sản xuất nhỏ. Việc sử dụng nhiên liệu sinh khối dạng thô trong quy mô công nghiệp là khó khăn và ít hiệu quả kinh tế do nhiệt trị nhiên liệu thấp (15-18 MJ/kg đối với củi, gỗ và 12-15MJ/kg đối với rơm, trấu), khối lượng riêng thấp, nguồn cung cấp thiếu tập trung dẫn đến việc vận chuyển, khai thác và công nghệ sử dụng tương đối khó khăn. Ở Việt Nam, việc sử dụng nhiên liệu sinh khối trên quy mô công nghiệp có lẽ chỉ phổ biến ở các nhà máy đường, nơi sản phẩm phế thải bã mía được sử dụng làm nhiên liệu cho việc phát nhiệt và điện tại nhà máy, hoặc ở một số nhà máy giấy khi phế thải dịch đen trong quá trình sản xuất cũng được sử dụng làm nhiên liệu cho lò hơi thu hồi nhiệt. Là  một nước nông nghiệp, tất nhiên tiềm năng của nhiên liệu sinh học ở Việt Nam rất lớn, song đến nay các hoạt động sản xuất cồn từ mía, tổng hợp diesel từ dầu cây công nghiệp hoặc từ mỡ động vật vẫn chỉ dừng ở quy mô phòng thí nghiệm.
 
Các thử nghiệm chiết xuất dầu diesel sinh học từ cây dầu mè của TS Thái Xuân Du, từ cây diesel của TS Lê Võ Định Tường, từ mỡ cá basa của công ti AGIFISH… gần đây đều cho kết quả khả quan. Vậy theo ông, nguyên nhân nào khiến Việt Nam “chậm chân”trong sản xuất nhiên liệu sinh học trên quy mô công nghiệp, không chỉ so với các nước phát triển mà với cả các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Indonesia?
Nguyên nhân có nhiều, nhưng có lẽ một điểm quan trọng là thiếu sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng cũng như một chiến lược quy hoạch năng lượng tầm cỡ quốc gia. Hiện nay ở các nước phát triển những chính sách năng lượng của họ hỗ trợ rất nhiều cho việc ứng dụng những công nghệ sử dụng năng lượng tái tạo bằng chính sách đánh thuế môi trường, những dự án hỗ trợ nghiên cứu thử nghiệm của chính phủ… giúp cho việc ứng dụng nhiên liệu sinh học phần nào có khả năng cạnh tranh với nhiên liệu hóa thạch truyền thống.
Với tình hình nguồn cung cấp các loại nhiên liệu hoá thạch ngày càng hạn chế, giá dầu mỏ tăng cao thì an toàn năng lượng trở nên cấp bách đối với tất cả các nước trên thế giới. Việc nghiên cứu và sử dụng nhiên liệu sinh học trên thế giới cũng có những bước phát triển rất lớn. Na Uy vốn là một nước xuất khẩu dầu mỏ cũng có tới 50% năng lượng được cung cấp từ nguồn nhiên liệu sinh học. Mỹ cũng đặt ra kế hoạch làm giảm sự phụ thuộc của nền kinh tế vào dầu mỏ. Bởi vậy việc nghiên cứu, ứng dụng nhiên liệu sinh học ở Việt Nam cũng là vấn đề cần được chú trọng, tuy nhiên việc phát triển như thế nào phải do khả năng công nghệ trong nước.
 
Với trình độ công nghệ hiện nay, liệu các nhà đầu tư có sẵn sàng chi tiền để sản xuất nhiên liệu sinh học trên quy mô công nghiệp?

Giải bài toán kinh tế – công nghệ cũng là vấn đề lớn nữa. Để sản xuất được ở quy mô công nghiệp thì hiển nhiên là cần một nguồn cung cấp ổn định ở quy mô công nghiệp. Ví dụ như đối với nhiên liệu trấu. Chúng ta có quá nhiều các nhà máy xay xát với quy mô nhỏ và việc sử dụng các loại hình công nghệ sử dụng nhiên liệu trấu đối với các nhà máy như vậy là không khả thi. Cũng vậy đối với sản phẩm diesel từ mỡ cá chẳng hạn. Liệu có đảm bảo được nguồn cung cấp ổn định hay không? Maylaysia và Indonesia rất thành công với cây cọ, ở TP Hồ Chí Minh, người ta đã thử nghiệm trồng cọ để lấy dầu, song năng suất không khả quan. Cây dầu mè cũng đáng chú ý, nhưng trồng thử nghiệm là một chuyện, phát triển thành vùng nguyên liệu lại là một chuyện. Tiếp nữa là vấn đề tương thích giữa diesel sinh học với các loại động cơ hiện hành. Theo nghiên cứu, diesel sinh học sẽ làm hư hại nhanh các vòng đệm cao su  trong động cơ và gây vón cho dầu nhớt. Một số loại động cơ hiện đại đã khắc phục được nhược điểm này, tuy nhiên với phần lớn động cơ đang sử dụng thì chưa. Chính vì thế mà cần phải đề ra một lộ trình đưa nhiên liệu sinh học vào sử dụng. Từ năm 2004, các trạm xăng ở Đức phải thực hiện tiêu chuẩn 2003/30/EC, theo đó phải tăng mức trộn diesel sinh học từ mức 2% lên 5%; còn ở Áo, người ta chỉ cho phép bán loại xăng trộn 5% diesel sinh học.

Hiện nay tôi đang nghiên cứu khí hóa sinh khối (biomass), cụ thể là khí hóa với nhiên liệu trấu và vụn gỗ theo công nghệ tầng sôi. Mục đích của công nghệ này là phân hủy nhiệt nhiên liệu sinh khối rắn để tạo ra nhiên liệu khí. Khí sản xuất ra từ công nghệ này có thể sử dụng để sản xuất điện, hoặc tổng hợp thành các nhiên liệu lỏng như xăng, dầu, diesel. Công nghệ khí hóa tầng sôi hai công đoạn (fast internally circulating fluidized bed gasifier) sử dụng hơi nước làm môi chất sôi của có thể sản xuất ra nhiên liệu khí với hàm lượng Hydro tới 40% và nhiệt trị lên tới 15 MJ/Nm3 khí. Trấu ở Việt Nam rất nhiều, hy vọng với công nghệ này, nó sẽ được sử dụng một cách có hiệu quả.
 
Xin cảm ơn ông.

TS Đỗ Huy Định, giám đốc Công ty Phát triển phụ gia và sản phẩm dầu mỏ: Có thể có thời điểm nhà nước phải bù lỗ, nhưng xét lợi ích tổng thể thì dùng nhiên liệu sinh học có lợi. Cần đề ra một lộ trình với những mục tiêu cụ thể để đưa nhiên liệu sinh học vào sử dụng, không thể nói “cứ làm đi rồi có chính sách”, mà nhà nước phải định chính sách để nhà đầu tư vào nhiên liệu sinh học có được hiệu quả. Như Thái Lan, họ đặt ra mục tiêu một lít biodiesl phải rẻ hơn xăng 0,5 bạt.

VIỆT ANH thực hiện

Tác giả