TS. Phùng Văn Đồng: 10 năm với 35 công bố quốc tế

Được trao Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm nay ở tuổi 35, TS. Phùng Văn Đồng (Viện Vật lý, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam), một nhà khoa học vốn được đào tạo trong nước, đã thiết lập được nhóm nghiên cứu riêng và tham gia mạng lưới của các nhà vật lý lý thuyết quốc tế để chuyên tâm đi tìm lời giải của các bài toán vũ trụ về vật chất tối, năng lượng tối, bất đối xứng vật chất và phản vật chất… với kết quả là 35 công bố, hầu hết trên các tạp chí quốc tế mạnh của ngành.

Đề xuất mô hình đối xứng chuẩn

Lý giải hướng nghiên cứu của một trong những công bố quan trọng của mình, “3-3-1-1 model for dark matter” (Mô hình 3-3-1-1 cho vật chất tối) trên tạp chí Physical Review D, TS. Phùng Văn Đồng cho biết, vũ trụ ngày nay vẫn tồn tại rất nhiều câu hỏi lớn mà hai lý thuyết trụ cột của vật lý hạt cơ bản và vũ trụ học là mô hình chuẩn và thuyết tương đối rộng chưa thể giải thích được, đặc biệt là những vấn đề thực nghiệm chính sau: dao động neutrino, bất đối xứng vật chất – phản vật chất, vật chất tối, năng lượng tối và lạm phát vũ trụ. Một số giả thuyết chính như siêu đối xứng, thêm chiều không gian, hay thống nhất lớn đến nay đã bộc lộ một số điểm yếu như chỉ đem lại những giải thích riêng lẻ từng vấn đề, thậm chí một số dự đoán của chúng đã bị nhiều thực nghiệm bác bỏ. Vì vậy, đi tìm mô hình có thể giải thích một cách tích hợp các vấn đề của vũ trụ cũng là bài toán mà những nhà nghiên cứu trong lĩnh vực vật lý lý thuyết theo đuổi. “Nhiều mô hình đã được đề xuất trên thế giới. Với tốc độ mỗi ngày có cả chục giả thuyết được công bố trên các tạp chí chuyên ngành và nguồn mở trên mạng internet thì trong vòng mấy tháng là xuất hiện hàng trăm”, TS. Đồng cho biết. Dựa trên những nghiên cứu từ năm 2005, TS. Đồng đã lựa chọn một mô hình hoàn toàn mới.

“Chúng tôi đề xuất một mở rộng mới của mô hình chuẩn, với nhóm đối xứng chuẩn SU(3)C X SU(3)L X U(1)X X U(1)N, gọi tắt là mô hình 3-3-1-1”, TS. Đồng nói. Anh và các thành viên trong nhóm nghiên cứu của mình ở Trung tâm Vật lý lý thuyết, Viện Vật lý đã cùng nhau khai thác mô hình 3-3-1-1 nhằm hướng đến việc giải quyết các vấn đề cơ bản của Vật lý lý thuyết hiện nay: Đồng nhất, mật độ, và các thực nghiệm tìm kiếm vật chất tối; Các qúa trình sinh bất đối xứng vật chất và phản vật chất; Các nguồn gốc khối lượng của neutrino; Động lực cho lạm phát vũ trụ (trừ năng lượng tối vì đây là vấn đề phức tạp, liên quan đến hằng số vũ trụ). Việc lựa chọn mô hình 3-3-1-1 của TS. Đồng khi nghiên cứu về vật chất tối đến từ khi anh nhận thấy, nếu đề xuất một loại vật chất mới có số lepton (L) dị thường, việc tìm đối xứng mới không tầm thường mô tả chúng rất khó khăn vì phải dựa trên sự thống nhất số L và những đối xứng đã biết. “Khi lý thuyết làm việc, nó tuân theo những đối xứng. Bản thân đối xứng mới mà tôi đề xuất liên quan đến tương tác mới gắn với tích Baryon – Lepton (B-L) mở rộng, và mô hình 3-3-1-1 cho thống nhất tương tác điện yếu và B-L tương tự như lý thuyết Weinberg-Salam. Đặc điểm của tương tác mới là bị phá vỡ ở thang năng lượng cao, trường phá vỡ nó chính là trường gây ra lạm phát vũ trụ và sinh khối lượng neutrino. Sau phá vỡ, đối xứng tàn dư mô tả vật chất tối”. Nhờ vậy, TS. Đồng có thể giải thích đồng thời các vấn đề trên một cách tự nhiên và tự động do mô hình cung cấp, đó cũng là ưu điểm lớn nhất của mô hình này.  
 

Lĩnh vực của tôi thiên về lý thuyết nên có thể chủ động giải quyết được còn việc thực nghiệm thì có thể cập nhật trên các trang web chuyên ngành. Nếu cập nhật thông tin và trao đổi thường xuyên với các đồng nghiệp trong nước và quốc tế thì hầu hết trở ngại đều có thể được giải quyết”.
——————
Kể từ năm 2005 đến nay, anh đã có trong tay 35 công bố, hầu hết đều xuất hiện trên các tạp chí mạnh của ngành như Physical Review D, European Physical Journal C, Journal of High Energy Physics…

Do được kế thừa kết quả nghiên cứu của nhiều công trình khác, “3-3-1-1 model for dark matter” được TS. Đồng và hai nghiên cứu sinh do anh hướng dẫn thực hiện chỉ kéo dài trong vòng sáu tháng “lao động cật lực” và hoàn tất vào năm 2013. “Khi mình gửi công trình tới tạp chí Physical Review D, họ chấp nhận ngay và chỉ yêu cầu mình chỉnh sửa và bổ sung một vài chỗ nho nhỏ. Vì vậy, từ lúc gửi đến khi đăng tải cũng chỉ mất khoảng một tháng”, TS Đồng cho biết.

Sau đề xuất mô hình 3-3-1-1, TS. Đồng cho rằng, đây là cơ sở “để mình mở rộng nhiều hướng nghiên cứu mới vì nó dẫn đến rất nhiều hệ quả tự nhiên”. Vì vậy, anh kết hợp với một số nhà khoa học trong và ngoài nước để nghiên cứu tiếp một số mô hình hệ quả khác cũng được đăng tải trên trên tạp chí Physical Review D như “Phenomenology of the 3-3-1-1 model” (Hiện tượng luận của mô hình 3-3-1-1), “Inflation and leptogenesis in the 3-3-1-1 model” (Lạm phát và sinh lepton trong mô hình 3-3-1-1), và một công trình vừa hoàn thành bản thảo “Neutrino masses and superheavy dark matter in the 3-3-1-1 model” (Khối lượng neutrino và vật chất tối siêu nặng trong mô hình 3-3-1-1)…

Dù mô hình 3-3-1-1 đã đem lại nhiều công bố cho TS. Đồng và nhóm nghiên cứu nhưng đó cũng chỉ là một trong nhiều mối quan tâm nghiên cứu của anh.

Hình thành mạng lưới nghiên cứu quốc tế

Lựa chọn làm tiến sỹ trong nước trong khi nhiều nghiên cứu sinh Việt Nam đã chọn cách ra nước ngoài, TS. Đồng cho rằng con đường làm khoa học của mình khá “thông đồng bén giọt”. Anh lý giải: “Quan trọng là nhóm nghiên cứu mình tham gia có đủ tốt, đủ mạnh không. Nếu ở Việt Nam mà tìm thấy một nhóm nghiên cứu như vậy thì cứ yên tâm làm thôi”.

Tuy nhiên, anh gặp một khúc mắc đáng kể khi là trường hợp đầu tiên trong nước (có lẽ vậy) bảo vệ luận văn ngành vật lý bằng tiếng Anh. “Vào thời điểm đó, Viện Toán đã triển khai rất thành công quy trình bảo vệ luận án tiến sỹ bằng tiếng Anh nên tôi quyết định làm theo. Ngạc nhiên là hội đồng cơ sở (cấp Viện) đã chấp thuận nhưng đến hội đồng cấp Bộ mới rắc rối”, TS. Đồng kể lại. Cũng vì hội đồng cấp Bộ lúng túng nên phải hai năm sau, năm 2009, anh mới được cấp bằng. Sau đó, mọi việc đã trở nên thuận lợi hơn và một số nghiên cứu sinh ở Viện Vật lý đã chọn cách viết luận văn bằng tiếng Anh, “mộtthành viên trong nhóm tôi cũng làm như vậy”.

Hoàn thành chương trình tiến sỹ cấp cơ sở, lúc này TS. Đồng mới chọn cách ra nước ngoài làm postdoc với hai chuyến đào tạo tại ĐH Thanh Hoa (Đài Loan) và đặc biệt là Trung tâm gia tốc năng lượng cao (KEK, Nhật Bản), nơi cấp học bổng cho các nghiên cứu viên trẻ ở các quốc gia đang phát triển. Ở KEK, anh nghiên cứu về hai vấn đề: Thống nhất trường chuẩn và trường Higgs; Quá trình vi phạm số lepton thế hệ. Kết thúc chương trình postdoc, TS. Đồng về nước, trở lại Viện Vật lý dù không thiếu nhiều cơ hội ở lại nước ngoài nghiên cứu. “Ở nước ngoài mình được nhiều nhưng cũng mất nhiều, với lại cái chính là tôi thích cuộc sống ở Việt Nam hơn”, anh giải thích một cách ngắn gọn.

Với nhiều người, trở về Việt Nam là mất mạch nghiên cứu và mất cơ hội làm việc trong môi trường chuyên nghiệp nhưng với TS. Đồng, “điều đó không thành vấn đề vì nó còn phụ thuộc vào chính bản thân mỗi người nghiên cứu. Lĩnh vực của tôi thiên về lý thuyết nên có thể chủ động giải quyết được còn việc thực nghiệm thì có thể cập nhật trên các trang web chuyên ngành. Nếu cập nhật thông tin và trao đổi thường xuyên với các đồng nghiệp trong nhóm và quốc tế thì hầu hết trở ngại đều có thể được giải quyết”. Bằng cách này, anh hình thành một mạng lưới nghiên cứu quốc tế, thu hút sự tham gia hợp tác của các đồng nghiệp Mỹ, Brazil, Hàn Quốc, Nhật Bản…

Tuy nhiên, TS. Đồng cũng thừa nhận, môi trường làm việc tại Việt Nam cũng có một vài khiếm khuyết về lương bổng hay điều kiện nghiên cứu… “Ở nước ngoài, khi cần thiết có thể ‘chộp’ được đồng nghiệp để trao đổi về chuyên môn còn ở trong nước thì điều đó hơi khó”. Gần đây, những dấu hiệu tích cực đã xuất hiện với sự ra đời của Quỹ Nafosted, “đem lại nhiều cơ hội cho các nhà khoa học trẻ như tôi thông qua việc đầu tư cho khoa học một cách minh bạch theo quy chế quỹ”, TS. Đồng nhận định. Ví dụ kể từ năm 2009, anh tham gia làm ba đề tài do Quỹ tài trợ (một chủ chốt và hai chủ nhiệm) và có thể “ung dung làm việc” mà không phải lo về thu nhập. Mặc dù Quỹ Nafosted chưa đặt nặng vấn đề phải có công bố trên tạp chí có hệ số IF cao nhưng quan điểm của TS. Đồng là không muốn chạy theo số lượng, vì ý nghĩa và chất lượng của công trình quan trọng hơn. Kể từ năm 2005 đến nay, anh đã có trong tay 35 công bố, hầu hết đều xuất hiện trên các tạp chí mạnh của ngành như Physical Review D, European Physical Journal C, Journal of High Energy Physics… Trở thành một chuyên gia trong lĩnh vực mình theo đuổi, anh được một số tạp chí này mời tham gia bình duyệt, một công việc khá thú vị vì “hỗ trợ nghiên cứu khá nhiều, đòi hỏi tôi đánh giá kỹ vấn đề trước khi đưa ra đánh giá, nhất là những công bố gần gũi với hướng nghiên cứu hoặc chủ đề mà mình đang theo đuổi”. Bí quyết mà anh rút ra trong quá trình viết bài báo và bình duyệt là nhà nghiên cứu phải trình bày vấn đề một cách tường minh “để người ta hiểu nhanh vấn đề. Có nhiều công trình (có thể) có nội dung tốt nhưng trình bày không rõ ràng nên cũng không đạt”. Nhờ nắm được bí quyết này mà công bố của anh rất dễ được các tạp chí chấp nhận, “thậm chí có công bố gửi trong vòng chưa đến một tuần đã được phản biện, phần nhiều khoảng 20 ngày đến hơn một tháng, nếu yêu cầu sửa thì sửa rất ít hoặc bổ sung thêm một số vấn đề nhỏ cho rõ ràng hơn”.

Không mất thời gian băn khoăn và nghĩ ngợi về việc so sánh giữa làm nghiên cứu khoa học cơ bản với các lĩnh vực “kiếm ra tiền” trong xã hội, TS. Đồng luôn cảm thấy hài lòng với sự lựa chọn của mình. “Nhu cầu cuộc sống ngoài công việc của tôi không nhiều. Đối với tôi, chỉ cần một cô vợ hiền lành một chút, một chỗ ở thuận tiện cho việc đi làm là ổn!”

Tác giả