Tương lai của băng dính y tế

Các nhà khoa học và các hãng dược phẩm đang nỗ lực đưa băng dính y tế lên một tầm cao mới để trong tương lai, băng dính không chỉ để che phủ các vết xước hoặc vết thương mà còn giúp vết thương chóng lành, đưa thuốc chữa bệnh và thuốc tiêm phòng vào cơ thể cũng như đo liều lượng thuốc vào cơ thể đã đủ hay chưa.

Không chỉ phủ lên bề mặt băng dính chất hữu hiệu của thuốc chữa bệnh, các nhà nghiên cứu còn lồng ghép những cảm biến mỏng như sợi tóc lên băng dính qua đó tăng tốc độ chữa lành vết thương, đưa thuốc và chất tiêm phòng ngấm qua da thâm nhập vào cơ thể. Ngoài ra, băng dính còn có khả năng xác định lượng thuốc thâm nhập vào cơ thể người bệnh. Từ đây loại băng dính thông thường trở thành công cụ công nghệ cao có khả năng can thiệp tích cực và thông minh vào cơ thể người bệnh.

Giữ ẩm chứ không giữ khô vết thương

Từ nhiều năm nay Beiersdorf, nơi cho ra đời băng dính y tế đầu tiên trên thế giới cách đây đã 90, đã tung ra thị trường loại băng dính y tế tích cực có phủ một lớp kem chữa vết thương. Theo Wolber, giám đốc Trung tâm nghiên cứu về da của Beiersdorf ở Lokstedt, cái khó đối với loại băng dính này là tẩm kem vào băng dính như thế nào để kem không bị tràn ra tứ phía và kết quả mong muốn là vết thương không bị khô, độ ẩm được giữ nguyên. Đây là một thay đổi rất lớn về tư duy vì từ hàng chục năm nay, yêu cầu đối với băng dính y tế là phải giữ khô vết thương. Wolber giải thích: “Cách chữa trị giữ khô vết thương trước đây giúp hình thành một lớp vẩy cứng phủ lên vết thương, do đó gây khó cho các tế bào ở bên dưới trong quá trình chữa trị, hồi phục.” Qua theo dõi nhiều năm ở các bệnh viện và trung tâm chăm sóc vết thương thì thấy chữa lành vết thương bằng cách giữ ẩm là hoàn toàn đúng.

Cũng đã có băng dính giúp cầm máu những vết thương lớn, gây nhiều khó khăn cho việc cấp cứu. Cuối năm ngoái, doanh nghiệp trẻ Hematris tung ra thị trường băng dính Hematrix giá 90 Euro, có khả năng cầm máu thông qua giải pháp sinh hóa. Cái hay ở loại băng dính cỡ 10 x 10 cm này là bất kỳ ai cũng có thể sử dụng được: lớp phủ trên bề mặt băng dính gồm ba chất có chức năng làm đông máu –Thrombin, Kalziumchlorid và Epsilon-a xít Aminocapron. Người cứu nạn chỉ cần đè băng dính này lên vết thương đang chảy máu từ 3 đến 5 phút – và các chất trên băng dính sẽ tự giải phóng và làm cho máu bị vón lại tạo thành một lớp vẩy. Chậm nhất sau năm phút, máu sẽ ngừng chảy. Lúc này người hỗ trợ chỉ cần cố định băng dính và chờ đội cứu nạn đến.

Băng dính điều trị Alzheimer và đau nửa đầu

Các băng dính y tế kiểu mới tất nhiên không chỉ có tác dụng cầm máu. Càng ngày các nhà nghiên cứu càng phát hiện lớp da khỏe mạnh là một tổ chức lý tưởng để đưa thuốc điều trị bệnh ngấm từ từ và đều đặn vào cơ thể. Các loại băng dính High-Tech có chức năng truyền thuốc ra đời trên nguyên lý đó, giúp giải quyết một loạt vấn đề có tính tổng hợp trong y học.

Hiện nay đang diễn ra một cú hích trong việc phát triển băng dính thẩm thấu qua da mà doanh nghiệp LTS Lohmann ở Andernach bên sông Rhein là một ví dụ điển hình.

Hãng hiện có 1.000 nhân viên và có trên 5.000 bằng sáng chế riêng lẻ về sản xuất băng dính y tế và là doanh nghiệp hàng đầu trên thị trường về loại băng dính thẩm thấu qua da. LTS phối hợp với các hãng dược phẩm sản xuất các loại băng dính thẩm thấu qua da – thí dụ băng dính nicotine để cai nghiện thuốc lá, băng dính hormon để phòng tránh thai hay băng dính dành cho bệnh nhân Alzheimer.

Loại băng dính Alzheimer của hãng hiện rất ăn khách: băng dính y tế này chuyển trực tiếp chất Exelon, một loại dược phẩm chống đãng trí, vào cơ thể. Loại điều trị dưới dạng băng dính này rất thích hợp với người cao tuổi, đãng trí, nhớ nhớ quên quên.

Hãng LTS đang thuyết phục Novartis, nhà sản xuất chất hữu hiệu Exelon và thu lợi nhuận cao nhờ sản phẩm này, không bào chế Exelon thành viên nén mà tẩm ngay vào băng dính để từ đó thuốc ngấm qua da vào cơ thể. Thực hiện công nghệ này sẽ tiết kiệm được một lượng đáng kể chất hữu hiệu vì nếu người bệnh uống thuốc thì đầu tiên thuốc truyền qua tĩnh mạch để vào trung tâm khử độc của cơ thể, đó là gan. Tại đây thuốc sẽ bị phân hủy từ 80 đến 90% trước khi có thể tác động vào cơ thể. Một khi 10% chất hữu hiệu có thể điều trị khỏi bệnh thì phương pháp điều trị này trở nên rẻ hơn nhiều, qua đó người bệnh và cả môi trường được bảo vệ tốt hơn. Hiện nay tàn dư thuốc chữa bệnh tích tụ ngày càng nhiều trong môi trường nước.

Tuy nhiên các nhà khoa học cũng biết rất rõ không phải bất cứ phân tử chất hữu hiệu nào cũng tự ngấm qua da, có những chất cần sự hỗ trợ kỹ thuật mới có khả năng thẩm thấu. Một thách thức lớn hiện nay là việc thâm nhập các phân tử cỡ rất lớn ví dụ như các loại kháng thể chống bệnh ung thư hay các vắc-xin tiêm chủng. Cần có xung điện hay xung laser để kích chúng thấm qua da. Muốn vậy loại băng dính này phải gắn theo pin siêu mỏng.

Hiện tại hãng LTS đang phát triển thế hệ băng dính mới nhất theo yêu cầu của hãng Nupathe ở Philadelphia để điều trị những người bị chứng bệnh đau nửa đầu. Những bệnh nhân này đòi hỏi luôn phải có đủ một lượng thuốc chữa bệnh đau đầu trong cơ thể. Chỉ có như vậy mới dập tắt kịp thời các cơn đau đầu bất thần.

Sẽ là tuyệt đỉnh nếu như loại băng dính này có thể nhận và lưu được tín hiệu, thí dụ về việc người bệnh đã tiếp nhận đủ lượng chất hữu hiệu trong cơ thể.

Trong thực tế thì doanh nghiệp Proteus Digital Health ở California đã gắn được thiết bị thu dữ liệu ở băng dính và tung ra thị trường mùa hè vừa qua: người bệnh phải nuốt một cảm biến nhỏ để đo lượng chất hữu hiệu trong cơ thể và thông báo kết quả cho băng dính. Qua đó bác sỹ có thể kiểm tra về tình hình điều trị của người bệnh và xem người bệnh đã tiếp nhận được đủ liều lượng thuốc hay chưa.

Đối với người bệnh, cuộc sống cũng đơn giản hơn nhiều: nếu họ quên không uống thuốc thì băng dính kỹ thuật số thông minh sẽ đánh tín hiệu nhắc nhở vào điện thoại di động.

Xuân Hoài lược dịch

Tác giả