Việt Nam – nơi tôi gửi gắm tình yêu

Pierre Darriulat sinh ngày 17/02/1938 tại Paris, trong một gia đình nhỏ, bố là quân nhân và mẹ làm nghề thợ may. Gia đình ông có nguồn gốc ở vùng Tây Nam nước Pháp, nhưng Paris hoa lệ mới là mảnh đất chôn rau cắt rốn và nuôi nấng ông từ bé đến năm 20 tuổi. Cũng từ nơi đây, trong một sự tình cờ - ngẫu nhiên khi lựa chọn Đại học Bách khoa Paris, ông bắt đầu bước chân vào con đường nghiên cứu khoa học. Sau gần nửa thế kỉ cống hiến cho khoa học thế giới, ông đã đến Việt Nam trong một sự tình cờ khác, gặp gỡ người phụ nữ của đời mình và lựa chọn nước Việt làm điểm cuối cùng, gửi gắm tình yêu khoa học còn lại trong việc đào tạo những thế hệ trẻ. Ông tên là Pierre Darriulat - ông đã được xếp vào hàng mười ba "siêu sao khoa học dám thách thức vũ trụ”

Tia Sáng số 14/2005, đã có bài viết về nhà vật lý lớn, có tấm lòng rộng mở với nước Việt này. Sáng sáng, ông lại đạp chiếc xe có nhiều bộ phận tự chế lắp, có lẽ cũng là chiếc xe đạp lạ lùng có một không hai trên đất Hà Nội, đi từ đường Âu Cơ xuôi chiều xuống tận Hoàng Quốc Việt – đến Viện Khoa học Kĩ thuật Hạt nhân (Viện KHKTHN), nơi ông được tiếp đón như một người thân,  người thầy, người cha của những nhà khoa học trẻ. Các nhà khoa học trực tiếp làm việc chung với ông trong phòng thí nghiệm, như Phạm Ngọc Điệp, Nguyễn Thị Thảo… đều chưa tới ba mươi tuổi và đã có những công trình dưới sự hướng dẫn của thầy Pierre được đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế, họ gọi ông một cách trìu mến và thân thiết là “Bác Pierre”. Năm 1999, nhân chuyến du lịch ở Việt Nam, Pierre Darriulat đã nhận lời mời làm việc “không lương” tại Viện KHKTHN. Với Pierre, những chức danh như Viện sĩ Thông tấn, Viện sĩ viện hàn lâm, giáo sư, những đề cử Nobel… đều chỉ là những cái đã ở phía sau lưng. Trước mắt ông, chỉ có duy nhất niềm đam mê khoa học là vô giá. Và, không “tự huyễn hoặc mình” hay “không thực sự chơi sang” như ngôn từ ông nhấn mạnh,  nhà vật lý ấy tự xem mình đã già, đã về hưu, không còn ấp ủ một mong muốn nghiên cứu về vấn đề gì nữa, ngoài ấp ủ ý định nhen nhóm và vực dậy ngành nghiên cứu khoa học cơ bản của nước Việt, để ít nhất là nó sẽ bình đẳng và đối thoại được ngang tầm quốc tế. Có lẽ vì vậy mà ông rất yêu quý và gần gũi những học sinh (các nghiên cứu sinh cao học vật lý) trong phòng thí nghiệm như những đứa con cưng.
Nhiều người giải thích sở dĩ ông có một tình yêu lớn dành cho Việt Nam, là bởi quê hương của vợ ông, bà

 
Pierre trên chiếc xe đạp tự chế lắp

Hoàng Thị Nga, nguyên Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam, là nước Việt. Nhưng Pierre Darriulat khẳng định ngay rằng ông lấy vợ là một người phụ nữ, chứ không phải là một người Việt, ngẫu nhiên mà cô ấy là người Việt. Cũng không phải ông đến Việt Nam vì đơn thuần ông rất yêu hai đứa trẻ của vợ, Đạt và Quỳnh Nga, ông muốn vui chơi cùng chúng, giúp vợ dịch những cuốn sách bà yêu thích sang tiếng Pháp. Tất cả những điều đó ông đều có thể làm cùng gia đình nhỏ của mình tại Saclay hoặc Berkeley, nơi ông đã từng học tập, làm việc, hoặc tại CERN (Trung tâm Nghiên cứu Hạt nhân Châu Âu) Thụy Sỹ, hay ở Paris quê nhà… Những nơi ông đã có nhiều gắn bó và bất kì ở chốn nào ông cũng đều được chào đón trân trọng.
Trò chuyện giữa căn phòng thí nghiệm về khoa học thiên văn trị giá khoảng 1 triệu đô la, quà tặng cho Việt Nam mà ông đã mất nhiều năm tâm huyết kêu gọi bạn bè quốc tế các nơi tài trợ, gửi thiết bị về, Pierre Darriulat hào hứng kể cho tôi nghe về thời học Đại học Bách khoa Pari. Thực ra, thuở nhỏ, mơ ước của ông là theo ngành Y. Ông học đều tất cả các môn, không khá nhất một môn nào, luôn đứng ở vị trí 2-3 trong các lớp. Hình như bất kì ở đâu, hoặc trong lĩnh vực nghiên cứu, hoặc với công trình nghiên cứu nào, cho dù ông có là người rất xuất sắc, thì ông cũng chưa bao giờ đứng nhất. Ngay cả trong việc thi đua đưa ra thành tựu nghiên cứu hạt W và hạt Z, công trình của nhóm ông mặc dù hoàn thiện trước nhưng lại chấp nhận báo cáo sau nhóm của bạn ông, và  ông đã chỉ dừng lại ở mức được đề cử giải Nobel. Thực tế, Pierre đã từng đăng kí theo ngành Y. Nhưng có những lời khuyên đưa ra, ông học khá tự nhiên, tại sao không theo ngành làm khoa học. Ý tưởng làm khoa học “hay hay”, thế là ông đồng ý vào ĐH Bách khoa. Một cách tự nhiên, ông đã hoàn thành khóa học đại học chỉ trong hai năm. Sau đó, có một người ở Saclay đến quảng cáo về làm khoa học, họ đang rất cần những người trẻ tuổi. Ông không thực sự năng động trong tìm kiếm công việc cho tương lai, nhưng những gì họ đưa ra thật đúng với ý muốn của mình, vì vậy, ông đã đồng ý, mặc dù không hề biết trước chuyện gì chờ đợi phía trước, ví dụ như phải mặc đồng phục chẳng hạn… Kể đến đây, Pieree cười thật sảng khoái. Không hiểu sao, với ông, quãng đời nào đi qua ông cũng đều cho là mình đã hạnh phúc. Dường như ông luôn mãn nguyện với thực tại, với mọi thứ quanh mình, không cưỡng cầu, không vọng tưởng. Thái độ an nhàn, tự tại của ông khiến những người gần ông, quanh ông cũng như cảm nhận được niềm hạnh phúc, thanh thản. Ông là đứa trẻ hạnh phúc vì khi thế giới đại chiến xảy ra, ông vẫn còn quá nhỏ để nhận biết được những tang tóc, bất hạnh. Ông là một chàng trai sinh viên hạnh phúc vì chẳng có gì ngáng trở cuộc đời ông, ông luôn học tập tốt, được thầy cô yêu mến. Ông cũng là một quân nhân hạnh phúc vì sau thời gian làm việc ở Saclay với kết quả xuất sắc trong nhóm chuyên ngành thực nghiệm, ông đã chọn Hải quân để thực hiện nghĩa vụ quân sự của mình. Khá trẻ, học giỏi, chưa có bạn gái, lại luôn được độc lập tự do không bị bố mẹ can thiệp trong mọi quyết định, ông được quyền chọn tàu và ông đã chọn Adventure, sống một cuộc sống lái tàu, đánh cá, đối mặt với biển nhiều ngày đêm như mong ước của ông trong quãng thời gian sang Algeria, và từ đây, đi đến những vùng đất khác như NewFoundland, North Cape và Greenland. Chuyến đi sang Algeria, nước nghèo và yếu thế trong cuộc chiến với Pháp thời đó đã để lại trong ông những kí ức, khiến ông thấy yêu Việt Nam và gắn bó với đất nước này lâu hơn khi đến đây. Sau thời gian trong quân ngũ, ông đã trở lại Saclay làm việc, lập gia đình đầu tiên của mình rồi mới qua hai năm làm tiến sĩ.
Mãi đến năm 1965, Pierre mới bắt đầu làm việc ở CERN trong công trình về vi phạm CP với C. Rubia (1) – một trong những nhà vật lý xuất sắc nhất thời đại. Bốn năm sau đó, ông kí hợp đồng dài hạn và tại đây, ông bắt đầu có nhóm riêng của mình là ISR năm 1971. Sau đó, ông lãnh đạo nhóm UA2, cùng thi đua với UA1 do C. Rubbia cầm đầu trong chương trình tìm ra hai hạt W và Z mà chúng tôi đã đề cập ở trên. Pierre còn thực hiện nhiều khám phá vật lý với thí nghiệm này như vi phạm  đối xứng CP, vật lý Kaon, hoặc các thí nghiệm lĩnh vực siêu dẫn mà ông luôn mong muốn khám phá. Bởi, bản chất của người làm khoa học là không ngừng khám phá. Điều này rất đúng với Pierre Darriulat.
Không hiểu sao, bỗng nhiên tôi chợt thấy hình như chẳng có gì cách biệt giữa một nhà khoa học từng là Giám đốc khoa học tại Trung tâm Nghiên cứu Hạt nhân Châu Âu với “cậu bé” Pierre đang ngồi trước mặt, hồn nhiên bày tỏ thái độ và sẵn sàng tranh luận để bảo vệ quan điểm của mình. “Cậu bé” Pierre, ở ngoài tuổi bảy mươi, vẫn luôn thấy khó hiểu tại sao lịch sử lại có thể bất công như thế đối với con người Việt Nam hồn hậu. Và ông cũng lấy làm lạ tại sao Tết cổ truyền của Việt Nam lại gợi nhớ trong ông Noel ở Paris đến thế, dù nó không đông vui nhộn nhịp bằng. “Cậu bé” ấy còn rất thích đón Tết Việt Nam, đơn giản, vì “cậu” sẽ được những người hàng xóm mời đủ mọi loại mứt “ngon nhất trần đời” – nó rất hợp với tính hảo ngọt của “cậu”…
Từ bỏ quá nhiều thứ, chẳng hạn như sở thích vẽ tranh, hay những người thân của ông, hai người em một là GS triết học, một là GS lịch sử, để được đến với đất nước Việt Nam xa xôi, làm việc trong một căn phòng thí nghiệm bé nhỏ mà mọi trang thiết bị đều có được do ông kêu gọi, cơ sở hạ tầng không gì đáng kể, nhưng giá trị tinh thần đối với ông thì thật lớn lao. Điều tồi tệ nhất theo ông là khi không có việc gì để làm. Vì vậy, cho dù không được Chính phủ, Nhà nước hay bất kì đơn vị hữu trách nào ở Việt Nam tạo những điều kiện, chế độ ưu đãi, nhưng ông vẫn cảm thấy hài lòng và thực sự hạnh phúc với sự tự nguyện của mình. “Tôi đã ở xa tình trạng của tuổi già và không cảm thấy có giới hạn tuổi tác trong nghiên cứu khoa học” – chỉ riêng điều ông nói ấy thôi, cũng cho thấy một mong muốn cống hiến chẳng bao giờ ngơi nghỉ đang tuôn chảy trong tâm hồn nhà vật lý lớn yêu nước Việt này.
————

(1) Carlo Rubbia (Nobel 1984, nguyên Giám đốc CERN. Người tìm ra các hạt W và Z, lượng tử chuyển tải tương tác điện yếu).

Lê Mỹ

Tác giả