Phiên chợ tăng tốc khởi nghiệp

Phiên chợ Xanh Tử tế do BSA tổ chức diễn ra hằng tuần bắt đầu từ tháng 10 tại TP.Hồ Chí Minh là nơi tụ hội của những người nông dân khởi nghiệp với những sản phẩm nông nghiệp chất lượng và sản xuất theo quy trình sạch. Ít người biết rằng, đây thực chất là một accelerator (khóa tăng tốc khởi nghiệp) với quy trình tuyển chọn khắt khe nhưng đào tạo và hỗ trợ hào phóng để tạo ra một thế hệ nông dân kiểu mới: năng động và có trách nhiệm với cộng đồng. Tia Sáng đã có dịp trò chuyện với bà Vũ Kim Anh – người phụ trách phiên chợ đặc biệt này.

Có ý kiến cho rằng, nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp về nông nghiệp thành công ở Đồng bằng sông Cửu Long nhưng họ lại rất kín tiếng. Vậy làm thế nào để mình có thể tìm kiếm và “gom” họ lại trong Phiên chợ Xanh Tử tế?

Một là chúng tôi có CLB nông dân miền Tây, với các thành viên đến từ đa số các tỉnh của miền Tây Nam Bộ. Mỗi tháng đều có sinh hoạt CLB và ai có gì hay, ai có gì mới là phải đem đến trưng bày và nói về sản phẩm mới và những kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh của mình. Rồi chúng tôi có CLB Những người sản xuất sạch mà bạn Võ Văn Tiếng, chủ thương hiệu gạo Tâm Việt, cũng là thành viên, gồm những người tự nguyện ký cam kết với nhau là sản xuất sạch. Người miền Nam mà, nghĩ sao nói vậy, và người ta đã làm là làm thiệt, cho nên người ta đã ký vô đây rồi là có chết cũng làm giống như vậy. Như vậy, chúng tôi vừa có nguồn đầu vào phiên chợ vừa tạo được thói quen chia sẻ, không giấu nghề giữa những người nông dân. 

Các CLB đó của BSA xây dựng cách đây 6-7 năm rồi và hoạt động hằng năm, tháng nào cũng họp và gần đây thì họp thường xuyên hơn vì sản phẩm của mấy “ông nông dân” đó đều có mặt trong Phiên chợ Xanh Tử tế, được tham gia các chương trình hàng Việt về Nông thôn hoặc Hàng Việt Nam chất lượng cao do BSA tổ chức. 

Từ khi thành lập, Phiên chợ Xanh Tử tế đã tổ chức được 14 lần, đều đặn hai tuần một lần và tổng cộng có 70 doanh nghiệp tham gia, mỗi phiên có 30-40 doanh nghiệp. Tổng doanh thu trung bình của mỗi phiên chợ diễn ra trong hai ngày là 300-450 triệu đồng và mặt hàng bán chạy nhất là rau xanh, có những khi các đơn vị mang 100 kg rau xanh đến và bán hết veo chỉ trong vòng một tiếng đồng hồ. 

Có người nói rằng Phiên chợ Xanh Tử tế giống như một khóa tăng tốc khởi nghiệp, các doanh nghiệp sẽ bán ở đây một thời gian cho đến khi họ trưởng thành, ổn định đầu ra rồi sẽ nhường chỗ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp khác vào. Vậy mình hỗ trợ họ khi còn ở trong phiên chợ như thế nào?

Đối với các bạn trẻ khởi nghiệp và cả người “già” luôn, như anh Đoàn Văn Vươn mới khởi nghiệp có một năm nay thôi, thì chúng tôi giúp cho các bạn thứ nhất là ra được sản phẩm, các chuyên gia (bao gồm các doanh nhân thành công trong Hội Hàng Việt Nam chất lượng cao) đến tận vườn giúp cho các bạn xây dựng kế hoạch kinh doanh, tiếp cận thị trường, xây dựng thương hiệu v..v 

Sau đó là giúp đỡ về đầu ra, mặc dù các bạn tự tiêu thụ được nhưng một là nó nhỏ lẻ, hai là nó có thể phân phối trong gia đình, trong nhóm nhỏ, chứ còn về quy mô và tạo ra cái niềm tin rộng rãi thì không có. Đó là những cái băn  khoăn, cho nên BSA có hoạt động nào thì chúng tôi cho các bạn tham gia, ví dụ như chương trình tung hàng Tết, các chương trình Hàng Việt Nam Chất lượng cao, Chương trình Hàng Việt về nông thôn. 

Nhưng nếu thuần túy là Hàng Việt Nam chất lượng cao thì với các bạn trẻ khởi nghiệp tham gia sẽ không đủ chuẩn, vì toàn là doanh nghiệp đã thành lập hàng chục năm rồi. Thế nên, mình bố trí cho các bạn các gian hàng trong một không gian gọi là ngôi nhà chung ở Sài Gòn, ở Đồng Tháp, ở Nha Trang, Khánh Hòa, Đồng Nai và chúng tôi ghi rõ là thanh niên khởi nghiệp, không ai thắc mắc. Phía bên kia có các doanh nghiệp 20 năm hàng tiêu biểu còn bên này có nhóm hàng hóa thanh niên khởi nghiệp rất xôm tụ, có cả tinh dầu của các bạn ở Hợp tác xã H’Mong Cát Cát (ở Lào Cai), có cả Hồng sấy gió (ở Đà Lạt), sầu riêng, chôm chôm (ở miền Tây Nam Bộ)… cho nên là nó tạo được một cái lạ, người ta thích và mua rất nhiều. Ngày hội Tung hàng Tết cũng vậy, chúng tôi tổ chức những phiên chợ đặc sản địa phương để các em giới thiệu sản phẩm và kết nối với các tiểu thương trong CLB Người bán hàng số một của chúng tôi để mở rộng thị trường.

Còn Phiên chợ Xanh Tử tế, chúng tôi tổ chức ngay trong cơ quan của mình, là văn phòng của BSA, của Hội hàng Việt Nam chất lượng cao, thì chúng tôi lấy thương hiệu mình ra mình đảm bảo để đưa sản phẩm của các bạn về đó bán. Như vậy, một là đỡ tốn chi phí mặt bằng, hai là người mua biết đây là văn phòng trung tâm của cơ quan cũng có uy tín nhất định thì từ đó người ta tin, người ta tin là sản phẩm tốt. Và BSA phải kiểm soát chặt đầu vào phiên chợ của mình thì mới dám đảm bảo đầu ra. Khi đó, nó mới tạo ra một cú hích, một cơ sở để giúp cho các bạn khởi nghiệp tin tưởng vào bản thân hơn. 

Mà A Nủ (phải) khi mới 20 tuổi đã sáng lập ra Hợp tác xã H’Mong Cát Cát (Lào Cai) để tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương mình với sản phẩm tinh dầu

Vậy ban tổ chức kiểm tra kĩ, kiểm soát rất chặt đầu vào như thế nào? 

Mặc dù mình tiếp nhận từ các câu lạc bộ nhưng khi người ta muốn bán ở các phiên chợ thì phải có giấy chứng nhận kinh doanh, giấy vệ sinh an toàn thực phẩm, giấy chứng nhận Viet GAP, Global GAP v.v. Như vậy có thể coi là Nhà nước đã chứng nhận đủ cho họ rồi. Song song với đó là mình đi kiểm tra tận nơi. BSA có một CLB chuyên gia ở tất cả các ngành nghề (từ nông nghiệp cho đến thương hiệu, bán hàng…) và họ làm việc tình nguyện, họ đi vào các vườn rau, trang trại chăn nuôi và mấy anh đó mới coi người ta trồng. Người ta làm như thế nào, người ta sử dụng thuốc như thế nào qua nói chuyện là biết hết, các ông chuyên gia đi hỏi rồi mấy ông nông dân khai hết trơn à. Nếu các chuyên gia đi ra và nói với mình là đúng, là được rồi thì thôi, mà họ nói tôi hơi băn khoăn thì mình sẽ trả lời là mình tạm ngưng tiếp nhận tham gia và trao đổi riêng với họ để họ làm lại thì mình mới tiếp tục tiếp nhận. 

Hôm qua, khi đi qua một gian hàng của tỉnh Thái Nguyên, cũng có một khách hàng tỏ ý không tin rằng đây có phải đúng là đặc sản không, có đúng đạt vệ sinh an toàn thực phẩm không thì cô bán hàng đã trả lời lại là: “Chị phải tin chứ, vì chúng tôi khó lắm mới vào được đây đấy!”

Các doanh nghiệp ở Miền Bắc là do các anh chuyên viên ở Trung tâm Xúc tiến của Bộ Nông nghiệp giới thiệu. Sau đó thì chúng tôi đi khảo sát xem họ buôn bán như thế nào. Họ cũng đăng ký nhiều lắm nhưng chúng tôi cũng phải từ chối đa số. Không phải vì chất lượng nhưng thứ nhất là mình chưa an tâm về cách trưng bày hàng hóa, cách buôn bán và đầu vào hàng hóa, thứ hai là mình không biết họ có bán thêm cái gì hay không. Có những gian hàng chúng tôi đồng ý nhưng họ phải ký cam kết với mình. Vì thời gian không có nên nhiều nơi chúng tôi chưa kiểm tra được ngay, nhưng qua hội chợ này rồi chúng tôi tiếp tục sàng lọc nữa, nếu lần này mà các anh tham gia đúng là đàng hoàng thiệt thì mai mốt sẽ mời tiếp, còn nếu anh lôm côm thì chắc là lần sau không được tham gia rồi. 

Ở các phiên chợ này có rất nhiều những bạn trẻ có kiến thức, được đào tạo bài bản đi làm nông nghiệp. Đây có phải là xu hướng không, có phải thế hệ nông dân kiểu mới như vậy ngày càng đông không? 

Nhiều, tôi thấy nhiều đó, qua facebook và các mạng xã hội khác thì ngày càng có nhiều bạn trẻ, từ Đaklak, Phú Yên, cho đến Bình Thuận tham gia các cuộc thi dự án khởi nghiệp do BSA tổ chức. Ban đầu có hai mươi mấy dự án thôi mà bây giờ là 80 dự án dự thi. Các dự án nông nghiệp do những người trẻ tuổi làm ra thì rất nhiều nhưng con số trên là những bạn dám đứng trước mọi người, dám thuyết trình trước mọi người về sản phẩm của mình. 
Các bạn trẻ nhận thức về cái sạch, cái nhu cầu sạch khá rõ và không thỏa hiệp với môi trường xấu ở xung quanh. Các bạn lại nhạy bén, từ cái chuyện kết nối thị trường, đi tìm hàng, kết nối với nhau như thế nào – bạn này bán món này thì phải có bạn khác bán món khác “nhào vô” cùng bán với nhau. Chẳng hạn như em Huỳnh Nhật Phong với sản phẩm từ tiêu lốp (thương hiệu tiêu lốp Huỳnh Châu) quy tụ các bạn lọt vào vòng chung kết dự án khởi nghiệp (BSA vừa tổ chức) tự đi từ Nam ra Bắc để tham dự Phiên chợ Xanh tử tế ở Hà Nội. Thì đó là sự năng động của tuổi trẻ, sáng tạo của tuổi trẻ. 

Cảm ơn bà về cuộc trò chuyện này!

Anh Nguyễn Minh Hậu (thứ hai từ phải sang) tham gia được gần 10 phiên chợ với giống sầu riêng Ri 6 “gia truyền”. Thông thường, sầu riêng Ri 6 của anh rất khó cạnh tranh vì giá cao hơn so với các loại sầu riêng không rõ nguồn gốc nhưng thậm chí vẫn đề tên thương hiệu của anh. Thông thường, sầu riêng Ri ^ chỉ bán thông qua một số đại lý nhất định. Anh cho biết, nhờ phiên chợ mà khách hàng tự tìm đến mua sầu riêng của anh và có thể mua với giá rẻ nhất. Bên cạnh đó, sản lượng sầu riêng bán ra ở phiên chợ cũng tương đương với ở các đại lý. Có những buổi sáng, anh bán hết sạch nửa tấn sầu riêng. 

Trong Phiên chợ Xanh Tử tế diễn ra tại Hà Nội, những người đi chợ có dịp được giao lưu với những người nông dân khởi nghiệp trẻ tuổi năng động và trách nhiệm đến từ Phiên chợ Xanh Tử tế tại Tp.Hồ Chí Minh, chấp nhận khó khăn, thậm chí là cả những nghi ngờ từ những người xung quanh để sản phẩm chất lượng, nếu không muốn nói là “hoàn hảo”. Nguyễn Minh Hậu là con út của ông Sáu Ri, tác giả của giống sầu riêng Ri 6 cơm vàng hạt lép nổi tiếng ở Nam Bộ, được bà Kim Anh giới thiệu là người khó tính đến mức “khó chịu” vì anh chỉ bán cho những khách hàng yêu và thực sự hiểu được giá trị của sầu riêng. Từ bỏ công việc của một kỹ sư công nghệ với mức lương 2.500 USD/tháng, vì muốn thay đổi định kiến của người dùng cho rằng hễ sầu riêng là nhúng thuốc, anh trở về tự tay đi rao bán trái sầu riêng của cha mình trên khắp cả nước. Ở Phiên chợ Xanh Tử tế tại Hà Nội, trong hai ngày, số sầu riêng Ri 6 anh Hậu mang ra Hà Nội đã được báo là… hết hàng mặc dù vẫn còn. Tại sao anh không bán nữa? Theo như bà Kim Anh giải thích, đó là bởi vì, “đụng tới sầu riêng của cha mình, ai chê là bạn ấy không có chịu. Cho nên, khi giao hàng cho khách là phải ngon và phải chín tới thì bạn ấy mới chịu bán ra, sầu riêng còn nhưng không chín, nó còn chai cái đầu một chút là bạn ấy không chịu rồi.” Một nhân vật khác, nổi tiếng hơn với biệt danh “ngựa ô can trường” là Võ Văn Tiếng, chủ thương hiệu gạo Tâm Việt ở Hồng Ngự, Đồng Tháp. Chưa bao giờ có ý định làm nông nhưng Tiếng lại quay trở về trồng lúa theo phương thức hữu cơ vì thấy rằng người nông dân lệ thuộc quá nhiều vào phân và thuốc hóa học, có người chết trên đồng ruộng. Ban đầu, anh bị gia đình và làng xóm phản đối dữ dội cho đến khi trồng hai vụ lúa thành công, cha anh mới công nhận: “Mày trồng lúa không dùng phân và thuốc hóa học mà gạo ăn được đấy. Tao nghe người ta nói là mày làm như thế thì vỏ trấu cũng không có mà ăn chứ đừng nói gì đến gạo”. Sự “cứng đầu” của Võ Văn Tiếng cuối cùng cũng được nhìn nhận: Khi cả ruộng của anh và nhiều người khác vàng rực vì bị rầy lửa bu đến, mọi người khuyên anh phun ngay thuốc trừ sâu nhưng anh không chịu. Cuối cùng, sau một thời gian, cây lúa ở ruộng của anh lớn, đủ sức kháng lại rầy lửa, lại xanh tốt trở lại trong khi nhiều ruộng xung quanh dù phun thuốc trừ sâu loại mạnh mà vẫn chết. Nhờ sự kiện này mà một số người theo Tiếng trồng theo phương pháp hữu cơ. Gần đây, Tiếng được cha đầu tư hơn 20ha để trồng lúa, anh đã lên facebook kêu gọi được tám bạn trẻ tốt nghiệp đại học ở các tỉnh khác trở về quê tại Hồng Ngự, Đồng Tháp để cùng xây dựng thương hiệu gạo Tâm Việt.

Tác giả