Chậm và có chọn lọc

Trung Quốc, một trong những nước có chính sách hộ khẩu (hokou) tương tự Việt Nam cũng đang trong quá trình cải cách chính sách này với tiêu chí “chậm và có chọn lọc” sau rất nhiều thảo luận gay gắt giữa một bên đấu tranh nhằm xoá đi rào cản mà chính sách hộ khẩu gây ra với một bên lo sợ mở cửa chính sách hộ khẩu sẽ làm gia tăng gánh nặng cho các đô thị.


Di dân, vấn đề lớn của đô thị Trung Quốc. Nguồn ảnh: www.npr.org

Hệ thống hộ khẩu của Trung Quốc (hokou) khiến người di cư gặp rất nhiều khó khăn trong việc thực hiện các thủ tục hành chính để chuyển cư đến đô thị và kết quả là từ nhiều năm nay lao động nhập cư không thể tiếp cận các dịch vụ công, thậm chí con cái của họ gặp rất nhiều khó khăn để đi học ở thành phố nơi gia đình họ đang sinh sống và làm việc.

Năm 2012, Zhan Haite, một học sinh đã lập blog để đưa các thông tin về việc hệ thống hộ khẩu hiện nay đã hạn chế cơ hội giáo dục cho trẻ em và chỉ ra sự phân biệt đối xử. Có luồng ý kiến ủng hộ cho rằng Zhan nên có quyền học ở một trường cấp ba tại Thượng Hải, nơi cô bé lớn lên, tuy nhiên có rất nhiều ý kiến khác – phần nhiều là những cư dân có hộ khẩu ở Thượng Hải cho rằng những người như Zhan là mối đe doạ cho các cơ hội giáo dục của trẻ em có hộ khẩu thành phố. Trong trường hợp này, chính những người hàng xóm có hộ khẩu sống gần kề với những người di cư lại là những người đối đầu mạnh mẽ nhất với công cuộc cải cách hộ khẩu. 

Hiện nay, giải quyết vấn đề hộ khẩu – rào cản cho hội nhập vào đời sống đô thị của nhiều di dân nhằm đáp ứng mục tiêu đô thị hoá đang đặt ra của Trung Quốc đã trở thành đề tài được thảo luận thường xuyên. Nhiều ý kiến trên các báo lớn của Trung Quốc đã gọi vấn đề hộ khẩu là một rào cản lớn cho quá trình đô thị hoá lấy con người làm trung tâm của Trung Quốc. Giới lãnh đạo nước này đã tuyên bố sẽ cho phép người lao động nhập cư trở thành cư dân đô thị theo “một lộ trình phù hợp” trong vòng năm năm tới.

Vào năm 2015, Hội đồng Nhà nước của Trung Quốc tuyên bố kế hoạch cải cách hệ thống hộ khẩu – sẽ cấp giấy phép cư trú tại đô thị cho khoảng 100 triệu người di cư – một con số khổng lồ. Trên thực tế con số này vẫn ít hơn nhiều so với 274 triệu lao động di cư của Trung Quốc vào năm 2014 nhưng điều này phù hợp với quan điểm của giới lãnh đạo nước này về cải cách hệ thống đăng ký hộ khẩu theo lộ trình phù hợp với chiến thuật chậm và ổn định (slow-and-steady) mà Trung Quốc đã áp dụng cho đến nay. Căn cứ vào kế hoạch trên, cải cách hộ khẩu sẽ nhắm tới một số người di dân nhất định –những người di cư “phù hợp”, có mong muốn nhập cư, có việc làm, trình độ học vấn và nhà ở. Các thành phố lớn như Thượng Hải và Bắc Kinh sẽ có các tiêu chuẩn khắt khe nhất, còn các thành phố nhỏ hơn sẽ có các quy định dễ dàng hơn với người di cư muốn xin hộ khẩu.

Thay vì thúc đẩy nhanh quá trình cấp hộ khẩu cho người di cư, chính quyền áp dụng chiến thuật chậm và có chọn lọc vì các đô thị có thể bị quá tải bởi những luồng di dân mới.

Bảo Như lược dịch
Nguồn: http://thediplomat.com/2016/02/chinas-plan-for-orderly-hukou-reform/

Tác giả