Chương trình hợp tác công tư Horizon: Hiệu quả đã là đủ?

Không ai phủ nhận được tính hiệu quả từ các sáng kiến hợp tác nghiên cứu công tư của Horizon 2020 - chương trình Khung về nghiên cứu và đổi mới sáng tạo của Hội đồng châu Âu. Tuy nhiên, công cụ quản lý mới nhằm gắn kết các nguồn lực trong các trường viện và giới công nghiệp châu Âu đã thực sự hoàn hảo? Đây là câu hỏi đặt ra cho các nhà hoạch định chính sách của Hội đồng châu Âu trước khi quyết định cắt giảm hoặc ghép các sáng kiến với nhau ở giai đoạn tới.


Các chương trình hợp tác công tư của Horizon nhằm mục tiêu kết nối các nhà nghiên cứu với giới công nghiệp để tạo ra những công nghệ đột phá. Nguồn: People Matters

Từ thành công của ba chương trình bắt đầu vào năm 2009, Hội đồng châu Âu quyết định mở các chương trình hợp tác công tư (Public Private Partnerships) trị giá 6,2 tỷ euro thuộc Horizon 2014-2020, bao gồm: Các nhà máy của tương lai (Factories of the Future), Những tòa nhà hiệu quả năng lượng (Energy-efficient Buildings), Sáng kiến Xe xanh châu Âu (European Green Vehicles Initiative), Công nghiệp chế tạo phát triển bền vững (Sustainable Process Industry), Các công nghệ quang tử (Photonics), Robotics, Tính toán tính hiệu năng cao (High Performance Computing), Các mạng lưới 5G tiên tiến cho internet tương lai (Advanced 5G networks for the Future Internet).

Các chương trình này được tiến hành trên cơ chế hợp tác công tư với sự tham gia của các công ty, trường đại học, các phòng thí nghiệm công và cả các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo vừa và nhỏ (SMEs), nhiều tổ chức khác, cùng thực hiện những nghiên cứu nhằm tạo ra những công nghệ mang tính đột phá, đặc biệt tăng sức cạnh tranh quốc tế trong tương lai cho công nghiệp châu Âu. Để được nhận tài trợ cho đề xuất nghiên cứu từ những chương trình này, các doanh nghiệp sẽ phải bỏ vốn đối ứng và được tự do lựa chọn các đối tác nghiên cứu. Thiết lập các chương trình này, EU mong muốn đầu tư vào các ngành công nghiệp chủ chốt, thông qua đó hỗ trợ các doanh nghiệp thoát khỏi cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và ngay lập tức được họ hưởng ứng. Năm 2014, số lượng doanh nghiệp tham gia và đóng góp kinh phí cho Horizon 2020 đã tăng lên.

Hiệu quả của các chương trình hợp tác công tư

Bắt đầu từ năm 2013, đến nay, các chương trình hợp tác này của Horizon đã đi một nửa chặng đường. Để đánh giá nhanh về tác động toàn diện của các chương trình, một nhóm nghiên cứu độc lập đã thực hiện báo cáo “Đánh giá giữa kỳ về các mối quan hệ hợp tác công tư theo hợp đồng trong Horizon 2020” (Mid-term review of the contractual Public Private Partnerships (cPPPs) under Horizon 2020), công bố vào cuối tháng 9/2017 – một bức tranh tương đối toàn diện với những ưu điểm và nhược điểm về một công cụ chính sách quản lý mới của châu Âu.

Theo các chuyên gia, có thể nhận thấy những hiệu quả trực tiếp của các chương trình này thông qua các chỉ số Đo lường hiệu quả công việc (KPIs) như đầu tư của khu vực tư nhân, số lượng nghề nghiệp và các chương trình được tạo ra mức tăng trưởng doanh thu; thu nhập tăng lên của các doanh nghiệp vừa và nhỏ; số lượng đổi mới sáng tạo được đưa ra thị trường. Họ nhận thấy, nếu xét trên bình diện đầu tư tư nhân thì hầu hết các chương trình hợp tác đều khá thành công, ví dụ Chương trình Công nghiệp chế tạo phát triển bền vững – một liên minh gồm 8 lĩnh vực nhỏ hơn của ngành công nghiệp chế tạo châu Âu là xi măng, gốm sứ, hóa chất, kỹ thuật, khai thác khoáng sản và quặng, kim loại màu, thép và nước – thu hút sự tham gia của 450.000 công ty, cung cấp việc làm cho 6,8 triệu lao động và đem lại khoảng 1,6 tỷ euro lợi nhuận, trong đó 11,2% thuộc về các doanh nghiệp vừa và nhỏ; hay chỉ tính riêng năm 2015 thì Chương trình Robotics đã thu hút được khoản kinh phí đầu tư 568 triệu euro của các công ty tư nhân. Nếu xét trên bình diện đổi mới sáng tạo thì Chương trình Công nghiệp chế tạo phát triển bền vững tạo ra 141 công nghệ mới (32 công nghệ vẫn đang trong giai đoạn hoàn thiện); Chương trình Những tòa nhà hiệu quả năng lượng: trung bình mỗi dự án thuộc chương trình tạo ra 3,3 hệ thống và công nghệ mới; Sáng kiến Xe xanh châu Âu: từ 21 dự án tạo ra 29 công nghệ đột phá; Chương trình Các nhà máy của tương lai: 295 hệ thống và công nghệ mới từ 46 dự án. Nếu xét trên bình diện việc làm thì cứ mỗi dự án của Chương trình Các nhà máy của tương lai, lại tạo ra trung bình 4,87 loại công việc mới hay mỗi dự án Chương trình Những tòa nhà hiệu quả năng lượng tạo ra 1,7 loại công việc mới.

Hiệu quả từ một phương thức hợp tác còn ở một số khía cạnh khác, đó là sự gắn kết giữa các bên tham gia thực hiện ngày một chặt chẽ hơn, tạo ra một làn sóng đổi mới sáng tạo lan tỏa từ các trường đại học, các phòng thí nghiệm công đến phần lớn các ngành công nghiệp quan trọng ở châu Âu, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ – những công ty rất năng động trong đổi mới đầu tư và nắm bắt xu thế của thị trường. Ông Jean-Eric Paquet, Tổng giám đốc Bộ phận Nghiên cứu và đổi mới sáng tạo của Hội đồng châu Âu mới nhận xét trong một phiên họp diễn ra vào tháng 7/2018: “Không có một chương trình nào trên thế giới cho phép tạo ra nhiều hợp tác như thế giữa ngành công nghiệp và các viện nghiên cứu như Horizon”.

Giáo sư Jonathan Knowles của trường đại học Helsinki (Phần Lan) thừa nhận một vấn đề trong quá khứ, “trước đây, chúng tôi không cố gắng giới thiệu tất cả công việc và kết quả nghiên cứu mà chúng tôi đã làm ra với công chúng và doanh nghiệp. Cả hai phía – doanh nghiệp và giới hàn lâm – đều từng rất ngạo mạn, nhưng bây giờ thì đã khác, hãy nhìn vào cách chúng tôi làm việc cùng nhau”.

Những vấn đề chưa được giải quyết

Các chuyên gia thực hiện báo cáo cũng cho biết, họ phát hiện ra một số vấn đề nảy sinh, đầu tiên là việc xây dựng lộ trình cụ thể cho từng chương trình cần được thiết kế rõ ràng hơn và giới thiệu được đến nhiều bên hơn, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ; vì hiện nay chúng chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như các tổ chức tư nhân phi lợi nhuận tham gia như mong muốn của Hội đồng châu Âu. Bên cạnh đó, họ cũng nhận thấy một số vấn đề khác như mối liên kết giữa các chương trình hợp tác công tư Horizon với những chương trình khác của Hội đồng châu Âu và ảnh hưởng của các chương trình này lên chính sách khoa học và công nghiệp của các quốc gia thành viên châu Âu còn mờ nhạt. Các thành viên Hội đồng châu Âu cảm thấy không phải các quốc gia thành viên nào cũng có được vai trò đáng kể trong các chương trình hợp tác công tư, do đó nhiều quốc gia có các trường, viện hoặc doanh nghiệp tham gia những chương trình này dường như không quan tâm đến tiến độ công việc. Ví dụ trong số các chương trình hợp tác công tư có những dự án như thử nghiệm lâm sàng ở Hạ Sahara – châu Phi, dự án về an ninh lương thực, dự án về đo lường hay đầu tư cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực công nghệ cao, các bên tham gia thuộc quốc gia châu Âu đều phải rất vất vả mới có sự hỗ trợ về kinh phí và chính sách của chính phủ. Năm 2017, ông Pascal Lamy, nguyên ủy viên phụ trách vấn đề thương mại của Hội đồng châu Âu đã nêu quan điểm trong báo cáo về nghiên cứu do Hội đồng châu Âu tài trợ: “Các quan hệ đối tác giữa những cơ quan của mỗi chính phủ quốc gia thành viên EU được thiết lập dựa trên các mối hợp tác sẵn có nhưng lại không ảnh hưởng đến chính sách và chiến lược phát triển chung của các quốc gia này”.

Có nên cắt giảm?

Những vấn đề tồn tại của các chương trình hợp tác công tư Horizon khiến Hội đồng châu Âu cân nhắc vấn đề: có nên cắt giảm chúng trong giai đoạn mới 2021 – 2027 của Horizon? Trước khả năng này, các nhóm ngành sản xuất xe điện, sản xuất chip điện tử, các công ty dược phẩm và nhiều ngành công nghiệp khác đang nỗ lực tìm cách để duy trì bằng được các chương trình mình đang tham gia để tiếp tục nhận nguồn tài trợ của EU cho các hoạt động đầu tư nghiên cứu và phát triển công nghệ mới.

Để sẵn sàng cho điều này, Hội đồng châu Âu vừa soạn thảo văn bản pháp lý cho chương trình nghiên cứu tiếp theo của Horizon Europe. Qua trao đổi với đại diện ngành công nghiệp và nghiên cứu trong cuộc họp tại Brussels vào đầu tháng 7/2018, ông Jean-Eric Paquet hé lộ “sẽ có những thay đổi”, và không chắc chắn sẽ giữ lại mối quan hệ đối tác nào. Theo ông, áp lực đòi hỏi khép lại một số chương trình đang tăng lên khi “nhiều quốc gia thành viên EU đang chờ đợi việc đánh giá lại các chương trình hợp tác”.

Christian Naczinsky, Bộ trưởng Bộ Khoa học, nghiên cứu và kinh tế Áo, bình luận, cần phải có một tiêu chí quan trọng và xác đáng để kết thúc một chương trình. Một quan chức Hội đồng châu Âu cho rằng công việc đó không dễ dàng bởi các chương trình hợp tác công tư đang phát triển lớn mạnh như “những con khủng long” với hàng trăm ngàn tổ chức, doanh nghiệp cam kết tham gia và đầu tư vào các hoạt động mang tính lâu bền. Ông Paolo Annunziato, Chủ tịch Trung tâm nghiên cứu hàng không vũ trụ Ý nhấn mạnh: “Các chương trình này đều đang triển khai kế hoạch của mình. Các chương trình góp phần tăng cường cam kết đầu tư vào nghiên cứu của giới công nghiệp”.

Phản hồi những ý kiến này, ông Jean-Eric Paquet cho rằng, một số chương trình hợp tác có thể sẽ phải sáp nhập để “có những ngân sách đầu tư lớn hơn và trên diện rộng hơn”, tuy nhiên ông cũng chưa cho thấy một tín hiệu rõ ràng về việc sáp nhập như thế nào “Chúng tôi sẽ làm điều đó như thế nào ư? Tôi cũng chưa rõ… [nhưng] trong 6 tháng tới, chúng ta sẽ phải tập hợp nhiều mối hợp tác công tư để có thể tạo nên sự khác biệt”. Bản thân ông Daniel Gauthier, người phụ trách chương trình Các ngành công nghiệp chế tạo phát triển bền vững của Horizon, cũng không tiết lộ nhiều: “Tôi sẽ không trộn lẫn mọi thứ lung tung. Chúng tôi cần dựa trên những phương pháp tiếp cận phù hợp với đặc trưng của các ngành riêng biệt và liên ngành”.

Tuy nhiên tất cả các bên liên quan đều nhất trí ở một điểm: cần thiết duy trì những chương trình hợp tác công tư trong giai đoạn tới của Horizon. Thông qua chính sách đầu tư kinh phí và khuyến khích hợp tác của Hội đồng châu Âu, một hệ sinh thái sống động với sự tham gia của nhiều thành phần đã được tạo ra và tác động đến nhiều lĩnh vực đời sống xã hội, không riêng ngành công nghiệp.

Anh Vũ tổng hợp
Nguồn: https://publications.europa.eu/en/publication-detail/-/publication/6de81abe-a71c-11e7-837e-01aa75ed71a1/language-en;

 

 

Tác giả