Đánh giá ĐMST doanh nghiệp: Những kết quả bước đầu

Những năm gần đây, chính phủ đã đặt ra nhiệm vụ phải đổi mới sáng tạo (ĐMST) mạnh mẽ và nhấn mạnh phải lấy doanh nghiệp là trung tâm của ĐMST. “Nhưng trước khi bắt họ ‘gánh’ vị trí trung tâm đó thì cần biết hiện nay sức khỏe của họ như thế nào, họ có gánh nổi vai trò đó hay không?”

Câu hỏi mà TS Tạ Bá Hưng, ban quản lý dự án FIRST đã đề cập đến một hiện trạng: trong khi nhu cầu thông tin về ĐMST trong doanh nghiệp là rất cấp bách thì thông tin mà chúng ta có hiện nay lại không nhiều. Hầu hết chỉ đến từ các cuộc điều tra, thống kê về doanh nghiệp nói chung, trong đó có tính đến yếu tố đầu tư cho R&D cho doanh nghiệp hoặc các nội dung có liên quan. Trong bối cảnh đó, Tiểu dự án 1(b) “Hoàn thiện hệ thống thống kê, đánh giá, đo lường KH&CN và đổi mới sáng tạo” là một tiểu hợp phần thuộc Hợp phần 1 “Hỗ trợ cơ sở để hoạch định chính sách và thí điểm chính sách KH&CN” của Dự án FIRST (gọi tắt là Tiểu dự án FIRST-NASATI) do Cục Thông tin KH&CN quốc gia tổ chức điều tra thử nghiệm về ĐMST trong các doanh nghiệp.

Cuộc điều tra thử nghiệm này có quy mô 8000 doanh nghiệp trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ở các quy mô lớn, vừa và nhỏ ở cả ba khu vực: doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp ngoài nhà nước. Điều tra tập trung vào các doanh nghiệp chế biến chế tạo, “vì đây là nhóm cần hấp thụ công nghệ nhiều nhất, và các nước cũng thường tập trung điều tra vào nhóm này khi đánh giá về ĐMST trong doanh nghiệp”, TS. Hồ Ngọc Luật, chuyên gia tư vấn cho tiểu dự án này cho biết trong buổi công bố kết quả điều tra ban đầu của nghiên cứu này vào ngày 28/8 vừa qua.

Doanh nghiệp chưa thực sự đầu tư “vào gốc”

Nhìn vào bức tranh chung mà nhóm nghiên cứu đưa ra, Việt Nam không thua kém nhiều nước trong khu vực về đầu tư cho ĐMST (12 nước trong khu vực và trong khối OECD được chọn lọc để đối sánh trong nghiên cứu này). Cụ thể, Việt Nam có tỉ lệ các doanh nghiệp có đổi mới sản phẩm và đổi mới quy trình lần lượt là 32.4% và 39.8%, cũng gần bằng Phần Lan (lần lượt là 36.5% và 35.1%) hay kém Philippines một chút (tương ứng là 37.6% và 43.9%). Hầu như các doanh nghiệp được khảo sát đều đề cao ý thức phải liên tục ĐMST, với khoảng 62% doanh nghiệp chế biến chế tạo có ĐMST trong giai đoạn 2014-2016. Tuy nhiên, nhìn vào từng hoạt động đầu tư cho ĐMST, thì hầu hết các doanh nghiệp của Việt Nam mới chỉ dừng lại ở nỗ lực chiếm lĩnh “phần ngọn” thay vì đầu tư vào “phần gốc”.

Một tỉ lệ rất lớn các doanh nghiệp đầu tư vào đổi mới quy trình thông qua việc “Đầu tư vào công nghệ mới được gắn liền với hàng hóa, máy móc, thiết bị” (39,4%) hoặc thông qua “Nâng cấp/chỉnh sửa công nghệ, thiết bị hiện tại” (39.3%), trong khi đó chuyển giao công nghệ từ các tổ chức khoa học và công nghệ công lập và các tổ chức khác ngoài công lập đều dưới chỉ ở mức 0.3% và 0.6%. “Nghĩa là các doanh nghiệp chỉ mua công nghệ về áp dụng chứ không/ ít có cải tiến, nghiên cứu”, TS. Hồ Ngọc Luật nhận xét.

Bảng 1: Phương thức thực hiện đổi mới Quy trình công nghệ. Nguồn: TS Hồ Ngọc Luật.

Trong khi đó, cơ cấu bình quân kinh phí chi các hoạt động phục vụ ĐMST năm 2016 của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cũng nghiêng chủ yếu về mua sắm công nghệ, máy móc và thiết bị (65.5%), còn mua lại các kết quả nghiên cứu và phát triển của các tổ chức khác chỉ chiếm 0.8%, mua quyền phát hành, bản quyền, sáng chế cũng chỉ chiếm 3.4%. Ở khía cạnh này, Việt Nam đứng chót hoặc gần chót bảng so với 12 nước được so sánh trong nghiên cứu này.

“Anh đã không thể tự nghiên cứu rồi lại còn không mua thì lấy đâu ra mà ĐMST? Việc chi tiền mua trang thiết bị cho thấy có đầu tư đổi mới nhưng tầm nhìn vẫn còn hạn hẹp. Một khi người ta đã bán trang thiết bị cho ta thì nghĩa là họ đã chuẩn bị nghiên cứu, tung ra những kết quả khác hiện đại hơn rất nhiều và chắc chắn ta sẽ không thể đưa ra sản phẩm có thể cạnh tranh được với họ”, TS Tạ Bá Hưng bình luận. Ông cho rằng các doanh nghiệp Việt vẫn đang tưởng mình “múa tay trong bị” trong khi đúng ra đây là thời điểm cần phải đầu tư và hình thành thị trường mua bán tài sản trí tuệ, giải pháp hữu ích chứ không phải ăn sẵn công nghệ. Mà dẫn chứng rõ ràng là thất bại của Hanel trong sản xuất và tung ra ti vi màn hình lồi vào thời điểm mà các nước tiên tiến đã sản xuất được ti vi màn hình phẳng và màn hình cong.

Bảng 2: Tỷ lệ % các doanh nghiệp mua kết quả NC&PT. Nguồn: TS. Hồ Ngọc Luật.

Mặt khác, những con số nói trên cũng phần nào phản ánh năng lực và mối liên kết của các viện, trường đối với khu vực doanh nghiệp. TS Tạ Bá Hưng nhận xét, trong khi thực lực của các doanh nghiệp chưa đủ vững để nghiên cứu phát triển sản phẩm, doanh nghiệp thì vẫn rất đói công nghệ, mà tỉ lệ chuyển giao chỉ dưới 1% có nghĩa là cần đặt lại năng lực nghiên cứu của các viện, trường. “Hoặc là các trường, các viện làm ra sản phẩm nhưng không có gì để mua, hoặc là các trường, viện chưa có kết quả có thể bán được. Trong khi đó, chúng ta đầu tư rất nhiều cho các đề tài KC, KX [các Chương trình KH&CN trọng điểm cấp Nhà nước] nhưng khả năng hỗ trợ cho các trung tâm của ĐMST lại không ăn thua” – TS. Tạ Bá Hưng thẳng thắn nói.

Nghịch lý doanh nghiệp lớn càng nhận hỗ trợ nhiều

Trong bối cảnh hệ sinh thái ĐMST vẫn non yếu như vậy, các chính sách hỗ trợ ĐMST được đưa ra là rất cần thiết nhưng chưa thực sự nhắm trúng đích. Tỷ lệ doanh nghiệp nhận được hỗ trợ từ phía Nhà nước còn thấp: nhìn chung, mới chỉ có khoảng ¼ số doanh nghiệp nhận được hỗ trợ từ nhà nước cho các hoạt động ĐMST. Cụ thể, tỷ lệ các doanh nghiệp được hưởng các chính sách về tín dụng hay chính sách hỗ trợ đổi mới công nghệ chỉ từ 10% đến 17%; tỷ lệ các doanh nghiệp được hỗ trợ tư vấn kỹ thuật hay thực hiện nhiệm vụ KH&CN chỉ 3% đến 6%. Đồng thời, hiện nay “đang có một nghịch lý là doanh nghiệp càng lớn thì càng nhận được nhiều hỗ trợ. Trong khi đó chính sách của ta khuyến khích hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ”, theo TS. Hồ Ngọc Luật.

Những doanh nghiệp chưa nhận được bất kỳ hình thức hỗ trợ nào của nhà nước cho biết những lý do chủ yếu là: 1) chưa biết về các hình thức hỗ trợ của nhà nước; 2) các hình thức hỗ trợ không liên quan đến nhu cầu của doanh nghiệp; 3) doanh nghiệp không biết đến các đầu mối kết nối với các hình thức hỗ trợ; 4) quy trình xét duyệt hỗ trợ rất phức tạp.

Ngoài ra, báo cáo này còn đem tới những thông tin rất đáng chú ý về các khía cạnh khác trong đầu tư cho ĐMST của doanh nghiệp. Do đó, TS Đoàn Trần Nghiệp, Phó Vụ trưởng vụ thống kê doanh nghiệp, Tổng cục thống kê kiến nghị cần sớm nghiên cứu, đưa vào ứng dụng mở rộng kết quả nghiên cứu này tại Việt Nam.

Tuy nhiên, đây mới chỉ là một nghiên cứu bước đầu thử nghiệm, nên ban quản lý tiểu dự án FIRST – NASATI cho biết sẽ tiếp tục nhận ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, các cơ quan thống kê để chuẩn bị cho cuộc nghiên cứu ở quy mô rộng hơn trong năm 2019. “Phương pháp luận thử nghiệm lần này có thể tiếp tục áp dụng cho các cuộc điều tra tiếp theo về ĐMST trong các doanh nghiệp không?”, TS. Hồ Ngọc Luật đặt câu hỏi và mong muốn các nhà khoa học, các chuyên gia về ĐMST sẽ tiếp tục cùng thảo luận trong thời gian tới.

Nguồn: http://khoahocphattrien.vn/chinh-sach/danh-gia-dmst-doanh-nghiep-nhung-ket-qua-buoc-dau/2018082908478164p1c785.htm

Tác giả