Nan đề mới trong ngành du lịch quốc tế

Cái gì quá cũng không tốt. Định luật này đang chứng tỏ giá trị của nó trong ngành du lịch tại một số quốc gia trên thế giới.

Tourist you are the terrorist – Slogan mới
của ngành du lịch?

Khách du lịch đang là vấn đề gây đau đầu cho người dân và chính quyền tại nhiều điểm du lịch nức tiếng hiện nay.

Nhiều nơi rơi vào tình cảnh “khách át chủ”, khi mà số lượng du khách đổ về đông nườm nượp. Barcelona, một thành phố du lịch hấp dẫn của Tây Ban Nha, mỗi năm đón khoảng 7,5 triệu du khách trong khi số lượng cư dân thực tế ở đây chỉ dừng ở ngưỡng 1,6 triệu người. Sự xuất hiện của những vị khách vãng lai khiến cho các đường phố lúc nào cũng đông đúc, giá sinh hoạt tăng vọt, sự hài hòa của cảnh quan bị mất dần do những khách sạn mới, những tòa chung cư dành cho khách thuê phòng thi nhau mọc lên không ngừng. Trên thực tế, một số thành phố du lịch nổi tiếng hiện nay như Magaluf của Tây Ban Nha hay Venice của Italy gần như vắng bóng người dân sở tại, đến nỗi có người đã phải thốt lên rằng: “Chúng tôi đang bị xâm lược!”

Sự xuất hiện của khách du lịch cũng mang đến những ảnh hưởng không nhỏ cho người dân bản địa. Ở một số thành phố, người dân sở tại đã phải tránh đến trung tâm thành phố do lượng du khách đổ về quá lớn, chỗ để xe cũng bị san sẻ và trở nên chật chội. Những nhà hàng danh tiếng, những địa điểm hấp dẫn trong vùng bỗng trở thành nơi phục vụ riêng cho khách vãng lai. Tại những thành phố cổ kính, nhiều người dân không khỏi ngao ngán và xót xa khi thấy hàng đoàn du khách chen chân trên những con phố mà họ đã gìn giữ suốt từ hàng trăm năm nay hay đổ dồn về những bãi biển thiêng liêng của họ.

Tại hòn đảo Ibiza xinh đẹp của Tây Ban Nha, nguồn dự trữ nước ngọt đang bị thu hẹp dần, tỉ lệ nghịch với sự gia tăng về số lượng khách du lịch. Những rạn san hô ở đảo Koh Tachai, thiên đường lặn biển ở Thái Lan, đang đứng trước nguy cơ chết dần chết mòn do du khách đến tham quan và gửi lại… hàng nghìn chiếc chân vịt nhựa làm tin! Còn tại vùng ngoại ô ở đảo Menorca, Tây Ban Nha, nhiều người lo sợ rằng cảnh quan thiên nhiên nơi đây có thể sẽ bị ngành du lịch phá hỏng.

Ngoài sự đông đúc, thái độ và hành vi khiếm nhã của du khách cũng khiến nhiều người ngao ngán. Cư dân ở nhiều điểm du lịch vẫn thường xuyên lên tiếng than phiền về các du khách say xỉn, ăn mặc lôi thôi – thậm chí cởi trần hoặc mặc đồ hở hang, hay lái xe ẩu. Du khách Trung Quốc đặc biệt nhận được nhiều sự chỉ trích hơn cả. Theo thống kê, cứ 10 du khách quốc tế bây giờ thì có 1 người là đến từ Trung Quốc, và hầu như tới đâu họ cũng để lại không ít thì nhiều những ấn tượng không hay. Chẳng hạn, những chủ khách sạn tại quần đảo Seychellois rất nản lòng với một trong những thói quen của các vị du khách này: lấy ấm đun nước trong phòng khách sạn để luộc cua sống và … bỏ vỏ lại trong đó. Năm ngoái, người đứng đầu ngành du lịch tại New Zealand thừa nhận rằng sự phát triển về số lượng khách du lịch Trung Quốc đang cao hơn so với mong muốn của họ.

Những biện pháp ban đầu

Không dừng lại ở những lời than phiền, người dân và chính quyền tại nhiều địa điểm du lịch đã và đang thể hiện thái độ của họ một cách quyết liệt hơn đối với những vị du khách theo nhiều hình thức khác nhau.

Tại New Zealand, người dân rủ nhau tiến hành tịch thu xe của những khách du lịch lái xe ẩu. Còn trên các bức tường tại các thành phố du lịch nổi tiếng như Barcelona hay Palma gần đây đã bắt đầu xuất hiện những hàng chữ như muốn “đuổi khách đi” như: “Khách du lịch là khủng bố”, “Ngành du lịch đang phá hủy thành phố”, “Khách du lịch cút đi.”

Thực ra, vấn đề khách du lịch quan trọng tới nỗi trong cuộc bầu cử thị trưởng thành phố Barcelona vào năm ngoái, bà Ada Colau đắc cử vì là người đã xung phong khẩu hiệu sẽ có những biện pháp mạnh tay với khách du lịch. Và quả thực, sau khi bà đắc cử, chính quyền thành phố này đã ban hành một sắc lệnh ngưng cấp giấy phép xây khách sạn hoặc khu căn hộ cho khách du lịch trong 1 năm tại thành phố. Đồng thời, nhằm hạn chế du khách tới thăm khu chợ La Boqueria nức tiếng, vào giờ cao điểm những nhóm du khách có từ 15 người trở lên sẽ không được phép vào.

Ở các điểm du lịch khác, chính quyền địa phương cũng đang rục rịch vào cuộc. Chính quyền đảo Balearic, Tây Ban Nha, vào tháng 7 vừa qua đã ra luật thuế du lịch mới, theo đó du khách nào muốn lưu lại lâu hơn sẽ phải trả thêm 2 euro cho mỗi đêm ở thêm. Từ tháng 10 năm nay, du khách sẽ bị cấm đặt chân đến đảo Koh Tachai của Thái Lan. Chính quyền đảo Santorini, Hy Lạp nơi đón tiếp khoảng 10.000 du khách vào mùa cao điểm, cũng đã đặt ra giới hạn mỗi ngày chỉ đón tiếp tối đa 8.000 người.

Cần cách tiếp cận cân bằng

Mark Tanzer, người đứng đầu Hiệp hội Lữ hành Anh Quốc, mới đây đã lên tiếng cảnh báo rằng nếu không có sự kiểm soát, khách du lịch có thể sẽ trở thành thủ phạm giết chết ngành du lịch. Nhưng các quan chức sở tại sẽ cần phải cẩn trọng trong việc này. Ngành du lịch hiện chiếm khoảng gần 1/10 tổng GDP toàn cầu, và là một nguồn phát triển ổn định cho nhiều địa phương. Tại Barcelona, ngành du lịch đã tạo ra 120.000 công ăn việc làm, và tại Seychelles, chỉ tính riêng năm ngoái ngành du lịch đã chiếm gần 2/3 GDP của quần đảo này.

Để công bằng hơn với khách du lịch, một phần nguyên nhân ở đây có lẽ cũng xuất phát từ sự hoạch định kém của các chính quyền địa phương, chẳng hạn như trong việc chuẩn bị cơ sở hạ tầng (xây dựng các toilet công cộng miễn phí để phục vụ du khách ít tiền,…). Cần có những quy định giúp bảo vệ môi trường/ cảnh quan của địa phương mà không làm “mếch lòng” các du khách, bởi suy cho cùng, khách du lịch không phải là một thách thức gì mới mà chỉ là một thách thức thường trực mà thôi.

Quỳnh Ca tổng hợp.

Tác giả