Nghiên cứu biển Đông: Thiếu cơ chế hợp tác liên ngành

Có một thực trạng, các công trình nghiên cứu Biển Đông trong lĩnh vực Khoa học Xã hội và Nhân văn đang được tiến hành riêng lẻ, tản mát, không công khai, thiếu sự điều phối và một tầm nhìn xa

PGS. Ramses Amer (bìa trái) và TS. Trần Trường Thủy (thứ hai từ trái sang) trong một hội thảo quốc tế về Biển Đông. Ảnh: Huỳnh Phan, Vietnamet.vn

Tôi là một nhà nghiên cứu được điều động từ lĩnh vực này sang lĩnh vực khác và tôi đang rất băn khoăn, lo lắng xem tương lai mình sẽ phải làm gì…” – TS. Trần Trọng Dương mở đầu bài nói chuyện khoa học về “Nghiên cứu Biển Đông: Triển vọng và lộ trình” do Tia Sáng tổ chức vào cuối tháng Bảy vừa qua. Từ lĩnh vực nghiên cứu về văn học và tiếng Việt cổ, anh chuyển sang nghiên cứu Biển Đông.

Cũng như TS.Trần Trọng Dương, rất nhiều các học giả nghiên cứu Biển Đông của Việt Nam hiện nay đều “xuất thân” từ một ngành khác, “không có chuyên môn về biển đảo”. Điều đó cũng dễ hiểu bởi Việt Nam đang trong giai đoạn thiếu chuyên gia về lĩnh vực này trầm trọng nhưng nhu cầu nghiên cứu về lĩnh vực này lại cấp bách, nhất là khi căng thẳng trên Biển Đông ngày càng gia tăng. Điều đáng nói là bước chân vào lĩnh vực này, hầu như nhà khoa học nào cũng cảm thấy “hoang mang” vì họ không biết vị trí của những vấn đề mình nghiên cứu sẽ đứng ở đâu, có vai trò gì trong hệ thống các nghiên cứu liên quan đến Biển Đông đã hoàn thành trước đó. “Các hệ thống thư viện, viện nghiên cứu không liên thông với nhau, mỗi người ‘ngồi một góc’ tự làm việc của mình. Nếu muốn tìm hiểu một đề tài đã có ai làm hay chưa thì tra cứu rất khó. Có khi tra ra được mà lại là tài liệu không cho phép công bố thì mình cũng không được chia sẻ” – TS. Trần Trọng Dương nói.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, các cơ sở nghiên cứu đã có sự giao lưu tương tác ở mức độ nhất định. Bắt đầu từ năm 2009, Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao tổ chức Hội nghị quốc tế thường niên về Biển Đông với sự tham gia của các Bộ, viện nghiên cứu về KH&XH, các đại học, các nhà nghiên cứu độc lập, các học giả trong và ngoài nước (trong đó có cả học giả Trung Quốc). TS. Trần Trường Thủy, Phó viện Trưởng Viện Biển Đông nhận định, đây là một trong những hội thảo về Biển Đông “lớn nhất thế giới”, nơi các chuyên gia chia sẻ nghiên cứu của mình. Cũng trong các hội thảo này đã diễn ra nhiều cuộc tranh luận có giá trị nhưng rất tiếc, đó chưa phải là mức độ hợp tác mà các nhà nghiên cứu Biển Đông hiện nay ở Việt Nam mong muốn.

“Mặc dù đại diện của các viện nghiên cứu vẫn trao đổi và chia sẻ ý kiến trong các cuộc tọa đàm, hội thảo nhưng đó vẫn là từ góc độ cá nhân. Chúng ta vẫn thiếu một cơ chế phối hợp cùng nghiên cứu. Đáng lẽ, cần một đầu mối tập hợp các chuyên gia, cứ ba đến sáu tháng họp giao ban một lần.” – GS. Đỗ Tiến Sâm, nguyên giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Biển Đông, Viện Nghiên cứu Trung Quốc chia sẻ.

Thiếu “nhạc trưởng”

Khi phóng viên Tia Sáng trao đổi với các cơ sở nghiên cứu Biển Đông, tìm hiểu về hiện trạng, khó khăn trong công tác nghiên cứu Biển Đông thì đều nhận được câu trả lời: Thiếu sự liên kết giữa các đại học, viện nghiên cứu và các thư viện. Như TS. Vũ Minh Giang, Đại học Quốc gia Hà Nội đã trả lời báo Sài Gòn tiếp thị vào năm 2009 thì: “Việt Nam thiếu một nhạc trưởng” trong lĩnh vực nghiên cứu vấn đề tranh chấp biển đảo. Lời nhận định ấy đến giờ vẫn còn nguyên tính thời sự.

Được thành lập từ năm 2009, có nhiệm vụ nghiên cứu chuyên sâu các vấn đề chính trị, ngoại giao, pháp lý, chủ quyền liên quan đến Biển Đông, Viện Biển Đông của Học viện Ngoại giao giống một think tank với nhiệm vụ nghiên cứu để góp ý, khuyến nghị chính sách. Họ không đủ nhân lực triển khai các nghiên cứu cơ bản liên quan đến lịch sử, văn hóa, địa lý…. Theo TS. Trần Trường Thủy, Phó Viện trưởng Phụ trách Viện Biển Đông, các nhà nghiên cứu về lịch sử thông thường không nắm về luật pháp như các chuyên gia pháp lý, trong một khối dữ liệu lịch sử lớn, các nhà nghiên cứu về luật pháp mới biết bóc tách và sử dụng chi tiết nào có giá trị chứng minh chủ quyền. “Chính vì như thế mới cần liên kết (giữa các nhà nghiên cứu Lịch sử, Chính trị và Pháp lý)” – TS. Thủy kết luận.

Việc đề xuất một cơ chế, cách thức liên kết giữa các viện được đặt ra đã lâu, nhưng cuối cùng, mức độ liên kết vẫn chỉ dừng lại ở các chia sẻ tại hội thảo. Trong dịp trả lời phỏng vấn của Vietnamnet vào năm 2012, PGS. Ramses Amer, nghiên cứu viên cao cấp của Trung tâm Nghiên cứu Đông Á, Đại học Stockholm (Thụy Điển) từng chia sẻ: “Theo tôi, muốn hình thành một đối sách với nước nào đó, trước tiên phải biết người ta thực sự nghĩ gì, muốn gì. Như tôi đã từng gợi ý với các đồng nghiệp ở Học viện Ngoại giao, cơ quan này phải ưu tiên thúc đẩy hợp tác với Viện Nghiên cứu Trung Quốc thuộc Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, bởi các nhà nghiên cứu Trung Quốc đọc được chữ Hán, và họ sẽ có nhiều thông tin hơn về những gì người Hoa viết. Chứ còn bên Học viện Ngoại giao, đa số các nhà nghiên cứu đều học ở phương Tây, và họ ít hiểu về Trung Quốc, đặc biệt là lĩnh vực văn hóa. Quan trọng hơn, nhiều điều mà phương Tây viết chưa chắc đã phản ánh đúng tư duy, tham vọng thực sự của Trung Quốc”. TS. Trần Trường Thủy cho biết, hiện nay, Viện Biển Đông chưa có sản phẩm nghiên cứu chung với các đơn vị khác: “Viện Biển Đông được thành lập có chức năng kết nối nhưng không có quyền phân bổ, điều phối nhiệm vụ giữa các đơn vị nghiên cứu trong nước”.

Hai khó khăn

Hiện nay, có hai khó khăn trong việc thúc đẩy sự liên thông giữa các viện, trường nghiên cứu về Biển Đông. Thứ nhất, không có một cơ sở dữ liệu chung bao gồm các công trình nghiên cứu về Biển Đông từ trước đến nay và các tư liệu cổ về văn hóa, lịch sử, địa lý liên quan được dịch, phân loại, chú thích, thậm chí là số hóa, upload lên mạng để có thể tra cứu dễ dàng và các nơi có thể tận dụng được kết quả nghiên cứu của nhau. Thứ hai, một rào cản rất “đặc thù” trong nghiên cứu Biển Đông là nhiều công trình nghiên cứu được cho là “nhạy cảm”, khó chia sẻ. Cụ thể, hơn 70% các sản phẩm nghiên cứu của Viện Biển Đông được xếp loại là “tài liệu mật” (tuy nhiên, TS. Trần Trường Thủy chia sẻ rằng, trong số đó vẫn có những thông tin không mật có thể bóc tách ra trao đổi được), các đề tài nghiên cứu cấp viện, cấp Bộ của Trung tâm Nghiên cứu Biển Đông, Viện nghiên cứu Trung Quốc, Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam chỉ lưu hành nội bộ hay các  đề tài cấp Nhà nước của Viện Nghiên cứu Khoa học Biển và Hải đảo, trực thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam cũng không công bố công khai.

Các nhà nghiên cứu Biển Đông mất rất nhiều thời gian khi tổng thuật các nghiên cứu trước đó. Họ, hoặc là phải “lọ mọ” trong thư viện (theo như GS. Đỗ Tiến Sâm khảo sát, nhiều thư viện ở TP. Hồ Chí Minh sắp xếp và bảo quản tài liệu không khoa học, sách nghiên cứu về biển Đông được xếp chung với truyện tranh và sách Y học cổ truyền!), hoặc là phải tìm đến từng đơn vị nghiên cứu khác để tra cứu thông tin. TS. Lục Minh Tuấn, nghiên cứu viên tại trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, Đại học KHXH&NV TP. Hồ Chí Minh, hiện đang triển khai chương trình Nghiên cứu Biển Đông chia sẻ với Tia Sáng, việc tìm kiếm thông tin rất khó khăn dù hiện nay, đã có một số dự án xây dựng cơ sở dữ liệu thống nhất về Biển Đông nhưng chúng vẫn mang tính riêng lẻ.

“Do đó, cần thiết phải có sự thống nhất về một đầu mối (cấp quốc gia) các cơ sở dữ liệu quan trọng về Biển Đông, và tạo điều kiện cho các học giả chuyên về Biển Đông có khả năng tiếp cận tối đa đầu mối dữ liệu này.” – TS. Lục Minh Tuấn nhấn mạnh. Cùng chung ý kiến, GS. Đỗ Tiến Sâm đề xuất: “Bộ KH&CN phải đứng ra làm đầu mối, thống kê mỗi năm xem nguồn kinh phí từ ngân sách đầu tư cho các dự án về Biển Đông là bao nhiêu, sản phẩm đầu ra như thế nào. Như vậy sẽ tránh được sự trùng lặp. Như hiện nay, tôi chứng kiến nhiều nội dung trùng lặp trong các đề tài liên quan đến lịch sử Biển Đông và hoạt động của Trung Quốc trên Biển Đông.”

Thiếu một tầm nhìn

Để làm như vậy, cần một kế hoạch tổng thể và một tầm nhìn về Biển Đông nhưng hiện nay, Nhà nước vẫn chưa có một chiến lược nghiên cứu Biển Đông thực sự rõ ràng. Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao là đơn vị được nhà nước thành lập với nhiệm vụ chính là nghiên cứu chuyên sâu liên quan đến Biển Đông (mặc dù với một số nhiệm vụ, họ vẫn phải đấu thầu). Còn ở các cơ sở khác, nghiên cứu Biển Đông chỉ là một trong những chương trình của họ. Đa số là đề tài ngắn hạn và không được sự đầu tư thường xuyên của Nhà nước.

Lâu nay, Viện Biển Đông chủ yếu tập trung vào các nghiên cứu mang tính ứng dụng với hướng nghiên cứu về các vấn đề chính trị, ngoại giao, pháp lý, giải pháp chính sách. Còn các khía cạnh khác về lịch sử, văn hóa biển Đông, văn hóa, chính sách của Trung Quốc trên biển Đông… đòi hỏi những nghiên cứu cơ bản mà hiện nhiều viện nghiên cứu và các học giả khác đang tiến hành lại chưa được đầu tư đúng mức. Một ví dụ, Trung tâm Nghiên cứu Biển Đông thuộc Viện Nghiên cứu Trung Quốc, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam (hiện nghiên cứu về chính trị của Trung Quốc và chính sách của nước này với Biển Đông) chỉ tổ chức được một hội thảo quốc tế về Biển Đông và cũng không thể phát hành ấn phẩm sau khi hội thảo kết thúc vì thiếu kinh phí. Các đề tài về Khoa học Xã hội và Nhân văn trong Chương trình KC.09/06-10 và KC.09/11-15 của Văn phòng Các chương trình trọng điểm cấp Nhà nước (Bộ KH&CN) với mức đầu tư 5-10 tỷ/ đề tài cũng chủ yếu tập trung vào lĩnh vực pháp lý. Có thể, từ năm 2009 đến nay, Nhà nước ưu tiên mục tiêu ngắn hạn:  nghiên cứu các lập luận pháp lý để chuẩn bị cho việc giải quyết vấn đề thông qua luật pháp quốc tế, nhưng theo GS. Nguyễn Tiến Sâm. “Phải đặt vấn đề Biển Đông như một vấn đề sinh tồn của dân tộc chứ không thể tư duy theo nhiệm kỳ 5 hay 10 năm được”.

“Từ năm 2009 đến nay, các nghiên cứu chủ yếu tập trung vào vấn đề luật biển, khẳng định những vấn đề mang tính lịch sử chủ quyền đối với Hoàng Sa, Trường Sa…Tức là nó mang tính sự vụ, thời vụ để giải quyết vấn đề trước mắt. Và theo quan điểm của tôi, các nghiên cứu mang tính thời sự như vậy tuy rằng rất cần thiết trong bối cảnh lịch sử cụ thể nhưng dường như đó là sự nghiên cứu thiên lệch, cho thấy nhà nước cũng như cả một hệ thống nghiên cứu không có kế hoạch ở tầm vĩ mô cũng như vi mô trong việc triển khai nghiên cứu Biển Đông ở Việt Nam” – TS. Trần Trọng Dương nói. 

Việt Nam cần đẩy mạnh công bố quốc tế

Khi phóng viên Tia Sáng trao đổi với GS. Đỗ Tiến Sâm, ông nhắc đi nhắc lại việc Trung Quốc có 700 tạp chí quốc gia xuất bản bằng tiếng Anh và họ thuê 2700 cộng tác viên là các chuyên gia người Mỹ, Anh, Hồng Kông dịch các công trình nghiên cứu của mình ra tiếng Anh. Ông cảnh báo, Việt Nam đang đánh mất quyền phát ngôn học thuật trên trường quốc tế về Biển Đông vào tay Trung Quốc.

Tuy nhiên, TS. Trần Trường Thủy lại cho rằng, “Đấy là một nhận định phổ biến nhưng tôi nghĩ là không phải, nếu như các bạn tham dự hội thảo quốc tế và đọc các bài nghiên cứu Biển Đông xuất bản trên thế giới thì học giả đủ tầm quốc tế về Biển Đông (của Trung Quốc) chỉ đếm trên đầu ngón tay. Với lại đa số phải biện minh cho yêu sách và hành động của Trung Quốc nên có những quan điểm của họ chẳng hạn như bảo vệ đường chín đoạn thì có biện minh đến mấy cũng không thể đúng được”.

Mối quan tâm của các học giả quốc tế rộng hơn nhiều ngoài vấn đề chủ quyền, pháp lý của Việt Nam trên biển Đông. Theo thống kê không chính thức của Quỹ Hỗ trợ Nghiên cứu Biển Đông (hằng năm trao giải thưởng cho các công trình nghiên cứu tốt nhất của Việt Nam về Biển Đông), mỗi năm Việt Nam có khoảng trên dưới 20 công bố quốc tế về Biển Đông nhưng tập trung chủ yếu vào các vấn đề pháp lý, chính trị, ngoại giao. Bên cạnh đó, trao đổi với Tia Sáng về sự tham gia của các học giả Việt Nam trong các hội thảo quốc tế về vấn đề tranh chấp trên biển Đông, GS. Carl Thayer, Học viện Quốc phòng Australia, người từng dự hơn 40 hội thảo quốc tế về Biển Đông trên thế giới chia sẻ, mặc dù lập luận rất sắc sảo trước các vấn đề mà học giả thế giới đưa ra nhưng số lượng các học giả Việt Nam quá ít và hầu hết chỉ đến từ Học viện Ngoại giao. Ông cho rằng: “Cơ hội tham gia các diễn đàn quốc tế nên được trao cho cả những học giả ngoài học viện Ngoại giao nếu họ đáp ứng đủ các điều kiện, nhất là khi ngày càng có nhiều hội thảo quốc tế diễn ra tại các thành phố khác của Việt Nam như TP. Hồ Chí Minh, Nha Trang, Quảng Ninh, Hải Phòng chứ không chỉ Hà Nội”.

Việc các học giả Trung Quốc áp đảo Việt Nam cả về số lượng chuyên gia và số lượng các công bố trên các tạp chí có sức ảnh hưởng mạnh mẽ là một thực tế. Đối với GS. Carl Thayer, đó là điều rất dễ hiểu: “Họ có nhiều học giả hơn, nhiều học giả được đào tạo ở phương Tây hơn, nhiều viện nghiên cứu hơn và nhiều kinh phí đầu tư nghiên cứu hơn. Nên nhớ, dân số Việt Nam chỉ bằng một tỉnh trung bình của Trung Quốc mà thôi”.

GS. Carl Thayer cho rằng, việc thiếu vắng các nghiên cứu xuất bản trên các tạp chí quốc tế là điểm yếu nhất của các học giả Việt Nam trong nghiên cứu biển Đông và ông đề xuất một số giải pháp: “Việt Nam không có nhiều các công trình nghiên cứu được công bố trên các tạp chí quốc tế có tầm ảnh hưởng lớn tới giới học thuật nước ngoài. Chúng ta cần nhận thức rõ hơn về việc thúc đẩy xuất bản ở các tạp chí hàng đầu thế giới. Về xuất bản sách, các học giả Việt Nam phải liên kết với các học giả nước ngoài để nâng cao kinh nghiệm trong việc biên tập các tài liệu hội thảo. Tuy nhiên, quá trình bình duyệt sẽ mất nhiều thời gian nên xuất bản sẽ chậm. Có những trường hợp nghiên cứu về Biển Đông đòi hỏi phải công bố gấp. Như vậy thì các viện nghiên cứu ở Việt Nam và các học giả cần đẩy mạnh việc xuất bản online để phổ biến quan điểm của mình tới các độc giả nước ngoài”.

Tác giả