Nhà khoa học trẻ chịu nhiều sức ép

Các nhà nghiên cứu trẻ đang phải cạnh tranh quyết liệt hơn so với những thế hệ trước vì “miếng bánh” học thuật nhỏ đi.

Các nhà khoa học và những người hoạch định chính sách trên toàn thế giới ngày càng lo ngại về tình thế khó khăn của những nhà nghiên cứu trẻ trong môi trường học thuật và nguyên nhân của mối lo này là rất hiển nhiên. Mức độ cạnh tranh để vào những vị trí có biên chế (tenure) đã tăng lên, và một số nhà nghiên cứu mới bắt đầu sự nghiệp phải đối mặt với tỉ lệ thành công rất thấp trong công cuộc tìm kiếm nguồn tài trợ. Kết quả là, nhiều người thấy rằng những gì họ nhận được chưa tương xứng với nỗ lực của họ trong việc chuẩn bị và viết đề xuất tài trợ. Mặc dù mọi người đều chịu sức ép, nhưng những người vừa mới bắt đầu sự nghiệp khoa học dường như cảm thấy những tác động này sâu sắc hơn.

Số người có bằng chuyên sâu về khoa học và kĩ thuật đang tăng lên trên toàn thế giới. Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) ghi nhận sự gia tăng số lượng tiến sĩ trong các ngành liên quan đến khoa học, những người theo đặc thù sẽ đổ vào các vị trí học thuật. Những nước thành viên OECD có số lượng tiến sĩ đông nhất năm 2014 là Mỹ, Đức, Anh và Nhật Bản với tỉ lệ tăng trung bình hằng năm lần lượt là 4,3%, 0,8%, 6,2% và 0,7%. (Số người trẻ hoàn thành học vị tiến sĩ trên mọi lĩnh vực ở các nước thành viên OECD cũng đã tăng từ 0,8 lên 1,6% trong vòng chưa đến hai thập kỷ trở lại đây.) Trong khi đó, ở hầu hết các nước, mức tăng số lượng việc làm trong lĩnh vực học thuật không theo kịp tốc độ tăng số người sở hữu bằng tiến sĩ. Chẳng hạn như các trường đại học ở Mỹ mỗi năm chỉ tạo ra được 3.000 việc làm toàn thời gian mới.

Mức độ cạnh tranh xin tài trợ cũng ngày càng khốc liệt. Tài trợ của chính phủ dành cho nghiên cứu giữ nguyên hoặc giảm ở nhiều nước. Một số tổ chức tài trợ lớn chỉ đáp ứng 20% số hồ sơ xin tài trợ, tỷ lệ này năm 2015 ở National Institutes of Health – NIH (Mỹ) chỉ vào khoảng 19%; còn ở European Research Coucil là gần 15%.

Những nhà khoa học mới bước chân vào nghề phải vật lộn để cạnh tranh với những nhà khoa học có kinh nghiệm, hiểu rõ hệ thống hơn, có nhiều mối quan hệ trong giới học thuật và giới quản lí, và có nhiều công bố hơn. Thống kê của Medical Research Council – thuộc Research Councils, Anh – cho thấy những nhà khoa học trẻ có tỉ lệ xin tài trợ thành công ở tổ chức này thấp hơn, cụ thể, tỷ lệ xin tài trợ thành công ở độ tuổi 20-39 là 20%; 40-49: 23%; trên 50: gần 25%.

Có những thống kê cho thấy, những nhà khoa học nhiều tuổi hơn giành được phần lớn các khoản tài trợ nghiên cứu – đây là một thay đổi rõ rệt so với 30 năm trước. Ví dụ, theo khảo sát của NIH, trung bình một nhà khoa học ở độ tuổi 24-40 nhận được tài trợ 4.000 USD, trong khi nhà khoa học ở độ tuổi 41-55 nhận được gần 8.000 USD và nhà khoa học ở độ tuổi 56-70 nhận được hơn 14.000 USD. Mặc dù NIH đã tìm cách san phẳng tỷ lệ xin tài trợ thành công giữa các độ tuổi bằng cách hỗ trợ thêm những người xin tài trợ lần đầu, nhưng thống kê từ năm 2000 cho thấy, độ tuổi trung bình mà các nhà khoa học có học vị tiến sĩ lần đầu nhận được khoản tài trợ quan trọng là vào khoảng năm 42 tuổi (hình 1).


Hình 1: So sánh độ tuổi các nhà khoa học thành công khi xin tài trợ lần đầu của NIH. Nguồn: NIH

Ít thời gian cho nghiên cứu
Tỉ lệ xin tài trợ thành công thấp có nghĩa là các nhà nghiên cứu phải dành nhiều thời gian cho việc tìm kiếm tài trợ. Một khảo sát do Nature tiến hành hồi đầu năm nay cho thấy các nhà nghiên cứu ở mọi độ tuổi chỉ dành khoảng 40% thời gian thực sự cho nghiên cứu. Thời gian còn lại được phân chia cho: giảng dạy (20%), viết bài nghiên cứu (16%), công việc hành chính (11%), viết đề xuất xin tài trợ (10%), và lưu trữ dữ liệu (5%). Trong tất cả các nhóm được khảo sát, có hơn 60% số người được hỏi cảm thấy thời gian dành cho những việc hành chính đã tăng lên trong vòng năm năm qua. Những nhà nghiên cứu ở độ tuổi 45-64 là nhóm có tỷ lệ cao nhất cho rằng thời gian dành cho các công việc hành chính tăng rõ rệt. Thời gian thực tế của nhóm này dành cho nghiên cứu cũng thấp dưới mức trung bình.

Bất chấp nhiều thách thức như vậy, hơn 60% các nhà khoa học trẻ (độ tuổi 25-34) vẫn nói họ mãn nguyện hoặc rất mãn nguyện với công việc của mình. Nhưng những nhà khoa học cao tuổi mới là những người hạnh phúc nhất, với tỷ lệ 81% các nhà khoa học ở độ tuổi trên 65 cảm thấy mãn nguyện hoặc rất mãn nguyện trong công việc.

Vũ Thanh Nhàn dịch

Nguồn:  http://www.nature.com/news/young-scientists-under-pressure-what-the-data-show-1.20871

Tác giả