Ưu tiên cấp kinh phí qua các viện và trung tâm nghiên cứu

Qua những đợt về Việt Nam công tác, tôi được biết Nafosted, Quỹ quốc gia duy nhất tại Việt Nam đầu tư kinh phí cho khoa học cơ bản, đã bắt đầu nghĩ đến việc nâng cao chất lượng công bố quốc tế thông qua việc khuyến khích các nhà khoa học nhận tài trợ của quỹ công bố công trình trên các tạp chí có hệ số ảnh hưởng IF cao.


GS. TS Trương Nguyện Thành

Việc quy đổi hai công bố trên tạp chí thường lấy một công bố trên tạp chí chất lượng cao và xác định danh sách tạp chí chất lượng cao đã được nhiều nhà khoa học bàn cãi nhiều trên Tia Sáng1,  tôi sẽ không đề cập đến nữa mà chỉ muốn nói về việc khuyến khích công bố như vậy mới chỉ hướng đến các nhà khoa học thông qua việc thực hiện hợp đồng nhận tài trợ với quỹ, vì vậy chính sách mới của quỹ cũng sẽ chỉ tác động đến những cá nhân đơn lẻ mà ít có khả năng tạo ra chuyển biến lớn trên diện rộng để có thể thúc đẩy khoa học Việt Nam nâng cao chất lượng công bố.

 Có thể thấy rằng, trước khi trở thành cường quốc khoa học như hiện nay, các quốc gia như Mỹ, Nhật Bản, Đức, Pháp… cũng đã trải qua một quá trình quá độ từ chạy theo số lượng sang chú trọng chất lượng. Vậy họ làm cách nào để nâng cao chất lượng công bố?

 So với nhiều quốc gia khác, Mỹ có một số điểm khác biệt trong hệ thống quản lý khoa học. Chính phủ Mỹ cấp kinh phí nghiên cứu thông qua các quỹ đầu tư cho khoa học, trong số này chủ yếu là Quỹ National Science Fundation (NSF) chuyên về lĩnh vực khoa học cơ bản, Quỹ của National Institutes of Health (NIH) chuyên lĩnh vực y sinh, hoặc Bộ Năng lượng (Department of Energy – DOE) với lĩnh vực năng lượng… Đa số những viện nghiên cứu cấp quốc gia hay cấp trường đều lấy kinh phí đầu tư cho khoa học từ những quỹ này thông qua việc nộp các đề xuất và hồ sơ nghiên cứu. Tương tự như Nafosted, các quỹ của Mỹ khi cung cấp kinh phí nghiên cứu cũng đòi hỏi chất lượng công bố từ các đề tài do mình tài trợ nhưng phương pháp thực hiện có phần khác biệt. Họ không chỉ tập trung vào các đề tài nhỏ với một chủ nhiệm mà còn hướng đến các viện/trung tâm nghiên cứu, cấp quốc gia hay cấp trường đại học. Để có được cái nhìn toàn diện và tương đối chuẩn xác về một viện nghiên cứu, các quỹ sẽ thành lập Hội đồng đánh giá (khác với các Hội đồng khoa học chuyên phê duyệt kinh phí cho các đề xuất nghiên cứu) gồm các nhà nghiên cứu đầu ngành từ nhiều viện nghiên cứu khác trên thế giới. Các viện nghiên cứu được đánh giá sẽ không biết rõ thành phần Hội đồng này bởi việc giữ bí mật danh tính hội đồng cũng góp phần đem lại tính khách quan cho việc đánh giá, tránh hiện tượng “đi cửa sau” bằng nhiều cách thức có thể dẫn đến việc làm sai lệch kết quả đánh giá.

 Quy trình đánh giá thường diễn ra sau chu kỳ năm năm, khoảng thời gian tương đối đủ để đánh giá hiệu quả hoạt động của một viện nghiên cứu. Các quỹ sẽ cho viện nghiên cứu biết thời điểm tiến hành đánh giá trước chừng năm đến sáu tháng để viện chuẩn bị hồ sơ, số liệu theo yêu cầu của Hội đồng đánh giá. Khi tới làm việc, Hội đồng thường yêu cầu viện báo cáo kết quả ở nhiều khía cạnh như về công tác tổ chức, hệ thống cơ sở vật chất của viện và tất nhiên là các đề tài nghiên cứu thực hiện, các kết quả ứng dụng từ nghiên cứu đó (nếu có). Đáng chú ý là khi thực hiện các đánh giá này, Hội đồng đánh giá sẽ hoạt động độc lập với viện và “lĩnh lương” từ Quỹ. Nhờ vậy, những kết quả đánh giá mà họ đưa ra sau quá trình làm việc với viện đều rất chính xác không chỉ về số lượng, chất lượng nghiên cứu mà còn cả những thông số về nguồn nhân lực, tầm ảnh hưởng của viện trong lĩnh vực chuyên môn, khả năng phát triển của viện sau 10, 20 năm… Trên cơ sở đó, Hội đồng đánh giá sẽ đề xuất với quỹ phương án đầu tư kinh phí cho viện về nhân lực, cơ sở vật chất, dự án nghiên cứu…

 Về thực chất, công việc đánh giá này đem lại lợi ích cho cả hai phía: 1. Các cơ quan quản lý quỹ có cái nhìn tổng thể và chuẩn xác về năng lực của các viện nghiên cứu mà họ vẫn đầu tư, giúp họ trả lời những câu hỏi chính: kết quả nghiên cứu từ các đề tài do quỹ tài trợ cho viện đạt mức độ nào, kinh phí được cấp có phù hợp với năng lực nghiên cứu của viện hay không, viện có cần được đầu tư thêm không?; 2. Tạo cơ hội cho các viện đánh giá được chính mình, qua đó nhận biết được điểm mạnh, điểm yếu của mình trong lĩnh vực mà mình nghiên cứu. Đây cũng là kết quả lớn nhất mà việc đánh giá các viện nghiên cứu đem lại. Ngoài ra viện còn có thể tận dụng cơ hội được Hội đồng đánh giá để đưa ra những đề nghị có lợi cho sự phát triển của viện trong tương lai.

 Phương pháp đánh giá này được áp dụng linh hoạt trên cấp độ các viện nghiên cứu cấp quốc gia và cấp trường. Với viện cấp quốc gia, Hội đồng đánh giá gồm các chuyên gia thuộc các viện nghiên cứu quốc gia và quốc tế, còn với viện cấp trường đại học, Hội đồng gồm chuyên gia các viện cấp trường.

 Theo quan điểm của tôi, Việt Nam có thể áp dụng cách đánh giá tương tự. Điều quan trọng của phương pháp này là việc lựa chọn các chuyên gia vào Hội đồng đánh giá một cách phù hợp để có thể đạt được kết quả thẩm định cao nhất. Ví dụ với một viện nghiên cứu cấp quốc gia, Quỹ Nafosted có thể mời các chuyên gia ở khu vực Đông Nam Á, châu Á, thậm chí là châu Âu, tham gia Hội đồng đánh giá, qua đó có được những nhận định về hiệu quả nghiên cứu của viện qua những dự án do quỹ cấp kinh phí đồng thời đánh giá được năng lực nghiên cứu của viện trên cơ sở so sánh với các viện quốc tế cùng lĩnh vực chuyên môn. Đề xuất của các chuyên gia quốc tế cũng sẽ có giá trị tham khảo cao cho viện nghiên cứu này xác định được những mục tiêu phát triển ngắn hạn và dài hạn của mình.  Qua những đánh giá này, chính phủ có thể tái cơ cấu hạ tầng cơ sở cũng như mức độ đầu tư cho các viện/trung tâm nghiên cứu cấp quốc gia.

 ——————————————
* GS.TS, Khoa Hóa, trường ĐH Utah, Mỹ.

 

 

 

Tác giả