Bài học từ Ấn Độ

Cuối tháng 3 năm 2011 tôi có dịp thăm hai cơ sở nghiên cứu của Ấn Độ: Tata Institute for Fundamental Research (Viện nghiên cứu cơ bản Tata - TIFR) ở Mumbai và Indian Institute of Science  (Viện khoa học Ấn Độ) ở Bangalore. Khi được mời, tôi nhận lời ngay vì Ấn Độ là tổ quốc của nhiều người tôi rất khâm phục, trong đó có Subrahmanyan Chandrasekhar, nhà vật lý được giải Nobel năm 1983 cho công trình về sự tiến hóa của các vì sao, và Mahatma Gandhi, cha đẻ của nước Ấn Độ độc lập. Tôi  học hỏi được thêm nhiều qua chuyến đi này.

Sự phát triển kinh tế của Ấn Độ có phần nào giống của Việt Nam. Từ độc lập đến khoảng 1990 họ theo mô hình kinh tế xã hội chủ nghĩa, nhưng từ khoảng 1990 đến nay Ấn Độ tiến hành cải cách kinh tế và hiện nay nước này là một trong những nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất thế giới. Hiện nay GDP trên đầu người của Ấn Độ vẫn còn rất thấp (theo thống kê của IMF, World Economic Outlook Database 2010, thì chỉ nhỉnh hơn Việt Nam một chút), nhưng nền khoa học của họ rất phát triển.

Cảm giác của tôi khi thăm viện TIFR là sự chuyển đổi từ kinh tế bao cấp sang kinh tế thị trường có lẽ đã diễn ra khá thuận lợi đối với Viện này. Những tòa nhà kiểu khu tập thể xây những năm 60-70 ở Nga và Việt Nam tồn tại một cách hài hòa bên cạnh các công trình kiến trúc hiện đại.

Cuộc hội thảo tôi tham gia ở TIFR chỉ có ba ngày nhưng đã lôi kéo được nhiều nhà khoa học ở Mỹ và Anh. Nhiều người trong số họ (phần lớn không phải là gốc Ấn Độ!) trước đây đã là postdoc ở TIFR. TIFR lôi kéo được nhiều postdoc phương Tây: thường họ ở đây dưới một năm, sau khi tốt nghiệp PhD và trước khi làm postdoc ở nơi khác. Nhưng chỉ mấy tháng ở Ấn Độ cũng đủ làm cho họ gắn bó nhiều với đất nước này.

Khoa học cơ bản  ở Ấn Độ có uy tín cao trong xã hội trước khi “đổi mới”. Có lẽ ở Việt Nam trước đây cũng đã từng như vậy. Nhưng ở Việt Nam, sự mở của về kinh tế đi cùng với sự giảm sút về uy tín của khoa học cơ bản. Nhiều doanh nhân Việt Nam nay không tin khoa học cơ bản là cần thiết, và phần lớn các sinh viên xuất sắc nhất cũng đi học các ngành khác. Tôi cảm thấy rằng, khác với ở Việt Nam, uy tín của khoa học cơ bản ở Ấn độ không những không giảm sút khi kinh tế của họ chuyển sang kinh tế thị trường, mà còn tăng lên. Khi tôi sang Ấn Độ, nhiều người nói với tôi là tinh thần của những người làm khoa học ở đó cao hơn bao giờ hết, cả vì lương của họ mới được tăng đáng kể và cả vì chính phủ đang đầu tư mạnh mẽ vào khoa học. Cảm giác chung khi gặp giới khoa học ở đây là họ lạc quan về tương lai, “ngày mai sẽ tốt hơn hôm nay”, một cảm giác mà ở phương Tây không phải lúc nào cũng gặp.

Ở Bangalore tôi thăm Viện khoa học Ấn Độ (Indian Institute of Science). Đây là một viện rất “tinh túy” với lịch sử 100 năm nghiên cứu và đào tạo trên đại học. Nhưng từ năm hoc 2011-2012 họ bắt đầu có chương trình đào tạo cấp đại học. Với chỉ tiêu nhận vào chỉ hơn 100, hiện nay họ đã có hơn 10000 học sinh nộp đơn! Một phần, chắc là do dân số Ấn Độ cao, nhưng sự quan tâm của công chúng vào các ngành khoa học cơ bản chắc chắn là rất đáng kể. 


Con đường rợp bóng cây trong Viện khoa học Ấn Độ tại Bangalore

Theo báo chí Mỹ thì mức độ tham nhũng ở Ấn Độ rất cao. Tôi có hỏi một giáo sư Ấn Độ về vấn đề này. Dù khẳng định đây là một vấn đề rất nghiêm trọng, nhưng ông vẫn lạc quan vì Tòa án Tối cao Ấn Độ là một cơ quan chống tham nhũng rất mạnh mẽ và cũng là một cơ quan rất có quyền lực. Cũng phải nhấn mạnh là Tòa Án ở Ấn Độ là một trong 3 nhánh độc lập của quyền lực. Điều này không khỏi làm tôi suy nghĩ. Muốn chống tham nhũng thì phải có cơ chế để chống, phải có cơ quan vừa độc lập, vừa có quyền và vừa muốn làm điều đó. Tôi mong vào một ngày không xa tôi cũng có thể nói một cách lạc quan như vậy về Việt Nam.

Tôi có nhận xét là người Ấn Độ về nước làm việc rất nhiều (sau khi ở nước ngoài), với lương thấp hơn nhiều lương họ được trả ở phương Tây. Trong khi đó, ở Trung Quốc có rất nhiều vị trí với lương cao ngang ở Mỹ, nhưng chỉ lôi kéo được những người gốc Trung Quốc về làm vài tháng trong một năm thôi, chứ họ không về hẳn (đó là quan sát trong ngành hẹp của tôi thôi). Tôi có hỏi một giáo sư về vấn đề này, thì ông ta nói: đó là vì Ấn Độ có dân chủ. Câu trả lời của ông cũng làm tôi suy nghĩ nhiều. Đôi khi người ta nói dân chủ chỉ là một thứ mà khi kinh tế phát triển lên cao thì dân chúng mới đòi hỏi. Nhưng ở đây ta có một thí dụ rõ ràng về tầm quan trọng của dân chủ ở các nước còn đang ở mức phát triển thấp. Cũng có thể tưởng tượng được là trong cuộc sống hàng ngày thì chế độ chính trị có thể không quan trọng lắm, nhưng trong quyết định lâu dài của một con người, có ảnh hưởng đến tương lai của con cái người ta, thì điều này lại thành rất quan trọng. Tôi nghĩ là Trung Quốc bị thiệt thòi so với Ấn Độ về phương diện này, nhưng bù lại họ có rất nhiều tiền. Những gì diễn ra thời gian gần đây ở Việt Nam không khỏi làm tôi lo lắng. Tôi thấy con đường của Việt Nam giống Trung Quốc hơn Ấn Độ, nhưng tôi tự hỏi Việt Nam làm thế nào có được nhiều tiền như Trung Quốc để lôi kéo người về?

Nếu được hỏi điều gì Việt Nam cần học tập ở Ấn Độ nhất thì tôi sẽ chọn sự nghiêm túc và bài bản trong tổ chức khoa học của họ. Tôi được chứng kiến điều này qua Trung tâm quốc tế về các khoa học lý thuyết (International Center for Theoretical Sciences – ICTS), một viện mới sẽ đặt ở Bangalore. Viện này được xây dựng theo mô hình của Trung tâm quốc tế về vật lý lý thuyết (ICTP) ở Trieste, Ý và Viện Kavli về vật lý lý thuyết (KITP) ở Santa Barbara, Mỹ. Với mục tiêu là nơi giao tiếp giữa khoa học Ấn Độ và khoa học thế giới, và giữa các ngành khoa học ở Ấn Độ, nó sẽ đóng vai trò đưa khoa học Ấn Độ vào một thời kỳ mới, trong đó hợp tác quốc tế và liên ngành rất quan trọng. Việc quản lý Viện là trách nhiệm của một giám đốc và Ban quản lý gồm 12 thành viên; ngoài ra Viện còn nhận được sự giúp đỡ và giám sát chặt chẽ của một Ban tư vấn quốc tế bao gồm 13 nhà khoa học kiệt xuất của thế giới.

Để kết thúc, tôi xin trích từ cuốn sách giới thiệu về Viện ICTS một số câu rất đáng suy nghĩ:

Chỉ có thể đánh giá nghiên cứu cơ bản bằng chuẩn mực thế giới. Sẽ chỉ bõ công làm nếu ta thêm được, dù chỉ một chút thôi, vào kho tàng kiến thức của nhân loại. – Homi Bhabha, nhà vật lý nổi tiếng người Ấn Độ. 
( “Fundamental research can only be judged by world standard. It is worthwhile only if one adds, in however small a way, to the sum total of human knowledge.”)

 Một cơ sở khoa học, dù đó là một phòng thí nghiệm hay một viện hàn lâm, phải được chăm sóc tỉ mỉ như ta trồng cây… những cây nổi trội bao giờ cũng cần ít nhất 10 đến 15 năm. – Homi Bhabha
(“A scientific institution, be it a laboratory or academy, has to be grown with great care like a tree… and the few outstanding ones always take at least 10 to 15 years to grow.”)

Nếu một nước lơ là nghiên cứu cơ bản thì nước đó không tránh khỏi bị mất những nhà khoa học trẻ tài năng nhất cho các nước khác. Một nền khoa học khỏe mạnh cũng giống như một cái cây khỏe: không thể nào chặt rễ mà vẫn hy vọng cành mọc xum xuê. – David Gross, Nobel vật lý, là giám đốc viện KITP ở Santa Barbara và là một trong những người đóng góp nhiều ý tưởng cho viện ICTS.
(“If a country neglects basic research it is doomed to be always a follower and not a leader, and it will lose its most talented young scientists who will go elsewhere. Healthy science is like a healthy tree: you cannot destroy the roots and hope that the branches will flourish”)

*GS Vật lý, Đại học Washington, Mỹ

Tác giả