Bất hợp lý trong mô hình đào tạo ở Học viện KHXH?

Theo ý kiến của PGS.TS. Vương Xuân Tình (Viện Hàn lâm KHXH VN), Học viện Khoa học Xã hội (Học viện KHXH) được xây dựng với mục đích chuyên đào tạo sau đại học thay cho nhiệm vụ tương ứng của các viện chuyên ngành thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam (Viện Hàn lâm KHXH VN), nhưng tổ chức kiểu này lại ngược với mô hình chung của các học viện (graduate academy) trên thế giới, bởi hầu hết các học viện đó thuộc trường đại học mà chức năng cơ bản là phối hợp với các khoa để hỗ trợ học viên hoàn thành tốt luận văn, luận án.


Khai quật di chỉ khảo cổ học tại An Khê, Gia Lai.

Mặt khác, Học viện KHXH đã tách biệt học viên khỏi môi trường học thuật tại các viện chuyên ngành, dẫn tới khó đảm bảo chất lượng đào tạo – điều mà trong thời gian qua, có không ít ý kiến quan ngại rằng Học viện KHXH đang đào tạo quá ồ ạt, không chú trọng đúng mức chất lượng.Nhiều năm trước đây, khi chưa có Học viện KHXH, các viện nghiên cứu chuyên ngành thuộc Viện Hàn lâm KHXH VN được giao nhiệm vụ đào tạo sau đại học. Nhưng kể từ năm 2010, trên cơ sở đề nghị của lãnh đạo Viện Hàn lâm KHXH VN, Học viện KHXH được thành lập theo Quyết định số 35/QĐ-TTg ngày 10/1/2010 của Thủ tướng Chính phủ đã chịu trách nhiệm đào tạo sau đại học thay cho toàn bộ các viện đó. Thực ra ngay từ khi xây dựng kế hoạch, đã có nhiều ý kiến băn khoăn về mô hình của Học viện KHXH. Qua sáu năm hoạt động, mô hình này ngày càng bộc lộ nhiều vấn đề cần thảo luận. 

Trước hết, việc thành lập một Học viện như vậy đã gây lãng phí về cơ sở vật chất và hệ lụy đến người học. Để có điều kiện được học tập, trong các năm qua, ngoài huy động nguồn lực khác, có khóa mỗi nghiên cứu sinh phải đóng tới 20 triệu đồng tiền xây dựng. Và cũng do thiếu nguồn lực nên các học viên còn phải đóng thêm tiền tài liệu. Các học viên đều không phải đóng góp khoản phí này nếu học trước năm 2010, khi cơ sở đào tạo thuộc các viện nghiên cứu chuyên ngành. 

Quan trọng hơn, song song với bất cập về nguồn lực vật chất nêu trên, Học viện đã tách học viên sau đại học ra khỏi môi trường học thuật của các viện nghiên cứu. Họ rất khó tiếp cận các sinh hoạt khoa học và tài liệu ở các viện chuyên ngành và có rất ít thời gian trao đổi chuyên môn hoặc làm nghiên cứu tập sự với các chuyên gia của ngành học vì Học viện KHXH không có lực lượng chuyên gia tại chỗ. Dù Học viện cho biết họ có số lượng “giảng viên cơ hữu” rất lớn nhưng thực chất toàn bộ số “giảng viên cơ hữu” này đang làm tại các viện chuyên ngành và chỉ là giảng viên kiêm nhiệm, trên thực tế mỗi khoa đào tạo chỉ có biên chế từ 1-2 người. Các giảng viên kiêm nhiệm này có rất ít thời gian thảo luận chuyên môn và công tác giảng dạy ngay tại học viện. Có giảng viên cho biết, đã sáu năm kể từ ngày là “giảng viên cơ hữu” của Học viện nhưng chỉ được họp bàn về nhiệm vụ chuyên môn duy nhất có một lần.

Bên cạnh đó, mô hình Viện trưởng kiêm Chủ nhiệm Khoa hiện nay cũng tạo nên bất cập trong công tác quản lý khoa học và đào tạo tại các khoa. Trước năm 2010, các Viện trưởng thường đảm trách nhiệm vụ đào tạo sau đại học tại viện chuyên ngành nhưng không gặp nhiều khó khăn bởi khi đó số lượng học viên rất ít (thường đào tạo một tiến sĩ/ năm) và Viện trưởng cũng không mất công sức quản lý cả viện chuyên ngành và một khoa của Học viện KHXH. Đến nay, với bình quân mỗi Khoa phải tuyển sinh khoảng 20 nghiên cứu sinh/ năm, các viện trưởng của các viện chuyên môn gặp rất nhiêu khó khăn khi phải đồng thời làm chủ nhiệm Khoa của học viện KHXH.

Do thiếu nguồn lực như đã nêu nên việc tổ chức các hội đồng của Học viện cũng gặp khó khăn. Có những hội đồng, Học viện KHXH còn mời cả chuyên gia trái chuyên môn hoặc không đủ điều kiện chuyên môn theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Và cũng vì thiếu nguồn lực, bộ máy hoạt động của Học viện trên thực tế chỉ đảm nhiệm chức năng hành chính.       

Do các bất cập nêu trên, đến nay, dư luận xã hội và không ít các chuyên gia đặt câu hỏi về chất lượng đào tạo của Học viện KHXH, xoay quanh vấn đề chất lượng các luận án. Trong bối cảnh đào tạo hiện nay, không thiếu luận án được hoàn thành do người hướng dẫn, do đồng nghiệp làm thay, hoặc thậm chí do thuê mướn. Tuy nhiên, các hiện tượng liên quan tới luận án chỉ là phần nổi của tảng băng, nửa chìm của tảng băng kia còn là kỹ năng nghiên cứu của học viên được nâng cao phải qua thực hiện các chuyên đề, qua trình bày khoa học, khả năng sử dụng ngoại ngữ…  

Ngược với mô hình học viện trên thế giới

Các học viện (graduate academy) trên thế giới đều thuộc một trường đại học hoặc viện nghiên cứu và chưa thấy mô hình nào đồ sộ hơn Học viện KHXH ở Viện Hàn lâm KHXH VN. Nhiệm vụ của các học viện đó không phải trực tiếp đào tạo để cấp bằng, mà chủ yếu phối hợp với các khoa của trường đại học để làm dịch vụ hỗ trợ, tài trợ khoa học cho các học viên sau đại học, dưới các hình thức như cung cấp thông tin học thuật (về các học giả, các khoá học, hội thảo…); thông tin học bổng cho học viên; tổ chức các khoá đào tạo ngắn hạn về chuyên môn sâu hoặc kỹ năng nghiên cứu; hỗ trợ học viên thực hiện luận văn, luận án. Trong các nhiệm vụ này, việc tìm nguồn học bổng để hỗ trợ học viên rất được coi trọng bởi học viện sẽ tăng uy tín và dễ dàng xin nguồn tài chính duy trì hoạt động nếu hỗ trợ được nhiều luận án nghiên cứu có giá trị. 

Trên cơ sở những phân tích trên, trách nhiệm đào tạo sau đại học tại Viện Hàn lâm KHXH VN cần được trả lại cho các viện chuyên ngành. Còn Học viện KHXH nên đổi mới theo cách làm của quốc tế, thay vì tập trung cho mục tiêu đào tạo với quy mô rất lớn – chiêu sinh 350 nghiên cứu sinh một năm cho 23 mã ngành – Học viện nên chủ yếu làm dịch vụ hỗ trợ hoạt động đào tạo sau đại học. Đối với quy mô hỗ trợ đào tạo cũng không nên đặt ra định mức chỉ tiêu bao nhiêu học viên một năm, mà nên tùy thuộc vào nhu cầu của các học viên và khả năng của Học viện trong việc thu hút, tập hợp các nguồn lực. Học viện có thể xin kinh phí Nhà nước hoặc nguồn kinh phí của quốc tế để hỗ trợ học viên thực hiện luận văn, luận án theo hướng các đề tài, nhiệm vụ trọng điểm của Viện Hàn lâm KHXH VN. Để làm được điều này – theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan có trách nhiệm phải đánh giá toàn diện những lĩnh vực liên quan đến mô hình Học viện KHXH thuộc Viện Hàn lâm KHXH VN một cách xác thực để có quyết định phù hợp

Ở Việt Nam vẫn có cách hiểu về học viện (graduate academy) như một tổ chức chuyên về đào tạo. Nhưng trên thế giới, học viện, điển hình như Học viện Goethe thuộc Ðại học Geothe (Cộng hòa Liên bang Ðức) chỉ là nơi cung cấp các dịch vụ khoa học rất thiết thực, hỗ trợ học viên sau đại học của trường, như tổ chức hội thảo miễn phí nhằm cung cấp thông tin về các chương trình đào tạo mở rộng dành cho học viên; tạo cơ hội cho học viên gặp gỡ chuyên gia của tổ chức khoa học và phi chính phủ tại các toạ đàm khoa học; hỗ trợ cho các nghiên cứu viên trẻ khi họ tự thiết lập nhóm nghiên cứu sinh tiến sĩ; giúp học viên xây dựng, duy trì mạng lưới xã hội mang tính liên ngành thông qua các sự kiện khoa học thu hút tất cả học viên từ mọi chuyên ngành; giải đáp thắc mắc liên quan đến chủ đề nghiên cứu và đưa ra gợi ý, định hướng nghiên cứu cho học viên khi họ cần; mở các khoá học ngôn ngữ (tiếng Anh, tiếng Đức) để học viên tham gia và tổ chức dịch vụ ngôn ngữ miễn phí giúp học viên kiểm tra tính chính xác của bản thảo luận văn, luận án của họ khi viết bằng tiếng Anh… Có thể tham khảo qua website sau đây của Học viện:
http://www.goethe-university-frankfurt.de/54288099/099_mission_and_vision
Tương tự, có thể tham khảo nhiệm vụ của Học viện thuộc Viện Khoa học Texas (Hoa Kỳ) qua website:
http://www.texasacademyofscience. org/graduate-academy

Tác giả