Brazil xây dựng một nền khoa học xanh

Nền kinh tế phát triển nhanh và những phát hiện mới về dầu mỏ đã đưa nền khoa học Brazil phát triển lên một tầm cao mới theo hướng một nền khoa học xanh. Để thực hiện được tham vọng đó, Brazil phải vượt qua trở ngại về hệ thống giáo dục còn nhiều bất cập và thành tích khoa học còn khiêm tốn.

Trong giai đoạn từ 1997-2007 số lượng các bài báo khoa học của Brazil trên các tạp chí bình duyệt đã tăng lên mức 19000 bài/ năm. Theo Thomson Reuters, Brazil xếp thứ 13 về số lượng công bố quốc tế, vượt qua Hà Lan, Israel và Thụy Sĩ. Năm nay các trường đại học của Brazil đã tăng gấp đôi số lượng nghiên cứu sinh so với thời điểm năm 2001, các trường đại học tuyển dụng hàng ngàn vị trí mới.

Động lực thúc đẩy khoa học Brazil là chính sách giảm thuế R&D trong những ngành công nghiệp lớn, ngân sách này đã tăng lên 4 tỷ USD từ mức 6.000 triệu USD một thập kỷ trước. Công ty dầu mỏ quốc gia Petrobras đóng góp nhiều nhất. Brazil khởi động lại chương trình nghiên cứu nguyên tử vào năm 2008 sau 20 năm ngưng trệ, và vào tháng 10 một phái đoàn đã tới Geneva để thương thuyết về việc sẽ trở thành thành viên dự bị của CERN. Với tốc độ tăng trưởng hằng năm 7%, quốc gia này có thể trả được mức phí 14 triệu USD/năm.

Các nhà khoa học cho biết, những quan điểm của họ về giáo dục, đổi mới sáng tạo và công nghệ đã được Chính phủ lắng nghe và hi vọng ngân sách vẫn giữ được tăng trưởng trong nhiệm kỳ của Tổng thống mới Dilma Rousseff, phụ nữ đầu tiên đảm nhận vai trò Tổng thống. Theo các thành viên của Hiệp hội vì sự phát triển của khoa học, vào năm 2020, Brazil sẽ phải tăng gấp đôi hoặc gấp ba số lượng sinh viên, bài báo khoa học, ngân sách để trở thành một quốc gia mạnh về khoa học. Các quan chức Chính phủ mong muốn nhìn thấy Brazil nằm trong số 10 cường quốc về khoa học.

Khoa học xanh

Một con số thống kê cho thấy Brazil đã vượt xa các quốc gia châu Mỹ Latinh khác. Brazil hiện chiếm khoảng 60% chi tiêu cho nghiên cứu của toàn Mỹ Latinh và số lượng bài báo của các nhà khoa học Brazil chiếm ½ số lượng của Mỹ Latinh. Và đất nước này có Bộ Khoa học từ năm 1985 trong khi đó Argentina mới chỉ thành lập 3 năm trước đây và Bolivia thì vẫn đang trong quá trình tranh luận. “Brazil là ví dụ điển hình của Mỹ Latinh với việc đầu tư 1% GDP vào nghiên cứu phát triển và Bộ trưởng Bộ Khoa học là một nhà vật lý vẫn tiếp tục công bố. Brazil được xem như một ngọn hải đăng trong khu vực”, Juan Asenjo, Chủ tịch của Viện Hàn lâm khoa học Chilê nói.

Toàn cầu hoá đã tạo ra những thuận lợi cho quốc gia này. Cũng như các quốc gia Mỹ Latinh khác, nghiên cứu của Brazil chủ yếu tập trung vào nông nghiệp, sinh thái và các bệnh truyền nhiễm. Và đứng đầu về số lượng xuất bản liên quan tới đường, cà phê, và cam. Ngành gia súc của Brazil sản xuất ra khoảng 33% tổng giống bò của toàn thế giới. Và số lượng các nghiên cứu tăng lên trong những vấn đề thời sự của thế giới về sản xuất lương thực, thực phẩm, biến đổi khí hậu và bảo tồn. Nhà thần kinh học Nicolelis cho biết ông nhìn thấy cách làm khoa học mới của quốc gia nhiệt đới đang nổi lên: Brazil đang tập trung tiến hành nghiên cứu về năng lượng tái tạo, nông nghiệp, nước và di truyền động thực vật. “Đây là những vấn đề sẽ định hình hành tinh của chúng ta trong tương lai và những người tham gia vào cuộc chơi này là ở đây”.

Nghiên cứu về sinh học cũng là chủ đề nóng. Công ty nghiên cứu về nông nghiệp của Chính phủ Embrapa dự tính sẽ tuyển dụng 700 nhà nghiên cứu mới vào năm nay. Nhu cầu về các nhà nghiên cứu có trình độ tiến sĩ lên cao tới mức các nhà nghiên cứu của công ty này nói rằng rất khó tìm thấy người để cấp học bổng theo học sau tiến sĩ. Embrapa được xem là một trong những công ty nông nghiệp hàng đầu thế giới và ngân sách hiện nay lên tới 1tỷ USD tương đương với ngân sách của Bộ nông nghiệp Mỹ. “Chúng tôi chưa bao giờ thấy nhiều nguồn lực dành cho khoa học đến như vậy trong vòng 5 năm qua”, Maria Fatima Grossi de Sa, nhà di truyển học thực vật nói. Mới đây bà nhận được tài trợ 1,5 triệu USD để nghiên cứu về di truyền của cây bông.

Embrapa sắp khánh thành trung tâm năng lượng nông nghiệp tuyển dụng 100 nghiên cứu  viên với mục đích biến 22 triệu ha đậu tương của quốc gia này thành những sản phẩm có hàm lượng giá trị gia tăng cao, ví dụ như nhiên liệu sinh học. “Chúng tôi thu năng lượng Mặt trời và biến chúng thành các dạng năng lượng khác. Chúng tôi nghĩ rằng có thể chuyển từ nền nông nghiệp thực phẩm trở thành nền nông nghiệp năng lượng”, Frederico Durães, Tổng giám đốc của trung tâm nghiên cứu mới.

Dự án này phản ánh sự thay đổi quan trọng trong tư duy của người Brazil: khoa học có thể làm thay đổi nền kinh tế của quốc gia vốn dựa vào các nông sản và tài nguyên. “Brazil mới sẽ trở thành một nền kinh tế tri thức về tự nhiên”, Gilberto Camara người đứng đầu cơ quan hàng không nói.

Tạo ra khác biệt cho nền công nghiệp

Thực tế, hiện tại Brazil chưa thực sự mạnh. Các công bố khoa học của Brazil có chỉ số ảnh hưởng thấp, các bằng sáng chế chiếm số lượng nhỏ. Hệ thống giáo dục bậc tiểu học và trung học ở trong tình trạng rối ren dẫn tới quốc gia của 195 triệu dân luôn trong tình trạng thiếu công nhân kỹ thuật. “Chúng tôi cần phải tỉnh táo và không ngủ quên trên thành tích đã đạt được”, Sidarta Ribeiro, nhà thần kinh học được đào tạo tại Đại học Rockefeller nói. “Về mặt chỉ số ảnh hưởng chúng tôi vẫn đang ở ngoài lề. Do vậy, những thông điệp ra bên ngoài sẽ là chúng tôi quan tâm tới khoa học và chúng tôi đang lớn mạnh”.


Nghiên cứu cây bông chuyển gene

Mục tiêu quan trọng nhất hiện nay là tạo ra sự khác biệt trong sản xuất công nghiệp. Đây thực sự là thách thức đối với quốc gia này. Sự thiếu liên kết giữa khoa học và kinh doanh rất phổ biến ở Brazil. Tại Mỹ, khoảng 80% nghiên cứu là thực hiện cho bên công nghiệp, trong khi đó mức này chỉ là 25% tại Brazil. Chỉ có 103 bằng sáng chế được cấp ở Mỹ trong năm 2009. Các công ty của Brazil chỉ đầu tư cho nghiên cứu và phát triển bằng ½ mức của các công ty châu Âu. Và họ thường chỉ nhập công nghệ hơn là phát triển nó.

Vào năm 2004 và 2005, Brazil đã thông qua luật miễn thuế đầu tư nghiên cứu phát triển cho các công ty và cho phép Bộ Khoa học và Công nghệ đưa ra những khoản tài trợ cho các công ty, thậm chí là trả lương cho các nhà nghiên cứu bên công nghiệp. Vào tháng 8, bộ này đã thông báo chương trình tài trợ nghiên cứu phát triển lớn trị giá 294 triệu USD để tài trợ cho các dự án đổi mới sáng tạo tại các công ty trong những lĩnh vực chiến lượng bao gồm xe điện, máy điều hòa nhịp tim và công nghệ sinh học trong nông nghiệp…

Vẫn còn quá sớm để đánh giá hiệu quả của những sáng kiến này, chỉ có một số lượng nhỏ các công ty đăng ký giảm thuế. Nhưng phong cách chấp nhận rủi ro khi tiến hành đổi mới sáng tạo theo kiểu Mỹ trước đây vốn bị kỳ thị thì nay đã được đánh giá cao. Các nhà đầu tư mạo hiểm của Brazil đã bắt đầu đặt cơ sở tại Brazil và vào năm 2010 cả IBM và GE đều thông báo những kế hoạch thành lập các trung tâm nghiên cứu và phát triển tại đất nước này.

“Chúng tôi đang thiếu văn hoá đổi mới sáng tạo và tinh thần kinh thương. Phải mất nhiều thời gian mới thay đổi được điều này”, Luiz Mello nhà vật lý đã được công ty lớn về quặng sắt của Brazil mời sử dụng 180 triệu USD để thành lập 3 viện nghiên cứu trực thuộc công ty Vale. Mello nói ông được thuê sau khi tiếp cận Roger Agnelli, CEO của công ty này để xin tài trợ cho một chương trình kỹ sư. “Khi tôi nói chuyện với Agnelli, ông này nói muốn có một MIT của Vale. Tôi được mời để lãnh đạo một trung tâm nghiên cứu có thể trở thành một cái gì đó tương tự như Bell Labs hay Xerox PARC”.

Mặc dù việc kinh doanh của Vale sử dụng công nghệ thấp, thường cung cấp lượng lớn quặng sắt cho Trung Quốc và châu Âu nhưng công ty muốn chi tiêu mạnh hơn cho nghiên cứu vì họ đối mặt với sự thiếu lao động có kỹ năng, chịu sức ép lớn từ các nhà môi trường và sự cạnh tranh của các công ty khác trên thế giới. Ba phòng thí nghiệm của Vale sẽ làm tập trung nghiên cứu về đa dạng sinh học, năng lượng tái tạo và công nghệ khai thác mỏ. “Đây sẽ là sự đầu tư “ngẫu hứng” lớn nhất cho nghiên cứu và phá triển mà tôi từng biết ở Brazil”, Mello nói. Vào mùa thu năm nay Mello đã tới thung lũng Silicon để tìm kiếm ý tưởng.

Nguồn nhân lực cho khoa học

Các phòng thí nghiệm mới của các công ty tư nhân và Nhà nước mới thành lập sẽ khuyến khích các trường đại học của Brazil đăng ký bằng sáng chế và thành lập các văn phòng chuyển giao công nghệ, mà phần lớn các trường đại học lần đầu tiên thành lập những văn phòng như thế này. Tại trường Đại học Minas Gerais số lượng đơn xin bằng sáng chế đã lên tới 356. “Những điều này sẽ dẫn tới hiệu ứng lan truyền trong hệ thống. Đã từng có một hiệu ứng tương tự trong công bố công trình khoa học, điều tương tự cũng sẽ xảy ra với đổi mới sáng tạo”, Ado Jorio người điều phối viện xin cấp bằng sáng chế của trường Đại học Minas Gerais nói.


Phần lớn các nghiên cứu về khu vực Amazon đều của các tác giả nước ngoài.

Các nhà nghiên cứu tại Brazil nói nền độc tài kéo dài 20 năm đã làm quốc gia này tụt lại phía sau. Các trường đại học trở nên cảnh giác với các quan điểm chính trị đối lập và các bằng sáng chế không được xem trọng. “Chúng tôi bị tách biệt với các ngành công nghiệp lớn thường chỉ phục vụ cho quân đội. Họ không tiếp cận các trường đại học. Các trường đại học là những không gian đóng, và hiện nay chúng tôi đang phải thay đổi điều này”,  Maria Bernardete Cordeio da Sousa, phụ trách nghiên cứu của trường Đại học Rio Grande du Norte cho biết.

Brazil chưa có nhà khoa học nào đoạt giải Nobel khoa học hay y sinh học trong khi đó Argentina, đối thủ trong khu vực của nước này, có tới 3 giải Nobel. Các nhà nghiên cứu than phiền hệ thống các trường đại học công không khuyến khích sự cạnh tranh, các giảng viên nghiễm nhiên được biên chế sau 3 năm làm việc và đánh giá cao việc xuất bản bằng tiếng Bồ Đào Nha. Thái độ của giới nghiên cứu Brazil những năm qua là tránh cạnh tranh và cúi thấp đầu xuống, chọn những chủ đề ngoài lề. Thay vì cạnh tranh mạnh mẽ trong những chủ đề thời sự với các phòng thí nghiệm bên ngoài, họ hài lòng với những vấn đề địa phương.

Khoa học của Brazil chịu sự mất cân bằng giữa Nam và Bắc, điều mà các quan chức đang cố gắng khắc phục. Phần lớn hoạt động khoa học diễn ra tại 3 bang phía Nam, chỉ riêng trường Đại học Sao Paulo cũng đã chiếm ¼ tổng số công bố khoa học của cả nước. Để đẩy khoa học về những địa phương ít thuận lợi hơn, Chính phủ Brazil đã hỗ trợ xây dựng trường đại học và dành 30% ngân sách nghiên cứu cho các bang phía Bắc và phía Tây. Chương trình năm 2009 có tên “Stipends for everyone” dành các khoản học bổng cho tất cả các sinh viên bậc sau đại học của các vùng xa xôi không cần tính tới sự cạnh tranh về học vấn với các vùng khác.

Trong khi đó, các nhà nghiên cứu Brazil trở về nước bị thu hút bởi công việc và những khoản tài trợ khởi nghiệp than phiền vẫn còn có quá nhiều trở ngại để có thể tiến hành những nghiên cứu đạt tiêu chuẩn quốc tế. Sau 11 năm ở Mỹ, nhà sinh học Luciana Relly Bertolini trở về Brazil vào năm 2006 cùng với chồng và bắt đầu thành lập phòng thí nghiệm nhân giống dê chuyển gene. Mặc dù đã được tài trợ, Relly Bertolini nói khối lượng công việc giảng dạy lớn và thiếu cộng sự được đào tạo tốt có nghĩa là khoa học vẫn dậm chân tại chỗ ở đây. Một số nhà khoa học khác thì gặp những vướng mắc với thủ tục hải quan khi đặt mua những thiết bị cho phòng thí nghiệm.

Nhưng sự lo lắng lớn hơn dành cho vùng Amazon, khu rừng nhiệt đới chiếm 49% diện tích của Brazil nhưng chỉ có khoảng 3000 nhà nghiên cứu có bằng tiến sĩ và rất ít người làm nghiên cứu tại chỗ. Mặc dù lớn hơn cả Pháp và Tây Ban Nha cộng lại, khu vực Amazon chỉ có một nhà khảo cổ học thường trú và mặc dù có hệ thống sông ngòi rộng lớn, không có kỹ sư về thủy lợi nào.

Tăng nguồn nhân lực làm khoa học trong vùng có thể giúp tìm thấy những giải pháp cho nền nông nghiệp vốn không bền vững nơi đây. Tuy nhiên, “trong số các báo cáo về vùng Amazon không có tên tác giả người Brazil nào. Điều này thật đáng lo ngại. Chúng tôi cần có người Brazil tham gia vào nhiều hơn nữa”, Jorge Guimarães, Bộ trưởng Bộ Giáo dục nói.

Brazil chưa bao giờ cảm thấy thực sự an toàn về việc kiểm soát vùng đất rộng lớn này. Sự phụ thuộc vào tri thức do bên ngoài tạo ra là vấn đề nhạy cảm với quốc gia này. Tại cuộc hội thảo quốc gia về khoa học và công nghệ vào tháng 5/2010, nhiều nhà khoa học đã lên tiếng phải tạo ra những “ngọn cờ” để tập trung giới khoa học trong cả nước nghiên cứu về khu vực Amazon. Nhiều người mong muốn có thành lập những viện nghiên cứu lớn để nghiên cứu về đại dương, và rừng Amazon theo mô hình của công ty Embrapa – nơi đầu tư nguồn lực tương xứng với tầm nhìn lớn.

Ngọc Tú (Theo Science, 12/2010)

Lấy nguồn thu dầu mỏ đầu tư cho nghiên cứu


Trung tâm nghiên cứu trị giá 700 triệu USD, do công ty dầu khí quốc gia Petrobras đầu tư, đặt tại Rio de Janeiro.

Ba năm trước, một máy khoan đã chạm vào một mỏ dầu sâu dưới biển Brazil. Công ty gas quốc gia Petrobras đã nhanh chóng xúc tiến việc khai thác dưới lòng biển ước tính chứa tới 80 triệu thùng dầu và khí tự nhiên, gấp 3 lần mỏ dầu ở vịnh Prudhoe, Alaska. Điều này hứa hẹn mang tới sự giàu có cho đất nước và sự kỳ vọng nhờ đó Brazil có thể đạt được những thành tựu lớn trong khoa học công nghệ.
Tổng thống Lula da Silva đã gọi dầu mỏ là nguồn độc lập thứ hai của Brazil và hứa sẽ sử dụng nguồn thu từ dầu mỏ cho giáo dục và y tế cộng đồng. Nhưng lĩnh vực nghiên cứu phát triển của Brazil sẽ được hưởng lợi đầu tiên. Vào tháng 10 vừa qua, Petrobras đã khai trương một trung tâm nghiên cứu tại Rio de Janeiro trị giá 700 triệu USD. Phát biểu tại buổi khai mạc, da Silva đã nói trong tiếng reo hò của những công nhân, kỹ sư nơi đây rằng, “Brazil sẽ không phải cúi đầu trước bất cứ quốc gia nào”.
Việc khai thác dầu mỏ nước sâu là dự án công nghệ lớn của Brazil và Petrobras đầu tư tiền vào cho các phòng nghiên cứu. Để thu dầu nằm sâu 7km dưới mặt nước biển Petrobras đã đầu tư tạo ra “cú hích” có thể sẽ làm thay đổi bộ mặt khoa học của Brazil.
Petrobras hiện nay chi 1 tỷ USD/năm cho nghiên cứu phát triển bao gồm cả khoản tiền 225 triệu USD rót trực tiếp vào các trường đại học nhằm đầu tư trang thiết bị cho các phòng thí nghiệm thành lập các trung tâm địa vật lý mới và đào tạo một thế hệ kỹ sư mới.
Petrobras muốn làm thay đổi khả năng về công nghệ của Brazil và giúp xây dựng các phòng thí nghiệm của các trường đại học có thể sánh vai với các quốc gia khác. Trường kỹ sư COPE của Rio là cơ sở đào tạo được hưởng lợi lớn nhất. Petrobras đầu tư cho xây dựng nhiều phòng thí nghiệm tại trường bao gồm cả bể sóng sâu nhất thế giới sử dụng để thử nghiệm các mô hình của thềm chứa dầu. Oscar Rosa Matto, giám đốc phòng thí nghiệm mà Petrobras đã trả 30 triệu USD để xây dựng vào năm 2008, nói: “Khách tham quan nước ngoài của tôi rất ngạc nhiên khi họ nhìn thấy những cơ sở vật chất như vậy tại Brazil”.
Petrobras,công ty đứng đầu thế giới về sản xuất dầu nước sâu đang tiếp cận độ sâu nhưng đang thiếu kinh nghiệm. Những mỏ dầu dưới sâu được phát hiện sau lớp muối-tầng vật chất hữu cơ mất gần 125 triệu năm để hình thành. Một khó khăn khi tiếp cận các mỏ dầu này là phải xuyên qua lớp vỏ địa chất dày và rất khó xác định các tín hiệu động đất. Đây có thể là đề tài mới cho các nhà khoa học nghiên cứu. Có những loại mỏ dầu mới và có nhiều điều có thể học được từ đây.
Một số nhà khoa học hy vọng Brazil không dừng lại ở khai thác dầu mỏ. Họ có thể sử dụng những kiến thức về địa chất dưới đáy biển để trở thành quốc gia đứng đầu về năng lượng sóng và những tri thức mới dưới biển. Có nhà khoa học còn so sánh việc khai thác dưới đáy biển ở Brazil cũng giống như cuộc chạy đua trong không gian mà Mỹ đã từng làm. Và nếu Brazil chỉ dừng lại ở khai thác dầu mỏ đó sẽ là sự mất mát lớn.

Tác giả