Cải thiện hiệu quả việc cấp kinh phí cho khoa học cơ bản

Việc bổ nhiệm nhà nghiên cứu và cung cấp kinh phí nghiên cứu là công cụ làm chính sách cơ bản để phục vụ nghiên cứu khoa học, có tầm quan trọng đặc biệt đối với lĩnh vực khoa học cơ bản ở những quốc gia như Việt Nam, nơi nguồn kinh phí từ Ngân sách Nhà nước rất khiêm tốn vì còn phải tập trung cho những mục tiêu cấp bách khác. Vì vậy, chúng ta cần có kế hoạch dài hạn trong công tác này để tránh lãng phí các nguồn lực và giúp việc quản lý các dự án được thực hiện một cách trơn tru.

Điều này đòi hỏi các nhà hoạch định chính sách có tầm nhìn rõ ràng về các ngành, lĩnh vực nghiên cứu khoa học cơ bản dự định được đầu tư kinh phí, đưa ra quyết định chọn lựa những ngành nghiên cứu được tài trợ, sau đó tuyên bố công khai rộng rãi về lựa chọn này.

Để chọn lựa các ngành nghiên cứu khoa học cơ bản được tài trợ, cần dựa trên ba tiêu chí quan trọng: Lĩnh vực nghiên cứu đó sẽ mang lại tri thức mới/tiên phong cho khoa học; có đủ nguồn nhân lực trong nước để hình thành một số nhóm nghiên cứu với đầy đủ kinh nghiệm và động lực để thực hiện các mục tiêu khoa học; nguồn kinh phí và các nguồn lực tối thiểu mà họ cần được tài trợ nằm trong khả năng cho phép của quốc gia.

Hãy ưu tiên các dự án nghiên cứu có tính liên ngành, liên quan đến vài ngành khoa học cơ bản, các công nghệ mới, hoặc có những ứng dụng mang tầm quan trọng quốc gia. Tuy nhiên, những dự án nghiên cứu không đáp ứng các điều kiện kể trên nhưng có giá trị khoa học tiềm năng vượt trội thì không nên bị gạt bỏ.

Hãy ưu tiên những chủ nhiệm đề tài có hoài bão theo đuổi những dự án nghiên cứu quy mô dài hơi hơn nhiệm kỳ công tác của bản thân họ, hơn là những người chỉ theo đuổi lợi ích sự nghiệp riêng của mình. Bởi chúng ta biết rằng không có nhà khoa học giỏi nào lại không quan tâm tới việc gây dựng đội ngũ nghiên cứu giỏi quanh mình, những người sẽ kế thừa và tiếp nối công việc dở dang của họ sau này.

Việc thiếu vắng một chính sách xác định rõ ràng những lĩnh vực nghiên cứu cụ thể được tài trợ là điều gây bất lợi cho sự phát triển của khoa học. Ví dụ điển hình là việc đào tạo các nghiên cứu sinh Việt Nam ở nước ngoài trong lĩnh vực vật lý hạt cơ bản thực nghiệm, khi những người kết thúc đào tạo trở về đã không được tạo cơ hội để phát huy kiến thức, kỹ năng của mình, khiến các nguồn lực đầu tư cho việc đào tạo họ trước đây hầu như trở nên lãng phí. Điều dễ hiểu là Việt Nam hiện nay không có điều kiện để phát triển ngành vật lý hạt cơ bản thực nghiệm, nhưng lẽ ra ngay từ đầu người ta phải tuyên bố rõ ràng về điều này để tránh những lãng phí về tiền bạc, công sức, và chất xám.

Một nhược điểm của hoạt động nghiên cứu ở Việt Nam là chú trọng lý thuyết nhiều hơn thực nghiệm, thực chứng (observation), và so sánh. Đây là căn bệnh chung ở các nước đang phát triển nơi sinh viên thường được dạy rằng nếu họ thực sự có tài năng thì hãy trở thành các nhà lý thuyết thay vì làm thực nghiệm. Nhưng bất kỳ nhà khoa học giỏi nào cũng phải biết rằng thực nghiệm/thực chứng và lý thuyết luôn song hành, hỗ trợ bổ sung lẫn nhau.

Chúng ta nên học hỏi kinh nghiệm từ các nhà khoa học nước ngoài, đặc biệt những người trong khu vực – Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc – có đủ năng lực, kinh nghiệm, trí tuệ, và quan trọng nhất là có động lực hỗ trợ các nước đang phát triển vì mục đích thúc đẩy chất lượng và sự phát triển chung của khoa học. Chúng ta được biết có những người xuất sắc như vậy, những người quan tâm tới khoa học nhiều hơn lợi ích riêng của bản thân, trong đó có những nhà khoa học Việt kiều mà chúng ta rất nên khai thác, tận dụng.

Trước khi đầu tư tiền bạc vào các cơ sở nghiên cứu, chúng ta phải đầu tư xây dựng các nhóm chuyên gia, những người sẽ sử dụng, vận hành, và bảo trì các cơ sở này. Khi có nhóm chuyên gia rồi hẵng tính đến máy móc, thiết bị, thay vì có máy rồi mới tìm người sử dụng. Đáng tiếc trước đây chúng ta đã có những sai lầm trong vấn đề này, đơn cử như chiếc máy microtron của Viện Vật lý lẽ ra phải được ngừng hoạt động từ 15 năm trước; việc mua chiếc máy pelletron của Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) lẽ ra phải được thảo luận rộng rãi trong giới khoa học, trong đó cần có ý kiến từ các nhà khoa học vật liệu là những người có tiềm năng sử dụng hiệu quả nhất. Cũng trong lĩnh vực vật lý gia tốc hạt, lẽ ra chúng ta phải có ý thức về tầm quan trọng ngày càng gia tăng của các ứng dụng trong các ngành dược học và công nghiệp, để thấy sự cần thiết xây dựng một đội ngũ chuyên gia về khoa học và kỹ thuật gia tốc hạt, điều mà Việt Nam hiện nay đang rất thiếu. Đặc biệt đáng tiếc là chậm trễ trong việc đào tạo các chuyên gia, nhà khoa học cần thiết cho các nhà máy điện hạt nhân trong tương lai. Chúng ta đã không nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của đội ngũ chuyên gia hạt nhân hiện có ở Đà Lạt, những người lẽ ra phải được đặt ở vị trí trung tâm trong các nỗ lực đào tạo, bởi các trường đại học chỉ có thể đào tạo ở mức hết sức căn bản về cấu trúc hạt nhân, vốn chỉ là một phần nhỏ trong những nội dung chuyên môn cần được đào tạo, và không thể có đủ năng lực để đào tạo xa hơn – việc sắp tới chúng ta sẽ xây dựng một trung tâm đào tạo mới là điều đáng mừng, mong rằng sẽ được chú trọng đầu tư ở tầm quốc gia để có thể tạo ra bước tiến cơ bản về phía trước. Ngoài ra, một ví dụ khác là ngành công nghệ thông tin, nơi chúng ta thiếu kỹ năng và năng lực hơn là máy móc, thiết bị, vì vậy cần chú trọng đầu tư vào chất xám hơn là cơ sở vật chất.

Đa số các ngành khoa học cơ bản hiện nay trên thế giới đều dùng những cơ sở nghiên cứu quy mô lớn, được các quốc gia chung sức vận hành và bảo trì. Thay vì bỏ tiền tự mua những thiết bị tương tự, chúng ta nên tài trợ các nhóm nhà khoa học tiến hành nghiên cứu bằng các thiết bị quốc tế. Một ví dụ là hiện nay chúng ta đang tận dụng được rất ít các thiết bị của Hiệp hội Thiên văn Quốc tế (IAU).

Các nhóm nghiên cứu cần được đánh giá dựa trên kết quả và phải được thưởng xứng đáng bằng cách tăng kinh phí tài trợ khi họ nghiên cứu thành công. Tuy nhiên, việc đánh giá này không thể đơn thuần dựa trên số lượng công bố và trích dẫn, mà phải là những đánh giá có chiều sâu về tiến trình thực hiện các dự án nghiên cứu. Nếu chúng ta thiếu những người có năng lực để tiến hành việc đánh giá này – đây là điều thường gặp trong thực tế – thì nên tìm sự hỗ trợ từ các chuyên gia quốc tế.

Một nguy cơ đáng kể xảy ra khi nguồn kinh phí tài trợ hạn hẹp, đó là xu hướng cấp những khoản nhỏ lẻ rải rác cho quá nhiều các dự án. Vì vậy, chúng ta phải chấp nhận một thực tế là có những nhóm nghiên cứu đạt được nhiều thành công hơn các nhóm khác, do đó xứng đáng được tài trợ cao hơn.

Hiện nay chúng ta đang không nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của việc hợp tác nghiên cứu theo nhóm. Cách giám sát từng thành viên cụ thể trong các đề tài nghiên cứu của Nafosted là một ví dụ. Lẽ ra chúng ta phải tin tưởng vào năng lực quản lý của các chủ nhiệm đề tài và phân cho họ quyền chủ động quản lý đề tài một cách độc lập, bởi nếu chúng ta không tin tưởng vào họ thì đề tài của họ phải bị bác bỏ từ đầu. 

Nhìn lại quá trình hình thành và phát triển của Nafosted, có thể khẳng định đây là một tiến bộ cơ bản trong việc phân bổ kinh phí khoa học trong nước. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể tiếp tục cải thiện, và nên luôn tìm cách cải thiện để Nafosted vận hành tốt hơn. Việc trì hoãn một năm nguồn kinh phí rõ ràng đã gây tổn hại cho các đề tài của năm ngoái, hơn thế còn ảnh hưởng tới hình ảnh của đất nước, tạo ấn tượng rằng chúng ta không hiểu đúng về tầm quan trọng của khoa học cơ bản và đóng góp của nó đối với sự phát triển của nền kinh tế cùng các ngành công nghiệp.

        PHẠM TRẦN LÊ dịch

Tác giả