Đơn giản vì họ hiểu nhau và thích thú cộng tác

Với một “đầu đề” ra trước của doanh nghiệp, các nhà khoa học tự nguyện bỏ kinh phí cùng hợp tác làm chung, sau khi có được kết quả thí nghiệm khả thi để xin tài trợ từ ngân sách, họ mới hợp tác lâu dài và bền vững, đó chính là mô hình nghiên cứu liên ngành độc đáo ở Công ty CP Bóng đèn - Phích nước Rạng Đông, theo chia sẻ của một lãnh đạo Trung tâm R&D của công ty.

Trong nghiên cứu liên ngành, có thể hình dung các ngành khác nhau như các vòng tròn, mà ở vùng giao nhau có thể xuất hiện những vấn đề có tính độc đáo, tính khác biệt, đồng thời mang tính ứng dụng cao.

Ví dụ, đề tài phát triển đèn compact và đèn huỳnh quang chiếu sáng hỗ trợ phát triển cho cây thanh long và cây hoa cúc mà Công ty CP Bóng đèn – Phích nước Rạng Đông chủ trì chính là một đề tài nghiên cứu liên ngành. Các nhà khoa học phía Rạng Đông thấy cần mời chuyên gia nông nghiệp và chiếu sáng trong nông nghiệp ở Viện Sinh học Nông nghiệp (Học viện Nông nghiệp Việt Nam). Qua nghiên cứu, các chuyên gia nông nghiệp sẽ đặt ra yêu cầu cụ thể cho thiết bị chiếu sáng, phía Rạng Đông sẽ xem xét liệu có thể làm hay không, nếu làm được thì cần những loại vật liệu gì, trên cơ sở đó lại tiếp tục đặt đề bài cho Viện Tiên tiến KH&CN (Đại học Bách khoa Hà Nội), nơi chuyên nghiên cứu vật liệu. Bên cạnh đó, để thử nghiệm thiết bị chiếu sáng, các nhà khoa học còn phải liên kết với với các đội, hội nông dân địa phương.

Thách thức trong nghiên cứu liên ngành

Trong môi trường nghiên cứu trong nước, nghiên cứu liên ngành là một thách thức vì đòi hỏi mỗi nhà khoa học vừa phải có chuyên môn trong lĩnh vực của mình, vừa có tầm nhìn và một hiểu biết liên ngành.

Đặc biệt, nghiên cứu về công nghệ như ở Rạng Đông sẽ khó khăn hơn nghiên cứu khoa học ở chỗ, sản phẩm cuối cùng không phải là công bố khoa học trên giấy mà là sản phẩm người nông dân sử dụng được, doanh nghiệp bán được và có lãi. Vì vậy, phải có sự bàn bạc kỹ lưỡng với nhau. Ngay từ trước khi tổ chức một đề tài nghiên cứu về công nghệ, đã phải phân định rõ nhiệm vụ của từng thành viên tham gia nhóm nghiên cứu, phần nào các bên làm riêng, và phần nào cần phải trao đổi thống nhất giữa các ngành khác nhau.

Để mọi người thống nhất với nhau không dễ vì họ phải phải tâm đầu ý hợp, phải chia sẻ với nhau, tôn trọng ý kiến của nhau, và thật tâm. Người ngành này phải hiểu người ngành kia, không giấu giếm gì, không có định kiến về ngành nghề. Ví dụ, thông thường một nhà sinh học và một nhà vật lý làm việc với nhau thì mỗi người sẽ nói theo ngôn ngữ chuyên môn của mình, và nếu có bàn cãi về lý thuyết thì mỗi bên đều giữ quan điểm của mình, đó chính là định kiến xuất phát từ nghề nghiệp mà nếu ai cũng khăng khăng giữ thì việc hợp tác không thể thành công.

Quan trọng là thật tâm và thống nhất nguyên tắc hợp tác từ đầu

Phải tìm được những người hiểu ý nhau, mời họ và họ cũng đồng ý với những nguyên tắc làm việc, cách thức, nhiệm vụ và các bước tiến hành, ngay từ đầu.

Cần một người điều phối, và rất may là ở Rạng Đông thì Tổng Giám đốc Đoàn Thăng, một con người trọng thị các nhà khoa học, nói chuyện cởi mở gần gũi, làm điều đó rất giỏi. Các nhà khoa học giới thiệu những chuyên gia có năng lực và ông Thăng sẽ thuyết phục họ về Công ty. Sẽ có một quá trình để họ thử, qua một vài lần làm việc và thí nghiệm với nhau, nếu thấy hợp thì mới làm tiếp. Thường thì hai, ba người mới tìm được một người.

Văn hóa của tổ chức là yếu tố rất quan trọng để thu hút và giữ chân nhà khoa học. Nhiều người nghĩ là vì Rạng Đông trả thu nhập cao cho các cộng tác viên nhưng trên thực tế, nhiều nơi khác còn trả cao hơn. Điều quan trọng là Rạng Đông có một không khí làm việc rất cởi mở, tôn trọng ý kiến của các nhà khoa học. Các nhà khoa học đến và ở lại Rạng Đông không vì những ràng buộc (không hề có hợp đồng lao động hay các khoản kinh phí cấp cho đề tài nghiên cứu, chỉ có lời mời), mà đơn giản vì họ thích thú làm việc với nhau, hợp tác một cách tự nguyện, rồi cứ thế “đẻ ra” các đề tài. Chỉ khi nghiên cứu có kết quả, có tính khả thi cao để đề xuất đề tài thì công ty bắt đầu tạm ứng hỗ trợ tài chính. Và khi được duyệt chương trình đề tài đổi mới công nghệ quốc gia thì các nhà khoa học mới lập hợp đồng chuyên gia, thực chất chỉ mang tính hành chính nhằm quy định về trách nhiệm các bên để hoàn tất việc chuyển tiền và thanh toán.

Kiên nhẫn và tự lực là điều kiện cần

Trong giai đoạn ban đầu kéo dài chừng một – hai năm, các bên có thể phát huy nguồn lực tự có của mình, bao gồm kinh phí từ phía công ty, trường, viện. Khi làm ra kết quả thì đó là hạt mầm kích thích phát triển ra các đề tài khác. Ví dụ như Viện Sinh học Nông nghiệp thì có được những chương trình khác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn còn Viện Tiên tiến KH&CN của Đại học Bách khoa lại được giao một số đề tài của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trong nghiên cứu công nghệ, khi có kết quả rồi thì dễ thuyết minh để các cấp quản lí nhà nước tin tưởng và giao thêm nhiệm vụ. Nếu không làm ra kết quả thì rất khó thuyết phục cơ quan hữu quan, bởi ở Việt Nam có nhiều nơi giữa chừng nghiên cứu không thành, phải giải trình và trả lại tiền Nhà nước.

Cũng chính vì vậy, việc thuyết phục cơ quan quản lí nhà nước ủng hộ những nghiên cứu mới mẻ còn khó hơn là kết nối mọi người cùng làm việc. Chẳng hạn, trong nghiên cứu về công nghệ, nhiều giai đoạn cần cấp kinh phí ngay thì họ cứ nhất quyết làm theo các quy định tài chính là cấp từng % kinh phí cố định mỗi năm. Ví dụ ở Rạng Đông, về nguyên tắc, họ ủng hộ nhưng khi thực hiện lại không dám linh động ủng hộ trong phạm vi chức năng của mình, thay vì vận dụng tối đa các “khoảng” trong quy định thì họ luôn giữ ở mức tối thiểu. 

Tác giả