Giải pháp góp phần nâng cao vị thế
khoa học Việt Nam trên trường quốc tế

Để có thể nâng cao vị thế khoa học Việt Nam trên trường quốc tế, Nhà nước ngoài việc cải cách hệ thống hoạt động nghiên cứu khoa học, cần phải bắt đầu phát triển các chuẩn mực cho các nhà khoa học, kể cả tiêu chuẩn giáo sư, sao cho phù hợp với các chuẩn mực quốc tế và không quá xa rời thực tế ở nước ta. Tôi xin gợi lên một vài biện pháp:

1. Hướng đến việc công bố nghiên cứu trên các tập san khoa học quốc tế (sẽ gọi tắt là “công bố quốc tế”) hay đăng kí bằng sáng chế (patent) như là một tiêu chuẩn để đánh giá (hay “nghiệm thu”?) các công trình nghiên cứu do Nhà nước tài trợ.  Các nước tiên tiến, các cơ quan tài trợ coi đây là tiêu chuẩn số 1 để xem xét cung cấp kinh phí nghiên cứu.  Ở các đại học Tây phương và ngay cả đại học của các nước trong vùng, số lượng và chất lượng bài báo khoa học là tiêu chuẩn số một trong việc xét đề bạt lên chức giảng sư hay giáo sư. Đối với cá nhân nhà khoa học, báo cáo khoa học trên các tập san khoa học quốc tế là một “đơn vị tiền tệ”, là viên gạch xây dựng sự nghiệp khoa bảng. Chính vì thế mà trong các đại học tồn tại một văn hóa gọi là “publish or perish” (xuất bản hay là biến mất). Ngay tại viện của chúng tôi đang công tác, nếu trong vòng 1 hay 2 năm mà nhà khoa học hay nghiên cứu sinh hậu tiến sĩ không có một bài báo nào đăng trên các tập san khoa học quốc tế, thì sự nghiệp của họ xem như “có vấn đề”.
Còn ở nước ta, trong thời gian nhiều năm qua, tiêu chuẩn công bố nghiên cứu trên các tập san khoa học quốc tế vẫn chưa được công nhận đúng mức. Hệ quả là đến nay chúng ta có một lực lượng giáo sư, kể cả một số “giáo sư hàng đầu”, chưa có công trình nào đăng trên các tập san khoa học quốc tế. Như một giáo sư nhận xét gần đây: “Chín vị giáo sư tiến sĩ khoa học là thành viên của Hội đồng ngành Cơ học VN không có công bố quốc tế ISI trong 10 năm vừa qua.” Một điều đáng buồn ở nước ta là những nhà khoa học có công trình đăng trên các tập san quốc tế nhiều khi phải bị thiệt thòi so với các đồng nghiệp chưa bao giờ có bài báo đăng trên các tập san khoa học. Chẳng hạn như trường hợp một tiến sĩ ở Qui Nhơn với hơn 10 công trình đăng trên các tập san uy tín ở Âu châu và Mỹ, với thành tích như thế đáng lẽ anh đã trở thành một phó giáo sư ở nước ngoài, nhưng khi xét đề bạt giảng viên ở trong nước thì anh ta lại bị đánh giá là chưa đủ điểm!
Có người viện dẫn lí do rằng chỉ có khoa học cơ bản mới công bố quốc tế, còn họ làm nghiên cứu ứng dụng nên không cần. Thật mà khó chấp nhận cách giải trình này. Ngoài lí do liên quan đến quốc phòng và an ninh quốc gia, không có lí do gì để biện minh rằng công bố quốc tế chỉ áp dụng cho nghiên cứu khoa học cơ bản hay cho các nước đã phát triển. Thật ra, nước ta có nhiều công trình nghiên cứu rất xứng đáng được chia sẻ với cộng đồng khoa học thế giới, nhưng rất tiếc, cho đến nay các công trình đó vẫn loanh quanh trong các báo cáo nghiệm thu, và hệ quả là làm thiệt thòi cho khoa học nước nhà.
2. Khuyến khích các nghiên cứu sinh tiến sĩ công bố ít nhất một bài báo khoa học trên các tập san quốc tế trước khi bảo vệ luận án. Đây cũng chẳng phải là một đòi hỏi gì cao siêu hay khắt khe, mà chỉ là một tiêu chuẩn, một yêu cầu phổ biến ở các đại học trong vùng và phương Tây. Dự thảo về đào tạo tiến sĩ của Bộ Giáo dục và Đào tạo mới đây cũng có qui định một nghiên cứu sinh tiến sĩ nên có công trình nghiên cứu khoa học được đăng trên các tập san quốc tế (có bình duyệt nghiêm chỉnh) trước khi bảo về luận án. Nếu tiêu chuẩn hay qui định này được thực hiện tốt, có thể kì vọng rằng sự có mặt của khoa học Việt Nam trên trường quốc tế sẽ được nâng cao trong vài năm tới.
Một vấn đề khác tuy nhỏ, nhưng có ý nghĩa quốc gia, cần phải đề cập đến ở đây là một số (nếu không muốn nói là nhiều) nghiên cứu sinh từ Việt Nam sang nghiên cứu hay làm luận án ở nước ngoài và khi công bố ấn phẩm khoa học thường không ghi địa chỉ từ Việt Nam, mà chỉ ghi địa chỉ nơi họ đang theo học. Tình trạng này chẳng những không hợp lí (vì cá nhân nghiên cứu sinh xuất phát từ Việt Nam) mà còn làm ảnh hưởng đến năng suất khoa học của Việt Nam trên trường quốc tế. Vấn đề này thoạt đầu mới nghe qua như là chuyện nhỏ, nhưng các đại học Tây phương xem là chuyện quan trọng đến nỗi lãnh đạo trường có hẳn những văn bản và điều lệ chính thức yêu cầu các nhà nghiên cứu phải ghi rõ địa chỉ đại học hay viện nghiên cứu mà họ đang công tác hay đang giữ những chức vụ kiêm nhiệm. Do đó, các đại học Việt Nam cần phải khuyến khích, hay nói đúng hơn là yêu cầu, các nghiên cứu sinh của trường ở nước ngoài khi công bố bài báo trên các tập san quốc tế, ngoài địa chỉ của trường họ đang theo học, cần phải đề tên trường Việt Nam vào phần địa chỉ tác giả của bài báo.
3. Có chính sách đãi ngộ và tưởng thưởng các nhà khoa học trẻ có công trình công bố quốc tế. Để nâng cao khả năng cạnh tranh trong nghiên cứu y sinh học tầm quốc tế, các đại học và trung tâm nghiên cứu cần phải tuyển dụng các chuyên gia, giáo sư, hay giảng viên trẻ có tài năng thật sự, và tạo điều kiện cho họ (như thời gian và phương tiện nghiên cứu) và trao cho họ quyền tự do theo đuổi những ý tưởng nghiên cứu mà họ thích và có khả năng thực hiện. Cần phải có những hình thức khuyến khích tài chính cho các nhà khoa học có công trình trên các tập san quốc tế. Ở một số đại học tại các nước như Singapore, Thái Lan, Hồng Kông, v.v… người ta thưởng khá nhiều tiền (lên đến hàng ngàn USD) cho các tác giả có công trình công bố trên các tập san quốc tế có uy tín cao. Ngay cả tại Úc, một số trường sẵn sàng tặng hàng ngàn đô-la cho các nhà nghiên cứu có công trình đăng trên các tập san với hệ số ảnh hưởng trên 10.
4. Khuyến khích các tập san khoa học Việt Nam vươn đến tầm quốc tế. Một trong những lí do mà Thái Lan và Singapore có nhiều bài báo khoa học hơn Việt Nam là hai nước này có các tập san khoa học, kể cả tập san y sinh học địa phương, được viết bằng tiếng Anh, có hệ thống bình duyệt và được ISI công nhận. Chẳng hạn như Thái Lan có tập san Journal of the Medical Association of Thailand (Tập san Y học của Hội Y học Thái Lan), tập san ScienceAsia, và Singapore có tập san Annals Academy of Medicine Singapore là diễn đàn của các bác sĩ và nhà khoa học địa phương. Vì các tập san này được ISI công nhận, cho nên các bài báo ở đây được tính trong hệ thống của PubMed.  Ngược lại, ở nước ta, con số các tập san được quốc tế công nhận chỉ “đếm đầu ngón tay”, và hệ quả là con số bài báo công bố trên các tập san Việt Nam không hề được công nhận. Ở đây, chúng tôi chưa nói đến vấn đề chất lượng, chỉ bàn đến vấn đề chấn chỉnh các tập san sao cho phù hợp với qui trình làm việc của các tập san quốc tế.

Tác giả