Góp ý về qui định công nhận chức danh giáo sư

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ra thông tư sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến việc xét duyệt chức danh giáo sư.  Qua thông tư này, Bộ muốn lấy ý kiến của các nhà khoa học và những ai quan tâm đến qui trình xét duyệt chức danh giáo sư. Trong khuôn khổ bài viết ngắn này, tôi sẽ bàn đến một vài vấn đề trong việc đánh giá chất lượng nghiên cứu khoa học và cách tính điểm cho ứng viên.

Điều 1, khoản 2 của Thông tư viết: “Tính điểm quy đổi cho mỗi bài báo khoa học đã được công bố chủ yếu dựa vào chất lượng khoa học của chính bài báo, có tham khảo uy tín khoa học của tạp chí công bố bài báo khoa học đó. Mỗi bài báo khoa học được tính từ 0 đến 1 điểm; chỉ bài báo khoa học nào đặc biệt xuất sắc, đăng trên các tạp chí có uy tín khoa học hàng đầu ở trong nước và quốc tế mới có thể được tính đến 2 điểm. Bài báo có đồng tác giả thì điểm của bài báo được chia đều cho các đồng tác giả”.

Có nhiều vấn đề trong điều khoản này liên quan đến cách đánh giá chất lượng và công thức tính điểm.

1. Sự thiếu minh bạch trong đánh giá chất lượng công trình nghiên cứu.  Đọc qui định “Về tính điểm quy đổi cho mỗi bài báo khoa học đã được công bố chủ yếu dựa vào chất lượng khoa học của chính bài báo, có tham khảo uy tín khoa học của tạp chí công bố bài báo khoa học đó” tôi phải hỏi lấy gì để  đánh giá “uy tín khoa học của tạp chí”?  Qui định này lẫn lộn giữa chất lượng một công trình nghiên cứu với chất lượng tập san khoa học.  Hai khía cạnh này rất khác nhau.  Mặc dù trong thực tế chỉ số ảnh hưởng (impact factor, IF) của tập san có mối tương quan cao với chất lượng bài báo khoa học, nhưng vẫn có nhiều trường hợp bài báo có chất lượng thấp trên những tập san có IF cao (và ngược lại).  Không thể lấy IF để đánh giá chất lượng một bài báo khoa học.

2. Đánh đồng tập san trong nước và ngoài nước. Theo như qui định “bài báo khoa học nào đặc biệt xuất sắc, đăng trên các tạp chí có uy tín khoa học hàng đầu ở trong nước và quốc tế mới có thể được tính 2 điểm thì một bài đăng trên Lancet (tập san y khoa hàng đầu trên thế giới) hay Science (tập san khoa học số 1 trên thế giới) có điểm tương đương với một bài trên tập san Y học Thực hành của Bộ Y tế – một tập san không có trong danh sách ISI (tức chưa được cộng đồng khoa học quốc tế công nhận). 

3.  cách tính điểm cho tác giả của những bài báo có nhiều tác giả.  Bản dự thảo viết “Bài báo có đồng tác giả thì điểm của bài báo được chia đều cho các đồng tác giả”.  Đây là một cách tính toán theo chủ nghĩa trung bình.  Để thấy sự vô lí của qui định này, thử tưởng tượng một trường hợp sau đây: công trình khoa học do nghiên cứu sinh thực hiện dưới sự hướng dẫn của một giáo sư và hợp tác của 5 đồng nghiệp.  Khi công trình công bố, người nghiên cứu sinh đứng tên tác giả đầu, 5 đồng nghiệp đứng tên tác giả theo thứ tự đóng góp từ cao đến thấp, và sau cùng là vị giáo sư. Ở đây, người nghiên cứu sinh là người chủ trì công trình, là người có ý tưởng, ứng dụng phương pháp, soạn bài báo, và công bố.  Theo qui định mới thì số điểm phải chia đều cho 7 tác giả.  Như vậy là bất hợp lí, vì điểm trung bình không phản ảnh sự đóng góp của nghiên cứu sinh. 

Cần phải nói thêm rằng vấn đề tác giả còn phụ thuộc vào văn hóa ngành.  Trong những ngành như y sinh học, có nhiều trường hợp tác giả đứng đầu, tác giả cuối, hay tác giả liên lạc (correspondent author) chính là những tác giả chính. Nhưng có ngành khoa học, người ta sắp xếp thứ tự tác giả theo mức độ đóng góp cho công trình nghiên cứu.  Lại có ngành khoa học người ta sắp xếp theo chữ cái của họ của tác giả.  Nói chung, cách sắp xếp tác giả rất phong phú và khác nhau giữa các ngành, không thể nào áp dụng một công thức theo kiểu bình quân chủ nghĩa được. 

Qua hai phân tích vừa kể tôi có thể nói rằng cách tính điểm theo quân bình chủ nghĩa chẳng những vô lí, là một sự khuyến khích cho người ta thiếu thành thật và tìm cách lợi dụng hệ thống đề bạt khoa bảng.  Thành tựu khoa học của một nhà khoa học không thể cân đo đong đếm bằng những “điểm”.  Mỗi nhà khoa học theo đuổi một chuyên môn, có khi chuyên môn hẹp, và chỉ có thể những đồng nghiệp trong chuyên ngành mới đánh giá được một phần việc làm của họ. Các chỉ số về ấn phẩm khoa học và tập san khoa học có thể mang tính bổ sung khách quan, nhưng những chỉ số này phải được sử dụng cùng với bình duyệt của đồng nghiệp. 

Nói tóm lại, tôi thấy những sửa đổi “Qui định về tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh GS, PGS” có nhiều vấn đề cần phải bàn lại.  Theo tôi, những bất cập và vô lí vừa nêu trên cần phải chỉnh sửa lại cho hợp lí hơn.

Tác giả