Không thể làm chủ công nghệ ĐHN nếu thiếu đội ngũ chuyên gia giỏi và hùng hậu

Nếu làm đúng, bài bản và sát với những vấn đề của thực tiễn thì chỉ sau 10 đến 12 năm, Việt Nam sẽ có khoảng 30 đến 40 chuyên gia hàng đầu đảm trách nhiệm vụ nghiên cứu triển khai phục vụ chương trình phát triển điện hạt nhân - TS. Trần Chí Thành, Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, trả lời phỏng vấn của tạp chí Tia Sáng.

Đội ngũ đảm trách công tác nghiên cứu triển khai đóng vai trò như thế nào trong chương trình phát triển điện hạt nhân của Việt Nam?

Tại các quốc gia phát triển về điện hạt nhân trên thế giới, ngành hạt nhân có ba phần chính: Thứ nhất là các công ty điện lực vận hành các nhà máy điện hạt nhân (gọi là Utilities); Thứ hai là cơ quan pháp quy hạt nhân có nhiệm vụ đưa ra hệ thống pháp quy, quy định, yêu cầu ràng buộc về an toàn đối với Utilities để đảm bảo an toàn cho con người và môi trường; Thứ ba là các cơ quan nghiên cứu triển khai (R&D) và hỗ trợ kỹ thuật (Technical Support Organizations – TSO) cho điện hạt nhân. Với các nước này, có thể R&D cho điện hạt nhân và TSO có sự tách biệt nhưng ở Việt Nam, do lĩnh vực này vẫn chưa được hình thành rõ nên có thể coi cả hai cùng thuộc một bộ phận chung. Đây là đội ngũ các nhà nghiên cứu, các chuyên gia, tập trung thực hiện các việc chính sau đây:

– Trước hết họ phải biết rõ về công nghệ, hệ thống trang thiết bị, chức năng, cũng như nắm rõ các quá trình vật lý xảy ra trong các hệ thống và thiết bị nhà máy điện hạt nhân, ảnh hưởng, tương tác giữa các hệ thống, thiết bị (phần này cũng giống như những người vận hành của Utilities);

– Họ phải là đội ngũ có đủ năng lực đánh giá được an toàn cho nhà máy điện hạt nhân, dự báo được những gì có thể xảy ra, ở mức độ nào; và nếu xảy ra thì [tình thế] sẽ ra sao, những cách gì có thể hạn chế được các vấn đề trục trặc xảy ra; có cách nào có thể phòng chống các sự cố, hay giảm thiểu hậu quả của sự cố [nếu xảy ra mặc dù xác suất vô cùng thấp].

– Những người làm đảm trách công việc nghiên cứu phải có khả năng cao hơn để đề ra được các nhiệm vụ nghiên cứu liên quan, triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ nghiên cứu để ngày càng hiểu rõ và nắm sâu hơn về công nghệ, về các vấn đề an toàn, tiến tới hỗ trợ công tác vận hành ở các nhà máy điện hạt nhân đạt tính hiệu quả và kinh tế.

 

Khi những lĩnh vực hỗ trợ cho điện hạt nhân được phát triển đạt trình độ quốc tế, có đội ngũ chuyên gia giỏi, hùng hậu mới có thể nói ta đã làm chủ công nghệ điện hạt nhân, đảm bảo vấn đề an toàn, qua đó phát triển bền vững chương trình điện hạt nhân.

Ở mức độ nào đó, những người vận hành trong nhà máy điện hạt nhân cũng cần có những kiến thức và kỹ năng nêu trên nhưng có thể ở mức độ và yêu cầu khác nhau. Những người làm công tác vận hành hiểu rõ nhiệm vụ, thao tác, quy trình… để vận hành an toàn nhà máy điện hạt nhân, còn những người đảm trách việc nghiên cứu, chuyên gia là những người am hiểu bản chất các hiện tượng, quá trình, những gì xảy ra ngoài (phía sau, xa hơn) việc vận hành bình thường, bao gồm cả thay đổi, hay sự cố có thể xảy ra (với xác suất thấp) và cả dự đoán, biện pháp bảo vệ hay phòng ngừa, giảm thiểu ảnh hưởng sự cố. Đây chính là cách tiếp cận “bảo vệ theo chiều sâu” (Defence in Depth) về mặt năng lực con người cho việc đảm bảo an toàn của các nhà máy điện hạt nhân.

Đội ngũ nghiên cứu ở các nước có điện hạt nhân chính là những người làm việc tại các Viện nghiên cứu, các trường Đại học, hay các đơn vị tư vấn thiết kế [nhà máy điện hạt nhân]. Dựa trên kết quả đánh giá và phân tích của họ, các công ty điện lực có thể củng cố vấn đề an toàn cho các nhà máy hoặc quyết định đóng cửa nhà máy. Những kết quả nghiên cứu cũng là cơ sở để những người làm pháp quy hạt nhân xây dựng hay đánh giá lại yêu cầu an toàn và đưa ra quy định chặt chẽ hơn để các công ty điện lực phải thực hiện và tuân thủ. Vì vậy đội ngũ nghiên cứu cần cho cả các công ty điện lực lẫn cơ quan pháp quy. Thông thường, những người làm việc tại cơ quan pháp quy hạt nhân được chọn từ nhà máy hoặc từ những nhà nghiên cứu có kinh nghiệm, các chuyên gia giỏi.

Điều kiện nào để Việt Nam có thể làm chủ được công nghệ điện hạt nhân?

Hiện nay, Việt Nam đang bắt đầu chương trình điện hạt nhân. Đội ngũ chuyên gia, những người làm khoa học hiện nay về điện hạt nhân (không nhiều) trước hết sẽ giúp Việt Nam hiểu rõ về công nghệ, các vấn đề an toàn, thực hiện các nhiệm vụ tư vấn về công nghệ và an toàn, về các vấn đề khác liên quan như đánh giá tác động môi trường, phát tán phóng xạ, hay giữ và quản lý chất thải phóng xạ v.v. Dần dần, đội ngũ những người làm nghiên cứu, tư vấn này sẽ lớn mạnh, có những chuyên gia giỏi (qua đào tạo, đặc biệt đào tạo ở nước ngoài, đào tạo qua công việc hiện nay), họ sẽ xây dựng năng lực khoa học về những lĩnh vực hỗ trợ cho điện hạt nhân, ví dụ như về vật lý lò hạt nhân, về nhiên liệu, vật liệu hạt nhân, về cơ học dòng chảy, về thủy nhiệt, đo lường điều khiển v.v. Việt Nam chỉ có thể làm chủ công nghệ điện hạt nhân, đảm bảo an toàn và ngành điện hạt nhân phát triển bền vững khi sở hữu đội ngũ chuyên gia giỏi, hùng hậu, góp phần đưa những lĩnh vực khoa học này phát triển đạt trình độ quốc tế. 

Sinh viên Khoa Vật lý hạt nhân, trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia TPHCM thực tập tại lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt. Nguồn: ĐH Quốc gia TPHCM

Theo ông, những lĩnh vực nào chúng ta cần tập trung đào tạo đội ngũ nghiên cứu, triển khai?

Trước mắt, chúng ta cần tập trung đào tạo đội ngũ nghiên cứu triển khai trong các những lĩnh vực chính sau đây: 

– Thiết kế và xây dựng nhà máy điện hạt nhân: Hiểu về quá trình thiết kế, các hệ thống, những yêu cầu bắt buộc [kèm theo], đánh giá công nghệ, thiết kế; Hiểu về thiết kế, xây dựng, thử nghiệm, giám sát chất lượng. 

– Điều hành, bảo dưỡng và sửa chữa nhà máy điện hạt nhân: Hiểu về cách thức điều khiển và vận hành nhà máy (bao gồm cả điều khiển và kiểm tra, yếu tố con người); Pháp quy, kiểm tra, bảo dưỡng (bao gồm cả đánh giá không phá hủy), quá trình lão hóa vật liệu, thiết bị, cấu trúc.

– An toàn hạt nhân: Hiểu về thiết kế an toàn, các giới hạn của nó; Hiểu về các phương pháp phân tích an toàn, những giới hạn của nó; Hiểu về quản lý sự cố, ứng phó tình trạng khẩn cấp. 

– Nhiên liệu và chu trình nhiên liệu: Hiểu về các loại vật liệu và nhiên liệu hạt nhân; Hiểu về tối ưu thay đảo nhiên liệu; Hiểu về chu trình nhiên liệu hạt nhân, bao gồm cả các nhiệm vụ về an toàn hạt nhân và không phổ biến vũ khí hạt nhân.

– Kinh tế điện hạt nhân: Hiểu về tính kinh tế của điện hạt nhân, tính kinh tế của năng lượng, các hệ quả kinh tế, chu trình nhiên liệu, vòng đời nhà máy điện hạt nhân, phân tích rủi ro v.v.

Dự kiến, chúng ta sẽ cần đào tạo khoảng 40 chuyên gia đảm trách công việc nghiên cứu thuộc các lĩnh vực trên.

Với điều kiện Việt Nam hiện nay, những nhiệm vụ nào là quan trọng và thiết thực mà đội ngũ nghiên cứu triển khai có thể thực hiện?

Nhiệm vụ quan trọng và thiết thực hiện nay đối với đội ngũ nghiên cứu là tham gia thực hiện Thẩm định báo cáo Nghiên cứu khả thi (FS) và báo cáo Phân tích an toàn (SAR) nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2. Tuy chưa mạnh như các nước đã phát triển về điện hạt nhân nhưng đội ngũ hiện nay của Việt Nam có thể tham gia thực hiện được nhiều nhiệm vụ liên quan đến Thẩm định này. Quá trình tham gia thực hiện nhiệm vụ Thẩm định sẽ vô cùng quan trọng và quý giá để chúng ta tích lũy kinh nghiệm, học hỏi, dần dần nâng cao năng lực của đội ngũ nghiên cứu hiện nay (đào tạo thông qua công việc). Đội ngũ cán bộ nghiên cứu hiện nay chủ yếu làm việc tại Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, và Viện là đơn vị nghiên cứu hỗ trợ kỹ thuật cho các cơ quan thực hiện vai trò quản lý nhà nước về hạt nhân. Do đó, việc cán bộ nghiên cứu của Viện tham gia thực hiện Thẩm định cũng hoàn toàn phù hợp.

Trước những yêu cầu của chương trình điện hạt nhân (về Thiết kế và tham gia xây dựng nhà máy điện hạt nhân; Vận hành và bảo dưỡng nhà máy điện hạt nhân; Phân tích an toàn) cũng như yêu cầu của ngành hạt nhân (như Công nghệ chu trình nhiên liệu; Nghiên cứu và Đào tạo nhân lực; Pháp quy, thanh tra và quản lý các cơ sở hạt nhân), chúng ta có thể làm những gì để đào tạo lực lượng nghiên cứu triển khai phù hợp với những yêu cầu này?

Để đào tạo được đội ngũ cán bộ nghiên cứu triển khai phù hợp với yêu cầu, trước hết chúng ta cần có sự chỉ đạo quyết tâm của Chính phủ. Cùng với đó là việc thực hiện một cách nghiêm túc  Chương trình đào tạo chuyên gia điện hạt nhân (NEST) mà Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam đề xuất vào năm 2014. Dự kiến, Chương trình sẽ lựa chọn những kỹ sư, cử nhân xuất sắc về chuyên môn ở những chuyên ngành phù hợp, giỏi ngoại ngữ từ các trường đại học của Việt Nam để tham gia khóa học PGTP (Post Graduate Training Program) của Viện trong vòng chín tháng với các nội dung: những môn cơ bản về năng lượng hạt nhân, quản lý điện hạt nhân, vật lý lò phản ứng, cơ- thủy nhiệt, đo lường điều khiển, động học lò, mô hình và mô phỏng, vật liệu và nhiên liệu hạt nhân… Giảng viên của PGTP sẽ là các chuyên gia của Viện (đang làm việc hoặc đã về hưu nhưng vẫn có khả năng tham gia đào tạo), giáo sư, chuyên gia quốc tế cũng như chuyên gia người Việt Nam ở nước ngoài.

Chương trình PGTP bao gồm hai học phần, học phần cơ bản và nâng cao nhằm tạo điều kiện cho các học viên đạt được trình độ cần thiết trước khi được lựa chọn cử đi nước ngoài đào tạo. Đội ngũ giáo viên sẽ có nhiệm vụ kèm và hướng dẫn từng học viên của chương trình đào tạo.

 

Nếu chúng ta không có cách làm đúng, không thu hút được đội ngũ cán bộ trẻ, giỏi, có năng lực thì có thể không bao giờ có được đội ngũ như vậy. Họ chính là tiềm lực khoa học công nghệ của đất nước.

Từ mối quan hệ hợp tác của Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, Chương trình sẽ kết nối với các giáo sư, viện nghiên cứu quốc tế để tạo điều kiện cho học viên Việt Nam được lựa chọn từ khóa học PGTP ra nước ngoài tiếp tục đào tạo nâng cao. Họ tập trung nghiên cứu về các chủ đề của điện hạt nhân Việt Nam do các giáo sư nước ngoài xác định với sự tư vấn, đề xuất của đội ngũ chuyên gia (giáo viên) trong nước. Sau khi kết thúc các đợt học tập này, học viên sẽ trở về làm việc tại các phòng thí nghiệm, nhóm nghiên cứu của Viện theo từng lĩnh vực chuyên môn. Họ cần được tạo điều kiện và môi trường tốt để làm việc và đóng góp sau quá trình đào tạo.

Việt Nam cần những giải pháp gì để thúc đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện kế hoạch đào tạo đội ngũ chuyên gia điện hạt nhân?

Một số nội dung chủ yếu của Chương trình đào tạo chuyên gia cũng được thể hiện trong Quyết định số 7156/QĐ-TTg vừa được Chính phủ ban hành ngày 15/10/2015. Một số giải pháp cần thiết bổ sung để đạt được mục tiêu đào tạo đội ngũ chuyên gia cho điện hạt nhân Việt Nam:

– Tạo điều kiện, đẩy mạnh đào tạo qua công việc (ví dụ Thẩm định nêu trên, hoặc nhiệm vụ thực tế liên quan đến triển khai xây dựng Trung tâm KH&CN hạt nhân – Trung tâm cần được triển khai sớm và lò nghiên cứu mới cần có địa điểm thích hợp mới có thể thu hút được đội ngũ chuyên gia giỏi);

– Cần có một chủ trương của Nhà nước, và có một học bổng đặc biệt thu hút những kỹ sư giỏi mới ra trường, giỏi ngoại ngữ, đã được đào tạo trong những lĩnh vực liên quan (vật lý hạt nhân, công nghệ hạt nhân, toán, cơ học dòng chảy, cơ khí, luyện kim, thủy nhiệt, đo lường điều khiển, hóa học nhiên liệu vật liệu, hóa nước v.v.), đào tạo họ theo chuyên ngành hạt nhân cơ bản và tiếp tục gửi đi đào tạo dài hạn ở nước ngoài tại các cơ sở nghiên cứu, thiết kế hạt nhân.

– Cần tổ chức lớp học chín tháng (hai học kỳ) trong nước tại Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam để đào tạo những kỹ sư mới, giỏi trước khi gửi họ ra nước ngoài đào tạo (nêu trên);

– Đối với đội ngũ giáo viên tham gia đào tạo, tạo điều kiện cho họ được đào tạo bổ sung ở nước ngoài để có chuyên môn tốt hơn đáp ứng yêu cầu đào tạo đưa ra;

– Tạo điều kiện, cơ chế và môi trường làm nghiên cứu tốt cho những người được đào tạo về làm việc, cũng như thu hút người có trình độ cao.

Theo ông, khi nào Việt Nam có được đầy đủ đội ngũ đảm trách công tác nghiên cứu triển khai cần thiết để xây dựng, vận hành, phát triển và quản lý chương trình điện hạt nhân an toàn hiệu quả?

 

Việc đào tạo nhân lực của chúng ta vẫn bị ràng buộc bởi các quy trình mang tính thủ tục (ví dụ về tài chính) và cách làm chưa sát với yêu cầu thực tế nên chưa đi vào thực chất, chưa hướng đến mục tiêu chính, dẫn đến hiệu quả đạt được còn thấp, nhiều khi chỉ mang tính phong trào và hình thức.

Vấn đề này tùy thuộc vào cách làm của chúng ta. Nếu chúng ta biết làm đúng, bài bản, thu hút được đội ngũ cán bộ trẻ (như đã nêu trên) thì đội ngũ có đủ năng lực sẽ được hình thành sớm (khoảng từ 10 đến 12 năm). Chúng ta cũng không cần số lượng quá nhiều về đội ngũ chuyên gia giỏi này (chỉ khoảng 30 đến 40 người cho lĩnh vực nghiên cứu triển khai, chủ yếu ở Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam) nhưng nếu chúng ta không có cách làm đúng, không thu hút được các cán bộ trẻ thì có thể không bao giờ có được đội ngũ như vậy. Nguồn nhân lực khoa học trình độ cao là then chốt, chính họ mới là tiềm lực khoa học công nghệ của đất nước.

Ông có thể đề xuất một số kiến nghị để đẩy mạnh hơn nữa công tác đào tạo đội ngũ nghiên cứu triển khai

Theo tôi, cần chú trọng hơn nữa, quan tâm thực sự và ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực khoa học, đặc biệt cho chương trình điện hạt nhân (thực tế cho thấy hiện nay bất kỳ chương trình nào cũng cần con người giỏi, có trình độ và tâm huyết). Thực tế đào tạo nhân lực hạt nhân hiện nay cho thấy, việc đào tạo của chúng ta vẫn bị ràng buộc bởi các quy định hiện hành, quy trình thủ tục (ví dụ về tài chính) và cách làm chưa sát với yêu cầu thực tế nên chưa đi vào thực chất, chưa hướng đến mục tiêu chính, dẫn đến hiệu quả đạt được còn thấp, nhiều khi chỉ mang tính phong trào và hình thức.

Không có những con người giỏi và tâm huyết, chương trình điện hạt nhân khó có thể thành công.

Trân trọng cảm ơn ông

Thanh Nhàn thực hiện

 

 

Tác giả