Phương thức làm việc dân chủ và cầu thị của nhà quản lý khoa học

Ở nước ta, giới quản lý KHCN thường xuyên bận bịu với các công việc hành chính, quản lý của mình và gần như không có giao lưu công việc thực sự như trên với các nhà khoa học ở các trường đại học và viện nghiên cứu. Chưa nói là nhiều vấn đề quan trọng vẫn đang được giải quyết theo cách truyền thống của ta, theo con đường của quyết định và thông tư hành chính chỉ đạo từ trên xuống dưới.  

Chúng ta đều biết Bộ Năng lượng của Hoa Kỳ (DOE) là một trong những bộ máy quan trọng nhất của chính phủ Mỹ, với chức năng và nhiệm vụ không chỉ tập trung vào việc duy trì, phát triển và khai thác các nguồn năng lượng cần cho kinh tế, đời sống… mà còn quản lý và lãnh đạo một mạng lưới 17 phòng thí nghiệm quốc gia trong các lĩnh vực nghiên cứu khoa học cơ bản và ứng dụng khác nhau, cùng với trung tâm nghiên cứu vũ trụ NASA. DOE không chỉ lãnh đạo, quản lý các ngành khoa học & công nghệ (KHCN) mũi nhọn của đất nước mà còn trực tiếp triển khai nhiều chương trình giáo dục khoa học (science education) để góp phần duy trì vị trí đi đầu của nền KHCN Hoa Kỳ trên thế giới. Cũng vì lý do đó mà các vị trí lãnh đạo quan trọng nhất của DOE đều được Tổng thống Hoa Kỳ mời đích danh từ các nhà khoa học lớn của đất nước (như Bộ trưởng đương nhiệm Steven Chu là một nhà vật lý từng giành giải Nobel). Tuy nhiên, tôi đã khá ngạc nhiên khi được biết là nhiều nhà khoa học đương chức tại các trường đại học, viện nghiên cứu cũng thường xuyên được mời vào làm việc có thời hạn tại các vị trí cố vấn trực tiếp của DOE để cùng các nhà quản lý giải quyết các vấn đề quan trọng, cũng như ra những quyết sách hợp lý trong các lĩnh vực KHCN.

Giáo sư David J. Dean, Giám đốc phân viện Vật lý của Phòng thí nghiệm quốc gia Oak Ridge, Tennessee, vừa chia sẻ cảm xúc về 2 năm làm việc trong vị trí cố vấn chuyên môn của DOE ở Washington, D.C như một khoảng thời gian đặc biệt, với những trải nghiệm rất đáng nhớ[1]. Bản thân là một nhà vật lý hạt nhân, nhưng GS Dean đã được mời tham dự góp ý, thảo luận và tư vấn giải quyết nhiều vấn đề khác nhau liên quan đến quy hoạch năng lượng, xử lý quá trình thay đổi khí hậu, đẩy mạnh vai trò của tính toán hiệu năng cao trong các lĩnh vực cạnh tranh nhất của KHCN, cho đến việc giúp các nhà quản lý khẳng định vai trò của các nhà khoa học và của chính phủ Hoa Kỳ trong việc giải quyết các vấn đề năng lượng… Ngoài các vấn đề chuyên sâu trong các lĩnh vực KHCN, các nhà cố vấn như GS Dean còn trực tiếp tham gia tư vấn, giúp Chính phủ quy hoạch chính sách, chiến lược phát triển KHCN sao cho đội ngũ nhân lực KHCN luôn ở mức cạnh tranh cao nhất về trình độ và khả năng không chỉ tiến hành nghiên cứu khoa học ở trình độ cao mà còn triển khai đưa những thành tựu khoa học hiện đại vào ứng dụng những công nghệ mới nhất.   

Ở nước ta, tôi thấy rằng giới quản lý KHCN thường xuyên rất bận bịu với các công việc hành chính, quản lý của mình và gần như không có giao lưu công việc thực sự như trên với các nhà khoa học ở các trường đại học và viện nghiên cứu. Chưa nói là nhiều vấn đề quan trọng vẫn đang được giải quyết theo cách truyền thống của ta, theo con đường của quyết định và thông tư hành chính chỉ đạo từ trên xuống dưới. Mặc dù cộng đồng KHCN của chúng ta còn nhỏ bé và yếu kém so với quốc tế, nhưng chúng ta không thiếu các nhà khoa học ngày đêm tâm huyết với sự nghiệp phát triển, tiến bộ của đất nước. Phải chăng đã đến lúc Việt Nam cũng nên xét đến phương thức làm việc dân chủ và cầu thị như trên của DOE ? 
———————–
[1]  D.J. Dean, “The challenge of energy to science”, Nuclear Physics News, Vol. 21, No. 3, 2011,  p. 3.

Tác giả