Quy trình bổ nhiệm chức danh của “fellowship”

Cái khác giữa xin việc và xin chức danh ở đây là những người xin việc không phải là những người đang thất nghiệp hay muốn chuyển chỗ làm, mà là những giáo sư đã thành danh, những nhà khoa học lãnh đạo một nhóm nghiên cứu. Vì thế, qui trình của việc bổ nhiệm chức danh này có rất nhiều điều đáng nói về cách chấn chỉnh lại đội ngũ khoa ở Úc- một mô hình mà Việt Nam có thể  tham khảo trong quá trình tổ chức lại hoạt động khoa học.

Nhu cầu cho chương trình fellowship

Nước Úc chỉ có 20 triệu dân, nhưng có những thành tựu rất đáng tự hào về hoạt động khoa học trên trường quốc tế, với nhiều người đoạt giải Nobel. Nhưng đó là những thành tích của 40 hay 50 năm về trước, còn trong thời gian gần đây thì tình trạng xuống dốc trong các đại học và viện nghiên cứu đã được báo động nhiều lần. Tình trạng chảy máu chất xám càng ngày càng trầm trọng, Ngoài con số hàng ngàn chuyên gia bỏ xứ sang Mỹ và Âu châu làm việc, còn có hàng trăm các nhà khoa học trình độ tiến sĩ, giảng sư, và giáo sư bỏ Úc sang làm việc tại Mỹ với khả năng hồi hương rất thấp vì thiếu ngân sách cho nghiên cứu khoa học và cơ cấu sự nghiệp không rõ ràng. Chẳng riêng gì Mỹ, mà ngay cả nước láng giềng đang lên như Singapore cũng đang chiêu dụ các nhà khoa học Úc sang làm việc trong các đại học và trung tâm nghiên cứu của họ. Hệ quả là hoạt động khoa học của Úc xuống cấp.

Chính phủ ý thức được tình trạng khoa học nước họ đang trên đà tụt hậu, nên năm nay Quốc hội dự trù một ngân sách lên đến 5 tỉ USD để chấn hưng và phát triển khoa học. Ngân sách khổng lồ này được dự trù cho 5 năm, với nhiều chương trình cụ thể như xây dựng cơ sở vật chất, chấn chỉnh đội ngũ giáo sư, cung cấp học bổng cho nghiên cứu nước ngoài làm nghiên cứu tại Úc, và cung cấp ngân quĩ cho các nhà khoa học Úc thực hiện các dự án nghiên cứu ở nước ngoài, nhất là các nước Á châu.

Một trong những phương cách để chấn hưng và phát triển khoa học là chấn chỉnh lại đội ngũ nhà khoa học là thiết lập một số chương trình Fellowship (giống như cấp “học bổng” hay nói đúng ra là lương bổng và chi phí nghiên cứu cho các nhà khoa học chuyên nghiệp). Các chương trình này bao gồm NHMRC Fellowship (National Health and Medical Research Council) chủ yếu dành cho các nhà khoa học thực nghiệm như y sinh học, ARC Fellowship (Australian Research Council) chủ yếu dành cho các nhà khoa học tự nhiên, Australia Fellowship chủ yếu dành cho việc “chiêu dụ” các nhà khoa học Úc đang ở nước ngoài, và nhiều chương trình cho các nhà khoa học trẻ.

Ở Úc ARC và NHMRC là hai cơ quan có trách nhiệm quản lí ngân sách khoa học. Thật ra, đây không phải là “cơ quan” đúng nghĩa, mà là một hội đồng khoa học, mà thành viên là các nhà khoa học trong nước thay nhau đứng ra quản lí và điều hành. Mỗi năm, Chính phủ giao cho hai hội đồng một ngân sách, và việc phân phối tiền cho các dự án nghiên cứu được tiến hành theo những qui trình được cộng đồng khoa học nhất trí. Do đó, chương trình fellowship cũng do hai hội đồng này quản lí. Chính phủ hoàn toàn không can thiệp vào quyết định của hai hội đồng này.

Chương trình fellowship này nhắm vào 5 mục tiêu chính như sau: 1. Khuếch trương và nuôi dưỡng một đội ngũ khoa học gia ưu tú cho Úc. 2. Đảm bảo các nhà khoa học này một sự nghiệp vững vàng (tức họ không phải lo chuyện “cơm áo gạo tiền”). 3. Xây dựng một môi trường tri thức và cơ sở vật chất để huấn luyện thế hệ khoa học gia trẻ. 4. Khuyến khích việc chuyển giao công nghệ và ứng dụng các thành tựu nghiên cứu vào thực hành lâm sàng, hoạt động sản xuất, và qua đó nâng cao tính cạnh tranh của Úc. 5. Khuyến khích và tạo điều kiện để các nhà khoa học có những mối tương tác với các cơ quan Chính phủ và công ty kĩ nghệ.

Tóm lại, mục tiêu chính của chương trình fellowship là nhắm vào việc xây dựng một đội ngũ khoa học gia loại “hoa tiêu” cho Úc để nâng cao tính cạnh tranh của Úc trên trường quốc tế.

Tuyển dụng những nhà khoa học ưu tú từ đâu?

Nguồn thứ nhất là từ các giáo sư đang công tác tại đại học và viện nghiên cứu của Úc. Tất nhiên, cũng có thể tuyển từ nước ngoài, đặc biệt là Mỹ và Âu châu. Mỗi năm, fellow gửi thông báo đến những nơi vừa kể để mời các giáo sư và giảng sư đệ đơn xin làm (chữ fellow rất khó dịch, nên tôi đành để nguyên văn). Có 3 loại fellow chính (từ thấp đến cao): research fellow, senior research fellow, và principal research fellow. Người đệ đơn lần đầu không có quyền xin chức principal research fellow, cho dù người đó từng đoạt giải Nobel, vì chức danh này chỉ dành cho những senior research fellow xin đề bạt.

Không dễ định nghĩa và cũng chẳng ai qui định trên giấy trắng mực đen như thế nào là “nhà khoa học ưu tú”, nhưng qua trao đổi cá nhân với nhau, các nhà khoa học đều nhất trí rằng nhà khoa học ưu tú là người đứng trong nhóm “top 5%” trong một lĩnh vực chuyên môn ở bình diện quốc tế (chứ không phải quốc gia).

Được bổ nhiệm làm fellow không chỉ là một vinh dự cho cá nhân nhà khoa học, mà còn là một niềm hãnh diện của trường đại học nơi ứng viên công tác. Thật ra, đối với trường đại học họ “rảnh tay” và tiết kiệm một số tiền khá lớn, vì họ không phải trả lương cho nhà khoa học khi nhà khoa học đã được bổ nhiệm NHMRC fellow! Còn đối với nhà khoa học, họ không phải kí hợp đồng mỗi năm với trường đại học, vì mỗi fellowship được Chính phủ “nuôi dưỡng” đến 5 năm. Nói tóm lại, cả đôi bên – đại học và nhà khoa học – đều có lợi!

Qui trình bình duyệt (phản biện)

Nói chung qui trình xét duyệt đơn fellowship cũng không khác gì qui trình xét đơn tài trợ, tức phải qua bình duyệt (hay nói theo ngôn ngữ trong nước là “phản biện”). Trong qui trình này, việc chuẩn bị tờ đơn fellowship hết sức khó khăn và đóng một vai trò cực kì quan trọng. Cái khó khăn không chỉ vì những qui định bất di bất dịch về số chữ, số trang, mà ở chỗ ứng viên phải đi ngược về quá khứ cả hai mươi năm về trước để  liệt kê tất cả những ấn phẩm khoa học (không tính những bài báo trong hội nghị khoa học) đã công bố, hệ số ảnh hưởng của tập san (impact factor) là bao nhiêu, số lần trích dẫn bao nhiêu, và trong trường hợp bài báo có nhiều tác giả, ứng viên phải nêu rõ vai trò của mình trong bài báo là gì. Ngoài phần ấn phẩm khoa học, ứng viên còn phải liệt kê tất cả những lần được các hội nghị khoa học nước ngoài mời giảng, nói chuyện, hay chủ tọa; giải thưởng cấp quốc gia và quốc tế, hoạt động gì trong các hội đoàn khoa học quốc tế; đóng vai trò gì trong bình duyệt bài báo hay tham gia ban biên tập tập san nào, ở đâu, chỉ số ảnh hưởng ra sao; đào tạo bao nhiêu thạc sĩ và tiến sĩ (không kể cử nhân); đào tạo bao nhiêu hậu tiến sĩ; thành tích thu hút tài trợ từ nước ngoài và trong nước ra sao; có đóng góp gì cho chính sách khoa học quốc gia và quốc tế; có đóng góp gì cho cộng đồng và quần chúng; v.v…

Cụ thể như trung bình một đơn xin làm fellow của NHMRC dài khoảng 100 trang tốn đến 2-3 tháng trời. Vì thế, đối với nhiều người, soạn thảo một đơn xin làm fellow là một cơn ác mộng (nightmare). Tất cả các tiêu chuẩn và qui trình duyệt đơn đều được công bố trên mạng. Theo qui trình này, khi nhận được đơn, NHMRC sẽ thành lập một số ủy ban chuyên ngành để duyệt đơn. Mỗi ủy ban có 6 thành viên, được tuyển chọn từ các nhà khoa học. Thông thường những thành viên này là những người đã được bổ nhiệm fellow của NHMRC, nhưng cũng có khi chính những thành viên này cũng là những người đang đệ đơn xin chức fellow. Như đề cập trên, chính sách của chính phủ Úc là các quan chức Nhà nước không can thiệp vào qui trình bổ nhiệm; tất cả việc bổ nhiệm và điều hành ngân quĩ đều do chính các nhà khoa học cùng nhau thực hiện theo các qui tắc đã được cộng đồng khoa học chấp thuận.

Nhiệm vụ chính của các ủy ban này là tuyển duyệt các đơn và thực hiện cuộc phỏng vấn. Khi nhận được đơn từ các ứng viên, ủy ban sẽ gửi đơn đến 4 chuyên gia (trong số này phải có 2 chuyên gia từ nước ngoài) để bình duyệt. Cũng như phản biện một bài báo khoa học hay đơn xin tài trợ nghiên cứu, ứng viên sẽ không biết các chuyên gia này là ai. Ứng viên có quyền đề cử chuyên gia bình duyệt và phải nêu lí do. Những người từng đứng tên tác giả với ứng viên trong các ấn phẩm khoa học hay những người có quan hệ mật thiết (như thầy / cô cũ) sẽ không có tư cách để bình duyệt đơn. Ứng viên cũng có quyền liệt kê các chuyên gia mà ứng viên không muốn họ duyệt đơn mình và phải nêu lí do. Tuy nhiên, rất ít khi nào ủy ban gửi đơn cho các chuyên gia mà ứng viên đề cử, vì họ thừa biết các chuyên gia này là bạn bè hay đồng nghiệp thân cận với ứng viên, nên chắc chắn họ sẽ có những ý kiến thiếu khách quan. Đôi khi (rất hiếm), ủy ban lại gửi đơn cho chính chuyên gia mà ứng viên đề nghị không nên duyệt đơn!

Dựa vào đề nghị của 4 báo cáo bình duyệt, ủy ban sẽ loại những ứng viên không đủ tiêu chuẩn, và chọn những ứng viên có triển vọng để phỏng vấn. Thông thường, số ứng viên bị loại bỏ trong vòng một này là 70-80%, tức chỉ có 20-30% được mời phỏng vấn (hay vào vòng hai). Cuộc phỏng vấn rất quan trọng, vì nó có thể đem lại thành công hay thất bại cho ứng viên. Có thể xem cuộc phỏng vấn là một cơ chế để sàng lọc ứng viên. Nên nhớ rằng, tất cả các ứng viên được mời phỏng vấn đều là những người đã đạt tiêu chuẩn fellow, nhưng đơn giản vì NHMRC không đủ ngân sách cho tất cả ứng viên, nên họ phải sử dụng cuộc phỏng vấn để … loại bớt ứng viên sao cho vừa đủ ngân sách.

Theo thống kê, mỗi năm NHMRC nhận được khoảng 2000 đơn, nhưng chỉ có 500 ứng viên lọt vào vòng 2 (phỏng vấn). Sau khi phỏng vấn, chỉ có 50 đến 100 ứng viên (tùy theo ngân sách trong năm và tùy theo chương trình) được bổ nhiệm làm NHMRC fellow. Tuy con số không nhiều, nhưng nó cũng tốn chính phủ từ 50 triệu đến 100 triệu USD, một số tiền rất lớn. Tất nhiên, những người phụ trách điều hành NHMRC phải nói rằng nếu ứng viên không được bổ nhiệm thì điều đó không có nghĩa là ứng viên không thuộc vào hàng ưu tú. Nhưng có mấy ai nghe lời giải thích (mang chút an ủi) này! Trong thực tế, sự thất bại chẳng làm thay đổi công việc hay vị thế của ứng viên, vì họ vẫn là giáo sư, vẫn là những người lãnh đạo một nhóm nghiên cứu, vẫn hoạt động bình thường; có khác chăng là họ không được – hay thất bại trong phấn đấu để được – “kết nạp” vào câu lạc bộ các nhà khoa học ưu tú.

Nếu ứng viên được bổ nhiệm là NHMRC fellow, tùy theo cấp bậc, ứng viên sẽ được cung cấp một ngân sách chủ yếu là lương bổng trong vòng 5 năm (lên đến gần 1 triệu USD). Ứng viên có thể chọn bất cứ đại học hay trung tâm nghiên cứu nào để nghiên cứu. Nói cách khác, với một NHMRC fellowship trong tay, ứng viên bây giờ là người chọn đại học, chứ không phải đại học chọn ứng viên. Vì số tiền khá lớn và kéo dài đến 5 năm, cho nên ủy ban bình duyệt xem đây là một sự đầu tư tri thức, hay một cuộc đánh bạc. Mà, đã là đầu tư, thì họ phải cẩn thận xem xét khả năng đầu tư sẽ đem lại tối đa lợi ích. Chính vì thế mà họ phải xét đến thành tựu trong quá khứ, hiện tại và tương lai của ứng viên. Những thông tin trong đơn cũng chưa đủ, nên họ cần phải trực tiếp phỏng vấn ứng viên để xác định và xác minh các thông tin, cũng như tư cách của ứng viên xem có xứng đáng với chức danh hay không. Do đó, cuộc phỏng vấn đóng vai trò rất quan trọng, vì kết quả phỏng vấn có thể là yếu tố chính quyết định sự thành bại của ứng viên.

Nhìn người lại nghĩ đến ta

Tình hình hoạt động khoa học ở nước ta trong những năm gần đây bắt đầu có nhiều chuyển biến tích cực. Các bộ liên quan đến hoạt động khoa học đã bắt đầu áp dụng những chuẩn mực quốc tế để trong việc đào tạo tiến sĩ và đánh giá năng suất của các nhà khoa học. Nhưng cách tổ chức các hoạt động khoa học ở nước ta, theo tôi, vẫn còn nhiều bất cập.

* Trong khi cả nước có một trung tâm khoa học và công nghệ, thì các bộ, thậm chí các cục thuộc Chính phủ, cũng có những viện nghiên cứu riêng. Các nghiên cứu khoa học vẫn chủ yếu được thực hiện tại các viện nghiên cứu, trong khi đó đóng góp các đại học còn quá khiêm tốn dù ở đây có đội ngũ giáo sư và nghiên cứu sinh khá hùng hậu. Đó là chưa kể đến tình trạng chảy máu chất xám rất trầm trọng ở trong nước, với nhiều nghiên cứu sinh không chịu (hay không được tạo điều kiện và cơ hội) về nước tham gia nghiên cứu. Rõ ràng, nhu cầu tổ chức lại đội ngũ nghiên cứu khoa học là rất cấp bách trong môi trường cạnh tranh như hiện nay.

Hiện nay, có nhiều mô hình tổ chức, và kinh nghiệm từ các nước có nền khoa học tiên tiến như Mỹ, Âu châu, Úc và Canada có thể cung cấp cho chúng ta những mô hình có ích. Theo các mô hình này, các viện nghiên cứu nhỏ hay trung bình (dưới 50 người) của các bộ và cục nên sáp nhập với các đại học, nhưng vẫn giữ định hướng nghiên cứu của họ. Cách làm này vừa tạo ra môi trường để các giáo sư trong trường cộng tác với viện nghiên cứu, và sử dụng các nhà khoa học của viện trong công tác giảng dạy và đào tạo nghiên cứu sinh.

* Qui trình phân phối ngân quĩ cho nghiên cứu khoa học cũng cần nên xem xét lại, hay tốt nhất là thay đổi. Hiện nay, các bộ như Bộ y tế ra đề tài nghiên cứu như “đơn đặt hàng” và các nhà nghiên cứu đệ đơn xin ngân sách nghiên cứu. Theo tôi, cách làm theo kiểu đơn đặt hàng này quá máy móc, công thức hành chính, làm hạn chế tầm hoạt động của nhà nghiên cứu. Với cách làm này, nếu một nhà nghiên cứu không có kinh nghiệm làm theo đơn đặt hàng của bộ chắc sẽ … thất nghiệp. Các nhà nghiên cứu nên được khuyến khích tự do tìm tòi và thực hiện những nghiên cứu mà họ muốn. Tất nhiên, dự án các nghiên cứu này phải được duyệt nghiêm chỉnh, và cho dù họ có muốn theo đuổi công trình nghiên cứu, nhưng không chứng minh được khả năng và triển vọng thành công thì công trình sẽ không được hỗ trợ.

Nước ta đang hội nhập quốc tế, và theo tôi hội nhập phải bắt đầu từ nghiên cứu sinh và các nhà khoa học trẻ. Chúng ta đang có một lực lượng nhà khoa học trẻ được đào tạo từ nước ngoài, nhưng tiềm năng của họ chưa được khai thác vì nhiều người chưa có cơ hội nghiên cứu khoa học. Chúng ta cần có một ngân quĩ hay chương trình để tập trung các nhà khoa học trẻ và nâng đỡ họ thành những nhà khoa học quốc tế. Ở các nước tiên tiến và phương Tây, Nhà nước có khá nhiều chương trình huấn luyện hậu tiến sĩ, và các quĩ dành cho các nhà khoa học trẻ “đang lên”, tức có tiềm năng trở thành lãnh đạo trong tương lai. Tôi tin rằng những tiêu chuẩn của Úc rất cần được tham khảo khi thiết lập một chương trình như thế.

* Một trong những vấn đề mà Nhà nước hay nhắc đến trong năm qua là phương thức nào để thu hút các nhà khoa học gốc Việt ở nước ngoài về nước tham gia nghiên cứu. Bàn thảo cũng đã nhiều, nhưng việc thực hiện vẫn chưa đi đến đâu. Theo tôi, một cách để tạo điều kiện cho các nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài về nước là làm như Úc, tức là thiết lập các chương trình fellowship. Các fellow được bổ nhiệm sẽ được sung vào các trường đại học và viện nghiên cứu, và họ được tạo điều kiện ưu tiên cho nghiên cứu khoa học. Tất nhiên, các fellow này phải có chương trình nghiên cứu khả thi và các chương trình này phải được bình duyệt một cách nghiêm chỉnh như cách làm ở Úc hay ở Mỹ.

Tác giả