Sự dấn thân trong khoa học

Chúng ta từng có thế hệ những nhà khoa học được mến phục gọi là nhà khoa học dấn thân, như các Giáo sư Trần Đại Nghĩa, Trần Đức Thảo, Lê Văn Thiêm, Đặng Văn Ngữ, Hoàng Tụy... Họ dám từ chối cuộc sống vật chất đầy đủ và điều kiện nghiên cứu thuận lợi để về nước theo đuổi sự nghiệp khoa học và đạt những thành tựu lớn bất chấp mọi thiếu thốn, gian nan trong hai cuộc kháng chiến. Đất nước đã hòa bình và thống nhất 35 năm, điều kiện kinh tế - xã hội đã đổi khác, liệu các nhà khoa học có còn phải dấn thân không và họ đang dấn thân như thế nào?  Dưới đây là lược ghi một số ý kiến từ cuộc tọa đàm chung quanh đề tài này do Tia Sáng tổ chức.

HAI KIỂU DẤN THÂN
Nhà nghiên cứu Việt Phương

Tôi nhớ có một định nghĩa về nhà khoa học “đáo để” (tức là dấn thân đến cùng). Đó là người hình thành được chủ kiến về đề tài mình theo đuổi và đẩy nó lên đỉnh cao nhất của sự tìm tòi suy nghĩ, không dừng lại dở chừng, rồi sau đó tìm mọi cách để hiện thực hóa toàn bộ hoặc một phần chủ kiến đó, không chịu để nó bị bẻ cong bởi sức ép của những thứ quyền lực: chính quyền, thần quyền, danh quyền, lợi quyền, dư luận quyền, gia đình quyền, bạn bè quyền, hay tình yêu quyền.  Lĩnh vực nào cũng có những người tuyệt vời dũng cảm và những người cực kỳ hèn nhát, bởi vậy sẽ xuất hiện những người dấn thân đích thực và những kẻ dấn thân cơ hội (muốn náu mình sau những thành tựu đã được xác lập, và dựa vào đó để tán tụng thêm). Dấn thân có nghĩa là biết trước nhưng vẫn chấp nhận nguy hiểm, khó khăn và thử thách để được làm công việc mình đã chọn. Khó khăn thử thách đó, theo tôi chung quy có ba loại. Thứ nhất là khó khăn của bản thân khoa học: nhà khoa học có dám húc đầu vào những câu hỏi mà có thể nhiều thế hệ chưa tìm ra lời đáp không. Thứ hai là khó khăn trong cộng tác. Trong khoa học ít có trường hợp làm việc đơn thương độc mã mà thường phải làm việc theo nhóm, trong một môi trường không chỉ gồm những người cùng giới mà còn rộng ra bên ngoài. Những mối quan hệ giữa con người với nhau đó có thể hỗ trợ, lại cũng có thể gây ra những trì kéo khốn khổ, nếu không quyết liệt dấn thân, nhà khoa học sẽ nản lòng lùi bước hoặc dừng lại giữa chừng. Nhưng khó khăn lớn nhất chính là trên con đường nghiên cứu, nhà khoa học cần sáng tạo, mà để sáng tạo, tư tưởng của họ phải không bị kiềm chế bởi bất kỳ điều gì. Khi chủ kiến của mình khác một trời một vực với cái vốn được coi là chân lý, nhìn thấy trước các mũ kim cô có thể chụp lên đầu, liệu nhà khoa học sẽ dấn thân tiếp hay thôi. Trong một cuộc điều tra nho nhỏ, tôi thử đặt câu hỏi “Có phải trọng dụng và trọng đãi là quan trọng nhất với nhà khoa học không?” cho một số anh em. Và tôi không ngạc nhiên khi nhận được nhiều câu trả lời là không. Anh em làm khoa học cho rằng, trọng dụng hay trọng đãi tức vẫn có là ai đó có thể áp đặt quyền lực đối với mình bằng cách tỏ ra rộng rãi hoặc khe khắt. Nhà khoa học đích thực chỉ cần một điều thôi: đó là dân chủ và tự do để sáng tạo. Nếu dân chủ tự do của giới trí thức được dân tộc ủng hộ, giới cầm quyền tôn trọng thì anh em trí thức sẽ có thành tựu, và nhờ có thành tựu thật sự nên sẽ được đối đãi đích đáng cả về vật chất lẫn tinh thần. Cá nhân tôi thấy từ “engagement” (cam kết) trong tiếng Anh gợi hơn từ “dấn thân” – cam kết theo đuổi mục tiêu nghiên cứu đến cùng. 

PGS. TS. Phạm Đức Chính, Viện Cơ học
Theo tôi, dấn thân trong khoa học không cứ phải như Bruno – sẵn sàng chết trên dàn thiêu để bảo vệ quan điểm khoa học của mình, hay như Perelman từ chối cả huy chương Fields và giải thưởng 1 triệu USD, mặc dù họ thực sự là những con người dấn thân, không vụ lợi, với những đóng góp lớn cho phát triển khoa học.  Những người đã nghiên cứu khoa học có kết quả công bố quốc tế từ Việt Nam bất chấp điều kiện khó khăn trong nhiều năm qua là những người đã thể hiện sự dấn thân trong nghề nghiệp. Trước nay họ vẫn đã, đang và sẽ tiếp tục làm việc và công bố như vậy dù có hay chưa có sự ủng hộ cả về tinh thần và vật chất của NAFOSTED. Còn những chuyên gia dù chủ trì nhiều đề tài cấp này nọ nhưng luôn lảng tránh hội nhập với chuẩn mực quốc tế, luôn ngụy biện rằng ta có cách làm riêng của ta vì hoàn cảnh của ta chưa được như quốc tế, luôn đòi hỏi một chiều rằng nhà nước phải đầu tư nhiều hơn nữa, không phải là những người dấn thân vào khoa học. 

LÃNH ĐẠO KHOA HỌC PHẢI DẤN THÂN TRƯỚC TIÊN
GS. TSKH Trần Xuân Hoài, Viện Vật lý ứng dụng 
Làm khoa học đương nhiên phải dấn thân nhưng quan trọng hơn dấn thân để đạt kết quả gì, hay dấn thân chỉ để thiêu thân? Cá nhân tôi cho rằng, để dấn thân và có ích cho khoa học trong điều kiện hiện nay, các nhà khoa học làm quản lý phải dấn thân trước tiên. Họ là người có quyền lực vì vậy có trách nhiệm sử dụng quyền lực đó phục vụ cho mục tiêu phát triển khoa học công nghệ của đất nước. Khi nhà quản lý khoa học dấn thân thì việc đấu tranh cho các quyền lợi chính đáng của nhà khoa học cũng sẽ hiệu quả hơn, người tài sẽ được nhìn nhận và trọng dụng… Việc gần đây lãnh đạo Bộ KH&CN, Quỹ NAFOSTED đã vượt mọi áp lực, quyết tâm ban hành quy chế tuyển chọn các đề tài nghiên cứu cơ bản, từ đó đã tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều nhà khoa học nhất là các nhà khoa học trẻ phát huy được tài năng. Hoặc một viện trưởng đã từ chức vì không đạt được mục tiêu đưa viện do mình quản lý phát triển, là minh chứng về sự dấn thân của nhà quản lý. Trong bối cảnh hiện nay, nếu những người lãnh đạo không dấn thân mà chỉ lo giữ ghế, chỉ nhìn lên phía trên, không nhìn về phía dưới, thì sự dấn thân của các nhà khoa học khác sẽ chẳng có mấy kết quả. Hàn Quốc từng có thời kỳ giống Việt Nam bây giờ, nhưng đến lúc có lệnh bắt buộc người lãnh đạo phải làm tốt việc quản lý, tức quản lý để phục vụ khoa học, thì họ đã tập hợp được nhiều người tài để cùng nhau làm khoa học thật sự.

TẠO MÔI TRƯỜNG CHO SỰ DẤN THÂN
GS. Hoàng Ngọc Long, Viện Vật lý và Điện tử
Đã làm khoa học là dấn thân, Nhà nước không cần hô hào, chúng tôi vẫn tự khắc theo đuổi khoa học, một khi đã có lòng đam mê. Tôi biết có những người trong ngành vật lý nếu bỏ ra ngoài làm kinh doanh thì với khả năng tư duy của mình, họ sẽ rất thành công, nhưng họ vẫn ở lại – đó là một sự hy sinh. Tôi cũng có những học trò rất giỏi nhưng chấp nhận bỏ dạy thêm kiếm tiền để làm nghiên cứu, trong khi càng làm càng vất vả vì đề tài cho cả chục người tham gia mà chỉ được 40 triệu – đó cũng là hy sinh. Mấy năm nay, kể từ khi có Quỹ NAFOSTED thì tình hình đã được cải thiện. Chúng tôi không đòi hỏi một cuộc sống cao sang thừa thãi mới làm khoa học, nhưng nếu được tạo điều kiện để yên tâm tập trung vào công việc, việc dấn thân của chúng tôi sẽ đỡ vất vả hơn. 

PGS. TS. Nguyễn Ngọc Châu, Viện Sinh thái
Theo tôi, không phải ai muốn dấn thân cũng được, chỉ những người tài năng mới có thể dấn thân. Việt Nam hiện ít có nhà khoa học dấn thân, đó là kết quả tất yếu của một đội ngũ khoa học còn kém, mà sâu xa theo tôi có bốn nguyên nhân. Một là do hệ thống đào tạo lầm lẫn của chúng ta chỉ quen dạy học trò ngoan ngoãn, nghe lời chứ không dạy học trò biết nghi ngờ, phản biện. Hai là do tính cách người Việt thích học để làm quan chứ không học để khám phá, sáng tạo. Ba là xã hội chúng ta, bằng những cách chính thức hoặc không chính thức, đều kích thích ham muốn làm quan, chẳng hạn như định kiến cho rằng đã là cấp trên thì phải xuất sắc hơn cấp dưới. May mắn thời gian gần đây, qua những tiêu chí cụ thể như công bố quốc tế và đề tài NAFOSTED, việc đánh giá ai là nhà khoa học thực tài đã rạch ròi hơn. Thứ tư, đó là môi trường khoa học bị hành chính hóa nặng nề, nghiên cứu cũng phải xin phép và được định hướng, như vậy tự do suy nghĩ của nhà khoa học bị can thiệp quá sâu. Tóm lại, theo tôi không thể đào tạo ra những nhà khoa học dấn thân nhưng có nhiều cách để tạo môi trường cho họ thể hiện và phát triển

VÌ NGHỀ NGHIỆP MÌNH YÊU THÍCH
PGS. TSKH Đào Tiến Khoa, Viện Khoa học Kỹ thuật hạt nhân
Bản thân tôi thấy từ dấn thân hơi khẩu hiệu. Đời sống khoa học không được cứng cáp như vậy. Như thế hệ chúng tôi không thể gọi là dấn thân được, chúng tôi đơn giản là làm cái mình được học, tất nhiên cũng có đam mê và yêu thích vì cảm thấy được hòa nhập trong cộng đồng khoa học của mình. Nói đúng hơn, cũng như mọi ngành nghề khác, khoa học là chỗ để chúng tôi nương thân. Tôi có một cậu học sinh tài năng làm postdoc ở nước ngoài, mới đây đến Viện chúng tôi dự hội thảo, được Viện trưởng động viên về nước, cậu ấy đã nói rất thành thật: “Bọn trẻ chúng em cũng muốn làm khoa học lắm nhưng không có điều kiện vật chất thì không làm được, chúng em tiếp tục phải đi”. Rõ ràng, nhà khoa học cần được đãi ngộ để có điều kiện làm việc hợp lý, mà những đãi ngộ đó không nên gắn với những yêu cầu theo tôi là quá thực dụng như hiện nay – đòi hỏi nhà khoa học phải làm ra sản phẩm, phải gắn với thị trường, trong khi có ý kiến cho rằng ở Việt Nam thị trường đó chưa hình thành, chỉ là thị trường ảo. Thoả mãn nhu cầu ứng dụng là một khía cạnh đòi hỏi đối với khoa học, nhưng quan trọng hơn là xây dựng một cái vốn sáng tạo của cả xã hội, giúp cho người dân mình văn minh lên và yêu quý tri thức hơn, cứ như vậy tự khắc khoa học sẽ dần phát triển. 

TS Đỗ Vân Nam, Viện HAST, ĐH Bách khoa
Tốt nghiệp đại học, tôi được giữ lại làm cán bộ giảng dạy nhưng chỉ sáng cắp ba lô đi tối cắp về, lương 320 nghìn đồng/tháng, bố mẹ phải bán lúa để cứu trợ. Chả lẽ cứ ăn bám mãi, tôi xác định phải đi du học để giải quyết hai việc: được học tiếp và có tiền. Làm xong tiến sĩ Vật lý lý thuyết, tôi tiếp tục làm sau tiến sĩ ở Pháp. Mặc dù có cơ hội ở lại nước ngoài, nhưng tôi vẫn quyết định về nước, không phải vì động cơ hy sinh hay dấn thân gì to lớn, mà hoàn toàn vì lý do cá nhân: tôi không thích cuộc sống lủi thủi ở trời Tây. Khi biết tin Quỹ NAFOSTED khởi động, lúc này sắp về nước, tôi tranh thủ viết đề án đăng ký và được chấp nhận nên khi về nước tôi có đề tài ngay. Cuộc sống của người làm khoa học chỉ giản dị như vậy, là sự gom góp những niềm vui khi giải quyết trọn vẹn một vấn đề và tích lũy dần niềm đam mê, cộng với lòng tự tôn và một chút tham vọng các công trình của mình được đồng nghiệp trong và ngoài nước biết đến. Tôi xác định khoa học là một nghề và mong muốn sống được ở đó. Vì thế rất cần những quỹ như NAFOSTED tạo điều kiện cạnh tranh bình đẳng giữa những người làm khoa học, người làm được thì hưởng, không làm được thì bị đào thải, chứ kêu gọi dấn thân không thôi thì hơi đao to búa lớn và dễ thành khẩu hiệu suông.

Tác giả