Suy nghĩ về đổi mới cơ chế quản lý khoa học

Người ta có quyền đặt câu hỏi cơ chế quản lý khoa học của nước ta từ nhiều năm nay và hiện nay có gì là được, có gì là sai hỏng, mà sai hỏng đến mức phải đổi mới căn bản và toàn diện? Sự sai hỏng của cơ chế quản lý vì những nguyên nhân gì? Những ai là người chịu trách nhiệm? Then chốt của cuộc đổi mới ở đâu? 

Đó là những câu hỏi mà những người có trách nhiệm với đề án đổi mới cơ chế quản lý khoa học ở Việt Nam phải trả lời.

Bài học kinh nghiệm của nước ngoài

Mỹ là nước có nền khoa học phát triển bậc nhất trên thế giới. Họ quan niệm khoa học phải tự quản. Đại học cũng phải tự quản. Nhà nước có nhiệm vụ cấp ngân sách nhưng không quản lý. Tự quản chính là liên quan đến việc chọn người vào cơ chế khoa học. National Academy of Science (NAS) của Mỹ gồm những ngành chuyên biệt khác nhau, do họ tự bầu, đây là những nhà khoa học đầu ngành. Những người lãnh đạo được bầu ra, nhiệm kỳ 6 năm.

NAS có nhiệm vụ tuyển chọn người lập Ủy ban làm nghiên cứu đánh giá về các vấn đề hệ trọng mà tổng thống Mỹ yêu cầu. NAS không làm nghiên cứu cơ bản (original) mà chỉ làm nghiên cứu đánh giá tổng hợp về các vấn đề quan trọng của quốc gia, thí dụ như sự nóng lên toàn cầu. Người trong Ủy ban không nhất thiết là thành viên NAS, mà là người phải có chuyên môn sâu, am hiểu thực tiễn.

Ai cũng có thể nộp đề án và đề tài nghiên cứu cho rằng là cần thiết. National Science Foundation (NSF) là nơi đánh giá lựa chọn các nghiên cứu được đề xuất, tài trợ và công bố các đề tài nghiên cứu cơ bản. Giám đốc, phó giám đốc và Hội đồng khoa học quốc gia (National Science Board) gồm 24 thành viên là do Tổng thống bổ nhiệm và được Thượng viện thông qua với nhiệm kỳ 6 năm. Các thành viên gặp nhau 1 năm 6 lần để quyết định chính sách và quản lý NSF. Họ có 2100 nhân viên giúp việc làm quản lý. Nhiệm vụ chính là quyết định chọn đề án tài trợ và theo dõi quá trình thực thi. Ngân sách phân phối là 6,9 tỷ US. Các bộ phận nghiên cứu quan trọng như 5 phòng nghiên cứu quốc gia: Los Alamos, Brookhaven, Lawrence, Oakridge, Argone là nơi chuyên trách nghiên cứu về vật lý, hạt nhân, năng lượng liên quan đến an ninh quốc gia và cũng là nơi đã sản xuất ra nhiều giải Nobel. Người làm ở đây muốn xuất bản phải có sự đồng ý của an ninh quốc gia. National Health Institute chuyên về cho tiền nghiên cứu về y tế cũng tổ chức tự quản tương tự như NSF.Tất cả các đại học công hay tư cũng đều tự quản. Tất cả các cơ quan có trách nhiệm của Chính phủ và Quốc hội có quyền kiểm tra chi tiêu, chống tham nhũng và lạm quyền, cũng như kiểm tra các cơ sở nghiên cứu khoa học tự quản có làm theo đúng nguyên tắc/chính sách mà họ đề ra hay không.

Thực trạng cơ chế quản lý khoa học ở Việt Nam

Từ trước đến nay KHCN nước ta đóng góp vào thành tựu phát triển của đất nước còn rất khiêm tốn do các nguyên nhân chủ quan và khách quan. Chiến lược phát triển kinh tế xã hội của quốc gia thường là bài toán ngược, làm chậm, không có tầm nhìn. Do thiếu “nhạc trưởng” tầm cỡ, đủ tâm và tầm chỉ huy dàn nhạc chung cho nên các ngành, các cấp thường xây dựng chiến lược phát triển theo tư duy nhiệm kỳ và mạnh ai nấy làm.

Nhìn chung, cho đến nay, thiếu cơ chế cụ thể để điều phối hoạt động hiệu quả quản lý Nhà nước về khoa học và công nghệ. Hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý nhà nước đối với hoạt động khoa học và công nghệ còn thiếu, chưa cụ thể, thiếu đồng bộ, lạc hậu so với thực tiễn, nhiều quy định không khả thi. Thiếu phân công, phân cấp rõ ràng về quyền hạn và trách nhiệm và cơ chế hữu hiệu khắc phục tình trạng trùng lặp nhiệm vụ khoa học và công nghệ giữa các ngành, các cấp, và các địa phương.

Bộ KHCN được nhà nước giao quản lý chung hoạt động KHCN của toàn ngành nhưng thực tế đã phân cấp nhiều cho các ngành và địa phương. Ví dụ như về kinh phí cho hoạt động KHCN chiếm 2% chi ngân sách nhưng Bộ KHCN chỉ quản lý 10% trong tổng số kinh phí được cấp. Vốn đầu tư phát triển cho KHCN chiếm đến 40% nguồn ngân sách được cấp lại do Bộ Kế hoạch & Đầu tư quyết định? Nguồn vốn về các địa phương nhiều khi sử dụng không đúng đúng mục đích, Bộ KHCN cũng không nắm được. Nguồn vốn cho KHCN đã ít nhưng quyết toán chỉ khoảng 86% chỉ vì cơ chế thủ tục rất “nhiêu khê”, phi thực tế của Tài chính làm nản lòng các nhà khoa học.

Có lần tôi nghe trên hội trường một vị GS Viện trưởng kiêm bí thư đảng ủy một Viện khoa học lớn nói thẳng trước lãnh đạo cấp trên là chúng tôi phải tập trung đảm bảo về chất lượng sản phẩm nghiên cứu khoa học thì ít nhưng lại rất mất thời gian phải lo về khâu tài chính, đến nỗi phải họp lãnh đạo Viện đưa ra Nghị quyết “nói dối” để lấy sức mạnh thống nhất của tập thể đối phó với cơ chế tài chính phi lý của nhà nước!? Nghe thật trớ trêu nhưng đó là sự thật vì căn bệnh nói dối lan tràn trong mọi ngóc ngách trong đời sống của xã hội nước ta.

Quá trình đề xuất ra đề bài, xét tuyển chọn, chất lượng Hội đồng khoa học, quá trình kiểm tra thực hiện và khâu ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học từ cấp nhà nước đến cấp ngành và địa phương đều còn nhiều vấn đề tồn tại. Thử hỏi các chủ trương, chính sách được ban hành của Đảng và Nhà nước lâu nay có bao nhiêu hàm lượng chất xám được đúc kết rút ra từ các đề tài nghiên cứu khoa học? Rất nhiều đề tài nghiên cứu khoa học chủ yếu giải quyết khâu công ăn, việc làm, không có địa chỉ ứng dụng. Chưa có những cách thức hợp lý để giám sát đầu ra của nghiên cứu khoa học dẫn đến chất lượng sản phẩm không cao hoặc không thể ứng dụng được trong thực tiễn hoặc trong khoa học. Minh chứng là đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước của PGS Vũ Trọng Khải Hiệu trưởng trường quản lý cán bộ nông nghiệp 2 “Nghiên cứu phát triển nông thôn Việt Nam từ truyền thống làng xã đến văn minh thời đại” được Hội đồng nghiệm thu nhà nước đánh giá loại xuất sắc từ năm 2004 nhưng làm xong, “đắp chiếu” bỏ vào ngăn kéo chẳng ai đoái hoài, sử dụng.

Đổi mới cơ chế quản lý khoa học ở Việt Nam

Đổi mới về cơ chế quản lý khoa học có nghĩa là đổi mới cả về lượng và chất. Lượng ở đây là cả quá trình, xét từ chủ thể có nghĩa là theo chuỗi hệ thống gắn bó chặt chẽ với nhau từ khâu đầu tiên đến khâu hậu kiểm. Chất ở đây chính là sản phẩm làm ra phải thực tế đóng góp vào sự nghiệp phát triển của đất nước.

Trước mắt cần rà soát, đánh gía 6 nội dung chủ yếu của Quyết định 171/2004/QĐ-TTg, đối chiếu với các Nghị quyết, Thông tư đã ban hành liên quan đến quản lý KHCN. Cần xem xét, đánh giá lại tổng thể các chính sách liên quan (tài chính, con người, đầu tư…), chính sách nào phù hợp, không phù hợp, lỗi do đâu? Xem xét lại hệ thống nghiên cứu đã phù hợp chưa, mô hình tổ chức nào là hiệu quả (theo chuỗi giá trị hay theo công đoạn). Đánh giá mô hình quản lý KHCN hiện nay, kinh nghiệm của thế giới, mối quan hệ giữa Bộ KHCN/Hội đồng chính sách/các Bộ, ngành, địa phương. Môi trường hoạt động KHCN? V.v…

Nói tóm lại, để đưa ra một giải pháp khoa học và mang tính toàn diện cho bài toán quản lý cơ chế khoa học ở Việt Nam đòi hỏi phải tham khảo học tập kinh nghiệm của các nước tiến tiến, có nghiên cứu khoa học về quản lý một cách bài bản chứ không phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm, vừa sửa như đã làm trong thời gian vừa qua. Hoạt động KHCN phải lấy con người làm trung tâm. Nếu chỉ ra được các điểm sai, các vấn đề then chốt sai lầm từ thượng tầng kiến trúc hay ở hạ tầng cơ sở thực sự thì liệu có đủ dũng khí để sửa sai?

Cách đây 10 năm, ngày 17/7/2001, Thủ tướng Phan Văn Khải đã hỏi ý kiến 48 nhà khoa học hàng đầu ở nước ta về các vấn đề liên quan đến việc hoạch định chiến lược và chính sách, phương tiện khoa học và công nghệ nước nhà, về vấn đề gắn kết khoa học công nghệ với sản xuất kinh doanh, và quản lý các doanh nghiệp, sự kết hợp khoa học tự nhiên, khoa học công nghệ, khoa học xã hội và nhân văn, kết hợp hoạt động nghiên cứu khoa học với công tác giảng dạy đào tạo với hoạt động sản xuất và quản lý cần phải thực hiện bằng cơ chế và tổ chức gì để đạt chất lượng và hiệu quả tốt? Và câu hỏi đó đến nay vẫn mang tính thời sự và thách thức những người có trách nhiệm làm Đề án đổi mới căn bản, toàn diện và đồng bộ đối với cơ chế quản lý khoa học ở nước ta.

Tác giả