Tiếp cận thị trường và phù hợp thông lệ quốc tế

Đúng như tên gọi của nó, Đề án Tái cơ cấu ngành Khoa học và Công nghệ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng góp phần phát triển kinh tế, do Thủ tướng Chính Phủ ký quyết định ban hành ngày 11/12/2015, được kỳ vọng sẽ giúp ngành KH&CN có nhiều đóng góp thiết thực hơn cho nền kinh tế và sự nghiệp phát triển đất nước. Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân đã có cuộc trao đổi với Tia Sáng về ý nghĩa và một số điểm nhấn quan trọng của đề án này.


PV:
Những năm qua, Bộ KH&CN đã chủ động xây dựng nhiều chính sách nhằm đổi mới căn bản và toàn diện ngành KH&CN, và đó cũng là những nỗ lực nhằm tái cơ cấu ngành KH&CN. Do đó, có thể nói tiến trình tái cơ cấu ngành KH&CN thực ra đã bắt đầu từ trước khi có Đề án tái cơ cấu. Như vậy, ý nghĩa thực chất của Đề án lần này là gì?

Bộ trưởng Nguyễn Quân: Đúng là không cần chờ đến bây giờ mà từ nhiều năm qua, Bộ KH&CN đã chủ động tìm cách tiến hành tái cơ cấu lại toàn bộ hệ thống quản lý và tổ chức KH&CN cũng như hoạt động KH&CN, đặc biệt là trong quá trình thực hiện Nghị quyết 20 của TW năm 2012 về phát triển KH&CN và Luật KH&CN 2013. Như vậy, ý nghĩa thực chất của Đề án lần này chính là sự tổng hợp những quan điểm, giải pháp mang tính đột phá mà Bộ KH&CN đã và đang triển khai, đồng thời đề xuất thêm những giải pháp mới để khắc phục, giải quyết một cách hiệu quả hơn các khó khăn, vướng mắc còn đang tồn tại.

Từ những kinh nghiệm thực hiện tái cơ cấu ngành KH&CN mà Bộ KH&CN đã tiến hành từ nhiều năm qua, chúng ta có thể thấy đâu là những giải pháp quan trọng cần được đẩy mạnh trong thời gian tới?

Trước hết chúng ta phải quy hoạch lại mạng lưới các tổ chức KH&CN trong cả nước theo vùng miền, lĩnh vực để đáp ứng được yêu cầu xã hội, nhu cầu phát triển của đất nước trong năm năm tới sao cho việc đầu tư có trọng điểm hơn, không dàn trải, qua đó tạo điều kiện để hình thành được nhiều hơn những tổ chức đạt tiêu chuẩn khu vực và thế giới. Thứ hai cần tái cơ cấu lại hoạt động KH&CN tức là hoạt động R&D với tư duy là tiếp cận với kinh tế thị trường và phù hợp theo thông lệ quốc tế, theo đó, các nhiệm vụ KH&CN, các đề tài dự án KH&CN phải dựa trên cơ chế đặt hàng, cơ chế quỹ, và cơ chế khoán chi. Thứ ba là tái cơ cấu về đầu tư cho KH&CN, với điểm đột phá là có chế tài dành cho doanh nghiệp nhà nước (theo Nghị định 95), bắt buộc họ phải trích ít nhất 3% lợi nhuận trước thuế để thành lập quỹ phát triển KH&CN. Như vậy, cùng với nguồn đầu tư từ ngân sách nhà nước và khu vực tư nhân, họ sẽ giúp tổng mức đầu tư từ xã hội cho KH&CN gấp từ 2-3 lần so với từ nguồn ngân sách nhà nước, nguồn lực phát triển KH&CN của quốc gia sẽ dồi dào hơn và tốc độ đổi mới công nghệ của doanh nghiệp sẽ nhanh hơn. Thứ tư là tiếp tục đổi mới chế độ chính sách cho cán bộ khoa học, bên cạnh việc tinh giản biên chế theo chủ trương chung của chính phủ thì phải có chế độ đãi ngộ tốt hơn cho các nhà khoa học đầu ngành, các nhà khoa học chủ trì các nhiệm vụ quan trọng của quốc gia, và các nhà khoa học trẻ tài năng, trên nguyên tắc họ vừa có chế độ phụ cấp ưu đãi, vừa được giao quyền tự chủ toàn diện, kể cả tự chủ một khoản kinh phí ngân sách theo phương thức khoán hằng năm.

Trong những giải pháp đó, có những giải pháp đã được Bộ KH&CN đề ra từ lâu, vậy vì sao đến nay chúng vẫn chưa thực sự được triển khai mạnh mẽ và đi vào đời sống? 

Nguyên nhân quan trọng nhất là sự hạn chế về nhận thức, quyết tâm và ý thức phối hợp triển khai ở nhiều cấp quản lý thuộc các bộ, ngành, và địa phương. Ví dụ trong công tác quy hoạch lại tổ chức KH&CN công lập và chuyển đổi chúng sang cơ chế tự chủ, vấn đề được coi là thách thức lớn nhất của đề án tái cơ cấu lần này, khó khăn vướng mắc chủ yếu là người đứng đầu các tổ chức KH&CN cũng như các nhà lãnh đạo quản lý các cấp không thấy hết sự cần thiết của việc trao quyền tự chủ cho các tổ chức và cá nhân nhà khoa học, khiến tinh thần tự chủ hóa dù đã được chính phủ đề ra trong Nghị định 115 sau 10 năm triển khai đến nay vẫn chưa thể thực sự đi vào đời sống.
 
Phải chăng chậm trễ trong việc triển khai Viện Khoa học Việt Nam – Hàn Quốc (VKIST) cũng là một ví dụ về sự hạn chế trong nhận thức của các nhà quản lý các cấp…

Đúng như vậy, việc thành lập viện VKIST theo mô hình viện KIST của Hàn Quốc đã được sự cho phép của Thủ tướng Chính phủ, và nằm trong quyết tâm của Bộ KH&CN hướng tới hình thành hệ thống tổ chức KH&CN có điều kiện làm việc tương tự như các nước tiên tiến. Nhưng khó khăn vẫn bắt đầu từ quan điểm của một số cơ quan quản lí, khi nhiều người cho rằng làm như thế là mất bình đẳng trong hệ thống của chúng ta: “Tại sao cùng là viện của nhà nước, lại có những viện được chế độ ưu đãi đặc thù rất cao còn các viện khác không được?” Họ không thấy thực chất kinh phí dành cho tất cả các cơ chế ưu đãi vẫn nằm trong khuôn khổ 2% tổng chi ngân sách thôi chứ không đòi hỏi nhà nước đầu tư nhiều hơn; đồng thời đây mới chỉ là dự án thí điểm đầu tiên để kiểm chứng hiệu quả của việc đầu tư đúng người, đúng địa chỉ theo thông lệ quốc tế.

 

Ảnh: Phối cảnh VKIST ở khu Công nghệ cao Hòa Lạc

Nếu VKIST thành công thì sẽ nhân rộng mô hình này cho toàn bộ hệ thống. Và khi cả hệ thống được thay đổi theo xu hướng mới này thì chúng ta sẽ tinh giản được bộ máy theo quy hoạch, tập trung đầu tư để tất cả các viện có cơ chế tự chủ tốt hơn, tăng cường hiệu quả hoạt động R&D hướng tới đạt trình độ tương tự như các viện tiên tiến của khu vực và thế giới.

Nhưng để điều ấy trở thành hiện thực, trước mắt chúng ta phải thành công với dự án VKIST, mà muốn thế thì các bộ ngành cần thống nhất quan điểm để tạo điều kiện cho viện, hỗ trợ tối đa thời gian đầu khi viện mới thành lập: đầu tư cơ sở vật chất, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. Sau đó thì viện sẽ tự chủ hoàn toàn và hoạt động theo cơ chế thị trường và thông lệ quốc tế.

Như Bộ trưởng đã đề cập, việc tái cơ cấu đầu tư cho KH&CN cũng là một trong những nội dung quan trọng khác của Đề án Tái cơ cấu ngành KH&CN. Vậy Đề án đã đưa ra giải pháp nào cho vấn đề này?

Theo tôi giải pháp quan trọng nhất là thực hiện các chế tài. Chế tài trước đây chúng ta đã có nhưng không đủ mạnh. Ví dụ như các doanh nghiệp nhà nước không trích lập quỹ phát triển KH&CN thì cũng không có chế tài nào để xử lý họ. Nhưng bây giờ thì yêu cầu trích lập là bắt buộc với các doanh nghiệp nhà nước. Nếu không trích lập là vi phạm pháp luật. Các doanh nghiệp chủ động sử dụng phần trích của quỹ và nếu không dùng hết hoặc chưa sử dụng đến thì phải đóng góp cho các quỹ của nhà nước. Sau đó, khi nào có nhu cầu thì nhà nước sẽ tài trợ trở lại. Như vậy thì lúc nào cũng có dòng tiền đủ lớn cho KH&CN.

“Bộ KH&CN hiện đang tích cực xây dựng các chính sách cần thiết cho phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, một biến thể của thị trường KH&CN nhưng ở trình độ cao hơn. Hi vọng là tới đây khi hệ sinh thái khởi nghiệp hoàn thiện hơn cùng với sự xuất hiện ngày càng nhiều các quỹ đầu tư mạo hiểm và doanh nghiệp khởi nghiệp sẽ tạo ra những thay đổi mang tính đột phá cho thị trường KH&CN.”

Song song với đó là chế tài gắn với việc sắp xếp các tổ chức KH&CN theo quy hoạch Thủ tướng phê duyệt: tổ chức nào làm tốt mà nằm trong quy hoạch sẽ được nhà nước đầu tư, tổ chức nào mà không tuân thủ quy hoạch hoặc hoạt động không hiệu quả thì nhà nước sẽ giảm đầu tư. Như vậy đến lúc nào đó họ sẽ phải sáp nhập hay giải thể. Với đội ngũ cán bộ KH&CN cũng như vậy, ai làm tốt sẽ được tạo điều kiện tốt hơn, còn những người không làm việc hoặc làm không tốt thì sẽ bị đào thải khỏi hệ thống KH&CN của nhà nước thông qua việc tinh giản biên chế hoặc cơ chế “không làm việc thì không được hưởng lương”.

Đối với nguồn lực đầu tư ngoài nhà nước thì vướng mắc cơ bản lâu nay là hạn chế trong tiến trình phát triển thị trường công nghệ. Vì sao tiến trình này diễn ra chậm trễ và không như chúng ta mong đợi?

Việc phát triển thị trường KH&CN đòi hỏi bốn thành phần quan trọng: nguồn cung, nguồn cầu, các định chế trung gian và hành lang pháp lý. Về nguồn cung thì rất dồi dào, ngoài kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học trong nước, chúng ta còn có nguồn công nghệ nhập khẩu. Nguồn cầu cũng phong phú, do trình độ công nghệ của nhiều trong số khoảng 600.000 doanh nghiệp Việt Nam còn rất lạc hậu nên nhu cầu đổi mới công nghệ là rất lớn, đặc biệt trước sức ép cạnh tranh quốc tế sắp tới từ TPP. Về môi trường pháp lý ở Việt Nam thì về cơ bản đã tương đối đầy đủ cho thị trường KH&CN phát triển, với những nền tảng là luật đầu tư, luật ngân sách, luật doanh nghiệp rồi luật chứng khoán, luật đầu tư công; kèm theo đó là các nghị định hướng dẫn, thông tư – ngay cả việc đánh giá, định giá công nghệ cũng đều đã có văn bản hướng dẫn. Tuy nhiên, đối với các định chế trung gian thì chúng ta còn rất thiếu các tổ chức đảm nhiệm chức năng đánh giá, định giá, kiểm nghiệm, kiểm định, giám định, v.v, khiến các kết quả nghiên cứu khó đến được với doanh nghiệp, buộc họ phải đi mua công nghệ với giá đắt, chưa kể nhiều khi công nghệ không phù hợp với trình độ của doanh nghiệp. Đây chính là nguyên nhân khiến tiến trình phát triển thị trường KH&CN còn nhiều hạn chế.

Vậy chúng ta sẽ làm gì để phát triển các định chế trung gian?

Nếu chỉ dựa vào nguồn lực của nhà nước thì không đủ, bởi vậy chúng ta phải có chính sách khuyến khích đầu tư từ xã hội. Nhưng khó khăn cho khu vực tư nhân là việc xây dựng các trung tâm kiểm định, kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm đòi hỏi trang thiết bị hiện đại, nhân lực bài bản, vốn đầu tư rất lớn. Đồng thời để có nguồn thu thì họ còn phải được các bộ ngành tin tưởng giao việc, và xây dựng được thương hiệu có uy tín đối với thị trường. Vì vậy ở đây phải có vai trò hỗ trợ của nhà nước: thứ nhất là thường xuyên kiểm tra đảm bảo doanh nghiệp đáp ứng các điều kiện, quy định cần thiết; thứ hai là nhà nước giúp họ xây dựng thương hiệu uy tín; và thứ ba là nhà nước ban hành định mức phí dịch vụ đủ để họ có thể tồn tại bằng hoạt động của mình.

Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng đã dành thời gian cho cuộc phỏng vấn này!

Nhóm PV thực hiện

Thực tế là lâu nay trong nghiên cứu ứng dụng, tính hiệu quả của nhiều dự án còn thấp, ví dụ như nhiều nơi đầu tư nghiên cứu làm ra các giống lúa mới nhưng đến nay các giống lúa có giá trị thực sự cho người nông dân thì không nhiều. Để khắc phục tình trạng này, Bộ trưởng Nguyễn Quân nêu ra ba giải pháp cơ bản:
“Đầu tiên phải áp dụng triệt để cơ chế đặt hàng, tức là khi chúng ta giao đề tài nghiên cứu phải xác định rõ người đề xuất đặt hàng phải chịu trách nhiệm tiếp nhận kết quả của đề tài đó khi nó thành công, đồng thời cũng chính người đó phải có nguồn lực đầu tư để tiếp tục hoàn thiện, đưa vào đời sống.
Chính vì vậy, cơ quan đề xuất đặt hàng phải là các bộ và UBND các tỉnh, thành phố chứ không phải là cá nhân các nhà khoa học hay là đơn vị sự nghiệp. Vì họ mới biết rõ những sản phẩm nào là thiết thực, phù hợp với chiến lược phát triển của ngành, lĩnh vực, địa phương của mình; đồng thời họ cũng là nơi huy động được nguồn lực để thực hiện đề tài.
Thứ hai, các đề tài, dự án phải xác định rõ ai sử dụng, sử dụng cho lĩnh vực nào, ở đâu, với những thông số, yêu cầu cụ thể về chủng loại, chất lượng, có triển vọng cao về tính khả thi và khả năng thương mại hóa.
Thứ ba là phải có nguồn lực. Hiện nay có rất nhiều nghiên cứu thành công, có sản phẩm tốt nhưng không hề có nguồn lực đầu tư, hoặc phải mất rất nhiều thời gian chờ đợi nhà đầu tư, cơ hội đầu tư. Vì thế, các cơ quan đề xuất đặt hàng phải chỉ rõ nguồn lực của họ như thế nào, trên cơ sở đó các hội đồng khoa học mới có thể xét duyệt được.”

Tác giả