Ba điều kiện để có doanh nghiệp nông nghiệp tiên phong

TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, Việt Nam sẽ có các doanh nghiệp mạnh (hay doanh nghiệp tiên phong) trong nông nghiệp nếu họ hội tụ ba yếu tố bao gồm: R&D, thương hiệu và tiêu chuẩn chất lượng.

MyLan Group đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao với công ty mới thành lập là RYNAN (Agrifoods)

Ngày 9/9 vừa qua, tại Hà Nội đã diễn ra hội thảo “Diễn đàn Phát triển doanh nghiệp nông nghiệp trong tiến trình tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới” do Ban kinh tế TW,  Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn và Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI phối hợp tổ chức. Trong đó, các đề xuất một số giải pháp trong việc tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp trong nông nghiệp Việt Nam.

Một trong số những địa phương tỏ thái độ quyết tâm trong việc “lôi kéo” doanh nghiệp tham gia vào phát triển nông nghiệp là Kon Tum. Bí thư tỉnh ủy Kon Tum Nguyễn Văn Hùng cho biết tỉnh sẽ đầu tư xây dựng vài trăm hecta nhà kính, cho các doanh nghiệp khởi nghiệp về công nghệ cao và các doanh nghiệp nước ngoài có mạng lưới phân phối rộng thuê miễn phí để họ đào tạo nông dân và đảm bảo sản phẩm đầu ra có giá trị cao, có thể xuất khẩu được. Họ cũng xác định tập trung vào hai sản phẩm là hoa xứ lạnh và gia súc. Hiện tại, họ đã nghiên cứu và nuôi trồng thành công các giống cỏ chăn nuôi và dê sữa có năng suất và chất lượng cao trên thế giới.

Nói về việc các doanh nghiệp không muốn tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp vì giá trị sản phẩm thấp, TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, mọi người cần thay đổi cách nhìn nhận: đây là thị trường rộng lớn, trị giá 15.000 tỷ USD trên toàn thế giới và doanh nghiệp nông nghiệp không nhất thiết phải có sản phẩm nông nghiệp mà chỉ cần tham gia vào chuỗi sản xuất, làm tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp và cũng được nhận các chính sách ưu đãi của nhà nước. Theo ông, Việt Nam sẽ có các doanh nghiệp mạnh (hay doanh nghiệp tiên phong) trong nông nghiệp nếu họ hội tụ ba yếu tố bao gồm: R&D, thương hiệu và tiêu chuẩn chất lượng.

Các ý kiến khác cũng đồng tình với quan điểm của ông Võ Trí Thành, cho rằng tập trung vào các yếu tố trên sẽ làm tăng giá trị của sản phẩm và thậm chí còn làm giảm giá thành, thúc đẩy hợp tác giữa nông dân và doanh nghiệp. Ví dụ, ông Nguyễn Thể Hà, đại diện cho khối doanh nghiệp nông nghiệp ĐBSCL cho biết, RYNAN (doanh nghiệp nông nghiệp thuộc tập đoàn Mylan Group) đưa ra giải pháp nông nghiệp thông minh giúp tiết kiệm được 80% lượng nước tưới tiêu và phân bón tự động giải phóng các chất dinh dưỡng theo tình hình tăng trưởng của cây vừa giúp tiết kiệm phân bón, vừa giúp giảm các khí thải nhà kính. Những giải pháp này người nông dân có thể giúp giảm chi phí nuôi trồng tới 50%. Điều này khiến nông sản sạch, bán được với giá cao nhưng chi phí bỏ ra thấp nên nông dân sẽ gắn bó với doanh nghiệp. Bên cạnh đó, trước đây, các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản sang các nước phát triển thường gặp những yêu cầu khắt khe từ thị trường nước ngoài (chẳng hạn như có 25/26 doanh nghiệp xuất khẩu gạo sang Mỹ bị trả về vì không đáp ứng được tiêu chuẩn của FDA – Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ). Tuy nhiên hiện nay, các doanh nghiệp muốn xuất khẩu chỉ cần áp dụng tiêu chuẩn VietGAP, đỡ khắt khe hơn nhưng đã được chấp nhận rộng rãi Châu Âu và Úc.  

Bên cạnh các ý kiến cho rằng Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ tài chính rõ ràng (cho vay với lãi suất thấp, thủ tục đơn giản, miễn thuế một số năm đầu) và đẩy mạnh việc hình thành cánh đồng mẫu lớn, bà Thái Hương, Tổng giám đốc Công ty TH True Milk, cho biết Nhà nước cần áp đặt các tiêu chuẩn về thực phẩm và yêu cầu các doanh nghiệp công khai việc mình đạt các tiêu chuẩn này ở mức độ nào để có một thị trường minh bạch. Chẳng hạn như, quy định việc ghi thành phần sữa tươi và bột sữa trong các sản phẩm sữa nước của các cơ quan chức năng trên bao bì sản phẩm theo bà vẫn rất nhập nhèm.  

Tác giả