Bộ KH&CN nắm vai trò đầu mối phối hợp với các bộ, ngành tiếp cận cuộc CMCN 4.0

Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ KH&CN vào chiều ngày 5/4, Chánh văn phòng Bộ Bùi Thế Duy nhấn mạnh đến vai trò đầu mối của Bộ KH&CN trong việc phối hợp với các Bộ, ngành liên quan để cùng tiến hành nghiên cứu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0), từ đó đề xuất ra các phương án tiếp cận cũng như tìm phương án hạn chế những tác động tiêu cực của cuộc cách mạng này đến Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đi thăm Khu CNC Hòa Lạc, nơi được xây dựng để trở thành phố khoa học của Việt Nam, tập trung vào việc ươm mầm và phát triển các loại hình công nghệ cao, đặc biệt là công nghệ thông tin. Ảnh: TTTXVN

Diễn ra vào chiều ngày 5/4, cuộc họp báo thường kỳ của Bộ KH&CN do Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc và Chánh văn phòng Bùi Thế Duy chủ trì đã tập trung vào những vấn đề trọng tâm mà Bộ đã thực hiện trong ba tháng đầu năm 2017, đồng thời nêu những sự kiện Bộ KH&CN dự kiến tổ chức trong thời gian tới.

Một trong những vấn đề được chú ý đến nhiều nhất tại buổi họp báo là Bộ KH&CN đã thực hiện những công việc gì trong vai trò đầu mối phối hợp với Bộ, ngành, đơn vị liên quan cùng nghiên cứu về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tại Việt Nam. Chánh văn phòng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy cho biết, như với nhiều cuộc cách mạng công nghiệp trước, cuộc CMCN 4.0 diễn ra trên sự hội tụ của nhiều loại hình công nghệ như công nghệ in 3 D, vật liệu tiên tiến, công nghệ lưu trữ, công nghệ sinh học…., trong đó công nghệ thông tin là cốt lõi. Đó là lý do vì sao Bộ KH&CN được Chính phủ trao cho trọng trách chủ trì, phối hợp các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất phương án huy động nguồn lực và tận dụng tối đa cơ hội của cuộc CMCN 4.0 trong Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2016 (Nghị quyết số 103/NĐ-CP ngày 5/12/2016).

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ KH&CN đã chủ động phối hợp với các bộ ngành liên quan để cùng tiến hành nghiên cứu, đánh giá để nắm được bản chất của cuộc CMCN 4.0, đồng thời đánh giá thực trạng, khả năng tiếp cận của Việt Nam trước của cuộc cách mạng này. Đây là những cơ sở quan trọng để Bộ KH&CN đề xuất với Chính phủ các phương án tiếp cận phù hợp với điều kiện và trình độ Việt Nam nhằm tận dụng mọi cơ hội đem lại từ cuộc cách mạng lần thứ 4 cũng như những phương án hạn chế tới mức thấp nhất những tác động tiêu cực của cuộc cách mạng này đến Việt Nam. Bộ KH&CN đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm, lấy ý kiến tư vấn từ các chuyên gia trong nước và quốc tế để có được những nhận định xác đáng về cuộc CMCN 4.0 và tác động của nó đến Việt Nam.

Ông Bùi Thế Duy cũng cho rằng, khi mới nghiên cứu về cuộc CMCN 4.0, “chúng ta vẫn tưởng rằng nó là mới mẻ nhưng khi xem xét lại thì hầu như từ các chỉ đạo từ trung ương trong thời gian qua đều đã góp phần định hình hướng tiếp cận cuộc cách mạng này ở nhiều lĩnh vực như công nghệ sinh học, công nghệ thông tin… như Nghị quyết số 05-NQ/TW Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Chỉ có điều với các định hướng đó, chúng ta cần phải điều chỉnh, rà soát lại để có hướng tiếp cận với cuộc CMCN 4.0 một cách tốt nhất, đây cũng chính là đề xuất của Bộ KH&CN đề ra với các bộ ngành”.

Tại một trong những phiên họp lấy ý kiến các Bộ, ngành để hoàn thiện báo cáo Thủ tướng Chính phủ về CMCN 4.0 vào ngày 17/2/2017, Bộ KH&CN đã đề xuất kiến nghị nhiệm vụ giao các Bộ, ngành nghiên cứu, đánh giá tác động của cuộc CMCN 4.0 là: Bộ KH&CN nghiên cứu về hiện trạng công nghệ, đề xuất các giải pháp nhằm nhanh chóng đổi mới công nghệ tiếp cận CMCN 4.0; Bộ Công Thương nghiên cứu về thực trạng năng lực của khối sản xuất công nghiệp, đề xuất các giải pháp tái cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng tiếp cận CMCN 4.0; Bộ LĐTBXH nghiên cứu đánh giá về các tác động đối với an sinh xã hội, đặc biệt chú trọng tới công tác tái đào tạo nghề cho nhóm lao động chịu tác động tiêu cực từ CMCN 4.0; Bộ TT&TT nghiên cứu về hạ tầng thông tin nhằm đáp ứng nhu cầu kết nối của CMCN 4.0; Bộ NN&PTNT nghiên cứu, đề xuất các giải pháp tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao, tận dụng các lợi thế của CMCN 4.0; Bộ GD&ĐT nghiên cứu tăng cường giáo dục tiếp cận kiến thức KH&CN nói chung, CMCN 4.0 nói riêng, vào hệ thống giáo dục, nhất là ở cấp giáo đào tạo đại học, cao đẳng, hệ thống trường đào tạo nghề 1.

Trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2017 sáng 3/4, Bộ trưởng Bộ KH&CN và đại diện nhóm chuyên gia Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam đã trình bày báo cáo chuyên đề về cuộc CMCN 4.0 đồng thời đề xuất phương hướng hành động của Việt Nam trước cuộc cách mạng công nghiệp này. Tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giao Bộ KH&CN tiếp tục chủ trì, phối hợp với Bộ, ngành, đơn vị liên quan theo dõi tình hình triển khai, hằng năm xây dựng báo cáo kết quả thực hiện, kể cả việc tham mưu, đề xuất để đưa CMCN 4.0 vào Việt Nam 2.

Trong thời gian tới, Bộ KH&CN sẽ tiếp tục hoàn thiện các cơ chế chính sách pháp luật về KH&CN, đồng thời, tổ chức các hoạt động, sự kiện theo kế hoạch, đặc biệt gắn với các sự kiện lớn chào mừng Ngày KH&CN Việt Nam 18/5 như: Tổ chức Hội nghị giao ban KH&CN các tỉnh Đồng bằng sông Hồng; Hội thảo các Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN; Hội nghị giao ban KH&CN các tỉnh Vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên; Luật CGCN (sửa đổi) được xem xét để thông qua tại kỳ họp sắp tới của Quốc hội; Lễ trao Giải thưởng Tạ Quang Bửu; Hội nghị Ủy ban KH&CN ASEAN lần thứ 72 (COST-72) và các cuộc họp liên quan; tham gia Hội nghị quan chức cấp cao APEC SOM2 vào tháng 5 tại Hà Nội và SOM3 vào tháng 9 tại Đà Nẵng (Nhóm đối tác Chính sách KH&CN và Đổi mới APEC-PPSTI-10).

 

————————————————

Chú thích:

1. https://www.most.gov.vn/vn/tin-tuc/11345/cac-bo–nganh-gop-y-hoan-thien-bao-cao-thu-tuong-ve-cach-mang-cong-nghiep-lan-thu-4.aspx

2. http://baodientu.chinhphu.vn/Hoat-dong-cua-lanh-dao-Dang-Nha-nuoc/Tranh-tinh-trang-cho-nao-cung-noi-cach-mang-cong-nghiep-40-nhung-khong-biet-lam-gi/302185.vgp

Tác giả