Đánh giá môi trường biển 4 tỉnh miền Trung: Cẩn trọng, khoa học, chính xác

Việc triển khai đánh giá diễn biến chất lượng môi trường biển 4 tỉnh miền Trung được dựa trên các phương pháp đánh giá hiện đại có tính khoa học cao, phù hợp với thông lệ quốc tế, bảo đảm độ tin cậy.

Hội nghị diễn ra vào sáng ngày 22/8. Nguồn: vnexpress.vn

“Báo cáo kết quả đánh giá hiện trạng môi trường biển bốn tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên-Huế” do Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố sáng 22/8, cho thấy môi trường biển miền Trung đã được kết luận an toàn.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã huy động một đội ngũ lớn chuyên gia, nhà khoa học, các đơn vị khoa học công nghệ thuộc Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, Bộ NN&PTNT, Bộ Quốc phòng, ĐH Quốc gia Hà Nội và các địa phương liên quan triển khai quan trắc, đánh giá, xác định mức độ, phạm vi ô nhiễm môi trường và suy thoái hệ sinh thái biển trường tại vùng biển 4 tỉnh miền Trung.

Các đơn vị tham gia với tinh thần nghiêm túc, khẩn trương trên cơ sở khoa học, đảm bảo đúng yêu cầu của các quy trình, phương pháp theo quy định của Việt Nam và phù hợp với quốc tế.

Theo PGS.TS Trịnh Văn Tuyên, Viện trưởng Viện Công nghệ Môi trường (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), sau sự cố thủy sản chết hàng loạt ở miền Trung, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các cơ quan quản lý nhà nước đã lập ra hội đồng để đánh giá chất lượng môi trường biển. Các chuyên gia đầu ngành với dàn thiết bị được chuẩn bị kỹ, cách lấy mẫu cũng được sáng tạo, phù hợp với điều kiện Việt Nam và trang bị công nghệ cao. Các nhà khoa học đã lấy xi lanh hút từng mẫu để phân tích thay vì lấy gầu múc.

Kết quả phân tích đã đánh giá được: diễn biến chất lượng nước biển, trầm tích biển, tồn lưu trong màng bám hệ keo sắt và các hệ sinh thái.

19 bãi tắm chất lượng nước bảo đảm an toàn

Trên cơ sở kết quả phân tích của 1.080 mẫu (tháng 5), 331 mẫu (tháng 6) và 68 mẫu kiểm chứng (tháng 8), so sánh, đối chiếu với Quy chuẩn Việt Nam -QCVN 10-MT:2015/BTNMT về chất lượng nước biển cho thấy diễn biến chất lượng nước biển như sau:

Đối với sắt, kết quả quan trắc tháng 5/2016, có 3,8% số mẫu vượt giới hạn cho phép, tập trung chủ yếu ở Hà Tĩnh và Quảng Bình, giá trị cao nhất quan trắc được ở bãi tắm Kỳ Ninh (Hà Tĩnh) là 0,9 mg/l. Mức độ ô nhiễm cao nhất ở Hà Tĩnh và giảm dần vào đến Thừa Thiên Huế.

Kết quả quan trắc tháng 6/2016, chỉ còn 1,8% số mẫu vượt giới hạn cho phép, tuy nhiên giá trị vượt không nhiều và chủ yếu là mẫu tầng đáy. Các mẫu vượt giới hạn tập trung ở vùng biển Quảng Bình và Thừa Thiên Huế.

Như vậy, hàm lượng sắt trong nước biển đã giảm đi đáng kể, số lượng mẫu có hàm lượng vượt giới hạn cho phép cũng đã giảm xuống.

Hàm lượng xyanua trong nước tháng 5/2016 dao động từ 0,002 – 0,1 mg/l, lớn hơn nhiều so với tháng 6/2016 (giá trị cao nhất là 0,002 mg/l) và đều nằm trong ngưỡng cho phép của QCVN.

Riêng thông số tổng phenol trong nước biển, trong tháng 5/2016 hầu như không phát hiện được hoặc có giá trị thấp (2-10 mg/l). Tuy nhiên, đến tháng 6/2016 hàm lượng tổng phenol trong nước có tăng lên và có 2,7% số mẫu vượt giới hạn cho phép, chủ yếu là mẫu tầng đáy.

Điều này có thể giải thích do cơ chế nhả hấp phụ phenol từ dạng phức hỗn hợp dưới dạng hệ keo sắt và từ trầm tích đáy vào nước biển. Đến thời điểm hiện nay (theo kết quả quan trắc kiểm chứng trong tháng 8/2016), hàm lượng tổng phenol trong nước biển đã giảm đến giá trị nhỏ hơn giới hạn cho phép.

Tại các khu vực cách bờ 1,5 km thuộc Sơn Dương – Hà Tĩnh (diện tích khoảng 300 km2), cửa Nhật Lệ – Quảng Bình (diện tích khoảng 330 km2), hòn Sơn Chà – Thừa Thiên – Huế (diện tích khoảng 160 km2), do chịu tác động của dòng xoáy cục bộ, có một số thông số cao hơn so với các khu vực khác, nhưng vẫn nằm trong giới hạn cho phép, cần tiếp tục được giám sát và quan trắc thường xuyên.

Về chất lượng nước biển tại 19 bãi tắm thuộc 4 tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế kết quả giám sát liên tục của các địa phương theo chỉ đạo của Bộ Tài nguyên và Môi trường từ đầu tháng 5/2016 đến nay cho thấy tất cả các thông số quan trắc đều nằm trong giới hạn cho phép của QCVN 10-MT:2015/BTNMT – đảm bảo đáp ứng yêu cầu đối với vùng bãi tắm, thể thao dưới nước.

Hệ sinh thái dần phục hồi tốt

Chương trình khảo sát, đánh giá các hệ sinh thái thực hiện với mục tiêu đánh giá hiện trạng, biến động các hệ sinh thái biển ven bờ và nguồn lợi thủy sản cũng như khả năng phục hồi sau sự cố môi trường.

Kết quả phân tích của 3.156 mẫu vật được thu thập thuộc các nhóm sinh vật phù du, động vật đáy, san hô, cá biển, thực vật ngập mặn và rong cỏ biển cùng với các hình ảnh và video clip quay dưới nước cho thấy trong tháng 4 và 5/2016, các rạn san hô là đối tượng bị ảnh hưởng mạnh nhất trong các hệ sinh thái biển, 100% các rạn san hô trong khu vực khảo sát đều có dấu hiệu bị tẩy trắng, nhóm san hô cành hầu hết bị chết hàng loạt.

Điển hình là các khu vực rạn Hòn Sơn Dương – Hà Tĩnh (điểm đầu), tỷ lệ san hô chết cao nhất khoảng 90%, Hòn Nồm (Quảng Bình) và Hải Vân, Sơn Chà – Thừa Thiên Huế (điểm cuối), tỷ lệ san hô bị suy giảm là 66,7%. Sinh vật trên rạn san hô còn rất nghèo nàn, mật độ cá rất thấp, thấp nhất là Hòn Sơn Dương, Hòn Nồm.

Đến giai đoạn tháng 6 và 7/2016, không còn xảy ra hiện tượng san hô bị tẩy trắng. Trên rạn san hô đã thấy hiện tượng san hô phục hồi tự nhiên từ những tập đoàn đã bị chết từng phần. Ấu trùng san hô bắt đầu định cư và phát triển trên nền đáy rạn (rạn san hô khu vực Hòn Nồm, Hải Vân, Sơn Chà). Khu vực đảo Hòn La vẫn còn điểm san hô phát triển khá tốt. Cá kích thước nhỏ và các động vật đáy cỡ lớn khác trên các rạn san hô đã có dấu hiệu phục hồi tích cực với mật độ cao hơn hẳn giai đoạn trước.

Theo đánh giá của TS Friedhelm Schroeder, người có 40 năm nghiên cứu về môi trường tại Đức, chương trình giám sát, phân tích rất kỳ công, việc đánh giá được thực hiện cẩn trọng, chính xác và là kết quả nỗ lực của tập thể chuyên gia trong và ngoài nước. Liên quan đến phần phương pháp đánh giá, ông Friedhelm Schroeder cho rằng các nhà khoa học, chuyên gia, tổ công tác đã có những phương pháp đánh giá mang tính tiếp cận cao, ngang bằng với các phương pháp ở Mỹ, châu Âu đang sử dụng. Chính vì vậy, kết quả phân tích này rất đáng tin cậy.

Sau khi kết quả đánh giá được công bố, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà khẳng định, bên cạnh việc tiếp tục theo dõi, đánh giá diễn biến chất lượng môi trường biển ven bờ khu vực miền Trung, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các địa phương sẽ triển khai đồng bộ công tác kiểm soát các nguồn thải, giám sát chặt chẽ nguồn phát thải từ Công ty Formosa Hà Tĩnh, kết nối dữ liệu, xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu và các ứng dụng công nghệ hiện đại trong giám sát, cảnh báo ô nhiễm môi trường biển.

Bộ trưởng tin tưởng rằng, với sự quan tâm sâu sát, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ; sự phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả giữa các Bộ, ngành, giữa Trung ương và địa phương; sự tham gia đông đảo của các nhà khoa học và đặc biệt là sự nỗ lực của chính quyền và người dân khu vực bị ảnh hưởng, sự chung sức của nhân dân cả nước, môi trường và các giá trị về kinh tế, sinh thái của dải ven biển miền Trung sẽ sớm được phục hồi, người dân miền Trung sẽ có cả thép, cả cá và cả một môi trường biển sạch, đẹp, an toàn. 

Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, trên cơ sở kết quả phân tích của 1.080 mẫu (tháng 5), 331 mẫu (tháng 6) và 68 mẫu kiểm chứng (tháng 8), so sánh, đối chiếu với QCVN 10-MT:2015/BTNMT về chất lượng nước biển cho thấy diễn biến chất lượng nước biển như sau:
Về chất lượng môi trường và hệ sinh thái: Chất lượng môi trường nước biển và trầm tích biển tại các khu vực được quan trắc đã nằm trong giới hạn quy định của QCVN 10-MT:2015/BTNMT, đạt quy chuẩn đối với vùng bãi tắm, thể thao dưới nước, nuôi trồng thủy sản và bảo tồn thủy sinh.
Một số thông số môi trường ở các khu vực cách bờ 1,5 km thuộc Sơn Dương, Hà Tĩnh (diện tích khoảng 300 km2), cửa Nhật Lệ, Quảng Bình (diện tích khoảng 330 km2), hòn Sơn Chà, Thừa Thiên-Huế (diện tích khoảng 160 km2) cao hơn so với các khu vực khác nhưng vẫn nằm trong giới hạn cho phép, cần tiếp tục được quan trắc và giám sát chặt chẽ, thường xuyên.
Với sự kiểm soát chặt chẽ các nguồn phát thải từ Formosa Hà Tĩnh và do cơ chế làm sạch tự nhiên của môi trường, hàm lượng các chất ô nhiễm từ sự cố môi trường đang có xu hướng giảm theo thời gian.
Hệ sinh thái rạn san hô, cỏ biển và nguồn lợi hải sản ở khu vực sau những tác động của sự cố môi trường bị suy thoái mạnh cả về đa dạng sinh học và quy mô, nay đã bắt đầu có dấu hiệu hồi phục tích cực.
Về chất lượng hải sản đánh bắt: Theo số liệu giám sát của Bộ Y tế, từ 28/4 đến 8/8/2016, kết quả kiểm nghiệm đánh giá mức độ an toàn của các mẫu hải sản lấy tại 4 tỉnh miền Trung cho thấy hàm lượng một số chất ô nhiễm trong hải sản đã giảm dần theo thời gian. Bộ Y tế sẽ phối hợp với Bộ NN&PTNT giám sát hải sản đánh bắt tại các vùng biển an toàn đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố.
Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục quan trắc, giám sát môi trường biển, đặc biệt là nguồn phát thải từ Formosa Hà Tĩnh, kết nối dữ liệu, xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu và các ứng dụng công nghệ hiện đại trong giám sát, cảnh báo ô nhiễm môi trường biển.

 

Tác giả