GS.Trần Thọ Đạt: Các doanh nghiệp tạo tác động xã hội sẽ trở thành mô hình bắt buộc

Dù là mô hình mang tính “sống còn” cho sự phát triển bền vững của Việt Nam, nhưng cho đến nay do hạn chế về nhận thức, số lượng các doanh nghiệp tạo tác động xã hội vẫn còn “khiêm tốn”.

Không còn là sự lựa chọn

“Các doanh nghiệp tạo tác động xã hội sẽ trở thành mô hình bắt buộc chứ không còn là sự lựa chọn cho Việt Nam” – GS.TS Trần Thọ Đạt, Hiệu trưởng ĐH Kinh tế Quốc dân mở đầu buổi công bố báo cáo nghiên cứu về “Thúc đẩy Phát triển khu vực Doanh nghiệp tạo Tác động Xã hội tại Việt Nam” ngày 27/9. Nghiên cứu này do trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Northampton và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) phối hợp thực hiện. Theo đó, trong bối cảnh Việt Nam đang đứng trước các thách thức về biến đổi khí hậu, tăng trưởng kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường, và đặc biệt là thực hiện các mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs) của Liên Hiệp Quốc, thì doanh nghiệp tạo tác động xã hội (Social Impact Business- SIB) có thể trở thành “chìa khóa” cho bài toán này.

GS.TS Trần Thọ Đạt phát biểu tại hội thảo. Nguồn:petrotimes.vn

Đồng ý với ý kiến trên, PGS.TS Trương Thị Nam Thắng, Giám đốc Trung tâm Sáng tạo Xã hội và Khởi nghiệp (CSIE), trường Đại học Kinh tế Quốc dân, trưởng nhóm nghiên cứu nhận định: “Lý do mô hình doanh nghiệp xã hội ra đời là vì Chính phủ không thể giải quyết tất cả các vấn đề xã hội.”Các SIB có thể giải quyết các vấn đề hiện nay theo những cách sáng tạo và thực hiện các mục tiêu bền vững mà Chính phủ không thể làm toàn diện – Bà Catherine Phuong, Trợ lý Giám đốc Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc UNDP Việt Nam bổ sung. Đây cũng là lý do vì sao UNDP ưu tiên phát triển kiểu hình doanh nghiệp này ở Việt Nam. Trước đó, UNDP đã cùng Quỹ Citi Foundation và Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức sáng kiến Youth Co: Lab Việt Nam 2018 nhằm tìm kiếm thế hệ khởi nghiệp xã hội mới tại Việt Nam.

Quan trọng là tạo nhận thức

Để tìm hiểu bức tranh toàn cảnh về SIB tại Việt Nam, nhóm nghiên cứu của PGS. Thắng đã tiến hành gần 500 phiếu điều tra khảo sát, phỏng vấn 62 cá nhân đại diện cho các bên hữu quan thông qua hình thức phỏng vấn 1-1 hoặc nhóm tập trung, và 3 hội thảo tham vấn các bên liên quan. Nhờ vậy, nghiên cứu này được đánh giá là nghiên cứu về SIB có quy mô lớn nhất Việt Nam tính đến hiện nay.

Qua khảo sát, nghiên cứu của UNDP đã chỉ ra thực tế: Mặc dù Việt Nam có hệ sinh thái SIB sôi động và phát triển nhanh chóng vớinhiều điều luật và khung chính sách hỗ trợ, tuy nhiên,trên thực tế Việt Nam chỉ có khoảng 4% trong tổng số các doanh nghiệp là thực sự theo mô hình SIB. Và đáng nói hơn là trong tổng số 22.000 doanh nghiệp được nhóm nghiên cứu đánh giá là hoạt động theo mô hình SIB, chỉ có 12% doanh nghiệp đăng ký kinh doanh dưới hình thức “doanh nghiệp xã hội” – khái niệm hẹp hơn của SIB, còn lại là đăng ký dưới hình thức doanh nghiệp (72%) hoặc không đăng kýNguyên nhân của tình trạng “khiêm tốn” này là do khái niệm “doanh nghiệp xã hội”, hoặc mở rộng ra là các SIB, còn khá mới mẻ ở Việt Nam. Bên cạnh đó, mặc dù đã có các quy định cho sự phát triển nhưng các hoạt động hỗ trợ thực tế lại không nhiều, vì thế một số SIB sau một thời gian ngắn hoạt động đã không thể “cầm cự” mà phải giải tán.

Để khắc phục tình trạng này cũng như gia tăng số lượng SIB ở Việt Nam, nghiên cứu cho rằng cần tập trung vào việc thay đổi nhận thức, của không chi bản thân các SIB mà cả Nhà nước, cộng đồng để tạo ra sự hỗ trợ tốt nhất đối với nhóm này, ví dụ như nâng cao năng lực của cán bộ quản lý nhà nước thông qua các chương trình đào tạo, truyền thông thương hiệu nhằm mở rộng thị trường và cung cấp chứng chỉ SIB cho các doanh nghiệp SIB và hệ sinh thái. Bên cạnh đó, các khuyến nghị còn tập trung vào các mảng tài chính, thị trường, năng lực và mạng lưới thông tin. 

Bà Catherine Phuong nhận xét, các khuyến nghị trong báo cáo này đều rất hữu ích, vì nó “cung cấp bằng chứng thực chứng” dựa trên bộ dữ liệu mà nhóm nghiên cứu đã thu thập được qua khảo sát toàn diện các thành phần trong hệ sinh thái có liên quan đến SIB. Nghiên cứu này phản ánh tiếng nói của nhóm SIB và là chỉ dẫn tốt cho sự phát triển của SIB trong tương lai.

Tác giả

(Visited 3 times, 1 visits today)