Giải thưởng Hồ Chí Minh và Nhà nước về KH&CN đợt V

Lần đầu tiên các công trình, cụm công trình nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh và Nhà nước về KH&CN được bình chọn thông qua một quá trình xét duyệt khắt khe bởi những hội đồng có sự tham gia của các nhà khoa học quốc tế và phải đáp ứng các tiêu chí đánh giá tác động đến nền khoa học và xã hội.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang trao tặng giải thưởng cho tác giả các công trình/ cụm công trình được giải thưởng Nhà nước. Ảnh: Trung Khánh.

Tối 15/1, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Lễ trao Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về KH&CN đợt V dành cho các nhà khoa học là tác giả của các công trình tiêu biểu, có giá trị cao về KH&CN và có hiệu quả kinh tế xã hội rộng lớn, lâu dài. Đến dự lễ trao giải có Chủ tịch nước Trần Đại Quang, các nhà khoa học uy tín, đại diện các bộ ngành và các địa phương.

Các giải thưởng này, bao gồm chín Giải thưởng Hồ Chí Minh và bảy Giải thưởng Nhà nước, đã được bình chọn thông qua một quá trình xét duyệt rất khắt khe. Theo Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh, có hơn 200 nhà khoa học trong nước và quốc tế tham gia vào các hội đồng để lựa chọn ra các công trình xứng đáng nhất, và đây cũng là năm đầu tiên thực hiện việc xét tặng hai giải thưởng lớn về KH&CN này theo Nghị định 78/NĐ-CP ngày 30/7/2014 của Thủ tướng Chính phủ với các tiêu chí đòi hỏi rất cao về tác động của các công trình đến nền khoa học và xã hội.

Theo ông Chu Ngọc Anh, các công trình được trao giải thưởng năm nay đã có đóng góp quan trọng đối với nền khoa học, với nền kinh tế xã hội và an ninh quốc phòng, được ứng dụng rộng rãi trong đời sống. Trong đó, các công trình khoa học xã hội nhân văn đã làm rõ tầm cao của tư duy Việt, có nhiều phát hiện quan trọng mang tính nền móng; các công trình về kỹ thuật có giá trị lớn đối với nền kinh tế, có sức sáng tạo rất cao. Một số công trình đã đưa Việt Nam vào trong một trong những nước có công nghệ hàng đầu về công nghệ trong ngành hẹp đó và có sản phẩm kỹ thuật được xuất khẩu sang một số nước. Một số ví dụ tiêu biểu như: Giàn khoan tự nâng 90m nước đã đưa Việt Nam vào một trong số ít các quốc gia trên thế giới có đủ năng lực tự thi công giàn khoan khai thác dầu khí tự nâng; công trình nghiên cứu và chọn tạo giống lúa mới đã được áp dụng vào sản xuất lúa ở trên 3 triệu ha đất lúa tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long và một số tỉnh khác; trong lĩnh vực y dược, nhiều thành tựu y học mới trên thế giới đã được ứng dụng một cách sáng tạo vào Việt Nam, các kỹ thuật điều trị bệnh lý mạch não, điều trị ung thư, ứng dụng KHCN nhằm đảm bảo an toàn truyền máu… đã giúp tăng hiệu quả điều trị, giảm chi phí điều trị, giảm gánh nặng bệnh tật cho gia đình và xã hội, giúp y học Việt Nam theo kịp trình độ y học tiên tiến trên thế giới. 

Phát biểu tại lễ trao giải, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhận định, nhìn chung trong những năm qua, KH&CN đã giải thích được nhiều vấn đề bức xúc trong phát triển, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế xã hội và an ninh quốc phòng. Trong thời gian tới, bên cạnh những thời cơ, thuận lợi, nước ta cũng đang đối mặt với nhiều thách thức rất lớn, và để đạt mục tiêu tiếp tục đổi mới, sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp, rất cần năng lực sáng tạo của đội ngũ trí thức nói chung, đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ nói riêng. Ông đề nghị đội ngũ làm khoa học công nghệ cần nhận thức sâu sắc trách nhiệm của mình, nỗ ực phấn đấu, vươn lên trình độ khoa học và công nghệ tiên tiến trong khu vực và trên thế giới. Nhà nước sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi về tinh thần và vật chất để cán bộ khoa học công nghệ phát triển, xứng đáng với tiềm năng sáng tạo của mình.

Bày tỏ cảm xúc khi nhận giải thưởng Hồ Chí Minh, GS.TS Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học truyền máu Trung ương, cho biết, “đây là niềm hạnh phúc đối với các nhà khoa học vì đã được Đảng, Nhà nước và xã hội ghi nhận những đóng góp, và cũng là động lực để chúng tôi tiếp tục cống hiến vì một nền khoa học tiên tiến”.

Các công trình, cụm công trình được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh:
1. Công trình: Nghiên cứu thiết kế chi tiết và ứng dụng công nghệ để chế tạo, lắp ráp và hạ thủy giàn khoan tự nâng ở độ sâu 90m nước phù hợp với điều kiện Việt Nam.
Tác giả: KS. Phan Tử Giang, TS. Nguyễn Quốc Thập, TS. Nguyễn Hùng Dũng, KS. Trần Minh Ngọc, TS. Lê Đình Tiến, ThS. Đỗ Lê Huy, ThS. Vũ Văn Khoa, ThS. Nguyễn Văn Minh, ThS. Lê Hưng, KS. Đào Đỗ Khiêm, KS. Nguyễn Văn Đức, KS. Phạm Mạnh Cường, KS. Nguyễn Văn Quỵnh, KS. Lê Quang Hùng, ThS. Ngô Tuấn Dũng, KS. Phan Thanh Sơn, ThS. Nguyễn Công Phúc.
2. Cụm công trình: Xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị, nông thôn, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Tác giả: CN. Hoàng Đức Thảo.
3. Cụm công trình: Nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ nhằm đảm bảo an toàn truyền máu, phục vụ cho cấp cứu và đảm bảo đủ máu dự trữ cho điều trị. Tác giả: GS.TS. Nguyễn Anh Trí, PGS.TS. Bùi Thị Mai An, TS. Ngô Mạnh Quân, BSCKII. Phạm Tuấn Dương, PGS.TS. Bạch Khánh Hòa.
4. Cụm công trình: Ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến trong chẩn đoán, điều trị một số bệnh lý mạch não bằng điện quang can thiệp nội mạch.
Tác giả: GS.TS. Phạm Minh Thông, TS. Vũ Đăng Lưu, TS. Bùi Văn Giang, TS. Nguyễn Duy Trinh, TS. Trần Anh Tuấn.
5. Cụm công trình: Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật hiện đại về bức xạ ion hóa trong chẩn đoán, điều trị ung thư và một số bệnh lý khác.
Tác giả: GS.TS. Mai Trọng Khoa, PGS.TS. Trần Đình Hà, TS. Phạm Cẩm Phương, TS. Phạm Văn Thái.
6. Cụm công trình: Nghiên cứu, phát triển và hoàn thiện công nghệ thu gom, xử lý, vận chuyển dầu thô trong điều kiện đặc thù của các mỏ liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro và các mỏ kết nối trên thềm lục địa Nam Việt Nam.
Tác giả: TS. Từ Thành Nghĩa, TSKH. Phùng Đình Thực, KS. Nguyễn Vũ Trường Sơn, TS. Nguyễn Thúc Kháng, KS. Cao Tùng Sơn, KS. Trần Văn Vĩnh, TS. Hà Văn Bích, TS. Tống Cảnh Sơn, KS. Phạm Bá Hiển, KS. Phạm Xuân Sơn, KS. Trần Quốc Khởi, KS. Trần Văn Thường, TS. Ngô Thường San, ThS. Lê Thị Kim Thoa, TS. Lê Việt Dũng, KS. Lê Đình Hòe, KS. Phạm Thành Vinh, KS. Nguyễn Hoài Vũ, KS. Phan Đức Tuấn, TSKH. Trần Xuân Đào, TS. Lê Minh Tuân, KS. Nguyễn Quang Vinh, TS. Nguyễn Phan Phúc, TS. Ngô Hữu Hải, TS. Lê Bá Tuấn, TSKH. Lâm Quang Chiến, TS. Vugovskoi V. P., TS. Boiko V. I., TS. Ivanov A. N., cố TS. Vũ Trọng Nháp.
7. Cụm công trình: Ngữ dụng học gồm: 1. Đại cương ngôn ngữ học, tập 2, Ngữ dụng học; 2. Cơ sở ngữ dụng học, tập 1.
Tác giả: Cố GS.TS. Đỗ Hữu Châu.
8. Cụm công trình: Các bất biến và cấu trúc của vành địa phương và vành phân bậc.
Tác giả: GS.TSKH. Ngô Việt Trung, GS.TSKH. Nguyễn Tự Cường, GS.TSKH. Lê Tuấn Hoa.
9. Công trình: Lịch sử và Văn hóa Việt Nam – Tiếp cận bộ phận.
Tác giả: GS. Phan Huy Lê.
Các công trình, cụm công trình được tặng Giải thưởng Nhà nước:
1. Công trình: Nghiên cứu phương án tối ưu để chế tạo, hạ thủy và lắp đặt chân đế siêu trường siêu trọng ở vùng nước sâu hơn 100m phù hợp với điều kiện ở Việt Nam.
Tác giả: KS. Trần Xuân Hoàng, TS. Từ Thành Nghĩa, KS. Cao Tùng Sơn, KS. Đỗ Văn Hùng, KS. Trần Sỹ Thái, KS. Nguyễn Quyết Chiến, KS. Phạm Minh Quang, KS. Đỗ Văn Phúc, KS. Vũ Văn Bằng.
2. Công trình: Cầu Hàm Luông – QL60, tỉnh Bến Tre.
Tác giả: ThS. Nguyễn Thanh Hà, ThS. Nguyễn Chung Khánh, KS. Nguyễn Như Thạo, KS. Nguyễn Thái Hà, KS. Chu Ngọc Sủng, ThS. Phạm Hữu Sơn, KS. Lê Văn Ký, TS. Đinh Văn Tiến, ThS. Lê Mạnh Hùng, KS. Nguyễn Văn Vinh, KS. Dương Hồng Bé, KS. Nguyễn Quốc Hưng.
3. Công trình: Nghiên cứu chọn tạo và phát triển 2 giống lúa mới OM6976 và OM5451 có năng suất và chất lượng cao phục vụ sản xuất và xuất khẩu.
Tác giả: PGS.TS. Trần Thị Cúc Hòa, cố TS. Phạm Trung Nghĩa,,ThS. Lã Cao Thắng, KS. Đặng Thị Thắm, KTV. Huỳnh Thị Phương Loan.
4. Cụm công trình: Nghiên cứu ứng dụng các kỹ thuật lọc máu hiện đại trong hồi sức cấp cứu bệnh nhân nặng và ứng phó với một số dịch bệnh nguy hiểm.
Tác giả: GS.TS. Nguyễn Gia Bình, PGS.TS. Đặng Quốc Tuấn, TS. Đào Xuân Cơ, TS. Lê Thị Diễm Tuyết, TS. Nguyễn Công Tấn, ThS. Nguyễn Đăng Tuân, ThS. Bùi Thị Hương Giang, ThS. Ngô Minh Biên, ThS. Bùi Văn Cường, ThS. Giang Thục Anh, GS.TS. Ngô Quý Châu, PGS.TS. Trần Thúy Hạnh, PGS.TS. Trần Duy Anh, BS. Nguyễn Mạnh Dũng, ThS. Vũ Đình Thắng, GS.TS. Đỗ Tất Cường, TS. Lê Đức Nhân, TS. Phạm Thị Ngọc Thảo, BS. Phan Thị Xuân, TS. Trương Ngọc Hải, TS. Trần Thanh Cảng, ThS. Bùi Văn Tám, TS. Đỗ Quốc Huy, TS. Vũ Đức Định, GS. Koichiro Kudo, Dr. Jin Takasakil, Dr. Toshie Manabe, Dr. Shinyu Izumi.
5. Công trình: Khái luận văn tự học chữ Nôm.
Tác giả: GS.TSKH. Nguyễn Quang Hồng.
6. Công trình: Nghiên cứu cơ bản và định hướng ứng dụng các vật liệu từ liên kim loại đất hiếm – kim loại chuyển tiếp.
Tác giả: GS.TSKH. Thân Đức Hiền, cố GS.TSKH. Nguyễn Phú Thùy, GS.TSKH. Nguyễn Hoàng Lương, GS.TS. Nguyễn Hữu Đức, cố TS.P.E. Brommer, TS.D. Givord, GS.TS Lưu Tuấn Tài, TS. Nguyễn Minh Hồng, PGS.TS. Phạm Hồng Quang, PGS.TS. Đỗ Thị Kim Anh, PGS.TS. Nguyễn Thế Hiện, GS.TS. Nguyễn Huy Sinh, TS. Hoàng Ngọc Thành, GS.TS. J.J.M.Franse
7. Cụm công trình: Lịch sử tư tưởng Việt Nam gồm: 1. Nho học và Nho học ở Việt Nam – Một số vấn đề lý luận và thực tiễn; 2. Vấn đề con người trong Nho học sơ kỳ; 3. Lịch sử Phật giáo Việt Nam; 4. Lịch sử tư tưởng Việt Nam.
Tác giả: GS.TS. Nguyễn Tài Thư, cố Học giả Minh Chi, cố Học giả Lý Kim Hoa, PGS.TS. Hà Thúc Minh, GS. Hà Văn Tấn, GS. Phan Đại Doãn, PGS. Nguyễn Đức Sự.
Giá trị giải thưởng:
Theo Điều 22, nghị định số 78/2014/NĐ-CP Về Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước và các giải thưởng khác về khoa học và công nghệ: Tác giả công trình được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh nhận số tiền thưởng tương đương 270 lần mức lương cơ sở (với lương cơ sở hiện nay là 1.210.000 đồng, giá trị giải thưởng tương đương khoảng 326 triệu); Tác giả công trình được tặng Giải thưởng Nhà nước nhận số tiền thưởng tương đương 170 lần mức lương cơ sở tại thời điểm quyết định tặng giải thưởng (tương đương khoảng 205 triệu).

Tác giả