Không hiểu đúng thì không thể làm đúng

Chiều 20/8/2017, TS Nguyễn Sĩ Dũng - nguyên phó chủ nhiệm văn phòng Quốc hội, đã có buổi nói chuyện tại Hà Nội về chủ đề “Bàn về Quốc hội và những thách thức của khái niệm” nhân dịp ông ra mắt cuốn sách cùng tên.


TS Nguyễn Sĩ Dũng (trái) và CEO Omega+ Nguyễn Cảnh Bình tại buổi tọa đàm, Hà Nội, chiều 20/08/2017. Ảnh: Hảo Linh.

Để tổng kết lại quãng đời gần 30 năm làm việc cho Quốc hội, TS Nguyễn Sĩ Dũng đã cho ra đời cuốn sách, trong đó chỉ ra những yêu cầu tất yếu của thực tiễn đối với cải cách, đổi mới hệ thống lập pháp. Tác giả nêu nhận xét về những khó khăn, thách thức trong quá trình đổi mới này, cụ thể chính sự thiếu hụt kiến thức đã làm cho hệ thống khái niệm bị hiểu chưa đúng hoặc không đủ sáng tỏ để dẫn dắt hành động. “Cả hai điều này đều ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả của việc vận hành Quốc hội và quyền lực lập pháp; hình thành một hệ thống khái niệm chuẩn xác và sáng tỏ chính vì vậy rất quan trọng cho bước đổi mới tiếp theo của Quốc hội” – trích lời tác giả.

Trong buổi tọa đàm, TS Nguyễn Sĩ Dũng đã thẳng thắn chia sẻ quan điểm, góc nhìn từ kinh nghiệm cá nhân, tập trung làm sáng tỏ những khái niệm như Quốc hội là gì và có vai trò như thế nào? hay Các chức năng chính của Quốc hội là gì?, những khái niệm tưởng như rất cơ bản, song nếu không hiểu đúng bản chất, sẽ không có cách nào làm đúng.

Theo tác giả, những vai trò và chức năng cơ bản của một thiết chế Nghị viện hiện đại trên thế giới, bao gồm đại diện, lập pháp và giám sát đang được hiểu và thực hiện theo một cách tương đối khác ở Việt Nam.

Cụ thể, Quốc hội phải có tính đại diện cho quyền lực lập pháp của quốc gia, tuy nhiên tại Việt Nam, chúng ta vẫn chưa xây dựng được một nền tảng bầu cử đại diện cho quốc gia, mà thực chất chỉ đại diện cho tỉnh. Điều này dẫn tới việc phân bổ các nguồn lực chưa hợp lý. Trong lúc các tỉnh đua nhau xin xây dựng trụ sở công hoành tráng, tượng đài, sân vận động … nghìn tỷ, thì đất nước vẫn thiếu rất nhiều những dự án phục vụ đời sống dân sinh như y tế, giáo dục.

Về chức năng lập pháp của Quốc hội, theo tác giả, khái niệm này ở Việt Nam đang bị hiểu sai thành làm luật, trong khi đúng ra phải là thẩm định và thông qua luật. Chính điều đó đã dẫn tới sự hiểu nhầm rằng Quốc hội đang là nơi cản trở luật. 

Đối với chức năng giám sát, tại các mô hình nghị viện hiện đại trên thế giới, Quốc hội chỉ giám sát chính phủ (tức quyền lực lập pháp đứng trên hành pháp). Trong khi đó, tại Việt Nam, Quốc hội đang phải ôm đồm quá nhiều việc, giám sát việc thi hành luật, bao gồm các đối tượng từ nhà nước, công dân, tòa án … dẫn tới quá sức, chồng chéo và thiếu hiệu quả.

Phần tranh luận sau đó diễn ra rất sôi nổi, tác giả lần lượt giải đáp thắc mắc của những vị khách mời, trong đó làm rõ một số ưu, khuyết điểm căn bản của hệ thống lập pháp Việt Nam, trong tương quan so sánh với kinh nghiệm của nhiều quốc gia trên thế giới.

Kết thúc buổi tọa đàm, TS Nguyễn Sĩ Dũng khẳng định, Quốc hội cần hoạt động chuyên nghiệp hơn để đóng vai trò như là động lực thúc đẩy cạnh tranh, phát triển, đặc biệt là quá trình đổi mới và phát huy dân chủ.

Buổi tọa đàm do tạp chí Tia Sáng phối hợp với Công ty cổ phần sách Omega+ đồng tổ chức.

Tác giả