Kiểm soát chất lượng thực phẩm theo chuẩn hội nhập

Trong khi các thị trường xuất khẩu khó tính được tiêu thụ những sản phẩm lương thực, thực phẩm chất lượng cao từ các doanh nghiệp lớn của Việt Nam, thì người tiêu dùng trong nước nhiều khi buộc phải tiêu thụ những sản phẩm bẩn hoặc kém chất lượng từ các nhà sản xuất, doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nghịch lý này không chỉ do đạo đức, mà còn do những hạn chế trong năng lực tự đánh giá, kiểm soát chất lượng của bản thân các nhà sản xuất, doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Hàng Việt Nam chất lượng cao phát biểu tại hội thảo.

Điểm yếu nhất hiện nay trong quá trình đánh giá chất lượng thực phẩm ở Việt Nam là mới chỉ xem xét sản phẩm cuối cùng, trong khi trên thế giới đã phổ biến cách đánh giá và giám sát ở tất cả mọi khâu trong quá trình sản xuất để có thể truy xuất chính xác nguyên nhân khi có sự cố về vệ sinh an toàn thực phẩm. Chỉ như vậy, doanh nghiệp mới đảm bảo được uy tín trên thị trường và quyền lợi của người tiêu dùng mới được bảo vệ. Đây là nhận định của chuyên gia về an toàn thực phẩm Vũ Thế Thành, người tư vấn kỹ thuật cho Bộ tiêu chí Hàng Việt Nam chất lượng cao chuẩn hội nhập ngành thực phẩm (Bộ tiêu chí) tại Hội thảo công bố kết quả điều tra người tiêu dùng Việt Nam 2017 và tham vấn Bộ tiêu chuẩn tự nguyện về chất lượng thực phẩm do Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao (HDNHVNCLC) tổ chức vào ngày 23/2 tại Hà Nội.

Theo ông Thành, quan điểm của HDNHVNCLC khi xây dựng Bộ tiêu chí là tạo ra thang đánh giá ở mức độ vừa phải, không quá khắt khe khiến đa số các doanh nghiệp không theo được, chủ yếu nhằm giúp doanh nghiệp nhận thức được mình đang ở đâu và cần làm gì để có thể cải thiện chất lượng, độ an toàn của sản phẩm. Trong đó, có các tiêu chí “cứng” mang tính kỹ thuật nhằm hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện đúng các tiêu chuẩn an toàn theo quy định hiện hành trong nước và quốc tế trong suốt toàn bộ quy trình sản xuất. Các chuyên gia xây dựng bộ tiêu chí căn cứ vào các tiêu chuẩn về hệ thống an toàn thực phẩm trong nước và quốc tế (như FDA của Hoa Kỳ, BRC của Hiệp hội bán lẻ Anh, IFS của Hiệp hội thực phẩm Đức và Pháp, Global GAP của tổ chức Food Plus…).

Các doanh nghiệp sẽ được xếp hạng sao (có từ 1 đến 5 sao căn cứ vào mức độ mà doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chí). Để được xếp hạng cao, ngoài các tiêu chí về kỹ thuật, các doanh nghiệp còn phải đáp ứng các tiêu chuẩn về trách nhiệm xã hội, môi trường, và thể hiện năng lực kiểm soát chất lượng nguyên liệu đầu vào trong quy trình sản xuất.

Các doanh nghiệp được Hội DNHVNCLC lựa chọn để đánh giá dựa trên Bộ tiêu chí này phải được tối thiểu 2% người tiêu dùng bình chọn trong cuộc điều tra bình chọn Hàng Việt Nam chất lượng cao do Hội DNHVNCLC tổ chức thường niên. Bà Vũ Kim Hạnh, chủ tịch Hội DNHVNCLC cho biết các doanh nghiệp sẽ tham gia một cách “tự nguyện”, Hội không thu bất kỳ một loại phí nào nhằm tránh đi vào “lối mòn” của trào lưu nhiều doanh mua chứng nhận để có “hư danh” trên thị trường hiện nay. Đồng thời, sẽ có các chương trình tập huấn cho các doanh nghiệp tham gia để hướng dẫn họ cách thức đạt được các tiêu chuẩn trong Bộ tiêu chí. Mặt khác, cũng sẽ có một cơ quan trọng tài và hội đồng độc lập để xem xét bộ tiêu chí này đã đánh giá đúng doanh nghiệp đó hay chưa.

Tuy nhiên, lo ngại về cơ sở pháp lý của Bộ tiêu chí này, từ góc độ nhà quản lý, bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước, Bộ Công thương đặt vấn đề: “Nếu Hội DNHVNCLC đặt ra một bộ tiêu chuẩn và có chứng nhận riêng, thì phải tuân thủ theo các Luật, các tiêu chuẩn quy chuẩn kỹ thuật mà nhà nước đã ban hành. Muốn được hoạt động, có pháp nhân để chứng nhận thì phải đăng ký và được Nhà nước cấp phép”.

Trả lời bà Nga, ông Vũ Thế Thành cho biết, Bộ tiêu chí này không nhằm để thay thế các tiêu chuẩn đã có hiện nay như các tiêu chuẩn cơ sở và tiêu chuẩn quốc gia, mà nhằm để hỗ trợ các doanh nghiệp kiểm soát chất lượng trong quá trình sản xuất. Để nhận được chứng nhận đã đạt các tiêu chí về chất lượng thực phẩm theo chuẩn hội nhập mà Bộ tiêu chí này đặt ra, các doanh nghiệp nộp hồ sơ xin được đánh giá. Sau đó, Hội DNHVNCLC sẽ đối chiếu điều kiện thực tế của doanh nghiệp với các tiêu chí trong nước và quốc tế, cuối cùng công bố doanh nghiệp đã đạt được các tiêu chuẩn hay chưa.

 

Hàng Việt Nam vẫn được yêu thích nhất
Trong khuôn khổ hội thảo, Hội DNHVNCLC công bố Kết quả điều tra hàng Việt Nam chất lượng cao do người tiêu dùng bình chọn năm 2017. Sau 4 tháng điều tra khảo sát với quy mô 15.000 người ở 12 tỉnh thành đại diện cho các vùng kinh tế trọng điểm trong cả nước, cuộc điều tra này đã bình chọn ra 588 doanh nghiệp đạt danh hiệu hàng Việt Nam chất lượng cao do người tiêu dùng bình chọn. Trong đó, 39 doanh nghiệp đạt danh hiệu này liên tục trong 21 năm. Số doanh nghiệp Việt Nam được người tiêu dùng nhắc đến cũng tăng gấp 1,5 lần so với lần điều tra cùng kỳ năm ngoái (năm 2017 có 3.800 doanh nghiệp, năm 2016 có hơn 2.100).
Đáng chú ý, hàng Việt Nam vẫn được người tiêu dùng trong nước ưa chuộng sử dụng và yêu thích. Theo chuyên gia thị trường Trương Công Nghĩa, thành viên nhóm khảo sát này, Hàng Việt Nam được yêu thích nhất và chiếm tỉ trọng lớn trong số lượng hàng tiêu dùng mà người tiêu dùng mua. Và đứng thứ hai trong danh mục xuất xứ hàng hóa được yêu thích là hàng Thái Lan (được yêu chuộng nhất ở ngành hàng thực phẩm, đồ uống không cồn, hàng đóng gói).
Cuộc khảo sát này cũng cho thấy những lo ngại về vệ sinh an toàn thực phẩm của người tiêu dùng Việt Nam. Có tới 53% người trả lời cho biết hiện tại vẫn sử dụng sản phẩm nông sản tươi vì chưa có sản phẩm an toàn thay thế trên thị trường. Khoảng ¼ người tiêu dùng lo ngại về dư lượng hóa chất độc hại ở tất cả các mặt hàng thực phẩm.

Tác giả