Lấy ý kiến về quy hoạch công nghiệp sinh học

Theo giới chuyên môn, những yếu tố quan trọng góp phần làm nên thành công của Quy hoạch tổng thể về công nghiệp sinh học Việt Nam đến năm 2030 là lựa chọn sản phẩm chủ lực, tìm doanh nghiệp phát triển sản phẩm, và đầu tư phải đi kèm với nhiệm vụ cụ thể.

Các công đoạn sản xuất vắcxin phối hợp sởi-rubella tại công ty Vabiotech. Ảnh:TTXVN

Ngày 7/2/2017, Bộ KH&CN đã tổ chức phiên họp lấy ý kiến các chuyên gia, cán bộ quản lý các bộ, ngành nhằm xây dựng dự thảo Quy hoạch tổng thể về công nghiệp sinh học Việt Nam đến năm 2030 dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Trần Quốc Khánh.

Theo quan điểm của ban soạn thảo, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất sẽ góp phần phát triển nền công nghiệp sinh học Việt Nam và đem lại những sản phẩm có giá trị gia tăng cao cho nền kinh tế. Với mục tiêu đó, dự thảo Quy hoạch tổng thể về công nghiệp sinh học Việt Nam đến năm 2030 sẽ tập trung vào việc nghiên cứu và sản xuất những sản phẩm quan trọng của các ngành và lĩnh vực đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế và xã hội như những giống cây trồng, vật nuôi được chọn tạo bằng các kỹ thuật sinh học phân tử, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hữu cơ, phân bón vi sinh, vắc xin sinh học, các bộ kít chẩn đoán bệnh nhanh cho vật nuôi (nông nghiệp), vắc xin phòng bệnh cho người, protein tái tổ hợp (y tế), đồ uống lên men, các a xít hữu cơ (chế biến – bảo quản), xử lý chất thải (môi trường), bộ kít phát hiện chất cấm (an ninh quốc phòng)…  

Ban soạn thảo đề xuất, Quy hoạch chia theo hai giai đoạn thực hiện: từ 2017 đến 2025 và 2015 đến 2030 với những yêu cầu cụ thể về xây dựng cơ sở vật chất, đội ngũ nhân lực, sản xuất sản phẩm theo từng ngành và lĩnh vực.

Lựa chọn sản phẩm và công nghệ

Tại cuộc họp, hầu hết các ý kiến đều cho rằng, để Quy hoạch đạt được kết quả như mong muốn, cần có những định hướng phát triển và sản xuất sản phẩm rõ ràng hơn dựa trên thông tin xác thực từ các bộ ngành quản lý từng ngành và lĩnh vực được đưa vào dự thảo. Đại diện Bộ Công thương cho rằng, để có được định hướng sản phẩm rõ ràng, trên cơ sở ý kiến đóng góp của các bộ ngành, ban soạn thảo nên lựa chọn một số sản phẩm chủ lực và xác định thêm những vấn đề đi kèm: sử dụng công nghệ nào, quy mô sản xuất, thiết bị dây chuyền sản xuất, vốn đầu tư… GS. TS Phan Tuấn Nghĩa (ĐH Khoa học tự nhiên, ĐHQGHN) cho biết thêm, lựa chọn sản phẩm cần dựa vào thế mạnh của từng lĩnh vực đặc thù gắn liền với đặc điểm Việt Nam và xu thế thị trường.   

Về công nghệ, GS. TS Trương Nam Hải (Viện Công nghệ sinh học, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) và GS. TS Lê Huy Hàm (Viện Di truyền nông nghiệp, Bộ NN&PTNT) nhận xét, cần rà soát lại những công nghệ nào mà Việt Nam đã làm chủ, qua đó xác định  cần phát triển thêm công nghệ nào để tiếp tục giao nhiệm vụ cho các nhà nghiên cứu. GS. TS Trương Nam Hải cũng lưu ý, việc xác định rõ các sản phẩm rất quan trọng vì nó liên quan đến yếu tố công nghệ, do đó nếu có sớm danh sách sản phẩm, các nhà nghiên cứu sẽ chủ động thực hiện được nhiệm vụ của mình.

Bảo hộ của nhà nước

Một mắt xích quan trọng trong việc thực hiện tốt Quy hoạch là doanh nghiệp. Vấn đề quan trọng ở đây là cần có những cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào việc làm ra các sản phẩm này. Tuy nhiên do tính chất của từng ngành, từng lĩnh vực nên việc thu hút doanh nghiệp tham gia sản xuất sản phẩm chủ lực không phải bao giờ cũng thuận lợi, ví dụ như lĩnh vực y dược, PGS. TS Trịnh Văn Lẩu (Hội đồng Dược điển Việt Nam, Bộ Y tế) nêu. Ví dụ để đạt mục tiêu đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu, cần có những nhà máy sản xuất đạt tiêu chuẩn GMP WHO. Hiện với sản phẩm vắc xin cho người, sau nhiều năm đầu tư, Bộ Y tế mới có 3 nhà máy đạt chuẩn, còn với sản phẩm protein tái tổ hợp thì “vài chục triệu đô la chẳng có ý nghĩa gì”. Phó cục trưởng Cục KH&CN (Bộ Y tế) Trần Thị Oanh cho rằng, độ rủi ro trong phát triển các sản phẩm công nghệ sinh học rất cao, doanh nghiệp tư nhân không muốn đầu tư nên rất cần sự bảo hộ của nhà nước.

Đầu tư cơ sở vật chất đi kèm với nhiệm vụ

Đề cập đến vấn đề xây dựng cơ sở vật chất của dự thảo, kết nối trường đại học và viện nghiên cứu, GS. TS Lê Huy Hàm cho rằng, cần có những nhiệm vụ cụ thể đi kèm với kế hoạch đầu tư, chỉ bằng cách đó mới có thể khai thác hiệu quả cơ sở vật chất, nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ, góp phần làm chủ các công nghệ mới và làm ra được những sản phẩm nghiên cứu tốt, có khả năng ứng dụng vào sản xuất. Ông lấy ví dụ PTNTĐQG là một mô hình thực hiện chưa đạt hiệu quả như mong muốn do việc đầu tư kinh phí không đi kèm với nhiệm vụ.

Trên cơ sở những gợi ý của các chuyên gia, ban soạn thảo dự thảo sẽ tiếp tục điều chỉnh và gửi văn bản lấy thêm ý kiến đóng góp của các bộ, ngành liên quan để từ đó, Bộ KH&CN sẽ hoàn thiện dự thảo trình Chính phủ vào tháng 3/2017.  

Tác giả