Nafosted sẽ tăng 70% đầu tư cho khoa học

Trao đổi với Tạp chí Tia Sáng, TS. Đỗ Tiến Dũng, giám đốc Quỹ Nafosted, cho biết, trong tương lai gần Quỹ sẽ được cấp nguồn vốn hằng năm ở mức 500 tỷ đồng, tăng gần 70% so với hiện nay, tạo điều kiện cho những hình thức đầu tư mới cho nhà nghiên cứu.

TS Đỗ Tiến Dũng giới thiệu điểm mới trong tài trợ năm 2017 của Quỹ. Ảnh: Hảo Linh

Sáng 13/1, tại Hà Nội, Quỹ Nafosted tổ chức phiên họp triển khai xét duyệt đợt một đề tài nghiên cứu cơ bản trong lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật năm 2017 với sự tham gia của tám hội đồng khoa học chuyên ngành: toán học, vật lý, cơ học, sinh học nông nghiệp, y sinh – dược học, hóa học, khoa học thông tin, và máy tính.

TS. Đỗ Tiến Dũng, Giám đốc Quỹ Nafosted, cho biết, tổng kinh phí đầu tư cho nghiên cứu khoa học của Quỹ trong năm 2017 dự kiến sẽ tăng lên 400 tỷ đồng, nghĩa là tăng trên 30% so với năm 2016 (300 tỷ đồng). Nhờ vậy, Quỹ sẽ có điều kiện mở rộng quy mô tài trợ lẫn chất lượng tài trợ cho các đề tài nghiên cứu, trong các lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật, khoa học xã hội và nhân văn. Trong tương lai gần Quỹ sẽ được cấp nguồn vốn hằng năm ở mức 500 tỷ đồng, tăng gần 70% so với hiện nay.

Theo số liệu thống kê của Quỹ, trong năm 2016, kinh phí đầu tư cho các đề tài thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật chiếm 60% tổng kinh phí của Quỹ, đạt 2,9 công bố ISI/đề tài. Trung binh kinh phí mỗi đề tài nghiên cứu cơ bản do Quỹ tài trợ được tài trợ 700-800 triệu đồng.

Kể từ năm 2017, sự gia tăng về kinh phí cũng sẽ cho phép Quỹ thực hiện thêm một số nội dung tài trợ mới, như đầu tư cho các tiến sỹ có kết quả nghiên cứu tốt thực hiện nghiên cứu sau tiến sỹ ngay tại Việt Nam, hoặc với những công bố mà kinh phí thực hiện không phải từ nguồn ngân sách nhà nước thì Quỹ sẽ hỗ trợ một phần kinh phí. Bên cạnh đó, Quỹ cũng sẽ hỗ trợ các nhà khoa học đăng ký sở hữu trí tuệ với các công nghệ, sản phẩm từ các nghiên cứu KH&CN Việt Nam.

Tăng thời gian để có công bố tốt

Theo quan điểm của Quỹ, trong thời gian tới, cần nâng cao chất lượng công bố từ các đề tài do Quỹ tài trợ. Để khuyến khích các nhà khoa học có thêm nhiều công bố trên tạp chí tốt, Quỹ đã tiếp tục rút gọn danh sách tap chí quốc tế công bố các kết quả nghiên cứu do Quỹ tài trợ, cũng như khuyến khích công bố trên các tạp chí khoa học hàng đầu trong các lĩnh vực (bao gồm chính sách công bố 01 công trình trên các tạp chí hàng đầu thay vì 02 công trình trên danh mục thông thường). Trong năm 2017, Quỹ sẽ tiếp tục kiên trì thực hiện mục tiêu này.

GS. TS Nguyễn Hữu Việt Hưng nêu ý kiến về tăng chất lượng công bố. Ảnh: Hảo Linh

Tại phiên họp, nhiều thành viên thuộc các hội đồng khoa học chuyên ngành đã đồng ý với quan điểm của Quỹ, như GS. TS Nguyễn Hữu Việt Hưng (ĐH Khoa học tự nhiên, ĐHQGHN), thành viên hội đồng ngành Toán học cho rằng, số lượng công bố quốc tế của Việt Nam chưa khá so với khu vực và quốc tế nhưng “cổ vũ số lượng hay chất lượng cũng tốt”. Ông kể lại, ngay từ thời điểm 2009, khi Quỹ bắt đầu áp dụng tiêu chí phải có công bố quốc tế trong ngành khoa học tự nhiên và kỹ thuật, ông đã nghĩ đến khả năng “có nhiều bài báo ‘cận biên giới’ SCIE”.

Một thành viên khác của hội đồng ngành toán học, GS. TS Nguyễn Hữu Dư (Viện nghiên cứu cao cấp về Toán) nhận xét, vào thời điểm này, Việt Nam vẫn rất cần số lượng công bố quốc tế vì xét ra, số lượng công bố ISI của Việt Nam vẫn chưa thể sánh được với một số quốc gia trong khu vực và quốc tế. Dẫu vậy, ông cũng đồng tình với mục tiêu tăng cường chất lượng công bố thông qua việc quy đổi bài báo trên tạp chí tốt với bài báo trên tạp chí khác.

Tuy nhiên, theo GS. TS Nguyễn Hữu Việt Hưng, việc xuất bản công trình trên các tạp chí có hệ số ảnh hưởng cao không phải dễ thực hiện. Lấy ví dụ từ ngành toán, ông cho rằng, từ nghiên cứu đến lúc viết được bài báo sẽ trung bình mất khoảng một năm và từ lúc nhà nghiên cứu gửi bài đến lúc bài báo được xuất bản trên các tạp chí uy tín cũng phải mất từ hai đến ba năm trong khi thời gian mà Quỹ dành cho các đề tài thường là hai năm. Với khoảng thời gian này thì “công bố chỉ có thể xuất bản trên tạp chí tốt vừa phải”.

Một thành viên trong hội đồng Khoa học trái đất cũng đồng tình với ý kiến này của GS. Hưng, đồng thời nêu 50% công bố của ngành Khoa học trái đất đều trên tạp chí xếp hạng Q1 của ngành. Tuy nhiên, có một thực trạng là việc công bố trên tạp chí Q1 đòi hỏi mất nhiều thời gian và để kịp thời gian quy định của Quỹ, nhiều nhà nghiên cứu phải hạ thấp chỉ tiêu xuống tạp chí Q2.

Trả lời thắc mắc của các thành viên hội đồng khoa học ngành, TS. Đỗ Tiến Dũng cho biết, quy định mới cho phép các đề tài có thêm 12 tháng thời gian “chờ công bố” để tạo điều kiện cho các nhà khoa học có công bố trên các tạp chí tốt, bên cạnh thời gian gia hạn tối đa là 12 tháng so với thời hạn ký hợp đồng. 

 

Tác giả