Nhân lực KH&CN: Muốn sử dụng phải đào tạo lại

Nguồn nhân lực KH&CN Việt Nam gia tăng về số lượng nhưng chất lượng vẫn chưa thực sự đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội. Để khắc phục bất cập đó, một số doanh nghiệp có chiến lược “đào tạo lại” để phát triển nguồn nhân lực “nội sinh”.


Ông Hoàng Văn Phong, Chủ tịch Hội đồng Chính sách KH&CN Quốc gia,
điều hành hội thảo.

Vào ngày 18/11, tại Hà Nội, Hội đồng Chính sách KH&CN Quốc gia đã tổ chức hội thảo “Chính sách đào tạo, sử dụng và phát triển nhân lực KH&CN phục vụ phát triển kinh tế – xã hội” với sự tham dự của toàn thể thành viên Hội đồng và đại diện một số cơ sở nghiên cứu, doanh nghiệp tư nhân.

Theo TS. Nguyễn Đình Minh, Tổng thư ký Hội đồng Chính sách KH&CN quốc gia, về số lượng, số cán bộ nghiên cứu ở Việt Nam đã tăng vượt chỉ tiêu, đạt mức 14 người/ 1 vạn dân vào năm 2014, so với chỉ tiêu 10 người/ 1 vạn dân vào năm 2015 trong Chiến lược Phát triển KH&CN quốc gia 2011 – 2020. Tuy nhiên, chất lượng nguồn nhân lực này vẫn còn nhiều hạn chế và đây là một trong những lý do chính dẫn đến nhiều chỉ tiêu quan trọng khác trong Chiến lược chưa đạt được, chẳng hạn: số tổ chức KH&CN đạt trình độ khu vực và quốc tế chỉ đạt 20% chỉ tiêu; số doanh nghiệp KH&CN – 7% chỉ tiêu; số cơ sở ươm tạo công nghệ cao và doanh nghiệp công nghệ cao – chưa tới 30% chỉ tiêu… Trong khi đó, Chiến lược đề ra, đến năm 2015, hình thành 30 tổ chức nghiên cứu cơ bản và ứng dụng trình độ khu vực và thế giới; có 3.000 doanh nghiệp KH&CN; 30 cơ sở ươm tạo công nghệ cao và doanh nghiệp công nghệ cao.

Theo TS. Minh, chất lượng đào tạo nhân lực KH&CN chưa đáp ứng nhu cầu sử dụng là do các trường đại học ở Việt Nam chưa thực sự là các đại học nghiên cứu, mục tiêu đào tạo không hướng tới phát triển nhân lực nghiên cứu.

Đào tạo lại

Để khắc phục tình trạng đào tạo chưa đáp ứng nhu cầu về nhân lực KH&CN, một số đơn vị phải tự đặt ra chiến lược “đào tạo lại”, như trường hợp của Công ty Cổ phần Bkav và Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo thiết kế vi mạch (ICDREC), Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh.

Ông Nguyễn Tử Quảng, Tổng giám đốc Bkav, cho biết tại hội thảo: “Toàn bộ nguồn nhân lực của Trung tâm An ninh mạng Bkis cũng như kỹ sư thiết kế Bphone đều được đào tạo ở Việt Nam. Những kỹ sư này được thực tập tại công ty ngay từ khi còn học năm thứ tư đại học, sau đó được tuyển dụng và tiếp tục đào tạo ở công ty. Trong toàn bộ số nhân viên ở Bkis, chỉ có một người được đào tạo ở nước ngoài”. Ông nói thêm: “Khi chưa có tiềm lực kinh tế như hiện nay thì rất khó lòng cạnh tranh để thu hút chuyên gia từ nước ngoài. Vì thế nên cố gắng tự đào tạo nguồn nhân lực của mình và nên tự tin rằng chúng ta hoàn toàn có thể chủ động tạo ra nguồn nhân lực đó”.

Trong khi đó, ông Ngô Đức Hoàng, giám đốc ICDREC, cho biết, Trung tâm đã đào tạo được khoảng 500 kỹ sư thành thạo về vi mạch điện tử trong thời gian 2013 – 2016. ICDREC được thành lập từ năm 2005 với sứ mệnh trở thành trung tâm hàng đầu về thiết kế và đào tạo vi mạch tại Việt Nam.

Tuy nhiên, sau khi có trong tay nguồn nhân lực KH&CN chất lượng tốt, các đơn vị có thể phải đối mặt với tình trạng “chảy máu chất xám”. Ông Ngô Đức Hoàng cho biết, ICDREC đã “chảy máu chất xám” tới 40 trong tổng số 150 nhân sự trình độ cao chỉ trong vòng hai năm 2015 và  2016 – những người này đã chuyển sang đơn vị khác hoặc thậm chí sang nước khác như Mỹ hoặc Singapore làm việc với đồng lương cao hơn. “Hiện nay ICDREC chỉ có thể trả lương cho kỹ sư khoảng 1.000 USD, nhưng các kỹ sư này có thể ra làm cho các doanh nghiệp khác với mức lương khoảng 3.000 – 4.000 USD”, ông Hoàng chia sẻ tại hội thảo. 

Theo kết quả tổng hợp Điều tra nghiên cứu và phát triển năm 2014 và Điều tra doanh nghiệp năm 2014 của Bộ KH&CN, cả nước có khoảng 129.000 cán bộ nghiên cứu, trong đó khoảng 10% có trình độ tiến sĩ, 35% trình độ thạc sỹ, 51% trình độ đại học.

 

Tác giả