Thí điểm cơ chế đối tác công – tư, đồng tài trợ thực hiện nhiệm vụ KH&CN

Đề án “Thí điểm cơ chế đối tác công - tư, đồng tài trợ thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ” vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Công ty Rạng Đông thực hiện nhiều hợp tác trong nghiên cứu với các trường, viện. Nguồn: Báo KTĐT

Cơ chế đối tác công – tư, đồng tài trợ (viết tắt là PPP) thực hiện nhiệm vụ KH&CN được xác lập trên cơ sở các đối tác công và đối tác tư ký thỏa thuận đóng góp nguồn lực cùng xác định, thực hiện các chương trình KH&CN và khai thác, sử dụng các kết quả tạo ra.

Các chương trình KH&CN thực hiện thí điểm theo cơ chế PPP được lựa chọn trong Đề án (gọi tắt là Chương trình) là những vấn đề KH&CN có vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành, nhóm ngành kinh tế; phát triển các lĩnh vực KH&CN ưu tiên; góp phần giải quyết những vấn đề kinh tế – xã hội cấp thiết.

Các đối tác đóng góp nguồn lực thực hiện Chương trình bao gồm: Đối tác công là các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là bộ, ngành, địa phương); các định chế tài chính hoạt động chủ yếu bằng ngân sách nhà nước; đối tác tư là các doanh nghiệp, tổ chức hoạt động vì mục tiêu lợi nhuận được thành lập theo quy định pháp luật Việt Nam. Phần đóng góp của đối tác tư chiếm không dưới 40% tổng nguồn lực thực hiện Chương trình; các tổ chức hợp tác phát triển song phương và đa phương, các quỹ và các tổ chức, cá nhân khác tham gia đóng góp nguồn lực thực hiện Chương trình được tính vào phần đóng góp của đối tác công hoặc đối tác tư tùy từng trường hợp cụ thể.

Việc xác định và điều chỉnh danh mục đề tài, dự án thuộc Chương trình và tuyển chọn các nhóm doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thực hiện được quyết định bởi các hội đồng với 50% thành viên là đại diện của đối tác công và 50% thành viên là đại diện của đối tác tư.

Lợi ích từ Chương trình được phân chia theo tỷ lệ đóng góp nguồn lực của các đối tác, hoặc theo thỏa thuận khác. Thiệt hại, rủi ro (nếu có) liên quan đến Chương trình được chia sẻ theo tỷ lệ đóng góp nguồn lực hoặc theo thỏa thuận khác nhưng không vượt quá phần đóng góp thực tế của mỗi đối tác trong Chương trình.

Thành lập Chương trình

Bộ KH&CN chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức KH&CN và các bên liên quan tổ chức xác định, lựa chọn các Chương trình trên cơ sở tiêu chí, trình tự quy định.

Các đối tác công và đối tác tư có cam kết đóng góp nguồn lực cử đại diện để ký kết hợp đồng đối tác công – tư thành lập Chương trình với nội dung chính bao gồm: Mục tiêu; quy mô; thời gian thực hiện; danh mục dự kiến các đề tài, dự án và phương án bảo đảm nguồn lực thực hiện; quy định quản lý tài chính, tài sản (bao gồm cả tài sản vô hình có liên quan); thành lập và hoạt động của Ban chủ nhiệm Chương trình (Ban chủ nhiệm) để điều hành và tổ chức triển khai thực hiện Chương trình; các vấn đề khác mà các bên quan tâm.

Về triển khai thực hiện Chương trình, Ban chủ nhiệm sẽ triển khai việc thành lập hội đồng xác định, sửa đổi, bổ sung danh mục chi tiết đề tài, dự án của Chương trình và công bố công khai để các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đăng ký tham gia tuyển chọn; thành lập hội đồng tuyển chọn các doanh nghiệp, tổ chức, cơ quan thực hiện đề tài, dự án của Chương trình trên cơ sở tiêu chí, trình tự quy định; trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt danh mục đề tài, dự án của Chương trình và các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thực hiện theo thủ tục, trình tự quy định; giám sát, định kỳ đánh giá việc thực hiện; tổ chức nghiệm thu kết quả thực hiện đề tài, dự án của Chương trình theo thủ tục, trình tự quy định.

Khuyến khích các tổ chức đóng góp nguồn lực tham gia Chương trình

Về huy động nguồn lực thực hiện Chương trình, khuyến khích các tổ chức trong nước và quốc tế đóng góp nguồn lực tham gia Chương trình. Phần đóng góp tham gia Chương trình bằng tiền, tài sản hoặc dịch vụ được tính là khoản đầu tư cho KH&CN và hưởng các ưu đãi theo quy định của pháp luật; tập trung, lồng ghép kinh phí ngân sách nhà nước từ các nhiệm vụ khoa học và công nghệ, các chương trình, dự án khác nhau có mục tiêu phù hợp đóng góp thực hiện Chương trình.

Khi thực hiện các đề tài, dự án của Chương trình, các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân được ưu tiên, ưu đãi cao nhất theo quy định của pháp luật trong sử dụng trang thiết bị, phòng thí nghiệm và cơ sở vật chất cần thiết khác của Nhà nước; được ưu tiên khai thác các cơ sở dữ liệu, tài sản trí tuệ thuộc sở hữu nhà nước.

Về chế độ tài chính trong việc thực hiện đề tài, dự án của Chương trình và các hoạt động khác của Đề án, áp dụng nội dung, định mức và phương thức chi thuận lợi nhất được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành hoặc đã được áp dụng đối với những nhiệm vụ khoa học và công nghệ đặc thù khác; các nhóm chủ trì thực hiện đề tài, dự án của Chương trình được chủ động điều chỉnh dự toán, áp dụng chế độ thực thanh, thực chi trong giới hạn được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận.

Các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đóng góp nguồn lực thực hiện các đề tài, dự án của Chương trình được ưu tiên sử dụng kết quả tạo ra phù hợp với các quy định pháp luật; kết quả thực hiện đề tài, dự án của Chương trình được ưu tiên lựa chọn  trong hoạt động đầu tư mua sắm công; được ưu tiên sử dụng làm tiêu chuẩn quốc gia trong những lĩnh vực phù hợp.

Nguồn: http://baochinhphu.vn/Kinh-te/Thi-diem-co-che-doi-tac-cong-tu-dong-tai-tro-thuc-hien-nhiem-vu-KHCN/288589.vgp

Tác giả