EINSTEIN

Quả thật tôi đã nhiều lần nghi ngờ: làm thế nào có thể viết được toàn diện về Albert Einstein, dù chỉ ở mức tương đối. Ít nhất là vì hai lý do: những vấn đề không chỉ về khoa học, mà cả về triết học của ông quá ư to lớn, tinh tế, sâu sắc, quá khó, nhất là để nói với những người ngoại đạo, tức hầu hết người đọc chúng ta? Thứ hai: Einstein không chỉ là một nhà khoa học cực lớn, ông còn là một người hiền, cỡ những Lão Trang, mà lại là của thế giới hôm nay, cái thế giới đang được và bị khoa học làm náo động dữ dội như xưa nay chưa từng có.

Tôi nghĩ về cơ bản, Nguyễn Xuân Xanh, tác giả sách Einstein (NXB Tổng hợp Tp. HCM), đã vượt qua thành công hai khó khăn đó. Có lẽ trước hết vì anh đã chọn được một con đường đúng, xuất phát từ một ý tưởng đúng, như chính Einstein quan niệm: Vật lý phải được dạy như một vở “bi kịch” (drama) của những ý tưởng chứ không phải như một mớ kỹ năng. Viết về Einstein đương nhiên không thể không viết về các thuyết khoa học vô cùng quan trọng của ông, nhưng nói cho cùng nếu như tôi chẳng hiểu gì cả về thuyết tương đối hẹp và rộng, hay thuyết lượng tử kỳ lạ… thì đã sao đâu! Vấn đề là tôi cần biết những khám phá vĩ đại đó đã làm thay đổi cách nhìn vũ trụ, và không những vũ trụ trừu tượng, xa xôi, mà từ đó cả cái nhân tình thế thái hằng ngày này như thế nào; và con người, với người anh hùng dẫn đầu là Einstein, đã vượt qua từng màn, từng hồi, từng lớp tấn “bi kịch” của những ý tưởng như thế nào để không ngừng khám phá những bí ẩn dấu kín của vũ trụ và đồng thời khám phá ra mình trong vũ trụ ấy. Cuốn sách này do vậy không phải là một bài giảng về vật lý, dẫu đã cố gắng thật sáng rõ đối với những vấn đề hết sức phức tạp; nó được viết như một thiên anh hùng ca về con người, “cây sậy biết tư duy”, như lời Pascal.

 
Einstein tại hội nghị sinh viên Do Thái.

Cũng chính vì được viết như vậy, nên nó đồng thời làm được việc khó lớn thứ hai: vẽ nên được khá rõ chân dung Einstein, một con người “người” nhất trong những con người của cái thời đại xiết bao khó khăn cho con người này, bậc hiền triết lớn nhất và cũng gần gũi nhất của thế giới hiện đại, một con người của toàn nhân loại, là công dân của thế giới, vừa là người chiến sĩ dũng cảm nhất, kiên định nhất, anh hùng nhất của cuộc đấu tranh cho một nhân loại vĩnh viễn hoà bình và hữu nghị, vừa là một con người vô cùng lẻ loi và cô đơn, suốt đời, vì như Nguyễn Xuân Xanh qua chính cuộc đời Einstein mà viết rất chí lý: “Cô đơn là quy luật khắc nghiệt dành cho những nhà khoa học hay hoạt động trí óc đam mê. Không có cô đơn thì hầu như không có khoa học”. Cô đơn vì ông là con người đạt đến thứ tự do cao nhất mà ông gọi “tự do nội tâm”, tự do đối với chính mình, “luôn độc lập tư duy trước mọi trói buộc của thành kiến, của quyền lực và xã hội”. Con người có thể sẵn sàng chấp nhận khi cần thiết thì đứng riêng lại một mình, dũng cảm chịu cô độc đến cùng trên con đường đi tìm ra sự thật, bất chấp tất cả mọi uy tín lớn nhất và quyền lực ghê gớm nhất…
Đây là một cuốn sách có thể và cần đọc đi đọc lại nhiều lần, vì vô số những suy ngẫm sâu xa mà tác giả đã công phu và tha thiết lọc ra cho chúng ta từ cuộc đời, sự nghiệp và nhân cách của một con người trong số rất ít những người vĩ đại nhất nhân loại từng có được cho đến nay.

Nguyên Ngọc

Tác giả