Nghiên cứu về ô nhiễm nước ngầm của nhà khoa học Việt Nam và Mỹ được công bố trên Nature

Kết quả nghiên cứu hợp tác của nhóm các nhà khoa học từ Trung tâm Nghiên cứu Công nghệ Môi trường và Phát triển Bền vững (CETASD) thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội với ĐH Columbia, Mỹ, trong lĩnh vực ô nhiễm nước ngầm vừa được công bố trên tạp chí khoa học hàng đầu thế giới Nature.

Công trình nghiên cứu mang tên “Cơ chế làm chậm sự di chuyển của asen qua tầng chứa nước sâu Pleistocene” (Retardation of arsenic transport through a Pleistocene aquifer),  được xuất bản trên Nature số tháng 9/2013 (Vol. 501, p. 204-207).

Nghiên cứu này được thực hiện tại bãi giếng khoan tại xã Vạn Phúc nằm cách trung tâm Hà Nội khoảng 10 km về phía Đông Nam, nơi có hiện tượng độc đáo là có vùng chuyển giữa hai môi trường có nồng độ asen hòa tan thấp và cao rất sắc nét, và đặc biệt vùng ranh giới chuyển tiếp này đang có nguy cơ di chuyển về phía Tây tương ứng với sự tăng cường mức độ khai thác (bơm hút) nước ngầm ở Hà Nội.

Các phát hiện của công trình nghiên cứu được tóm tắt như sau: “Tầng chứa nước nông Holocene là nguồn gây ô nhiễm asen tại khu vực nghiên cứu tại xã Vạn Phúc, ngược lại, tầng cát Pleistocene được tích tụ từ hơn 12.000 năm trước chứa nước ngầm với nồng độ asen rất thấp. Các tầng chứa nước sâu Pleistocene ngày càng được khai thác nhiều để cung cấp nguồn nước an toàn, vì thế cần phải nghiên cứu rõ hàm lượng ô nhiễm asen thấp đó đã được duy trì dưới những điều kiện nào. Trong nghiên cứu này, giai đoạn đầu của sự ô nhiễm tầng chứa nước Pleistocene đã được tái tạo lại và đã chứng minh được rằng những thay đổi về các điều kiện dòng chảy nước ngầm và trạng thái oxy hóa khử của tầng cát chứa nước do sự bơm hút nước ngầm đã gây ra sự xâm nhập ô nhiễm asen dọc từ tầng Holocene vào tầng Pleistocene hơn 120 m. Kết quả nghiên cứu cho thấy chính asen đã bị hấp phụ bởi các hạt cát trong tầng chứa nước. Do đó, phạm vi lây lan ô nhiễm asen giảm đi hơn 20 lần so với sự di chuyển dọc của nước ngầm trong cùng một giai đoạn nhất định. Nghiên cứu này đã chỉ ra rằng sự ô nhiễm asen trong tầng chứa nước Pleistocene ở khu vực Nam và Đông nam Á dưới tác động của việc khai thác nước ngầm có thể được làm chậm do sự lưu giữ asen trong quá trình di chuyển”.

Ô nhiễm asen trong nước ngầm tầng nước nông (tầng Holocene) là một trong những mối đe dọa sức khỏe lớn nhất ở các nước đang phát triển. Tại đồng bằng sông Hồng, nước ngầm đang là nguồn nước chủ yếu phục vụ cho sinh hoạt của một trong những khu vực đông dân cư nhất trên thế giới. Đứng trước mối nguy cơ đó, từ năm 1998 đến nay, CETASD đã cùng hợp tác với các nhà khoa học, các cơ quan nghiên cứu uy tín trên thế giới để triển khai hướng nghiên cứu về ô nhiễm asen trong nước ngầm tại Việt Nam với mục đích phát hiện và khoanh vùng những khu vực ô nhiễm cũng như tìm hiểu cơ chế phát sinh ô nhiễm asen để có biện pháp giảm thiểu.

Thực tế, các kết quả nghiên cứu trước đây của CETASD đã được sử dụng làm cơ sở khoa học góp phần tư vấn cho Chính phủ xây dựng “Chiến lược hành động quốc gia về nghiên cứu ô nhiễm asen trong nước ngầm và giải pháp khắc phục”, đồng thời đã và sẽ đóng góp vào cơ sở dữ liệu khoa học giúp cho các nhà quản lý hoạch định chính sách về quản lý khai thác nước ngầm và định hướng về việc khai thác nước mặt dần thay thế cho nước ngầm tại Hà Nội bắt đầu từ nhiều năm nay.

GS.TS Nguyễn Hữu Đức – Phó Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết:

Nature là một tạp chí có uy tín hàng đầu thế giới, có chỉ số ảnh hưởng IF = 38. Mỗi năm, tạp chí nhận được hơn 10.000 bài gửi đến, nhưng chỉ có 8% trong số đó lọt qua các vòng bình duyệt và được công bố.

Các công trình khoa học công bố trên tạp chí này đạt trình độ nghiên cứu cơ bản xuất sắc, có tính đột phá, có ảnh hưởng lớn không chỉ đối với cộng đồng khoa học và mà còn cả xã hội.

Trên thế giới, việc bài báo được xuất bản trên Nature không chỉ là chỉ số đánh giá phát minh và tài năng cá nhân các nhà khoa học mà còn đánh giá trình độ khoa học của các cơ sở đạo tạo và nghiên cứu, thậm chí cả trình độ khoa học của một quốc gia. Trong 10 năm qua, các cơ sở đào tạo và nghiên cứu của Việt Nam mới chỉ có khoảng năm công trình (thực hiện tại Việt Nam) được đăng trên Nature.

Đối với công trình nghiên cứu của nhóm nghiên cứu địa hóa môi trường của GS.TS Phạm Hùng Việt, các nhà khoa học Việt Nam đã hợp tác với các nhà khoa học quốc tế, bền bỉ triển khai thực hiện hướng nghiên cứu liên tục tại Việt Nam trong suốt hơn 15 năm và đã thu được các kết quả thực sự có giá trị. Trong công trình này, các nhà khoa học của ĐH Quốc gia Hà Nội đã có đóng góp từ việc đề xuất ý tưởng đến việc trực tiếp bố trí thực nghiệm, khảo sát hiện trường và xử lý số liệu.

Công trình nghiên cứu được hoàn thành nhờ sự tài trợ một phần của Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia (Nafosted) của Việt Nam.

Tác giả