20 thế kỷ bản đồ thế giới

Chúng ta đang ở đâu? Trên một khối cầu hay trên một mặt phẳng? Bằng các hình vẽ có ghi chú, con người tìm cách diễn tả một ý niệm về vị trí của mình trong không gian: vị trí trong môi trường xung quanh của mình hoặc vị trí trong không gian rộng lớn hơn. Bản đồ  thể hiện một cái nhìn, tưởng tượng hoặc hiện thực, bằng các ký hiệu, các hình dạng và màu sắc. Nó cũng thiết lập một mối quan hệ trực tiếp với không gian thực, làm sáng tỏ các khoảng cách, các mạng lưới.

Đối với các triết gia, các nhà khoa học hay tín đồ tôn giáo, bản đồ là để tìm kiếm một hình ảnh về thế giới để định vị mình trong vũ trụ. Đối với các lái buôn, nhà hàng hải hay quân sự, bản đồ giúp họ biết mình đang ở đâu so với một thị trường nào đó, ở cảng hay vị trí an toàn nào. Đối với hoàng đế, bản đồ giúp tổ chức quyền lực, quản lý hành chính hay pháp luật của một lãnh thổ. Bằng các tri thức mà nó tập hợp và bằng ảnh hưởng thị giác, bản đồ đóng góp tích cực vào cảm giác làm chủ một lãnh thổ.
Trong lịch sử, mỗi một nền văn minh đều đã xây dựng thế giới quan của riêng mình, một cái nhìn ban đầu mang màu sắc tôn giáo hoặc bác học. Nhưng dần dần, từ thế kỷ XV, bản đồ do người châu Âu vẽ đã trở nên thịnh hành. Bản đồ bác học trộn lẫn với bản đồ hành trình và bản đồ địa lý để cho ra đời một bản đồ vật lý khoa học, trên đó đan xen chồng chập lên nhau bản đồ chính trị của các Quốc gia-Dân tộc và các thuộc địa đầu thế kỷ XX.
Kỹ thuật họa đồ hiện nay trở nên cực kỳ đa dạng, vì việc sử dụng chúng đã trở nên rộng rãi hơn bao giờ hết. Bằng chứng là một loạt các phương thức biểu đạt họa đồ mới và các atlas chủ đề. Bằng chứng nữa là bản đồ vẽ lòng đất và khí quyển Trái đất. Bằng cách vẽ bản đồ toàn bộ Trái đất, con người muốn tự trấn an mình và tìm cách làm chủ một thế giới hung bạo. Nhưng để hiểu và hành động, loài người ngày nay cũng cần vẽ một thế giới bị đe dọa.

Trời và đất – Bản đồ về thế giới đã biết (ảnh 1)
Các bản đồ của ông đã mất, nhưng sách của ông thì vẫn còn. Claude Ptolémée, nhà toán học, thiên văn học và địa lý học sống tại Alexandrie thế kỷ II sau Công nguyên, là tác giả của một cuốn sách đồ sộ Géographie (Địa lý), trong đó có một bản đồ tổng quát và hai mươi bản đồ chi tiết. Các bản đồ chi tiết này đã được tái tạo nhờ 8.000 tọa độ vĩ độ và kinh độ do Ptolémée tính toán. Cuốn Địa lý của ông nổi tiếng trên toàn thế giới Hồi giáo và Bizantin, nhưng chỉ được lưu truyền tại Châu Âu từ thế kỷ XV. Ảnh hưởng của nó thật to lớn và cho ra đời nhiều bản thảo và sau đó khoảng bốn chục cuốn sách in.
Trong cuốn Địa lý của mình, Ptolémée đã cô đọng lại bảy thế kỷ tư tưởng Hy Lạp về thế giới. Một tư tưởng ở ngã tư triết học, lý thuyết về vũ trụ, trừu tượng toán học, quan sát thiên văn và các hiểu biết thực địa. Trái đất của Ptolémée, cũng như Trái đất của Anaimandre (khoảng 610-540 trước CN) sau đó là của Erathostène thế kỷ II trước CN, là một khối cầu – hình dạng lý tưởng của các nhà triết học – quanh nó là các thiên thể vạch ra các vòng tròn. Địa lý chia Trái đất theo các vòng tròn của trời. Và các vòng tròn song song này xác định, theo Ptolémée, bảy “khí hậu”. Ptolémée tìm cách biểu diễn trên bản đồ của mình phần duy nhất của Trái đất được coi là có sự sống, oecumène. Nhưng “Trái đất được sống có thể được biểu diễn như thế nào trên một mặt phẳng, sao cho các kích thước phù hợp với dạng cầu của nó?”. Ông sáng tạo ra một hệ phóng chiếu trên một mặt nón tưởng tượng tiếp tuyến với Trái đất. Nhờ các tính toán hình học, ông đã vẽ được trên mặt nón các đường kinh tuyến và vĩ tuyến. Nhưng bản đồ này cũng dựa trên các câu chuyện viễn chinh không rõ ràng và trên các giả thiết sai lầm: các quan sát thiên văn sai lệch do quan niệm Trái đất là trung tâm của vũ trụ, sự lựa chọn độc đoán một chu vi trái đất 180.000 stade (khoảng 32.000km). Mặc dù Ptolémée đã có một vài ý tưởng về không gian địa trung hải và đã nhắc đến các nguồn của sông Nil, nhưng ông lại chỉ tái hiện các cảm giác mơ hồ: không có bán đảo Ấn Độ, nhưng lại có đảo Ceylan quá lớn so với thực tế…

Bản đồ tôn giáo
 


 Bản đồ thế giới của Beatus, thế kỷ VIII, đi kèm với Bình chú về Tận thế, bản chép lại thế kỷ XI, Saint-Sever (Gascogne). Ảnh 2

Không, Trung Cổ Châu Âu đã không phủ nhận tính chất cầu của Trái đất, được chỉ rõ ngay từ thế kỷ VII bằng các từ như globus hay sphera. Không, các bài học của các tác giả cổ đã không bị mất hoàn toàn. Mà chúng đã được sàng lọc qua sự diễn giải Thiên chúa giáo thời đó. Nền của bản đồ Trung đại được thể hiện bằng hai chữ “T trong O”, Orbis Terranrum tròn của những người Roma được phân chi bằng chữ T. T được cấu thành từ Địa Trung Hải, sông Nil và Don, ngăn cách ba lục địa do ba con trai của Noé làm chủ sau Đại hồng thủy: Ở Châu Á có Sem, Châu Phi có Cham và Châu Âu có Japhet.
Trong bản đồ thế kỷ XI này chúng ta thấy được sơ đồ ban đầu nhưng đã bị thay đổi đáng kể và được làm phong phú thêm. Phía Đông, Oriens, trên cao; một Địa Trung hải rộng lớn đầy các đảo; sông Nil ở Châu Phi thầm lặng hơn. Hình oval gợi ý rằng nó chỉ biểu diễn một phần Trái Đất. Ở phía Đông, từ đó sinh ra ánh sáng của Chúa, là Thiên đường Trái đất: Eva, bên cạnh Adam, hái táo của cây tri thức trên đó có một con rắn quấn quanh. Từ cái thiên đường không tiếp cận được này, bao quanh là các dãy núi hình răng cưa, có bốn dòng sống làm phì nhiêu đất đai: sông Hằng, Indus, Tigris và Euphrate. Nằm gần chính giữa bản đồ là Jérusalem và đền thờ Jedea. Bên trên Hồng Hải, bản đồ cũng vạch ra các giới hạn của các vùng đất có người sinh sống: một lục địa vô danh, “nằm dưới ánh nắng mặt trời gay gắt, ở đó có các sinh vật cực đoan”. Tại Indi, phía nam của Eden (như vậy là ở bên phải), có đá quý, voi, vàng, bạc và hạt tiêu. Xa hơn về phía Đông, cuối bản đồ là Gens Seres, dân tơ lụa. Như vậy Châu Á không hoàn toàn vô danh. Nhưng ảnh hưởng văn hóa lớn nhất vẫn là của Tây Ban Nha Hồi giáo: những hình vẽ núi, đại dương, suối, thuyền, cá, thành phố và các công trình điển hình của nghệ thuật Mozarabe, nghệ thuật của những người Thiên Chúa giáo còn lại trong bán đảo Iberia bị Hồi giáo hóa.

Kinh tế-Thế giới Trung Hoa


 Bản đồ của Hàn Quốc thế kỷ XVII, chép  lại bản đồ truyền thống của Trung Quốc, gọi là “bản đồ thế giới gồm một năm ba vương quốc”. Ảnh 3

Trong con mắt bản đồ có hình mặt người nhìn nghiêng này là “đồng bằng trung tâm” hay “Trung Quốc”. Bên trên là dòng sông Vàng, bên dưới, dòng sông Xanh. Ở phía Tây, dãy Himalaya là “tâm của Trời-Đất”, nơi ngự trị của các thần từ đó bắt nguồn bốn dòng sông. Miệng và cằm biểu thị Đông Dương và cổ biểu thị bán đảo Ấn Độ Dương. Trước mặt, “quả chuối” biểu thị Hàn Quốc. Ngay bên cạnh là Nhật Bản. Ở phía Bắc có một rừng thông. Xa hơn, trong Đại dương tròn, ở phía Đông và phía Tây có hai đảo: đảo “Mặt Trời và Mặt Trăng Mọc ” và đảo “Mặt Trời và Mặt Trăng Lặn”. Ở đây có một sự tương đồng rõ ràng với các bản đồ hình ảnh của các nền văn minh khác như văn minh Lưỡng Hà và Thiên Chúa giáo.

Thế giới Hồi giáo-một cái nhìn toàn cầu


 Địa lý của Al-Idrisi. Phía Nam ở trên, phía Bắc ở dưới. Palermo, 1150. Ảnh 4

Chú ý, phía Nam ở trên cao! Hãy quay ngược bản đồ: cả một thế giới thân thuộc xuất hiện. Cũng giống như bản đồ Ptolémée, bản đồ của Al-Idrisi biểu thị thế giới giả định là có người sống, từ xích đạo đến vòng tròn cực, từ Tây Ban Nha đến Trung Quốc. Nó tái dựng bảy vòng tròn khí hậu. Phía nam của Ấn Độ Dương bị lục địa Phi uống cong chặn lại. Sông Nil bắt nguồn từ dãy “Núi của Mặt Trăng”.
Bản đồ Idrisi đã vay mượn trường phái họa đồ Hồi Giáo, biểu thị một thế giới tập trung vào Thánh đường Mecque và được một đại dương tròn bao quanh. Một thế giới cũng tương ứng với kinh tế-thế giới Hồi giáo, tập trung vào Trung Đông, nhưng đó là kinh tế-thế giới mở, có sự trao đổi với thế giới Thiên Chúa giáo ở Địa Trung Hải, với Châu Á qua Ấn Độ Dương hoặc bằng đường bộ. Bản đồ Idrisi, do một nhà thủy văn học người Maroc vẽ phục vụ Vua Roger II de Sicile, cũng thể hiện tính mở này: triều đình mở cửa cho mỹ thuật và văn hóa, biến quốc vương thành một ngã tư phong phú của các nền văn minh.

Thế giới phương Tây mang đậm dấu ấn Địa Trung Hải


  Bản đồ Pisa, Ý, bản đồ hải cảng cổ nhất được biết, 1290.Ảnh 5

Đây là bản đồ hải cảng (portolano) cổ nhất được biết. Nó chỉ rõ các bờ biển và chỗ trú ẩn cho thủy thủ. Bản đồ này được vẽ cho giao thông trên Địa Trung Hải, nơi được rất nhiều lái buôn cũng như binh lính lại qua vào thời Viễn chinh. Các bờ biển, đảo, hoa tiêu và cảng được vẽ rất chi tiết. Bản đồ này giúp các thủy thủ điều khiển tàu theo la bàn. Tuy nhiên nó còn lâu mới đạt đến bản đồ-hình ảnh tôn giáo mà người ta vẽ cùng thời trong các tu viện. Kinh tế-thế giới phương tây như vậy bị hạn chế ở các trao đổi giữa không gian Địa Trung Hải và Bắc Âu.
Bản đồ bác học, bản đồ  hành trình, bản đồ chính trị và tác phẩm nghệ thuật


 Chi tiết của Atals Catalan, Majorque, 1375. Mười hai tờ giấy da bê dán trên ván gỗ, 300x650mm. Tờ này biểu thị Bắc Phi và Châu Âu. Ảnh 6

Đoàn lạc đà chở hàng tại Tây Bắc Trung Quốc. Ảnh 7

  
Thế kỷ XIV. Chưa đến thời kỳ Phục hưng nhưng các bản đồ này đã cho thấy một sự cởi mở và phong phú kiến thức đến mức nào. Sau những người Genois, đến người Catalan và Majorquin, các thương gia và các thủy thủ, đã vẽ và sử dụng rộng rãi các bản đồ biển. Bản đồ thời kỳ này mang cả phong cách Thiên Chúa giáo và Hồi giáo, không chỉ đơn thuần là một bản đồ biển, nó còn chứng tỏ tham vọng của người vẽ muốn nó trở thành một cuốn từ điển bách khoa. Mặc dù nó còn chứa đựng các chỉ dẫn tôn giáo, nhưng mục đích của người vẽ chỉ là đưa vào bản đồ tất cả các loại kiến thức, từ Cổ đại cho đến thế kỷ XIV, thời mà các câu chuyện viễn chinh đóng một vai trò quan trọng.
Bản đồ (ảnh 6) này thể hiện cực tây của thế giới đã biết bổ sung các đường mũi (các rumb) bằng một biểu đồ gió nghệ thuật trong đó có ghi bằng chữ Catalan tên tám loại gió, trong đó có Gió bấc (Tramontana), Gió đông (Levante) và Gió tây (Ponente). Phía Đông được đánh dấu bằng một hình ba múi, và phía bắc bằng bảy ngôi sao của chòm sao Gấu Lớn. Các bờ biển phía Tây Bắc của Châu Phi cũng được ghi rõ. Các cuộc viễn chinh gần nhất cũng được ghi lại: ở dưới bên trái, thuyền buồm của Jaume Ferrer năm 1346 đi phát kiến Riu del Or. Các đảo Canarie được phát hiện năm 1341 nhờ những người đánh cá cũng được ghi trên bản đồ. Xa hơn về phía bắc của các đảo này, có các đảo Beneventurade, đảo Fortunée. Các lục địa cũng rất giàu thông tin. Chúng ta thấy ở đây, gần thành phố Tenbuch (Tombouctou), vua Mansa Musa của Mali giới thiệu một đồng tiền vàng cho vua Sarrasin Organa. Điều này chứng tỏ người ta đã buôn bán xuyên Sahara và đã thực hiện nhiều trao đổi kiến thức.
Một trong những bản đồ cần được chú ý là bản đồ hành trình, ghi lại các chuyến đi đến Châu Á, đặc biệt chuyến đi của Marco Polo. Tại Trung Á, trong vương quốc Tata của Sarai, một đoàn lạc đà (ảnh 7) chở hàng đi trước đám người đi bộ và các kỵ binh có vũ trang, trong đó có một người mệt quá ngủ thiếp đi trên lưng lạc đà. Đoàn người đi từ vương quốc Ssara vượt qua sa mạc Takla Makan để đến Catay (Trung Quốc).
Thời kỳ này, bản đồ bác học thực chất là một bản tổng kết các kiến thức tích lũy được. Trong bản đồ còn có các khung chữ nhỏ và các hình vẽ nhấn mạnh đến dạng cầu của Trái đất, cung cấp các dữ liệu thiên văn, các giờ thủy triều… Bản đồ hành trình chỉ hướng đi cho thủy thủ và cung cấp các mốc cũng như các thông tin cho người bộ hành. Bản đồ chính trị cấp cho mỗi thành phố một lá cờ thể hiện quyền tự chủ. Và còn cả bản đồ kinh tế, trong đó ghi rõ các thông tin về sản phẩm, vàng, ngà voi, gia vị, lụa, những thứ mà người Châu Âu có thể tìm thấy ở Châu Phi và Châu Á.

Tái hiện thế giới để chinh phục thế giới

 


 Chi tiết bản đồ Cantino, 1502, thư viện Estense, Modène. Ảnh 8

Trong khi Bartolomeu Diaz người Bồ Đào Nha đã vượt qua Mũi Hảo Vọng năm 1488 và khi người Tây Ban Nha, nhờ Christophe Colomb và Amerigo Vespucci, đã đi đến “Ấn Độ”-trên thực tế là Châu Mỹ-, thì hiệp ước Tordesillas giữa Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đã phân chia thế giới được phát hiện và cần được phát hiện thành hai phần. Trên bản đồ hải cảng độc đáo năm 1502 này (đây là bản đồ đầu tiên vẽ Brazil và Florida), đường kinh tuyến Tordesillas được vẽ rất rõ ràng, phân định Castille và Tây Ban Nha, cách 370 dặm về phía Tây của quần đảo Cap-Vert, tách Las Antillas des Rey de Castella, mang cờ hiệu của Tây Ban Nha, với tất cả các vùng đất do người Bồ Đào Nha phát hiện, gọi là các vùng Đất Mới.
Ngoài ra trong bản đồ còn có, tại vùng đất là Ghana hiện nay, Castello Da Mina, pháo đài-ngân hàng do người Bồ Đào Nha xây dựng năm 1484. Một ghi chú cho thấy người ta đã thực hiện những thương vụ tốt: “Từ đó, người ta mang về mỗi năm cho Hoàng tử Dom Manuel, vua Bồ Đào Nha, 12 thuyền đầy vàng, mỗi thuyền mang 25 nghìn peso vàng (…) cũng như rất nhiều nô lệ, hạt tiêu và các thứ khác mang lại lợi nhuận cao.” Nếu các phát kiến lớn có rất nhiều nguyên nhân (tôn giáo, văn hóa và địa chính trị), thì mục đích của chúng và nhất là hậu quả kinh tế của chúng, đầu tiên là nhập khẩu vàng và bạc từ Châu Mỹ, đóng vai trò quan trọng nhất.
Bản đồ này có một lịch sử khá huyền bí. Nó mang tên vị sứ-gián điệp mà công tước de Ferrare, người rất thích thú với các phát kiến địa lý, phái đến Lisbonne để sao chép bản đồ Padrao Real, một bản đồ bí mật mà các nhà họa đồ của vua Bồ Đào Nha phải chỉnh sửa ngay khi một con tàu viễn chinh trở về. Cantino đã thành công, không biết bằng cách nào. Năm 1859, dinh công tước bị đám đông chiếm và bản đồ đã biến mất. Đến năm 1868, một nhà sưu tập đã tìm thấy nó được dán trên bình phong của một cửa hàng bán thịt lợn trong thành phố Estense de Modène. Hiện bản đồ được lưu giữ tại Bảo tàng thành phố.

Sự hợp nhất bản đồ biển với bản đồ bác học


 Bản đồ thế giới của Sébastien Cabot, 1544, khắc trên tám lá đồng được tô màu bằng tay, 1240x2100mm. Ảnh 9

Bản đồ thế giới của Sébastien Cabot ngay từ giữa thế kỷ XVI đã chứng tỏ người Châu Âu đã có một thế giới quan cho phép họ tổ chức sự thống trị thế giới trong tương lai. Nhà thủy thủ đồng thời cũng là người vẽ bản đồ phục vụ đức vua Anh rồi vua Tây Ban Nha, Sébastien Cabot đã biểu thị rất khéo léo các vùng đất mới được phát kiến. Amazone vừa được Orellana (1542) đi qua, và Cabot đã gói gọn nó vào trong bản đồ của mình.
Trên bình diện biểu diễn họa đồ các vùng đất đã biết, ông đã thực hiện một kết hợp táo bạo giữa bản đồ của các nhà thủy thủ và bản đồ theo truyền thống Ptolémée. Đường kinh tuyến-gốc nằm trên các đảo Canaries. Trục đứng nhỏ của bản đồ thế giới được nhà họa đồ coi như một tổng thể các điểm lệch từ bằng không. Tuy nhiên, mặc dù rất chính xác về vĩ độ, nhưng cũng như tất cả các loại bản đồ khác thời kỳ này, bản đồ của Cabot rất sai lệch về vĩ tuyến do không có đồng hồ biển chính xác.

Từ kiểm soát lãnh thổ quốc gia đến thống trị thuộc địa


 Nước Pháp thực dân, B. Milleret, 1920-1930. Ảnh 10

Vẽ bản đồ vương quốc là mối quan tâm hàng đầu của các quốc vương Châu Âu, sau đó mới là bản đồ thế giới. Ngay từ thế kỷ XVII, các bản đồ của vương quốc Pháp cũng như các bản đồ của các quốc gia khác ngày càng trở nên chi tiết.
Bản đồ thời này là một công cụ của quyền lực, của kiểm soát lãnh thổ quốc gia. Thuyết trọng thương nhằm làm đầy đến mức tối đa ngân khố quốc gia của nhà vua và tạo cho ông các phương tiện quyền lực bằng một cán cân thương mại có lợi luôn đi kèm với những cố gắng thống nhất về kinh tế và hành chính lãnh thổ. Sự thiết lập một mạng lưới thư tín cũng có những đóng góp tích cực vào chính sách này. Từ Louis XI, một mạng lưới các trạm thư đã được tổ chức cho thư tín của triều đình. Nhưng Louis XIII mới là người thiết lập vào năm 1672 một dịch vụ thư tín trên toàn lãnh thổ phục vụ cho triều đình và cả dân thường với giá cụ thể.
Kiểm soát lãnh thổ quốc gia, gia tăng sức mạnh của các Quốc gia-dân tộc, ganh đua cân đo sức mạnh trên quy mô toàn cầu: tất cả những điều này đã làm cho sự bành trướng của Châu Âu gia tăng mạnh mẽ vào thế kỷ XIX cùng với công cuộc thực dân hóa. Một chính sách thực dân hóa gắn bó chặt chẽ với hoạt động địa lý đã khuyến khích các cuộc thám hiểm và vẽ bản đồ các vùng đất muốn chiếm làm thuộc địa và không gian thuộc địa bị chinh phục. Những năm đầu thế kỷ XX, bản đồ đã phục vụ rất nhiều cho sự truyền bá chính sách thuộc địa để chinh phục các dân tộc yếu.


Thay đổi thế giới quan bằng các phóng chiếu và hình méo
     
 Ngân sách quốc phòng trên thế giới năm 2003.Ảnh 11     Hình méo GDP, 1996, theo Vladimir Tikunov, khoa địa lý trường đại học Moscow. Ảnh 12

Sức mạnh, chúng ta không được quên, trước hết là sức mạnh quân sự. Bản đồ này làm sáng tỏ bán cầu Bắc vì một lý do rất đơn giản: tất cả các cường quốc quân sự đều tập trung ở đó. Hàm chứa nhiều thông tin với những con số, bản đồ này thu hút sự chú ý bằng số các đầu lính, cũng như các chi phí quân sự tính theo đầu người dân. Rõ ràng, đơn giản, hiệu quả là ba tính chất hàng đầu của bản đồ thời kỳ này.
Cũng dựa vào sự phóng chiếu mà nhà sử học Đức Arno Peters (1916-2002) đã đưa ra năm 1967 một bản đồ phóng chiếu “tương đương”, không khác lắm so với bản đồ do Games Gall người Ailen vẽ năm 1855. Bản đồ của ông làm cho phong trào thế giới thứ ba phấn khởi và được hầu hết các tổ chức quốc tế lớn, như UNESCO, sử dụng. Lên án sự phóng chiếu nguyên bản (tôn trọng các góc) của Mercator là mang tư tưởng của “chủ nghĩa thực dân” thu hẹp diện tích các khu vực gian chí tuyến, sự phóng chiếu của Arno Peters tỏ ra rất khoa học. Trong bản đồ này, Châu Phi là lục địa có lợi nhất.
Còn về phương pháp hình méo, nếu diện tích tỷ lệ với dân số thì các nước phương Nam vẫn được lợi. Nhưng nếu diện tích tỷ lệ với GDP thì ba người khổng lồ: Mỹ, Nhật Bản và Châu Âu mới là những người vui mừng.
Một hành tinh đang gặp nguy hiểm

Hệ số trao đổi khí CO2 giữa khí quyển và đại dương, đo bằng bức xạ kế vệ tinh SSM/I (tháng 2.1988). Ảnh 13
Vẽ bản đồ lòng đất, vẽ bản đồ khí quyển Trái đất dựa trên các phép đo phức tạp được thực hiện trong lòng đất, trên mặt đất và trong khí quyển là công việc cần được làm để cứu hành tinh xanh, nơi ẩn náu của con người trong mênh mông vũ trụ. Công việc này đòi hỏi các phép đo và các bức ảnh vệ tinh số hóa và kỹ thuật tô màu bằng máy vi tính.
Tùy theo chủ đề được đề cập, loại phóng chiếu thay đổi. Đó có thể là một biểu diễn cực trái đất dựa trên một bức ảnh vệ tinh về cực nam được sử dụng để phân tích lỗ thủng tầng ôzôn trên Nam cực. Đó cũng có thể là một phóng chiếu Goode tương ứng (nghĩa là tuân thủ các diện tích), được sử dụng để hiển thị các trao đổi CO2 bên trên các đại đương. Các gam màu tím cho thấy nồng độ CO2 tăng lên; các tông màu vàng của khu vực gió mậu dịch cho thấy một sự gia tăng nhẹ.

Quốc Khang 
Nguồn tin: Alternatives Economiques

Tác giả