Bảo tồn di sản ở Lai Xá: Những người dân bền bỉ

Câu chuyện bảo tồn di sản ở Lai Xá cho thấy, di sản chỉ có thể tiếp tục “sống với”cộng đồng khi được “nuôi dưỡng” bởi những người dân, chủ thể của di sản chủ động giữ gìn và có chiến lược bảo tồn dựa trên tư vấn của các nhà văn hóa, nhà khoa học. Nhưng khi ấy, vẫn còn nhiều khó khăn mà họ phải đối mặt.


Ông Phạm Văn Hùng và PGS.TS Nguyễn Văn Huy trong gian gác hai chứa hiện vật di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối tại nhà ông Hùng. Ảnh: Bảo Như.

Lai Xá, thuộc xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, là một ngôi làng khá đặc biệt nằm ở phía Tây Hà Nội khi được mệnh danh là làng nhiếp ảnh – nơi “phát tích” nghề nhiếp ảnh – có thời Lai Xá có tới 80% số gia đình theo nghề này, và từ đây, những thế hệ nhiếp ảnh đầu tiên ở Việt Nam đã tỏa đi khắp Hà Nội và cả nước. Hầu hết mỗi hiệu ảnh xuất phát từ Lai Xá đều có thêm chữ “Lai” như một cách ghi nhớ “thương hiệu”, như Phúc Lai, Đức Lai, Kim Lai, Mỹ Lai… Không chỉ sở hữu di sản về nghề nhiếp ảnh dễ nhận diện đó, Lai Xá còn có phức hợp di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối, được đánh giá là quan trọng bậc nhất với dấu tích cư trú và văn hóa thời Đồng Đậu, Gò Mun sang tới Đông Sơn, có niên đại kéo dài và phát triển trong hơn 1700 năm lịch sử. Di sản thứ hai nằm dưới lòng đất này, tuy không dễ dàng nhận diện, nhưng có thể ẩn chứa nhiều đáp án cho những câu hỏi về đời sống kinh tế xã hội của người Việt cổ từ cách đây 2000 – 3000 năm, về nguồn gốc bản địa của người Việt (mà cho đến nay vẫn còn tranh cãi không dứt) cho đến những hiểu biết về chiến tranh, xung đột dưới thời kỳ này, hoặc là về … quan niệm thẩm mỹ của người Việt cổ.

Sống với hai di sản này, người Lai Xá đang có những hình thức giữ gìn và bảo vệ khác nhau.

Nỗ lực đơn lẻ

Một phần quan trọng của hiện vật đang được bảo vệ ở di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối (rộng khoảng 19 nghìn m2) – vốn đang có số phận chưa rõ ràng và hầu hết đã bị phá hủy, san ủi1 đang được lưu giữ trong một “bảo tàng” cá nhân, nằm ở tầng hai nhà của ông Phạm Văn Hùng, thôn Lai Xá. PGS.TS Nguyễn Văn Huy, Nguyên Giám đốc bảo tàng Dân tộc học, đánh giá bộ sưu tập này “thậm chí còn phong phú và nguyên vẹn hơn cả những hiện vật đang được trưng bày ở Cổ Loa”, bởi vì nhiều hiện vật ở Cổ Loa như mũi tên đồng, cày đồng đều phải phục dựng để trưng bày, còn ở đây, những mũi tên, lưỡi cày được chế tác trong cùng niên đại vẫn còn nguyên vẹn. Điều này càng có ý nghĩa hơn trong bối cảnh các di tích về thời đại kim khí ở Việt Nam đang tiêu tán (theo PGS.TS Tống Trung Tín, chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam, điều tra sơ bộ gần đây cho thấy có tới 90% di tích thời địa kim khí ở Phú Thọ, Vĩnh Phúc đã biến mất). Vì vậy, những năm gần đây, sinh viên thực tập chuyên ngành ngành khảo cổ học của trường ĐH KHXH&NV Hà Nội vẫn thường được chỉ dẫn tới nhà ông Hùng để quan sát, ghi chép.

Ông Hùng đã tìm hiểu và sưu tập hiện vật cho khu trưng bày này trong suốt hơn 10 năm. Ông không hề có chuyên môn về di sản hay khảo cổ, thậm chí hồi còn niên thiếu “bắt gặp những lưỡi cày đồng, mũi tên đồng, hoặc nồi gốm đều…vứt đi”, cho đến khi ông được nhóm của GS.TS Lâm Mỹ Dung (Khoa Lịch sử, ĐH KHXH&NV Hà Nội) thuê bảo vệ các hố khai quật khảo cổ học từ năm 2006 tới nay. Trong suốt những lần khu phức hợp di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối bị chủ đầu tư của khu đô thị Kim Chung, Hoài Đức đào lên để xây dựng công trình, ông Hùng đều tìm cách đi nhặt từng di vật một. Ông cho biết, nếu không tranh thủ “nhanh tay nhặt nhạnh” bất kể ban đêm hay trời mưa bão sau khi máy xúc lật lên thì những di vật ấy cũng sẽ bị nghiền nát ngay sau đó. Bên cạnh việc tự mình đi thu nhặt hiện vật, ông Hùng đã hướng dẫn những người dân Lai Xá vẫn còn canh tác xung quanh khu vực Vườn Chuối cách thức nhận biết hiện vật. Và để đề phòng sót thông tin, ông còn treo số điện thoại của mình ở Vườn Chuối để nhận được thông tin nhanh nhất về các hiện vật và bỏ tiền ra mua lại nếu có người dân Lai Xá nào ngỏ ý muốn bán (thường chỉ từ vài chục tới vài trăm nghìn đồng).

… cho đến cộng đồng tự xây dựng bảo tàng 

Câu chuyện về bảo tàng nhiếp ảnh Lai Xá, khác với câu chuyện của ông Hùng, là nỗ lực của số đông những người còn gắn bó và yêu mến nghề này ở làng. Nghề nhiếp ảnh có lẽ gần gũi với người Lai Xá hơn là những dấu tích từ thời tổ tiên của khoảng 3000 năm trước. Nó vẫn là một phần cuộc sống ở đây dù không còn được hưng thịnh như xưa. Nhiều người yêu nhiếp ảnh ở Lai Xá ngày càng nhận ra sự mai một của nghề nhiếp ảnh truyền thống, điều đó sẽ khiến “vài chục năm nữa, những người con Lai Xá sẽ chỉ còn ‘nghe nói’ về làng nghề này, nếu như tập thể không lưu giữ lại hiện vật, ký ức về làng nghề”, ông Nguyễn Văn Thắng, Giám đốc Bảo tàng nhiếp ảnh Lai Xá cho biết. Từ nhận thức đó, các thành viên của câu lạc bộ yêu nhiếp ảnh Lai Xá đã trao đổi với người dân trong thôn và lãnh đạo thôn về việc xây dựng bảo tàng nhiếp ảnh dựa trên tư vấn của PGS.TS Nguyễn Văn Huy. Đây cũng là bảo tàng cấp thôn đầu tiên (và duy nhất cho đến nay) trong cả nước.

Ông Nguyễn Văn Thắng trong Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá. Ảnh: Bảo Như.

Ông Nguyễn Văn Thắng đã cùng một số nhiếp ảnh gia của làng như ông Nguyễn Văn Nhật, Phạm Văn Nên, Lê Đình Thái… tổ chức một “ban vận động” để đi tìm kiếm và thuyết phục các gia đình còn sở hữu hiện vật nhiếp ảnh của làng Lai Xá đóng góp. “Chúng tôi tự bỏ kinh phí và đi tìm gặp các gia đình người Lai Xá giờ làm nhiếp ảnh ở tận Hải Dương, Sơn Tây, Yên Bái … hay TP HCM. Và cũng phải mất gần một năm trao đi đổi lại. Vì họ vẫn còn phải ‘nghe ngóng’ xem chúng tôi đang làm gì thì mới tin tưởng giao kỷ vật”, ông Nguyễn Văn Thắng nhớ lại. Và khi đã xây dựng được lòng tin rồi, thì có những hiệu ảnh, như ông Phí Đức Long ở Yên Bái mang tới cả… một ba lô chứa hàng chục hiện vật quý giá để đóng góp cho bảo tàng.

Nguồn lực xây dựng bảo tàng hoàn toàn từ đóng góp của cộng đồng: đất của các cụ Hậu (những người không có con nối dõi) được xây làm bảo tàng và chừa một phòng thờ các cụ Hậu, tiền xây dựng được lấy từ quỹ của thôn, số tiền còn thiếu được đóng góp từ các hộ gia đình trong thôn. Đến cuối năm 2017, bảo tàng đã thành hình và đón những lượt khách đầu tiên và cho đến nay vẫn tự vận hành bằng nguồn kinh phí và nhân lực của thôn. Nhật ký bảo tàng đã ghi lại những dòng lưu bút đầu tiên của các gia đình làm nghề nhiếp ảnh đưa con cháu trở về thăm lại nơi phát tích của nghề hay những đoàn học sinh tiểu học và mẫu giáo của xã Kim Chung tới tham quan.

… đều cần sự “trở đi trở lại” của các nhà khoa học

Như vậy, nhìn vào cả hai câu chuyện, có thể thấy rằng việc xây dựng một không gian bảo tồn di sản, dù là cá nhân hay của chung cộng đồng, và để cho nó thực sự “sống” trong tâm thức của người dân, thì việc tự người dân có nhận thức và đưa ra một quy trình là yếu tố quan trọng hàng đầu. Quy trình ấy phải dựa hoàn toàn vào nội lực của cộng đồng, với các khâu đánh giá ban đầu, khảo sát ý kiến cộng đồng, thực hiện một cách kiên trì và bền bỉ. Nhưng quy trình ấy cũng không thể thiếu một phần quan trọng, đó là tham vấn ý kiến của nhà khoa học. Sự “trở đi trở lại” của các nhà khoa học như GS.TS Lâm Mỹ Dung và PGS.TS Nguyễn Văn Huy trong suốt hơn chục năm đã tạo nên những xúc tác cần thiết để gieo mầm hiểu biết về di sản hoặc chính nhà khoa học là người trực tiếp đưa ra các thiết kế hợp lý, để cộng đồng xây dựng không gian bảo tồn di sản phù hợp với điều kiện nguồn lực nhưng vẫn phải đảm bảo tính khoa học, tính hấp dẫn.

Đối với ông Phạm Văn Hùng, những hướng dẫn trực tiếp của nhóm GS.TS Lâm Mỹ Dung sau tám lần khai quật ở Vườn Chuối đã giúp ông kịp thời “cứu” cổ vật. Bởi, ông Hùng cho biết, mỗi khi phát hiện hiện vật, nếu chỉ cần chậm trễ một chút, không kịp xử lý theo phương pháp GS.TS Lâm Mỹ Dung dặn mà để người dân khác phát hiện và nhặt hiện vật thì sẽ làm hỏng hết hiện vật. Vì những nồi gốm hay mũi tên, lưỡi cày đồng sau hàng nghìn năm nằm yên trong lòng đất, bị ngấm nước nên rất ẩm và dễ vỡ, đôi khi chỉ cần cầm lên là có nguy cơ bị tan thành từng mảnh.“Vì thế tôi phải dặn những người khác trong thôn là nếu thấy dấu hiệu màu xanh của đồng phải báo tôi, để nguyên đó mà đào cả tảng đất lên chứ không được nhấc hiện vật ra, sẽ hỏng hết”, ông Hùng nói.


Còn nhiều hiện vật của Bảo tàng nhiếp ảnh Lai Xá vẫn chưa có chú thích. Ảnh: Bảo Như.

Với bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá, mặc dù diện tích chỉ vỏn vẹn cả hai tầng khoảng 300 m2 trưng bày, nhưng trưng bày được tối ưu hóa dành cho bốn không gian khác nhau, từ không gian của tổ nghề nhiếp ảnh, nhiếp ảnh xưa, không gian bếp núc của người thợ ảnh truyền thống cho tới không gian của nhiếp ảnh hiện nay của làng Lai Xá. Cách xếp đặt hiện vật, bố trí phù hợp với từng câu chuyện mà mỗi không gian muốn gửi gắm, từ màu sắc đượm mùi xưa cũ của nhiếp ảnh xưa cho tới không gian mờ ảo và chật chội vốn có của căn phòng tráng rửa ảnh truyền thống, tất cả đều thể hiện sự xếp đặt khoa học, ẩn ý kể chuyện. “Thiết kế nội thất trưng bày Bảo tàng nhiếp ảnh Lai Xá do nhóm chuyên gia Pháp, bà Veronique Dolfus và ông Patrick Hoarau chủ trì. Họa sĩ nội thất Đam Ca triển khai thiết kế chi tiết. Họ là những nhà thiết kế chuyên nghiệp có trình độ cao nên đã tạo ra một trưng bày có lộ trình hợp lý, màu sắc hài hòa, bố cục các pano dễ xem”, PGS.TS Nguyễn Văn Huy cho biết. Và hơn ai hết, PGS.TS Nguyễn Văn Huy, người đã bền bỉ với tư tưởng cách mạng hóa các bảo tàng ở Việt Nam, luôn “trở đi trở lại” liên tục trong suốt quá trình định hình ý tưởng, xây dựng bảo tàng nhiếp ảnh Lai Xá, và thậm chí vẫn đang theo sát cả trưng bày của bảo tàng hiện nay.

Chặng đường phía trước

Tuy nhiên, hiện nay những hiện vật được dù được đặt trang trọng trong tủ kính nơi gác hai nhà ông Hùng nhưng vẫn im lìm và không thể chuyển tải những câu chuyện về đời sống văn hóa của người thời Đông Sơn như tinh thần cốt lõi của di sản này đến với công chúng. Ông Hùng hoàn toàn chưa có kiến thức gì về trưng bày, bảo tàng, nên chưa có một hiện vật nào có những tấm chú thích với những diễn giải như một “lời thoại” kể về nguồn gốc, niên đại, công dụng, ý nghĩa của nó hoặc so sánh với các di vật lịch sử cùng thời ở những địa điểm khác. Ông chưa nghĩ tới cách quảng bá “bảo tàng” nhỏ của mình để trở thành một không gian giáo dục di sản thu hút học sinh trong làng. Thậm chí ông không dám chắc các con và những người thân của mình hiểu được hết ý nghĩa của những hiện vật trưng bày trong tủ kính, hiểu được những hoa văn trên những chiếc bình có thể hé mở những triết lý về thẩm mỹ, nghệ thuật, những thanh kiếm cho biết công nghệ luyện kim và chế tác của người thời Đông Sơn vài nghìn năm trước. “Tôi vẫn cố giữ thôi, còn sau này các con vẫn tiếp tục gìn giữ hay bán đi, thậm chí vứt bỏ hay không thì … tôi không biết nữa”, ông Phạm Văn Hùng nói. Ông Hùng sẵn sàng biến không gian căn gác tầng hai trở thành một nơi đón tiếp những người yêu di sản, những thế hệ học sinh của Lai Xá tới tìm hiểu lịch sử cổ đại, nhưng ai sẽ tổ chức trưng bày và đưa kiến thức chuyên môn để hướng dẫn? Liệu rằng ngay chính người Lai Xá và công chúng nói chung có hiểu và tìm đến địa chỉ này? Đó vẫn là câu hỏi còn để ngỏ mà người có thể trả lời lại không phải là ông Hùng. Nên PGS.TS Nguyễn Văn Huy lại đang tiếp tục trao đổi với cộng đồng ở Lai Xá, rồi chuyển tải câu chuyện của ông Hùng đến các cơ quan truyền thông, nhằm tìm ra một câu trả lời trong tương lai.

Còn bảo tàng nhiếp ảnh Lai Xá, dù đã được sự chung tay của cộng đồng, nhưng vẫn còn thiếu thốn khá nhiều, theo như thiết kế ban đầu của các chuyên gia bảo tồn, bảo tàng đã tư vấn. Hiện nay, ở một số ô trưng bày của bảo tàng nhiếp ảnh Lai Xá vẫn chưa đủ các tấm bảng lớn cung cấp thông tin cho người xem, nhiều hiện vật vẫn mang một tấm thẻ trắng để chờ đợi bổ sung chú thích. Bảo tàng cũng cần cả những màn hình tương tác, thuyết minh tự động… Mà để bổ sung, không chỉ cần các thao tác kỹ thuật đơn thuần, mà phải có sự tư vấn nội dung của chuyên gia, dịch thuật và cả kinh phí. Quan trọng hơn, một không gian để trải nghiệm dành cho khách tham quan bảo tàng thực hiện các thao tác làm nhiếp ảnh thời xưa, sẽ trở thành điểm nhấn hấp dẫn, theo như gợi ý của các chuyên gia bảo tàng và cũng là nhu cầu mà nhiều đơn vị du lịch đề cập… thì nay vẫn đang chờ kinh phí. Bởi nguồn vốn huy động của cộng đồng cho đến năm 2017 chỉ đủ xây dựng đến tầng hai là hết. Nguồn kinh phí hiện nay của thôn chỉ đủ chi trả cho tiền điện, nước và một người làng chịu trách nhiệm mở cửa bảo tàng định kỳ vào thứ bảy chủ nhật. Thi thoảng có người muốn tham quan bảo tàng vào ngày thường thì phải … hỏi thăm và gọi điện để được mở cửa tham quan. Nhưng cũng chỉ có ngày cuối tuần mới có các sinh viên thực tập của Đại học Văn hóa tới đón tiếp, hướng dẫn du khách và dọn dẹp, ghi chép nhật ký bảo tàng.

Ngoài ra, muốn “giữ chân” khách du lịch thì chỉ nỗ lực của Bảo tàng nhiếp ảnh Lai Xá là chưa đủ, mà còn cần tới “một hệ sinh thái” hỗ trợ. Hiện nay làng Lai Xá đã có hai điểm tham quan Bảo tàng nhiếp ảnh Lai Xá, bảo tàng Nguyễn Văn Huyên và một không gian làng đậm chất Bắc Bộ, nhưng thực tế, cơ sở hạ tầng của làng còn chưa đồng bộ, chưa có những điểm đón tiếp khách và nhiều hộ dân vẫn chưa quan tâm đến làm du lịch. “Muốn làm du lịch thì không chỉ có các bảo tàng ở trong làng, mà ngay cả các không gian như giếng làng, đình, chợ, đường đi lối lại cũng phải cải tạo, tránh những chỗ ngập nước tù, rác bẩn…”, ông Nguyễn Văn Thắng nói.

Hiện nay Bảo tàng nhiếp ảnh Lai Xá đã có hơn chục công ty du lịch đến khảo sát để dẫn tour, nhưng tất cả vẫn còn ở phía trước. “Anh Nguyễn Văn Huy đã viết đề án phát triển du lịch cộng đồng gửi cho thôn, đã thử chạy các tour về Lai Xá rồi, và chúng tôi sẽ tiếp tục đề nghị với thôn, xã thực hiện kế hoạch đó”, ông Nguyễn Văn Thắng nói. “Chẳng hạn như, bắt đầu phải dọn dẹp những cái ao bên cổng Đông của làng hay cải tạo lại cái mái lụp xụp ở phía Đình làng – nơi tiếp giáp với Bảo tàng nhiếp ảnh Lai Xá để khách du lịch tiếp tục tham quan Đình sau khi đã trải nghiệm ở Bảo tàng”, ông nói thêm.
——-
Chú thích:
1 Đọc thêm về di chỉ Vườn Chuối: http://tiasang.com.vn/-quan-ly-khoa-hoc/Di-chi-KCH-Vuon-Chuoi-Mot-khoang-trong-trong-thuc-thi-luat-di-san-11087

 

 

Tác giả