Beethoven: Thất thường như một đứa trẻ ương ngạnh

Cách đây 190 năm, ngay trước và sau khi L.V. Beethoven qua đời (26/3/1827), tờ Người quan sát của nước Anh đều đưa tin và bài về nhà soạn nhạc tài năng phi thường và tính tình lập dị này.


Bản thảo viết tay của một trong những tác phẩm mang tính cách mạng nhất của Beethoven – Bản fuga lớn cung Si giáng trưởng, phiên bản cho piano bốn tay, Op.134, hiện đang bị thất lạc. Ảnh: SOTHEBYS/HO/EPA.

Ngày 5/2/1827
Chúng tôi lấy làm thương tiếc khi được tin thiên tài âm nhạc vĩ đại nhất thời nay, Ludowig Von Beethoven [nguyên văn], đến lúc này, có lẽ sẽ không sống thêm được nữa. Ông vừa tròn 56 tuổi. Có một ông Stumpff, ở Vienna, xuất phát từ mong muốn cao quý là chứng thực lòng kính trọng lớn lao dành cho nhà soạn nhạc, đã mua với giá rất cao toàn bộ tác phẩm của Handel in trong 40 tập sách, ấn bản xuất sắc của nhà Arnold, được đóng một cách thẩm mỹ và gửi tặng Beethoven. Chúng được chuyển tới nhà soạn nhạc hoàn toàn miễn phí; nhưng lúc đó Beethoven đang nằm nghỉ trong tình trạng bị trướng bụng và dù cuộc phẫu thuật đã được thực hiện nhưng các bác sĩ thông báo rằng ông đang trong tình trạng cực kỳ nguy kịch; ông trỏ ngón tay vào bộ tác phẩm của Handel, nói một cách xúc động và nhấn mạnh – “Nó là thứ thiệt đấy.” Ông ký tên mình rõ ràng vào giấy xác nhận đã nhận được bộ tác phẩm của Handel.

Ngày 23/4/1827
BEETHOVEN

Chúng tôi tìm thấy, trong cuốn Chuyến đi vòng quanh nước Đức của John Russell1, đoạn miêu tả sau đây về nhà soạn nhạc lừng danh Beethoven, cái chết mới đây của ông trong cảnh nghèo khó và túng quẫn, được giảm bớt phần nào nhờ lòng từ thiện của người Anh, đã thu hút nhiều sự chú ý. Có vẻ như tác giả cuốn sách đã gặp ông vào năm 1822:

“Beethoven là người nổi tiếng nhất trong số những nhà soạn nhạc đang sống tại Vienna, và là người lỗi lạc nhất thời đại của mình ở một số thể loại nhất định. Sức mạnh hòa âm của ông thật phi thường. Dù chưa già nhưng ông lạc lõng trong xã hội – chứng điếc trầm trọng khiến ông gần như không thích giao du. Sự bỏ bê bản thân mà ông không che giấu khiến ông có một diện mạo phần nào hoang dại. Các đường nét của ông mạnh mẽ và nổi bật; ánh mắt ông chứa đầy thứ năng lượng thô tháp; tóc ông, vẻ như chẳng có chiếc lược hay cây kéo nào chạm tới trong nhiều năm, rậm và rối, chỉ những con rắn quanh đầu Gorgon2 mới sánh được, phủ bóng lên vầng trán rộng của ông,

Cách xử sự nói chung của ông chẳng trái ngược lắm với vẻ bề ngoài không hứa hẹn. Trừ những lúc ở giữa những người bạn chọn lọc, sự niềm nở hay nhã nhặn không phải là nét đặc trưng của ông. Việc mất hoàn toàn thính lực đã tước đi của ông tất cả niềm vui mà xã hội có thể mang lại và có lẽ đã khiến tính tình ông dễ cáu bẳn. Ông từng hay lui tới một hầm rượu đặc biệt nơi ông trải qua buổi tối ở một góc, xa cách với mọi sự tán gẫu và tranh luận, uống rượu vang và bia, ăn pho mát và cá trích đỏ cũng như chăm chú đọc báo.

Tối nọ, có một người đàn ông chọn chỗ ngồi gần ông nhưng vẻ mặt ông không vui. Ông nhìn trừng trừng vào người lạ rồi nhổ bọt xuống sàn như thể vừa trông thấy một con cóc; ông liếc vào tờ báo rồi nhìn kẻ không mời mà đến, rồi lại nhổ bọt, tóc ông dần dựng đứng và trở nên bờm xờm hung tợn hơn cho tới khi ông chấm dứt việc luân phiên nhổ bọt và nhìn chòng chọc bằng cách nói sổ toẹt: “Cái mặt vô lại thật!” rồi lao ra khỏi phòng. Ngay cả khi ở cùng những người bạn lâu năm nhất, ông cũng thất thường như một đứa trẻ ương ngạnh.

Ông luôn đem theo mình một cuốn sổ nhỏ và trò chuyện bằng cách viết ra sổ. Cũng trong cuốn sổ này, dù không có dòng kẻ, ông ghi lại ngay lập tức bất cứ ý tưởng âm nhạc nào chợt đến với mình. Những ghi chép này hoàn toàn khó hiểu với người khác, kể cả các nhạc sĩ; chỉ mình ông có trong đầu sợi chỉ giúp lần ra từ mê cung các dấu chấm và vòng tròn những hòa âm phong phú và gây sửng sốt nhất. Lúc ngồi bên đàn piano, rõ ràng ông không còn biết gì ngoài bản thân và cây đàn; và với bệnh điếc nặng, có vẻ như ông không thể nghe được tất cả những nốt mình chơi. Do đó, khi chơi rất piano3, ông thường không tạo ra âm thanh nào. Ông tự nghe thấy nốt đó bằng “cái tai tưởng tượng”. Trong khi mắt ông và các ngón tay hầu như không chuyển động cho thấy ông đang phiêu du theo giai điệu trong tâm hồn qua tất cả những nhạt phai tàn tạ của nó, nhạc cụ trở nên câm lặng, hiển nhiên như người nhạc sĩ bị điếc vậy.

Tôi đã nghe ông chơi đàn nhưng để được như vậy, cần phải có chút sắp đặt, ông mới chán ghét những thứ mang tính phô trương làm sao. Nếu được thẳng thắn đề nghị chơi tác phẩm yêu thích, ông sẽ dứt khoát từ chối, ông phải bị lừa thì mới chịu làm việc đó. Mọi người ra khỏi phòng, trừ Beethoven và chủ nhà, một trong những người tâm phúc nhất của ông. Hai người trò chuyện với nhau qua cuốn sổ về một khoản tiền ở ngân hàng. Như thể tình cờ, quý ông gõ các phím trên chiếc đàn piano để mở mà họ đang ngồi cạnh và từ từ bắt đầu chơi một tác phẩm của chính Beethoven nhưng mắc vô số lỗi và nhanh chóng chơi hỏng hoàn toàn một đoạn, tới mức nhà soạn phải hạ cố vươn tay ra để sửa lại bạn mình cho đúng. Thế là đủ; bàn tay đã ở trên đàn piano; bạn ông lập tức kiếm cớ bỏ ông lại và nhập vào nhóm người đang kiên nhẫn chờ đợi kết quả của lời thỉnh cầu nhọc nhằn ở căn phòng bên cạnh, nơi họ có thể nhìn và nghe thấy tất cả.  

Bị bỏ lại một mình, Beethoven tự ngồi vào đàn piano. Thoạt tiên, thỉnh thoảng ông mới gõ một vài nốt, vội vã và gián đoạn, như thể sợ bị phát hiện đang phạm tội; nhưng ông dần quên đi xung quanh và chơi ngẫu hứng một mạch suốt nửa giờ với phong cách cực kỳ đa dạng và gây chú ý hơn cả bằng những cách chuyển giọng đột ngột nhất. Những người bạn tài tử vô cùng thích thú; người ngoại đạo còn thấy thú vị hơn khi được quan sát âm nhạc từ tâm hồn ông đi qua nét mặt ông như thế nào. Có vẻ như ông cảm nhận những chỗ táo bạo, uy nghi và mãnh liệt rõ ràng hơn những chỗ dịu dàng hay êm ả. Các cơ trên mặt ông căng ra, tĩnh mạch nổi lên, con mắt hoang dại điên đảo hoang dại gấp đôi, cái miệng run run và Beethoven trông như một thầy phù thủy bị lũ quỷ mà chính ông đã triệu lên làm cho mê hoặc.”

Ngọc Anh dịch

Nguồn: https://www.theguardian.com/music/2016/may/24/from-the-classical-archive-beethoven-life-and-death-observer-1827
————
1 John Russell (1796-1846), luật sư và nhà văn Scotland, tác giả của hai tập “A tour in Germany, and some of the Southern Provinces of the Austrian Empire, in 1820, 1821, 1822” (tạm dịch: Chuyến đi vòng quanh nước Đức và vài vùng Miền Nam Đế quốc Áo, năm 1820, 1821, 1822), xuất bản lần đầu tại Edinburgh năm 1824. Những đoạn viết về Goethe và Beethoven trong tác phẩm này được nhiều người yêu thích và trích dẫn.
2 Nữ thần tóc rắn trong thần thoại Hi Lạp.
3 Thuật ngữ chỉ cách chơi với âm lượng nhỏ, ngược lại với forte.

 

Tác giả