Các nhà soạn nhạc nữ sao còn im lặng?

Các nhà soạn nhạc nữ đang vắng bóng trong đời sống âm nhạc của chúng ta. Trước giờ công chiếu bộ phim tài liệu “Những anh hùng im lặng” (Unsung Heroines) của đài BBC, người dẫn chương trình tự hỏi tại sao chúng ta lại ít được nghe về các nhà soạn nhạc nữ xuất sắc đến thế.


Một số dàn nhạc cam kết sẽ đưa tác phẩm của các nhà soạn nhạc nữ trong chương trình. Nguồn ảnh: Los Angeles Times.

Âm nhạc cổ điển vẫn là thế giới của đàn ông. Có thể nói hầu hết các vở opera đều do các nhà soạn nhạc nam sáng tác. Là một nữ nghệ sỹ giọng nữ cao, sự nghiệp của tôi đã được tạo dựng qua các vai diễn như Cleopatra (trong Giulio Cesare của Handel), Susanna (trong Đám cưới Figaro của Mozart) và Rosina (trong Người thợ cạo thành Seville của Rossini), những nhân vật rõ ràng được các nhà soạn nhạc nam yêu mến trên sân khấu các nhà hát lớn đều được xây dựng qua quan điểm của nam giới. Sự thống trị của các nhà soạn nhạc nam, nhất là thời đại ngày nay, thật đáng kinh ngạc.

Điều này đã được chứng minh trong báo cáo của tổ chức Donne – Women in Music vào cuối tháng 6/2018 với con số thống kê ảm đạm. Trên khắp châu Âu, 97,6% tác phẩm âm nhạc cổ điển và đương đại được biểu diễn trong ba mùa diễn vừa qua là do các nhà soạn nhạc nam viết, chừa lại một phần khiêm tốn 2,3% tác phẩm do nhà soạn nhạc nữ viết. Tại sao? Phải chăng chế độ gia trưởng trong kinh doanh âm nhạc, ảnh hưởng áp đảo từ những người chồng các nhà soạn nhạc nữ hay quan điểm xã hội là nguyên do dẫn đến tình trạng bất công này?

Một trong những nhà soạn nhạc người Anh có sáng tạo gây ấn tượng nhất gần đây là Elizabeth Maconchy (1907-1994), người có giọng điệu độc đáo, một tài năng lớn và có sự ảnh hưởng rõ rệt lên Benjamin Britten, nhà soạn nhạc gần như cùng thời với bà. Người ta kể rằng khi còn là sinh viên tại Đại học âm nhạc Hoàng gia Anh (Royal College of Music), bà đã bị tước mất học bổng vì lý do là có thể sẽ “chỉ kết hôn và chẳng bao giờ viết thêm nốt nhạc nào đâu!”

Dù sau đó có kết hôn, sinh hai đứa con nhưng bà vẫn tiếp tục sáng tác. Khi 23 tuổi, tổ khúc giao hưởng The Land 1 của bà được công diễn lần đầu tại Proms (khiến Gustav Holst phải bảo chồng bà: “Hãy giữ cô ấy tại đó!” với hàm ý ca ngợi) nhưng rút cục, bà đã phải mất gần một thập kỉ để tìm một nhà xuất bản đồng ý xuất bản tác phẩm của mình, các buổi biểu diễn âm nhạc của bà cũng ít ỏi và thưa thớt. Không nản lòng, Maconchy tiếp tục sáng tác; hình thức yêu thích của bà là tứ tấu đàn dây (bà viết tới 13 bản ở thể loại này). Vào năm 1942, tác phẩm của bà có mặt trong một buổi hòa nhạc tại Royal Albert Hall cùng tác phẩm của những nhà soạn nhạc nổi tiếng như Mendelssohn, Brahms, Dvorak và Tchaikovsky, và vào năm 1952, bà chiến thắng trong một cuộc thi sáng tác Overture Đăng quang (Coronation Overture). Tác phẩm Proud Thames (Sông Thames kiêu hãnh), được công diễn lần đầu tại Royal Festival Hall ở London và được giới phê bình ca ngợi. Bà là người phụ nữ đầu tiên làm chủ tịch Hiệp hội nhà soạn nhạc Anh, và tiếp tục sáng tác cho đến khi gần 80 tuổi. Nhưng ngày nay tác phẩm của bà hầu như chưa bao giờ được nghe và bà ít được biết đến. Tại sao?


Nghệ sỹ piano, nhà soạn nhạc Clara Schumann. Nguồn: San Diego Reader.

Trong quá khứ, không hiếm trường hợp như vậy. Ở thời kỳ Lãng mạn, khi Robert Schumann kết hôn với Clara Josephine Wieck, một trong những nghệ sĩ tài năng nhất thế hệ mình, ông đã tặng bà vật gì làm quà cưới? Bạn đoán xem: một cuốn sách dạy nấu ăn. Như thể đây chưa đủ là thông điệp, ông còn sáng tác Frauenliebe und Leben (Tình yêu và cuộc sống của một người phụ nữ) để tặng bà: một tập liên khúc với ngụ đề rõ ràng, một bản tuyên ngôn cho cuộc hôn nhân theo bổn phận được bao bọc bằng tinh thần của chủ nghĩa Lãng mạn. Về sau, Clara đã kết luận trong nhật ký: “Tôi từng tin rằng mình có khả năng sáng tạo, nhưng tôi đã từ bỏ ý tưởng này; một người phụ nữ có được khát khao sáng tác – chưa từng có ai làm được điều ấy. Tôi có nên mong trở thành người đó không?”

Tuy nhiên, cuối cùng bà biết điều đó là có thể, và bà thực sự có tài năng: ở tuổi 16, Clara đã là người nổi tiếng. Thế nhưng khi lấy chồng vào năm 18 tuổi, bà lại trở nên lu mờ hoàn toàn trước người chồng lúc đó còn ít người biết đến và không xu dính túi, Robert, bởi bà không nhận được sự ủng hộ của giới phê bình âm nhạc. Bà đã chọn cách khác là không ngừng nghỉ biểu diễn các tác phẩm của chồng trên sân khấu, và cống hiến cả đời cho việc đó, ngay cả khi ông đã qua đời ở đỉnh cao sự nghiệp trong điên loạn.

Các nhà soạn nhạc nữ vắng bóng trong chương trình biểu diễn
Dự án Donne – Women in Music và tổ chức âm nhạc Drama Musica vừa thu thập số liệu từ các chương trình năm 2018-2019 của 15 dàn nhạc lớn trên thế giới, bao gồm London Philharmonic Orchestra, London Symphony Orchestra, New York Philharmonic, Chicago Symphony Orchestra và Los Angeles Philharmonic…
Số liệu thống kê cho thấy thực tế: chỉ có 76 trong số 1.445 buổi hòa nhạc cổ điển trên toàn thế giới từ năm nay đến năm 2019 có ít nhất một tác phẩm do phụ nữ viết. Tổng cộng có 3.524 tác phẩm âm nhạc sẽ được biểu diễn tại những buổi hòa nhạc này, và trong đó 3,442 tác phẩm (97,6%) là do nhà soạn nhạc nam giới viết, chỉ có 82 tác phẩm (2,3%) do nhà soạn nhạc nữ viết.
Một số tổ chức đã đưa ra các biện pháp để giải quyết vấn đề, chẳng bạn như BBC Proms và Liên hoan Aldeburgh đã cam kết đến năm 2020 sẽ giữ cân bằng giới tính 50/50 với nhà soạn nhạc đương đại được chọn biểu diễn. Nhạc viện Trinity Laban đã công bố cam kết Venus Blazing với hai mục tiêu: hủy bỏ các chương trình chỉ gồm tác phẩm của các nhà soạn nhạc nam; tác phẩm âm nhạc của các nhà soạn nữ trong quá khứ và hiện tại sẽ chiếm hơn một nửa các chương trình hòa nhạc vào năm 2018-1919.
Sound and Music, cơ quan phát triển quốc gia về âm nhạc mới của Vương quốc Anh, đã hứa hẹn đến tháng 3/2020 hợp tác với ít nhất 50% nhà soạn nhạc nữ. Kathryn McDowell – giám đốc London Symphony Orchestra, cho biết dàn nhạc đã làm như vậy: “Dù tiêu chí lựa chọn tác phẩm là chất lượng nhưng bất ngờ là 6 trong số 12 nhà soạn nhạc trẻ trong các chương trình mùa diễn này của chúng tôi là nữ và sự phân chia giới tính ở mức 50/50 đã xuất hiện trong hai năm qua.” Tương tự, Timothy Walker, giám đốc điều hành và nghệ thuật của London Philharmonic Orchestra, cho biết, dàn nhạc “cam kết hỗ trợ nghệ sĩ và nhà soạn nhạc nữ” dù “không tiến hành các lựa chọn nghệ thuật dựa trên các vấn đề về giới tính, tôn giáo hay sắc tộc”.
Mark Brown
Nguồn:https://www.theguardian.com/music/2018/jun/13/female-composers-largely-ignored-by-concert-line-ups

Tương tự Robert Schumann, ngay cả Gustav Mahler cũng ra điều kiện với Alma – cô dâu trẻ của mình, rằng phải từ bỏ sáng tác. Vì vậy, Alma nhận thấy, “tôi đã bị cánh tay đó nắm chặt và buộc phải rời bỏ [mơ ước của] chính mình”.

Nhưng về bản chất thì đây không chỉ là câu chuyện về những người chồng hay những người ra quyết định gia trưởng trong âm nhạc. Xã hội nói chung cũng áp chế phụ nữ; việc là một nhà soạn nhạc nữ hay nữ nghệ sĩ biểu diễn được xem là một công việc rất có “vấn đề” và thường ngụ ý đến sự dễ dãi về tình dục. Để có thể thực hiện ước mơ của mình, nhà văn, nhà soạn nhạc, triết học thế kỉ 12 Hildegard von Bingen đã chọn con đường hoạt động âm nhạc dưới “cái bóng” tôn giáo. Nhờ đó, bà đã tìm được một hệ thống và nền tảng hỗ trợ cho trí tuệ sáng tạo phi thường của mình. Mặc dù vậy, người ta đã buộc bà câm lặng bằng nhiều biện pháp. Có thời điểm, Hildegard bị một tổng giám mục khiển trách và ra hình phạt cấm ca hát.

Các cơ chế của ngành công nghiệp âm nhạc cổ điển từ lâu đã là một chế độ gia trưởng. Âm nhạc là một vật thể sống, và bất kỳ nhà soạn nhạc nào cũng sống nhờ vào sinh khí của biểu diễn, sân khấu, sóng phát thanh và xuất bản. Phải chăng tất cả những người quảng bá các chương trình hòa nhạc, các giám đốc nhà hát opera, các nhà quản lý dàn nhạc và kỹ thuật viên radio đều đơn giản là “quên” cung cấp nền tảng cho phụ nữ? Nếu không có những yếu tố như thế làm bệ đỡ, âm nhạc – một hình thức nghệ thuật sống động, có thể sẽ tàn lụi.

Có thời điểm, nghiên cứu mà tôi thực hiện để chuẩn bị cho bộ phim tài liệu Unsung Heroines đã dẫn đến sự ra đời của nhóm Tứ tấu Maconchy gồm các nghệ sỹ nữ chuyên tâm biểu diễn tác phẩm âm nhạc của nhà soạn nhạc nữ này. Chính bằng những hành động như vậy và nhiều hành động khác tương tự, chúng ta có thể bắt đầu lật lại xu thế: tái khám phá các tài năng, khám phá âm nhạc bị lãng quên và tạo ra một tiếng nói thu hút để có thể truyền cảm hứng cho thính giả về các nhà soạn nhạc phải chịu nhiều thiệt thòi lúc sinh thời hoặc bị lãng quên. Chúng ta phải đón nhận nỗ lực những nghệ sĩ này cũng như các nhà soạn nhạc nữ bởi tinh thần hợp tác, sáng tạo, niềm đam mê, và tính kiên cường vượt qua nhiều rào cản của họ.

 

Ngọc Anh dịch
Nguồn: https://www.theguardian.com/music/2018/jun/20/unsung-heroines-women-composers-maconchy-bbc4-danielle-de-niese
—-
1. The Land (Miền đất): tổ khúc giao hưởng cho dàn nhạc dựa trên thơ của V. Sackville-West (1929).

Danielle de Niese là nữ nghệ sỹ opera giọng soprano trữ tình. Gặt hái thành công sớm từ cuộc thi hát cho thiếu nhi ở Australia, cô chuyển tới nhà hát Los Angeles Opera, Mỹ và bắt đầu sự nghiệp biểu diễn. Cô đã xuất hiện ở Metropolitan trong vai Cleopatra vở “Giulio Cesare” (Handel), vai Despina trong vở “Così fan tutte” và vai Susanna “The Marriage of Figaro” của Mozart…

Tác giả