Điện ảnh Trung Quốc: Cơn khát vươn tầm lên số một thế giới

Năm 2018, doanh thu phòng vé tại thị trường Trung Quốc vượt mốc 60 tỷ nhân dân tệ (khoảng 9,34 tỷ USD), tăng gần 9% so với năm 2017 và chỉ thua thị trường Bắc Mỹ khoảng 2,5 tỷ USD. Với tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ như hiện nay, điện ảnh Trung Quốc hoàn toàn có thể trở thành thị trường điện ảnh lớn nhất thế giới vào năm 2022. Hollywood đang lo lắng cho vị thế số 1 mà họ nắm giữ trong suốt một thế kỷ qua.


Ngô Kinh trong phim “Lưu lạc địa cầu”.

Chiếm lĩnh thị trường nội địa

 

Năm 2018, Trung Quốc có tổng cộng 517 bộ phim được phát hành tại các rạp chiếu tại đất nước có hơn 1,3 tỷ dân. Trong số này có 393 bộ phim nội địa (do Trung Quốc sản xuất hoặc hợp tác sản xuất) và chỉ có 124 bộ phim nhập khẩu. Với số lượng rạp chiếu lên đến 10.466 rạp (nhiều nhất thế giới) và thu hút 1, 72 tỷ lượt người xem, điện ảnh Trung Quốc hoàn toàn tự hào khi phim nội địa chiếm tới 60,3% doanh thu, phim quốc tế chỉ chiếm 39,7% thị phần. Đây là tỷ lệ nội địa hóa thuộc vào top cao nhất thế giới.

Trong số hơn 500 bộ phim được trình chiếu này, có khoảng 100 bộ phim thu trên 100 triệu nhân dân tệ (khoảng 15 triệu uSD) và có 10 phim thu trên 1,5 tỷ nhân dân tệ (224 triệu  uSD).

Mùa phim Tết 2019, điện ảnh Đại lục tiếp tục ghi nhận những kỷ lục mới với doanh thu tăng đột biến trong tháng 2. Lưu lạc địa cầu (The Wandering Earth), bộ phim khoa học viễn tưởng có Ngô Kinh đóng chính lần lượt vượt qua những bộ phim hài (thể loại ưa thích của khán giả trong dịp Tết) với những ngôi sao nổi tiếng như Châu Tinh Trì, Hoàng Bồ, Thẩm Đằng, Từ Tranh để trở thành ông vua phòng vé của Trung Quốc. Lưu lạc địa cầu đạt doanh thu 700 triệu USD, đứng thứ nhất ở TQ và thứ 4 toàn cầu tính đến thời điểm này trong năm 2019. Cùng với kỷ lục 854 triệu USD khó phá vỡ của Chiến lang 2 thu được trong mùa hè năm 2017, Ngô Kinh trở thành ngôi sao có 2 bộ phim có doanh thu cao nhất mọi thời đại tại Trung Quốc.

Việc trở thành ông vua phòng vé mới của Ngô Kinh là một bất ngờ khó dự đoán vài năm trước. Vốn là một diễn viên võ thuật hạng B và không được đánh giá cao về diễn xuất, nhưng bằng sự liều lĩnh khai phá sở trường và tấn công vào dòng phim hành động – bạo lực liều cao, cổ súy tinh thân dân tộc, Ngô Kinh đã được khán giả nội địa ủng hộ nồng nhiệt và trở thành một thế lực mới trong thị trường điện ảnh khổng lồ và phát triển nhanh nhất thế giới.

Tại sao Lưu lạc địa cầu – một bộ phim khoa học giả tưởng có kinh phí hạng trung, chỉ khoảng 50 triệu USD, thấp hơn nhiều so với bom tấn cùng thể loại của Hollywood lại chiến thắng giòn giã đến như vậy tại thị trường Trung Quốc? Đó là câu hỏi khiến rất nhiều cây bút điện ảnh quốc tế đã vào cuộc để tìm câu trả lời.

Nhiều tờ báo nổi tiếng như Forbes, The Guardian, The Hollywood Reporter hay The Verge đều đánh giá cao và đưa ra nhiều nhận định, phân tích về bộ phim.

The Guardian cho rằng bộ phim này là một sự giao thoa giữa hai bộ phim sci-fi nổi tiếng của Hollywood là Armageddon và 2001: A Space Odyssey đồng thời xem đây là “bình minh” của dòng phim khoa học viễn tưởng Trung Quốc, thể loại mà Hollywood đã đạt có những kiệt tác từ thập niên 60 của thế kỷ 20 và thống trị toàn cầu từ lâu.

The Hollywood Reporter cũng gọi đây là “bộ phim khoa học giả tưởng ngoạn mục đầu tiên của Trung Quốc về không gian”.

Khán giả điện ảnh Trung Quốc trước đây vốn không mặn mà với dòng phim khoa học giả tưởng. Bằng chứng là Star Wars là hiện tượng văn hóa ở phương Tây nhưng luôn thất bại khi chiếu tại Trung Quốc. Tuy nhiên, trong vài năm gần đây, khi chính phủ nước này bắt đầu đổ tiền cho tham vọng chinh phục không gian để cạnh tranh với các siêu cường trên thế giới với thành tựu mới nhất là tàu thăm dò của Trung Quốc hạ cánh thành công xuống nửa tối của Mặt trăng – điện ảnh cũng đã bắt kịp xu thế thời đại để kích thích lòng tự hào của khán giả Đại lục.

Và cuộc đua đặt chân vào không gian vũ trụ của điện ảnh Trung Quốc đã có được thành công khởi đầu ngoạn mục với Lưu lạc địa cầu.

Bộ phim này được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết The Three-Body Problem (đã được dịch in ở Việt Nam với nhan đề “Tam Thể” vào năm 2016) của nhà văn Liu Cixin (Lưu Từ Hân). Đây là phần đầu trong bộ ba tiểu thuyết khoa học viễn tưởng của Lưu Từ Hân, nhà văn Trung Quốc đầu tiên đoạt giải thưởng Hugo lần thứ 23, đồng thời cũng trở thành nhà văn châu Á đầu tiên đoạt giải thưởng danh giá nhất thế giới cho tiểu thuyết khoa học viễn tưởng.

Tác phẩm này kể lại quá trình từ hưng thịnh đến suy tàn của nền văn minh Trái đất trong vũ trụ với cốt truyện giàu sức tưởng tượng, thông điệp sâu sắc và đạt tầm của các tiểu thuyết khoa học viễn tưởng thế giới.

Từ Tranh (giữa) trong “Dying to Survive”.

Tuy nhiên, trong quá trình chuyển thể, đạo diễn Quách Phàm có một số sáng tạo để kịch bản cập nhật với thời đại và giàu tính giải trí hơn. Bộ phim lấy bối cảnh ở một tương lai xa, khi Trái đất đang phải đối mặt với sự hủy diệt do mặt Trời thiêu đốt, buộc Chính phủ Trung Quốc tìm cách giải cứu những cư dân của Trái đất quá đông đúc chuyển lên sinh sống ở các hành tinh có sự sống khác trong vũ trụ…

Lưu lạc địa cầu được đánh giá cao về nội dung ly kỳ (dù có một vài lỗ hổng về cốt truyện và nhân vật một chiều), thiết kế bối cảnh hoành tráng, tạo dựng được không khí thời hậu tận thế cùng kỹ xảo tân tiến không thua kém bom tấn Hollywood.

Đạo diễn Quách Phàm, người mới dàn dựng 3 bộ phim hoàn toàn bất ngờ và thừa nhận rằng không “tưởng tượng nổi” với cơn sốt chưa hạ nhiệt của Lưu lạc địa cầu tại các rạp chiếu. Tuy nhiên, với thắng lợi của siêu phẩm này, mới đây, ông thừa nhận với trang China.org.cn rằng: “Có thể xem năm 2019 là năm khởi đầu của các bộ phim bom tấn khoa học viễn tưởng Trung Quốc.”

Ông cũng cho biết thêm, trong năm 2019, điện ảnh Trung Quốc không chỉ có Lưu lạc địa cầu mà còn có một vài bom tấn khoa học viễn tưởng khác sắp ra mắt khán giả như Shanghai Fortress (Pháo đài Thượng Hải) – kể về cuộc xâm lược Trái đất của người ngoài hành tinh và Pathfinder với câu chuyện của một con tàu thám hiểm vũ trụ bị rơi trên một hành tinh hoang vắng.

Khán giả Trung Quốc cũng nức lòng trước thành công của Lưu lạc địa cầu. Một người hâm mộ bộ phim đã viết bình luận trên trang Douban rằng: “Lưu lạc địa cầu là phát pháo đầu tiên giúp các bộ phim khoa học viễn tưởng của Trung Quốc chính thức ra biển lớn”.

Đối với phần đông khán giả đại chúng nước này, họ vẫn quen thưởng thức các tác phẩm khoa học viễn tưởng đến từ Hollywood như Gravity, Interstellar hay The Martian và thường chọn những bộ phim có tính truyền thống trong các mùa lễ Tết như phim võ thuật, phim hài, phim gia đình hay các bộ phim cải biên từ Tây Du Ký trong dịp Tết; tuy nhiên, gu thưởng thức của khán giả đại chúng năm nay đã thay đổi khi họ đổ xô vào rạp thưởng thức Lưu lạc địa cầu, một bộ phim khoa học viễn tưởng của Trung Quốc, giúp cho bộ phim này chiến thắng các đối thủ tầm cỡ khác.

Một số cây bút phê bình cho rằng sự thành công của bom tấn này không giống với những bom tấn kích thích tinh thần dân tộc cực đoan gần đây như Chiến lang 2 hay Điệp vụ biển Đỏ. Trong Lưu lạc địa cầu có một chi tiết cảm động khi một người lính Nga hy sinh mạng sống của mình để cứu một đồng nghiệp người Trung Quốc.

“Đây không phải là một bộ phim về lòng yêu nước hay tinh thần tự hào dân tộc mà là một tác phẩm nhân văn về cách con người tìm cách cứu đồng loại của mình.” – một cây bút phê bình viết.

Với thành công đáng tự hào của Lưu lạc địa cầu, Trung Quốc đang ngày càng chứng minh rằng họ không bị phim bom tấn của Hollywood át vía trên sân nhà nữa khi đã tự sản xuất được những bộ phim chất lượng và chinh phục được khán giả nội địa.

 

Điện ảnh Trung Quốc cần những bộ phim có linh hồn

 

Cùng với Ngô Kinh của thể loại phim hành động hay khoa học viễn tưởng, một loạt ngôi sao mới cũng đang vươn lên dẫn đầu những thể loại phim khác.

Crazy Alien của đạo diễn Ninh Hạo với bộ ba diễn viên hài tên tuổi của Trung Quốc hiện nay là Hoàng Bồ, Thẩm Đằng và Từ Tranh cũng thắng lợi giõn giã trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua với doanh thu 327 triệu USD. Pegasus, bộ phim hài về đề tài đua xe của đạo diễn vốn xuất thân là nhà văn thần tượng Hàn Hàn với ngôi sao hài Thẩm Đằng cũng mang về 255 triệu USD, con số đáng mơ ước của thể loại phim thể thao mà ngay cả Hollywood cũng khó đạt được.

Từ Tranh (trái) và Hoàng Bột (phải) trong “Người ngoài hành tinh điên cuồng”.

Nhưng không chỉ có những bộ phim hài hay phim thể thao với dàn sao tên tuổi, đạo diễn nổi tiếng; khán giả điện ảnh Trung Quốc cũng đang bắt đầu khao khát những bộ phim tái hiện hiện thực xã hội hay đưa ra những vấn đề thời sự nóng hổi lên màn ảnh.

Một trong những ví dụ điển hình nhất cho sự thay đổi thị hiếu này là bộ phim Dying to Survive (Tôi không phải là dược thần), một bộ phim độc lập kinh phí thấp nhưng ăn khách thứ 3 tại thị trường nội địa với doanh thu lên tới 451 triệu USD trong năm 2018.

Dying to Survive cũng là bộ phim được nói tới nhiều nhất là là niềm tự hào của nền điện ảnh tỷ dân đang khao khát những bộ phim hay thực sự. Đây cũng là bộ phim hiếm hoi đặt ra những vấn đề xã hội nhạy cảm mà thoát được nhát dao kiểm duyệt của ngành công nghiệp điện ảnh Trung Quốc, một trong những lý do chính khiến các nhà làm phim của nước này luôn tìm cách thoát ly hiện thực bằng những thể loại an toàn như võ thuật kungfu, lãng mạn hài đô thị hay nhai đi nhai lại các bộ phim cải biên về Tây Du Ký hàng năm.

Bộ phim dựa theo một câu chuyện có thật, do Ning Hao, một nhà sản xuất và đạo diễn mát tay giữ vai trò sản xuất, Văn Mục Dã đạo diễn và Từ Tranh đóng vai chính, kể câu chuyện có thật về một thương nhân được chẩn đoán mắc bệnh ung thư bạch cầu đã tìm cách buôn lậu loại thuốc giả từ Ấn Độ về Trung Quốc với cái giá rẻ hơn nhiều so với mức giá quá đắt đỏ của loại thuốc chính thức của bệnh viện nhà nước. Không chỉ cứu được mình, anh ta còn giúp đỡ hơn 1000 bệnh nhân nghèo có thu nhập thấp khác và được xem là “người hùng” dù bị Chính phủ Trung Quốc bỏ tù vì buôn lậu thuốc trái phép. Dưới sức ép của những người bệnh nhân nghèo, cuối cùng anh ta cũng được trả tự do.

Được làm theo phong cách hài đen và phần nào đó gợi liên tưởng đến những bộ phim tiểu sử từng đoạt giải Oscar như Dallas Buyers Club hay Philadelphia, – Dying to Survive lập tức trở thành một hiện tượng phòng vé tại Trung Quốc mùa hè năm 2018 và đạt doanh thu lên đến 451 triệu USD, (so với mức kinh phí sản xuất chỉ 10,9 triệu USD).

Không chỉ ăn khách vang dội, bộ phim này cũng rất được lòng giới phê bình với số điểm rất cao. Hầu hết các nhà phê bình đều tán thưởng bộ phim và cho thấy khán giả rất khao khát những bộ phim đặt ra được những vấn đề xã hội có tác động đến những người dân bình thường. Ngạc nhiên hơn, Thủ tướng Lý Khắc Cường còn công khai ca ngợi bộ phim, đồng thời kêu gọi các cơ quan quản lý lập tức giảm giá thuốc điều trị ung thư và “giảm gánh nặng cho các gia đình nghèo mắc bệnh”. Đây là điều hiếm hoi mà một bộ phim điện ảnh Trung Quốc có thể làm được.

Chia sẻ về bộ phim của mình, nhà sản xuất Ninh Hạo bày tỏ quan điểm phim Trung Quốc cần đề cao tính hiện thực nhưng cũng phải đáp ứng nhu cầu giải trí của khán giả. “Khi khán giả trưởng thành, chúng ta cần phải làm một số bộ phim thật sự có linh hồn, những bộ phim khiến người xem trăn trở, suy nghĩ. Chúng tôi đã kết hợp hai yếu tố hiện thực và giải trí để tạo ra bộ phim vừa ý nghĩa, có giá trị nghệ thuật vừa đem lại lợi ích thương mại”.

 

Nơi chào đón những bộ phim nghệ thuật hoặc độc lập mang tính hiện thực cao

 

Trong sự phát triển của điện ảnh Trung Quốc hiện tại, không chỉ có các bộ phim bom tấn của Hollywood, thị trường nước này cũng chào đón những tác phẩm nghệ thuật của các nền điện ảnh khắp thế giới.

Năm 2017 và 2018, hai bộ phim của ngôi sao Ấn Độ Aamir Khan là Dangal Secret Superstar lần lượt thu về 193 và 117 triệu USD tại thị trường Trung Quốc, gây nên một bất ngờ lớn, bởi trước đây, những con số doanh thu lớn như thế này, nếu không phải phim nội địa thì chỉ có phim Hollywood mới đạt được. Điều đó cho thấy, sau khi đã bão hòa với phim Hollywood, khán giả nước này cũng muốn thưởng thức những tác phẩm quốc tế khác, miễn là hấp dẫn hoặc giàu giá trị nhân văn. Dangal Secret Superstar là hai bộ phim như vậy khi đặt ra vấn đề về bình đẳng giới hay cơn khát được trở thành người nổi tiếng của những người vô danh hoặc dưới đáy xã hội.

Khi dòng phim nghệ thuật rất chật vật để tìm kiếm khán giả ở châu Âu và Bắc Mỹ thì Trung Quốc cũng là nơi chào đón chúng. Shoplifters, bộ phim Nhật Bản đoạt Cành cọ vàng tại Cannes 2018 kể về một gia đình nghèo túng giữa Tokyo phải đi ăn cắp đồ ở siêu thị thu về 14 triệu USD tại Trung Quốc. Green Book bộ phim đoạt Oscar Phim hay nhất hồi tháng 3.2019 cũng đạt mức doanh thu 71 triệu USD tại nước này. Thậm chí, Capernaum, một bộ phim chính kịch của Li Băng từng đoạt giải thưởng BGK tại Cannes 2018 và được đề cử Oscar phim nói tiếng nước ngoài hay nhất cũng thu về tới 52 triệu USD tại Trung Quốc, trong khi thu tại Mỹ chưa tới 2 triệu USD.

Sự phát triển đa dạng về thể loại và chào đón những tác phẩm nghệ thuật của điện ảnh thế giới cho thấy thị trường điện ảnh Trung Quốc đang thay đổi theo hướng tích cực hơn, hay nói như Ninh Hạo, “khi khán giả trưởng thành, điện ảnh cũng cần có những bộ phim có linh hồn”.

Tác giả