Hành trình triết lý của Blade Runner 2049

Blade Runner 2049 (Tội Phạm Nhân Bản 2049), phần phim nối tiếp tác phẩm khoa học viễn tưởng kinh điển của đạo diễn Ridley Scott ra mắt từ năm 1982, đã thành công ngoạn mục trong việc gìn giữ các giá trị thẩm mỹ cũng như đào sâu hơn những vấn đề chưa được giải mã từ phần 1, đồng thời mở rộng và nâng tầm lớp nghĩa về bản chất con người.


Harrison Ford (phải), diễn viên chính trong Blade Runner, tiếp tục có mặt ở Blade Runner 2049, bên cạnh diễn viên chính Ryan Gosling. Tuy nhiên, Harrison Ford chỉ xuất hiện ở 1/3 cuối phim, như “một bóng ma của quá khứ”.

Trong cả hai phần phim Blade Runner, cảnh đầu xuất hiện đều là hình ảnh một đôi mắt – những ô cửa sổ để bước vào tâm hồn các nhân vật. Sau phần 1, người xem biết rằng việc có “ký ức thật” khiến con người khác biệt so với các replicant (người nhân bản). Nhưng trong Blade Runner 2049, lớp ý này được phức tạp hóa lên khi replicant đã có khả năng sinh sản như thể một phép màu. Như vậy, mâu thuẫn trong bản chất replicant trở thành việc họ có thể không nắm giữ được quá khứ (ký ức), nhưng lại có được tương lai (sinh sản ra đời sau). Sự sống của họ có thể đã được xếp ngang hàng với con người, nếu coi bản chất sự sống của con người là việc truyền lại ADN cho thế hệ sau.

Được đắp lên lớp vỏ phim hành động phảng phất phong cách film noir1, thế nhưng bộ phim mới của Dennis Villeneuve (từng làm Prisoners, Sicario, Arrival) hoàn toàn không chú trọng vào những cảnh hành động, mà tiếp tục trung thành với phong cách chậm rãi đặc trưng của vị đạo diễn Canada. Qua câu chuyện về người nhân bản tên K, gợi nhớ phong cách đặt tên nhân vật của nhà văn Kafka, bộ phim đặt ra câu hỏi đậm tính triết học về con người – thứ gì khiến ta trở thành con người, khiến cuộc sống của ta đáng để sống và đấu tranh vì nó. Mặc dù được kể trực diện, không vòng vo, Blade Runner 2049 vẫn đưa tới một cảm giác khó nắm bắt hơn hẳn về tâm lý nhân vật so với phần 1, có lẽ xuất phát từ sự khác biệt lớn nhất là nhân vật chính K (Ryan Gosling đóng) trong phiên bản mới là một replicant không có tâm hồn, và cả bộ phim là hành trình của anh đi tìm nó. Trong một cảnh phim, đội trưởng của K đã hỏi anh về giá trị khác biệt giữa việc được “tạo ra” và được “sinh ra” là gì và vì sao anh quan tâm nhiều như vậy, K đã trả lời rằng, được sinh ra tức là có một tâm hồn. Đi săn và thủ tiêu những replicant thế hệ cũ, những đồng loại của anh một cách vô cảm theo lệnh của cấp trên, K có một cuộc sống trống rỗng với một bạn gái ảo và bị người xung quanh khinh thường. Chỉ khi phát hiện ra rằng anh có thể đã được “sinh ra”, K mới có tia hy vọng sự sống của mình là có ý nghĩa và anh là một sinh vật đặc biệt trong cõi đời.

Có lẽ, khá nhiều người trong chúng ta từng có mộng tưởng như thế, rằng mình là người đặc biệt, sẽ trở thành vĩ đại ra sao, thế giới sẽ xoay vần theo mình thế nào. Để rồi, khi nhận ra mình chỉ tầm thường như bao người khác, niềm tin của họ mới đổ vỡ thật thê thảm. Đó cũng là nỗi đau cho hành trình của K, khi anh nhận ra mình chỉ là một replicant bình thường, được tạo ra nhờ công nghệ sinh học.


Đạo diễn Dennis Villeneuve tại phim trường của Blade Runner 2049. Bối cảnh đằng sau ông được coi là một trong những thiết kế đẹp nhất của phim.    

Hành trình triết lý đi tìm mục đích sống của K dẫn tới một cảnh quan trọng. Đó là sau khi thực thi nhiệm vụ giết người để bảo vệ cho một mục đích cao cả, K quay trở về thành phố Los Angeles trong làn mưa năm 2049 và gặp một hologram khổng lồ có hình dạng giống hệt cô bạn gái ảo của mình. Hình chiếu khổng lồ ấy cũng tên Joi, nhưng cái hố sâu hoắm trong hốc mắt của cô ta khác hẳn với đôi mắt đẹp hút hồn của cô bạn gái ảo của anh, một AI (Trí tuệ nhân tạo) có tình người và tâm hồn yêu thương mạnh mẽ. Những câu nói của cô gái khổng lồ cũng giống với Joi bé nhỏ của anh, nhưng hoàn toàn vô hồn và trống rỗng. Chính trong khoảnh khắc đó, K mới tự hỏi điều gì khiến Joi của anh có tâm hồn và ý thức riêng, khác biệt so với cô Joi khổng lồ kia, dù họ đều được sản xuất hàng loạt để bán.

Dù chỉ là một phần mềm có khả năng tạo hologram của một người phụ nữ, được K mua về để trò chuyện sau những ngày làm việc căng thẳng, nhưng Joi chính là tiếng lòng của K, và một phần ý thức của K đã được truyền vào trong AI xinh đẹp ấy. Nhưng đồng thời, Joi cũng tự tìm ra những trải nghiệm riêng để bồi đắp cho ý thức và tâm hồn của mình. Dù ngọn nguồn của tâm hồn và ý thức vẫn còn là vấn đề gây tranh cãi trong triết học và khoa học, nhưng với bộ phim này, dường như các nhà làm phim đã có câu trả lời của riêng mình.

Cảnh K lần cuối ngước lên bầu trời tuyết, gợi nhớ tới cảnh người tình ảo của anh lần đầu được trải nghiệm mưa trước đó, đã khép lại hoàn hảo câu chuyện của một kiếp nhân sinh buồn và trớ trêu đậm chất Kafka. Phim có những cú máy dài toàn cảnh, biến con người trở nên cô lập và nhỏ bé trong một không gian choáng ngợp, và những cảnh đơn sắc đầy siêu thực về tương lai, đem đến trải nghiệm mãn nhãn tới lạ lùng, trong tinh thần tôn kính phần phim cũ. Kể câu chuyện phản mô-típ “người được chọn2” kinh điển, Blade Runner 2049 là một bộ phim quan trọng để thấu hiểu thêm về nỗi niềm của việc làm người, dù hoàn toàn không dễ xem bởi nhịp điệu chậm rãi trên hành trình triết lý của nó.
——
1Film noir là là một phong cách làm phim nở rộ từ thập niên 1940, có nguồn gốc từ một thuật ngữ tiếng Pháp, dịch theo nghĩa đen là “phim đen”. Film noir lấy ánh sáng có độ tương phản cao làm chủ đạo, có nội dung nói về những hành động tội ác trong thế giới ngầm, đặc biệt nhấn mạnh những hành động có sự nhập nhằng giữa các chuẩn mực đạo đức, những đam mê giới tính.
2”Người được chọn” là một mô-típ phổ biến trong các tác phẩm khoa học viễn tưởng và tưởng tượng. Một cá nhân, được gọi là “Người được chọn”, là người duy nhất có những kỹ năng đặc biệt, được số phận lựa chọn để ngăn chặn một thảm họa sắp xảy ra, đe dọa cuộc sống, cứu thế giới khỏi tai họa, ngăn chặn tham nhũng…

 

Tác giả