Khám phá bí mật trong tranh của Picasso

Các nhà khoa học mới khám phá ra những bí mật còn giấu kín trong các bức họa và tác phẩm điêu khắc của Picasso.

Bức tranh “La Miséreuse accroupie” (The Crouching Woman) do Pablo Picasso vẽ năm 1902

Hóa học và khoa học hình ảnh tìm ra “tranh trong tranh”

Bằng các công cụ chuyên dụng của ngành Y và địa chất học, họ đã “nhìn” qua phần tối của bức “La Miséreuse accroupie” (The Crouching Woman) do Pablo Picasso vẽ năm 1902 –  “giai đoạn Xanh” thời kỳ đầu sáng tác của ông. Cũng không có gì quá phải ngạc nhiên. Các hình ảnh X-ray đã cho các nhà nghiên cứu thấy, Picasso đã vẽ bức tranh này đè lên trên một bức tranh phong cảnh khác của mình.

Câu chuyện bắt đầu từ việc Sandra Webster-Cook, chuyên gia bảo tồn các bức họa ở Art Gallery of Ontario (Ontario) – nơi đang sở hữu bức tranh, đã quan sát thấy các kết cấu của nét cọ trên bề mặt toan dường như không phản chiếu những chi tiết của bức tranh, mà cũng không phản chiếu cả phần bối cảnh. “Rõ ràng là có cái gì đó nằm ở phía dưới nữa”, bà Webster-Cook nhận xét.

Các nhân viên của Ontario đã mời các chuyên gia tại National Gallery of Art, trường đại học Northwestern và Viện nghiên cứu nghệ thuật Chicago tới để tìm hiểu vấn đề này.

Kết quả chụp X quang đã cho thấy bên dưới hình ảnh người phụ nữ cúi đầu là phần phong cảnh bị dấu kín. Picasso đã xoay tấm toan vẽ 90 độ, sau đó vẽ đè lên.

Bằng việc sử dụng các công cụ được phát triển trong ngành Y, địa chất và ngành công nghiệp, các nhà nghiên cứu đã cùng “nhìn thấu” tấm toan mà không làm ảnh hưởng đến nó. Họ thấy rằng Picasso đã kết hợp những đường viền của đồi núi từ phần phong cảnh của bức tranh mình vẽ trước đó để tạo thành những đường cong phía sau người phụ nữ. “Nó như kiểu một tiết nhạc jazz được lặp đi lặp lại cả trước và sau”,  Marc Walton – giáo sư nghiên cứu về khoa học vật liệu và kỹ thuật ở trường đại học Northwestern, giải thích.

Các kết quả phân tích đã khám phá ra nỗ lực lặp đi lặp lại của Picasso khi vẽ cánh tay phải của người phụ nữ. Thậm chí cuối cùng ông đã bỏ cả ý định này và vẽ lên một cái áo choàng.

“Vì thế, chính việc tìm hiểu bức tranh giúp chúng ta có thể tường tận được suy nghĩ của họa sỹ và biết thêm về quá trình sáng tạo của ông”, giáo sư  Walton cho biết.

Kết quả của nghiên cứu này đã được trình bày trong cuộc họp của Hội Khoa học tiên tiến Mỹ (American Association for the Advancement of Science) ở Austin, Texas trung tuần tháng 2/2018. Tại cuộc họp này, các nhà nghiên cứu còn trình bày về những cái nhìn mới về các tác phẩm điêu khắc đồng của Picasso trên cơ sở phân tích chất liệu của các hợp kim.

“Chúng tôi đang mở ra một kỷ nguyên mới của việc điều tra theo cách các tác phẩm nghệ thuật mang tính chất biểu tượng đã được tạo ra”, Francesca Casadio, giám đốc điều hành của ủy ban khoa học và bảo tồn tại Viện nghiên cứu nghệ thuật Chicago.

TS. Casadio và GS. Walton đều là giám đốc của Trung tâm nghiên cứu khoa học về nghệ thuật, một đơn vị hợp tác giữa trường đại học Northwestern và viện nghiên cứu nghệ thuật Chicago để ứng dụng các công nghệ mới trong những nghiên cứu về lịch sử nghệ thuật.

 Ba năm trước, Webster-Cook và Kenneth Brummel – trợ lý giám tuyển về nghệ thuật hiện đại của bảo tàng Ontario, đã tham dự một hội thảo ở Barcelona về các phân tích khoa học về những tác phẩm hội họa thời kỳ Xanh của Picasso. Một trong những nhà khoa học mà Webster-Cook tại đó là John K. Delaney, nhà khoa học hình ảnh tại Phòng tranh quốc gia Mỹ tại Washington.

TS. Delaney sau đó đã tới Ontario để kiểm tra “La Miséreuse accroupie” bằng một kỹ thuật ghi độ sáng của ánh sáng phản chiếu qua một dải quang phổ nhìn thấy và quang phổ hồng ngoại của ánh sáng.

Kỹ thuật hình ảnh siêu phổ đã phát hiện ra cánh tay phải của người phụ nữ trong phần vẽ áo choàng của người phụ nữ.

Các phân tử khác nhau thì hấp phụ các màu sắc nhất định của ánh sáng. Kỹ thuật hình ảnh siêu phổ phản xạ (reflectance hyperspectral imaging) cho phép các nhà nghiên cứu xác định được các khoáng chất từ các mẫu vật trên các dải màu sẫm của quang phổ. Đây cũng là loại kỹ thuật mà Mars Reconnaissance Orbiter của NASA từ quỹ đạo đã dùng để miêu tả thành phần của các viên đá Sao Hỏa.

Các hình ảnh của TS. Delaney đã hiển thị rõ cánh tay phải bị dấu kín của người phụ nữ.

Các nhà khoa học từ Trung tâm nghiên cứu khoa học trong nghệ thuật đã quan sát lại bức tranh và sử dụng một thiết bị xách tay để “nhúng” bức tranh vào X –rays, một trong những cách phát hiện ra các nguyên tố được sử dụng trong bảng màu dùng để vẽ tranh. Những nguyên tố khác nhau trong bảng màu sẽ được hiển thị trên những bước sóng khác nhau.

Sự hiển thị của thép và crom trong bức vẽ – màu xanh Phổ (Prussian blue) là một sắc tố được tổng hợp trên chất sắt và crom được sử dụng trong sắc tố màu vàng – hoàn toàn ăn khớp với cấu trúc của bức vẽ “La Miséreuse accroupie”. Nhưng các mẫu vật còn hiển thị cả cadmium, nguyên tố tổng hợp nên các màu vàng, da cam, đỏ và cả màu trắng/ chứng tỏ có một bức vẽ khác bên dưới, điều đó cung cấp thêm chi tiết về cánh tay và bàn tay phải dưới lớp áo choàng.

Sự phân bổ của các nguyên tố hóa học trong các lớp màu vẽ khác nhau

Ông Brummel nhận xét, “cánh tay này thể hiện một tư thế rất lạ. Khuỷu đặt trên đùi, cẳng tay được vẽ một cách đầy lúng túng ngay dưới vai phải và giữ một cái đĩa””(dường như là một ổ bánh mì). Ông cũng cho biết thêm là cánh tay “bí mật” này có vẻ như tương đồng với cách vẽ cánh tay của người phụ nữ xuất hiện trong một bức tranh màu nước được Picasso vẽ năm 1902.

Ông Brummel đã tập trung nghiên cứu để nhận diện bức tranh phong cảnh ban đầu của họa sỹ, qua đó xác định được quanh cảnh được họa sỹ vẽ này chính là khu vườn mê cung Labyrinth Park of Horta ở Barcelona. Theo ông, không có phát hiện mới nào có thể thực hiện mà không dùng phương pháp quét.

“Các thiết bị khoa học và sự hợp tác giữa các nhà hóa học và những nhà khoa học hình ảnh đang góp phần đem lại nhiều đóng góp cho công tác nghiên cứu lịch sử hội họa”, ông Brummel cho biết.

Kỹ thuật X-ray và địa chấn học hé lộ thêm nhiều bí ẩn

Các nhà khoa học tại trường đại học Northwestern và Viện nghiên cứu nghệ thuật Chicago đã sử dụng các kỹ thuật X-ray để kiểm tra 39 tác phẩm điêu khắc đồng của Picasso được sáng tác từ năm 1905 đến 1959, và 11 điêu khắc kim loại từ năm 1960 trong bộ sưu tập của bảo tàng Picasso ở Paris.

Các nhà nghiên cứu đã tìm ra thành phần cấu tạo của hợp kim đồng trong tác phẩm điêu khắc “Head of a Woman, in Profile,” của Picasso làm năm 1941 tại xưởng đúc Émile Robecchi ở Paris.

TS. Casadio nói: “Các công cụ được sử dụng trong lần kiểm tra này cũng giống vậy, chỉ có các vấn đề [cần thẩm định từ các tác phẩm] là khác biệt”.  

Hơn thập kỷ qua, các nhà nghiên cứu đã phân tích khoảng 350 tác phẩm điêu khắc đồng do nhiều nghệ sỹ thực hiện ở Paris từ cuối những năm 1800 đến giữa thế kỷ 20. Thành phần của hợp kim đồng cung cấp manh mối về địa điểm và thời gian các tác phẩm điêu khắc được tạo ra.

Ví dụ, các nhà nghiên cứu có khả năng miêu tả xưởng đúc Émile Robecchi ở Paris, nơi chế tạo 5 tác phẩm điêu khắc của Picasso trong thời kỳ chiến tranh thế giới thứ 2 – giai đoạn đồng của họa sỹ, giai đoạn vẫn còn thiếu…

Thành phần của hợp kim đã được xưởng đúc Robecchi dùng trong năm 1941 đến 1942 đa dạng một cách rõ rệt – cao nhất trong một số giai đoạn là thiếc, giai đoạn khác là kẽm – nó cũng phản ánh một cách hợp lý tình trạng thiếu kim loại trong thời gian diễn ra chiến tranh.

TS. Casadio cho biết: “Tại cùng thời điểm đó ở Paris, người Đức đã bí mật buộc người Pháp phải nấu chảy các bức tượng đồng trong thành phố để lấy kim loại”.

Với bức tượng phủ kim loại thời kỳ cuối “Head of a Woman”, các nhà nghiên cứu khám phá ra Picasso thường dùng bạc cho tóc, mắt và các đường nét trên khuôn mặt, một lựa chọn có phần khó hiểu bởi sau đó ông lại dùng sơn phủ lên lớp kim loại quý này.

TS. Casadio cho biết: “Chúng tôi đã đo thêm 25 lần nữa chỉ để xác định rằng điều đó là đúng 100%”.

Các nhà khoa học khác hiện đang phát triển những cách làm mới khác để quét các tác phẩm nghệ thuật. Trong một công trình mới xuất bản vào tháng 11/2017 tại tạp chí Scientific Reports, các nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu Công nghệ Georgia đã miêu tả cách họ dùng một loại sóng radar để nghiên cứu một bức vẽ thế kỷ 17.

Với một kỹ thuật quét terahertz đã được thương mại hóa – ngành công nghiệp sử dụng để dò các vết nứt trong vật liệu plastics, các nhà nghiên cứu đã kiểm tra “Madonna in Preghiera” của xưởng họa họa sỹ Ý Giovanni Battista Salvi.

Các sóng terahertz – một loại ánh sáng với chiều dài bước sóng dài hơn tia hồng ngoại nhưng ngắn hơn sóng siêu âm, đi qua các màu nhưng nhảy vào giữa các ranh giới giữa những lớp khác nhau của sơn.

Cho đến bây giờ, các sóng terahertz vẫn còn ít được sử dụng trong việc nghiên cứu về các bức họa bởi các bước sóng quá lớn để nghiên cứu các lớp sơn mỏng. “Tất cả những tán xạ của chúng đều nằm ở trên cùng mỗi lớp sơn khác nhau”, David S. Citrin – giáo sư kỹ thuật máy tính và điện tại Viện công nghệ Georgia, cho biết.

Về cơ bản, người ta không thể đo được những vật nhỏ hơn thước đo mà người ta đang dùng. Nhưng trong ứng dụng này, GS. Citrin và cộng sự đã phát hiện ra những tán xạ nhảy vào các lớp sơn mỏng mảnh. Các kỹ thuật đánh dấu tiên tiến trong khảo sát mỏ dầu được giới công nghiệp dầu mỏ phát triển đã cho phép họ điểm các lớp có độ dày khoảng 20 micronmet- nghĩa là nhỏ hơn 1/1000 inch (mỗi inch bằng 2,54cm).

Kỹ thuật của họ có thể giúp cho các nhà nghiên cứu lịch sử hội họa nghiên cứu về các tầng lớp của những bức họa theo cách các nhà địa chấn học nghiên cứu cấu trúc của các thành phần đá dưới lớp bề mặt trái đất.

GS. Walton của trường đại học Northwestern cho biết ông muốn được trở lại nghiên cứu bức tranh “La Miséreuse accroupie” với một máy quét terahertz.

Việc dùng một phổ rộng của các tia quét sẽ cung cấp một khối lượng thông tin hoàn chỉnh hơn về bức họa. “Đây thực sự là một thứ ‘chén thánh’ mà sẽ thực hiện với mọi nghiên cứu về bức tranh. Bởi kết hợp các kỹ thuật lại với nhau, chúng tôi đang bắt đầu có được một hiểu biết tốt hơn về toand bộ cấu trúc được vẽ”.  

Th. Nhàn dịch

Nguồn: https://www.nytimes.com/2018/02/20/science/picasso-blue-period-scans.html

Tác giả