Kiến trúc tiếp cận cho người khuyết tật: Cánh cửa khép hờ

Các công trình lớn ra đời sau khi có bộ quy chuẩn xây dựng công trình công cộng đều đã đảm bảo khả năng tiếp cận cho người khuyết tật ở mức độ tối thiểu là có đường dẫn, nhưng 90% trong số đó không đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật.


Người khuyết tật gặp khó khăn khi đến các công trình không có lối vào tiếp cận. Ảnh tư liệu.

“Làm” cho có, đối phó với luật

“Người khuyết tật có mấy khi ra phố đâu, sao phải làm đường tiếp cận?”. Năm 2012, khi tiến hành đợt thí điểm cải tạo một số công trình công cộng quan trọng với người khuyết tật tại các quận, huyện: Phú Xuyên, Quốc Oai, Hoàng Mai, Gia Lâm, Đông Anh, Hội Người khuyết tật Hà Nội thường xuyên nhận được câu hỏi trên từ chủ đầu tư. Không có gì lạ khi tất cả trụ sở cơ quan được khảo sát, bao gồm: UBND phường – quận, trạm y tế, trung tâm dạy nghề, ngân hàng chính sách xã hội… đều không đảm bảo tiếp cận, ngay mức độ tối thiểu là đường dẫn cũng không có.
Năm 2013 – 2014, một cuộc khảo sát khác trên diện rộng được Hội phối hợp cùng Viện Kiến trúc Quốc gia, Viện Nghiên cứu quy hoạch và phát triển đô thị (Bộ Xây dựng), Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng (Tổng hội Xây dựng Việt Nam) thực hiện với mục đích: “Vẽ” bản đồ tiếp cận khu vực trung tâm Hà Nội. Kết quả: Hơn 100 công trình công cộng, không nơi nào đảm bảo tiếp cận toàn bộ. Một số ít công trình tuy có đường tiếp cận nhưng thang máy, cầu thang, hành lang, nhà vệ sinh, tay nắm cửa… lại không thể tiếp cận. Tức là, khi xây dựng các công trình văn hóa, tiện ích, tín ngưỡng như công viên, vườn hoa, siêu thị, bảo tàng, nhà hát, nhà ga, đền, chùa…, chủ đầu tư không hề tính đến nhu cầu sử dụng của người khuyết tật. Trong khi đó, với người khuyết tật, đường tiếp cận chính là đường hòa nhập, thiếu nó thì mọi cánh cửa mở ra thế giới bên ngoài gần như khép lại.
Điều đáng nói, ngay từ năm 2002, Bộ Xây dựng đã ban hành bộ quy chuẩn và tiêu chuẩn xây dựng công trình công cộng. Đến năm 2014, bộ quy chuẩn 2002 được “nâng cấp” thành quy chuẩn 10, đưa ra quy định rõ ràng và có tính “bắt buộc” hơn; các kích thước cũng được chỉnh sửa phù hợp hơn với nhân trắc học và thực tế của Việt Nam. Tất cả nhằm đảm bảo cho người khuyết tật có thể dễ dàng di chuyển, tham gia giao thông và hòa nhập với cộng đồng. Tuy nhiên, đó chỉ là trên lý thuyết. Ths. KTS Kiều Tuấn Hùng (Viện Kiến trúc Quốc gia) cho biết, kể từ năm 2002, năm nào, Viện cũng tiến hành nhiều đợt tập huấn, giúp các đơn vị tư vấn và nhà thầu thi công nâng cao nhận thức cũng như nắm rõ các thông số kỹ thuật, còn việc họ có thực thi luật hay không lại nằm ngoài trách nhiệm của các chuyên gia nghiên cứu, biên soạn.
Tất nhiên, nếu công tác thẩm định, giám sát không được “làm chặt” cũng tức là bật đèn xanh cho hành động lách luật. Năm 2015, Bộ Xây dựng tiến hành kiểm tra thực trạng áp dụng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tại các công trình xây mới từ Bắc vào Nam. Kết quả cho thấy, các công trình lớn ra đời sau quy chuẩn 10 đều đảm bảo tiếp cận ở mức độ tối thiểu là có đường dẫn, nhưng về kỹ thuật, theo ông Hùng, 90% không đúng quy chuẩn. Đây cũng là tình trạng chung ở hầu hết các công trình cũ và xây mới có yếu tố tiếp cận. Bà Phan Thị Bích Diệp – Phó Chủ tịch Hội Người khuyết tật Hà Nội nhận định, các công trình do nước ngoài đầu tư thường tuân thủ quy định về kích thước. Chẳng hạn, khi Hàn Quốc tài trợ dự án dạy công nghệ thông tin cho người khuyết tật tại tám quận, huyện của Hà Nội, việc trước tiên phía bạn làm là cải tạo toàn bộ cơ sở hạ tầng từ đường đi đến khu vệ sinh, hành lang… nhằm tạo ra một môi trường tiếp cận toàn bộ, đúng chuẩn. Còn các công trình của ta được thi công, cải tạo khá tùy tiện, vòng cua thường quá ngắn, đường tiếp cận quá dốc hoặc quá dài, gây khó khăn cho người khuyết tật. Nhiều đường dẫn thậm chí vừa dốc ngược vừa không có tay vịn, khiến người khuyết tật không thể tự đi xe lăn lên. Hoặc, có một số ít nhà hát, rạp chiếu phim tuy bổ sung đường tiếp cận nhưng chỗ ngồi, cầu thang và nhà vệ sinh vẫn “nguyên trạng”, người khuyết tật không thể sử dụng. Mở đường tiếp cận theo cách này, như nhận xét của bà Phan Thị Bích Diệp, là: “Vừa thêm việc, tốn kinh phí mà lại thành ra hình thức!”.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên: Chủ đầu tư “làm” cho có để đối phó với luật, trong khi khâu giám sát, thẩm định và chế tài thì lỏng lẻo. Như tìm hiểu của bà Diệp, khi thiết kế, các kiến trúc sư đều tuân thủ bộ quy chuẩn, tiêu chuẩn đảm bảo cho người khuyết tật tiếp cận sử dụng. Nhưng trên thực tế, khi xây dựng xong, đa số công trình công cộng lại thiếu tiếp cận, có thể do các chủ đầu tư “cắt” đi. Sau rất nhiều nỗ lực của Hội Người khuyết tật Hà Nội như trình kiến nghị đến khắp các cơ quan chức năng, tổ chức các hội thảo nhằm vận động thực hiện chính sách, Sở Xây dựng TP Hà Nội đã cam kết ban hành văn bản yêu cầu tất cả các công trình từ mọi nguồn ngân sách đều phải tuân thủ quy chuẩn 10 (theo quy định cũ, công trình do Nhà nước đầu tư mới phải tuân thủ quy chuẩn). Tuy nhiên, cam kết chỉ có “sức nặng” khi nó được hiện thực hóa.
Mới đây, nhằm triển khai đề án Trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012-2020 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam được thành lập với ủy viên là thứ trưởng các Bộ: Y tế, Xây dựng, Giáo dục và Đào tạo, Giao thông Vận tải, Thông tin và Truyền thông… Trên lý thuyết, những chỉ tiêu Đề án đặt ra sẽ khiến đường tiếp cận trở nên thênh thang với người khuyết tật, chẳng hạn, đến năm 2015, ít nhất 50% công trình công cộng đảm bảo tiếp cận, ít nhất 50% người khuyết tật có nhu cầu tham gia giao thông được sử dụng phương tiện giao thông đảm bảo tiếp cận. Nhưng hiện tại đã là năm 2016. Nhìn vào thực tế, không khỏi lo, đề án có nguy cơ chỉ nằm trên giấy!

Chủ động “mở đường” tiếp cận

Điều đáng mừng là trong khi Luật chưa đủ sức điều chỉnh, nhiều chính sách hỗ trợ người khuyết tật chưa được triển khai vào cuộc sống thì một số tổ chức người khuyết tật đã chủ động tìm cách mở đường tiếp cận. Ở phía Bắc, trong đợt thí điểm cải tạo 20 công trình công cộng trên địa bàn thủ đô vào năm 2012 với kinh phí do Đan Mạch tài trợ, Hội Người khuyết tật Hà Nội đã rất “sáng tạo” khi kêu gọi sinh viên chuyên ngành kiến trúc, xây dựng tham gia khảo sát, tạo cơ hội để các kiến trúc sư tương lai hiểu rõ thế nào là công trình tiếp cận đúng chuẩn, cũng như nhận thức được việc phá bỏ rào cản kiến trúc quan trọng ra sao với người khuyết tật. Ngoài ra, các hội thảo giới thiệu kết quả của đợt thí điểm cải tạo cũng được tổ chức tại cả các quận không nằm trong diện khảo sát, chỉnh sửa, đem đến một hiệu ứng không ngờ khi chính các chủ đầu tư phấn khởi “khoe”: Đường tiếp cận vừa được bổ sung “tấp nập” ngoài dự kiến, không chỉ người khuyết tật mà cả phụ nữ mang thai, người lớn tuổi, đau yếu, người mang vác nặng đều sử dụng. Có thể xem đây như động thái “bắt nhịp”, tạo đà cho hội khuyết tật các quận nội thành khác “vào cuộc”. Ngay sau đấy, Hội Người khuyết tật quận Thanh Xuân đã vận động thành công lãnh đạo địa phương ban hành quyết định: Tất cả các công trình xây mới bắt buộc phải có đường tiếp cận. Quyết định này đã thực sự đi vào cuộc sống bởi đến nay, cả 20 công trình mới trên địa bàn quận Thanh Xuân đều có đường tiếp cận tuy chưa đáp ứng 100% tiêu chuẩn kỹ thuật. Hội Người khuyết tật huyện Ba Vì cũng chủ động hợp tác với tổ chức Người khuyết tật châu Á – Thái Bình Dương tiến hành cải tạo bảy khu chợ, chỉnh sửa lối vào và nhà vệ sinh thân thiện với người khuyết tật. Đồng thời, chính quyền địa phương cam kết, tất cả công trình xây mới của Ba Vì sẽ đảm bảo tiếp cận. Đó là hai ví dụ tiêu biểu cho thấy, để phá bỏ rào cản kiến trúc, bản thân người khuyết tật cần chủ động hơn, quyết liệt hơn và để thay đổi nhận thức của toàn xã hội, bắt đầu từ dưới lên cũng là một lộ trình hợp lý. Đáng tiếc, một phần do vấn đề kinh phí, Hội Người khuyết tật Hà Nội chưa thể tận dụng thời cơ, lan tỏa tối đa hiệu ứng của đợt khảo sát, cải tạo thí điểm 2012 hay tiến hành tiếp các đợt cải tạo khác.
Ngoài ra, nhìn lại công tác tuyên truyền của nhiều tổ chức hỗ trợ người khuyết tật, cũng thấy, việc tuyên truyền về công năng đa dạng hay lợi ích kép của đường tiếp cận chưa được đẩy mạnh, trong khi, đây có thể là yếu tố giúp “đả thông” nhận thức của các chủ đầu tư, nhất là chủ đầu tư của các công trình chung cư, khách sạn, siêu thị… vốn cần đường trượt để vận chuyển hàng hóa, hành lý. Khi trao đổi với Tia Sáng, KTS Kiều Tuấn Hùng khẳng định, việc mở đường dẫn nếu được làm ngay từ đầu thì không hề tốn kém, việc cải tạo công trình theo hướng thân thiện với người khuyết tật cũng chỉ mất một khoản kinh phí nhỏ và không hề “phá” cảnh quan. Những nhận định chuyên môn này rất có sức thuyết phục nếu được đưa vào nội dung tuyên truyền. Biết đâu, thay vì chỉ kêu gọi tinh thần bác ái, lòng nhân đạo, sẽ hiệu quả hơn nếu đa dạng hóa nội dung tuyên truyền bằng nhiều hình thức. Những thành quả Trung tâm Khuyết tật và Phát triển (DRD), tổ chức hỗ trợ Người khuyết tật có thể nói năng động nhất phía Nam, đạt được sau 10 năm hoạt động là một ví dụ.
Ngay từ khi thành lập (2005), trên cơ sở khảo sát nhu cầu sử dụng phương tiện giao thông và công trình công cộng của người khuyết tật, cũng như Hội Người khuyết tật Hà Nội, DRD liên tiếp gửi kiến nghị đến các cơ quan chức năng, yêu cầu kiến tạo môi trường tiếp cận để người khuyết tật có thể đi học, đi làm, đóng góp cho xã hội, không chỉ đòi chế độ phúc lợi mà còn nhấn mạnh quyền công dân của người khuyết tật. Xác định kiến trúc và phương tiện giao thông là hai yếu tố quan trọng nhất giúp người khuyết tật hòa nhập cộng đồng, chiến dịch phá bỏ rào cản kiến trúc và giao thông được DRD tiến hành đồng bộ khắp các “mặt trận”, bằng rất nhiều hình thức như: khảo sát, kiến nghị, tổ chức hội thảo, thi làm phim, thi thiết kế… “Thành phố có công trình công cộng hay đợt đổi xe buýt mới nào, chúng tôi đều mời báo chí cùng đến khảo sát. Nếu thấy không đảm bảo tiếp cận, chúng tôi chất vấn chủ đầu tư, tiếp tục gửi kiến nghị tới các cấp. Năm nào cũng gửi tới vài kiến nghị”, bà Huỳnh Kim Phụng, đại diện DRD, chia sẻ. Chính sự quyết liệt ấy đã đem lại thành quả. Từ chỗ chỉ có hai xe buýt  “thân thiện” với người khuyết tật, đến nay đã có 14 xe có dốc tự động cho xe lăn và 43 xe sàn thấp. Sau rất nhiều nỗ lực thì tại hội thảo Thúc đẩy hỗ trợ người khuyết tật hòa nhập xã hội thông qua việc đầu tư hệ thống xe buýt thân thiện và nhân văn do DRD tổ chức ngày 22-11-2016 với sự tham gia của rất nhiều lãnh đạo ngành Giao thông Vận tải, ông Lê Hoàng Minh – Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP. Hồ Chí Minh, đã tuyên bố: Kể từ 1/1/2017, đơn vị nào thay xe đều phải sử dụng xe có sàn thấp, thân thiện với người khuyết tật. Ngay sau đấy, buổi tập huấn cho cán bộ nguồn về kỹ năng hỗ trợ người khuyết tật lên xuống xe buýt an toàn đã diễn ra với sự tham gia của 22 lãnh đạo các doanh nghiệp vận tải và nhân viên phòng quan hệ cộng đồng thuộc Trung tâm Quản lý và Điều hành vận tải hành khách công cộng TP. HCM. Sự kiện này mang lại niềm hi vọng lớn cho người khuyết tật trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, lâu nay thường gặp rất nhiều khó khăn trong việc sử dụng phương tiện giao thông công cộng như: không có chỗ đứng riêng để đón xe, bị lái xe “ngó lơ”, từ chối hoặc “buông” lời kỳ thị.
Bên cạnh đó, chiến dịch phá bỏ rào cản kiến trúc cũng bắt đầu có những “bứt phá”. Cuộc thi thiết kế Phá bỏ rào cản 2 (cải tạo hiện trạng một số công trình công cộng trên địa bàn thành phố theo hướng thân thiện với người khuyết tật) do DRD chủ động phối hợp cùng Đại học Kiến trúc TP Hồ Chí Minh tổ chức đã nhận được 11 bài dự thi từ các sinh viên của trường. Bà Huỳnh Kim Phụng cho biết, DRD sẽ sử dụng những thiết kế xuất sắc nhất để… đi vận động. Đây là một phương án thông minh. Rất có thể, những thiết kế có sẵn – sinh động và chất lượng lại làm tăng sức thuyết phục của lá đơn kiến nghị!

Theo số liệu thống kê năm 2009, Việt Nam có khoảng 6,1 triệu người khuyết tật, 29,4% trong số đó là khuyết tật vận động.

Tác giả