Kỹ thuật của Rembrandt từ hợp chất chưa được biết đến

Các nhà khoa học Hà Lan và Pháp mới đây đã khám phá ra bí mật đằng sau kỹ thuật impasto (kỹ thuật vẽ đắp nhiều lớp) đầy sức sống và sáng chói của danh họa Hà Lan Rembrandt.

Bức Susanna (1636) của Rembrandt van Rijn, là mootjtrong số các bức họa có mặt trong nghiên cứu này. Courtesy Mauritshuis, The Hague.

Họ đã công bố kết quả nghiên cứu trên tạp chí Angewandte Chemie International Edition, trong đó nêu một hợp chất có tên gọi plumbonacrite, vốn mới được tìm thấy trong các tác phẩm nghệ thuật thế kỷ 20 và duy nhất một tác phẩm của Vincent van Gogh.

Các họa sỹ thông thường hay sử dụng những màu và dầu vẽ mới để tạo ra nhiều sắc màu rực rỡ, sáng sủa và thú vị. Rembrandt van Rijn không phải trường hợp ngoại lệ. Danh họa Hà Lan này có một điểm đặc biệt: ông không chỉ có kỹ thuật, sự sáng tạo và lao động nghệ thuật mà còn có cả các hợp chất hóa học. Một phân tích mới các tác phẩm của ông chứng tỏ ông đã dùng một hợp chất hiếm trong một số bức tranh, giúp ông tạo ra kỹ thuật impasto mang dấu ấn riêng của mình.

Trước đây, các nhà lịch sử mỹ thuật biết Rembrandt đã từng dùng nhiều hợp chất có sẵn như chì trắng và dầu như dầu lanh để tạo ra các màu sơn mềm nhão mà ông thường “nhồi” vào các lớp dầy để đem đến cho các tác phẩm của ông một hiệu ứng dưới hình thức tương tự không gian ba chiều. Khi trích những màu sơn tí xíu từ ba bức nổi tiếng nhất của ông “Portrait of Marten Soolmans” (1634) tại Rijksmuseum, “Bathsheba” (1654) tại Louvre và “Susanna” (1636) tại Mauitshuis ở Hague để đưa vào phân tích trên tia X tại Trung tâm Máy gia tốc Synchrotron châu Âu ở Grenoble, Pháp thì các nhà nghiên cứu bất ngờ dò được một hợp chất khác: một khoáng chất chì carbonate vẫn gọi là plumbonacrite, Pb5(CO3)3O(OH).

Phát hiện sự hòa trộn “chất mới” trong kỹ thuật impasto của ông gây ngạc nhiên bởi về cơ bản plumbonacrite chỉ được phát hiện trong các tác phẩm thế kỷ 20 trở đi, dẫu cũng từng thấy trong “Wheat Stack under a Cloudy Sky” (1889) của họa sỹ Vincent van Gogh – với màu chì đỏ. Và giờ đây, các nhà nghiên cứu mới biết, trong nửa đầu thế kỷ 17, Rembrandt từng dùng nó để vẽ.

“Chúng tôi không chờ đợi là tìm được nó [trong bức tranh này], vì đây là điều vô cùng khác thường trong các bức vẽ bậc thầy (Old Master painting – những bức vẽ của các họa sỹ châu Âu sống trước thế kỷ 18)”, Victor Gonzalez – tác giả chính của công bố và là nhà nghiên cứu tại Rijksmuseum và trường đại học công nghệ Delft, cho biết.

Vậy hợp chất bất thường này đến từ nơi nào? Sau khi nghiên cứu các văn bản lịch sử và xác định những gì có thể có sẵn cho danh họa thế kỷ 17, các nhà khoa học cho rằng “Rembrandt đã trộn thêm chì ôxít, hay litharge, vào dầu rồi đưa hỗn hợp này thành một loại màu vẽ mềm nhão”, chuyên gia bảo tồn Marine Cotte nói.

“Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy sự hiện diện cả nó không phải là do tai nạn hoặc do ô nhiễm mà là kết quả của một sự tổng hợp có chủ ý”, Gonzalez cho biết thêm.

Thông tin này không chỉ giúp chúng ta hiểu về tác phẩm của Rembrandt mà còn có thể đóng vai trò quan trọng trong việc tìm ra những cách hiệu quả để bảo quản và phục chế các kiệt tác của ông. Nhóm nghiên cứu đang lập kế hoạch tái tạo lớp sơn impasto của Rembrandt và đưa nó vào các môi trường giả lập với không khí có nồng độ CO2 cao và không CO2 nhằm hiểu tốt hơn về những điều kiện khô và ẩm ướt tác động như thế nào tới các màu sơn. Họ cũng hi vọng sẽ xem xét kỹ các bức họa của Rembrandt và các họa sỹ thuộc Thời kỳ hoàng kim của Hà Lan (Dutch Golden Age) để xem là liệu việc sử dụng hợp chất chứa plumbonacrite có rộng rãi hơn họ nghĩ trước đây hay không.

“Chúng tôi đang nghiên cứu với các giả thuyết là Rembrandt có thể sử dụng những công thức “pha chế” khác và đó là nguyên nhân tại sao chúng tôi sẽ nghiên cứu thêm các mẫu từ những bức họa khác của Rembrandt cũng như các danh họa bậc thầy Hà Lan thế kỷ 17, bao gồm Vermeer, Hals, và các họa sỹ cũng liên quan đến Rembrandt,” đồng tác giả Annelies van Loon, một nhà khoa học nghiên cứu về hội họa tại Bảo tàng Rijksmuseum và Royal Picture Gallery Mauritshuis, cho biết.

Đây không phải là bí mật nghệ thuật duy nhất được tia X phát hiện ra trong những năm gần đây. Vào năm 2016, một máy gia tốc synchrotron đã giúp tiết lộ một bức vẽ chưa từng được biết bên dưới bức “Portrait of a lady” của Degas và năm ngoái, các nhà nghiên cứu đã dùng các tia X để thấy Picasso đã vẽ trên toan của một người bạn để tạo ra tác phẩm “Crouching Beggar”.

Thanh Nhàn dịch

Nguồn: https://www.smithsonianmag.com/smart-news/rembrandt-used-secret-ingredient-his-signature-technique-180971292/

 

Tác giả